Rối loạn cương dương là một vấn đề thường gặp ở người cao tuổi, độ tuổi mà mọi chức năng sinh lý đều suy giảm. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều thuốc điều trị rối loạn cương dương được sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu hỗ trợ chức năng sinh lý ở đàn ông lớn tuổi. Vì vậy, để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả trong điều trị, bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ những thông tin liên quan đến thuốc trước khi sử dụng.
1. Rối loạn cường dương
1.1. Thông tin chung
Rối loạn cường dương hay rối loạn cương dương (ED) là việc người đàn ông không có khả năng đạt được hoặc duy trì sự cương cứng trong quá trình giao hợp.
Một số nghiên cứu tại Mỹ cho rằng tình trạng rối loạn cương dương ảnh hưởng đến 52% nam giới từ 40 đến 70 tuổi. Một số nghiên cứu khác cho thấy rối loạn cương dương xảy ra ở 10% nam giới từ 30–39 tuổi, tăng lên 59% nam giới từ 70–79 tuổi.
1.2. Nguyên nhân
- Nguyên nhân sinh lý:
- Lão hóa, hệ miễn dịch suy yếu.
- Sụt giảm lượng hormone Testosterone do tuổi tác.
- Nguyên nhân tâm lý:
- Căng thẳng, stress.
- Lo âu, trầm cảm.
- Mặc cảm về sự thất bại trong quan hệ tình dục.
- Vấn đề trong đời sống vợ chồng.
- Nguyên nhân bệnh lý:
- Đái tháo đường
- Xơ vữa động mạch
- Tăng huyết áp
- Béo phì
- Tăng Cholesterol máu
- Tổn thương dây thần kinh kích thích cương dương.
- Lối sống:
- Uống nhiều bia rượu.
- Sử dụng thuốc lá.
- Lạm dụng các chất gây nghiện.
- Sử dụng thuốc:
- Các thuốc giảm huyết áp như: Lợi tiểu Thiazid, thuốc chẹn beta...
- Thuốc điều trị Parkinson.
- Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim, hoặc các vấn đề về tim khác.
- Thuốc giảm đau như Codeine hay Morphine sử dụng trong hóa trị liệu.
- Các thuốc chống trầm cảm như Sertraline, Nortriptylin...
- Thuốc an thần: Diazepam, Lorazepam...
- Thuốc kháng Histamin H2: Nizatidine, Cimetidin...
2. Các phương pháp điều trị rối loạn cường dương
2.1. Các thuốc cường dương cho người cao tuổi
- Thuốc ức chế Enzym Phosphodiesterase 5 (PDE-5).
- Liệu pháp Testosterone thay thế.
- Thuốc đặt hoặc tiêm vào vật hang dương vật.
2.2. Phẫu thuật
- Phẫu thuật là một phương pháp điều trị khả thi cho nam giới bị rối loạn cương dương điều trị không hiệu quả bằng những phương pháp khác.
2.3. Phương pháp khác
- Liệu pháp tâm lý.
- Thay đổi lối sống, tăng cường luyện tập thể thao.
- Giảm cân.
- Hạn chế rượu bia và thuốc lá.
- Cai nghiện ma túy.
3. Sử dụng thuốc cường dương sao cho an toàn?
Thuốc cường dương là những thuốc có khả năng hỗ trợ dương vật cương cứng đồng thời duy trì trạng thái đó trong một thời gian nhất định. Hiện nay có một số nhóm thuốc dùng để hỗ trợ cường dương với các cơ chế khác nhau.
3.1. Nhóm thuốc ức chế PDE-5
Các thuốc có tác dụng ức chế Enzym Phosphodiesterase 5 (PDE-5) phổ biến hiện nay như: Avanafil (Stendra), Sildenafil (Viagra), Tadalafil (Cialis), Vardenafil (Levitra, Staxyn)...
3.1.1. Chống chỉ định
- Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Tránh dùng đồng thời các thuốc ức chế Enzym Phosphodiesterase 5 (PDE-5).
- Bệnh nhân nam có bệnh lý tim mạch, nên tránh quan hệ tình dục.
- Bệnh nhân có tiền sử đau thắt ngực xảy ra trong khi quan hệ tình dục.
- Bệnh nhân bị đau thắt ngực hay các bệnh lý tim mạch khác đang được điều trị bằng Nitrat hữu cơ ở bất kỳ dạng thuốc nào.
- Bệnh nhân đang sử dụng thuốc ức chế Alpha.
- Bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim mới trong chưa đến 3 tháng.
- Bệnh nhân bị suy tim suy huyết nặng hoặc tai biến mạch máu não mới trong chưa đến 6 tháng.
- Bệnh nhân có huyết áp bất thường, quá cao hoặc quá thấp.
- Bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim không kiểm soát.
3.1.2. Cách sử dụng thuốc
Hiện nay có 2 cách sử dụng thuốc ức chế Enzym Phosphodiesterase 5 (PDE-5):
- Cách thứ nhất: Bệnh nhân được khuyên sử dụng viên thuốc trước khi giao hợp khoảng 1 tiếng. Thuốc ức chế PDE-5 sẽ có tác dụng sau 30 phút và có thể kéo dài từ 10 đến 36 tiếng sau. Đây cũng là cách sử dụng phổ biến nhất hiện nay.
- Cách thứ hai: Bệnh nhân được bác sĩ điều trị kê một liều lượng thuốc sử dụng hằng ngày và được xác định thời gian điều trị phù hợp cho từng đối tượng. Nên đánh giá lại định kỳ sự phù hợp của việc tiếp tục sử dụng thuốc theo đơn hằng ngày.
3.1.3. Thận trọng khi sử dụng thuốc
- Thận trọng khi sử dụng thuốc ức chế Enzym Phosphodiesterase 5 (PDE-5) ở những bệnh nhân có tiền sử hoặc đang bị ung thư tuyến tiền liệt, các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, đau ngực, đột quỵ, rối loạn nhịp.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc ức chế Enzym Phosphodiesterase 5 (PDE-5) ở bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc hạ huyết áp, bệnh nhân suy thận hay suy gan nặng.
- Thận trọng khi sử dụng ở những bệnh nhân có bộ phận sinh dục bất thường, bệnh nhân có bệnh lý dễ gây cương đau dương vật, bệnh thiếu máu hình liềm, đa u tủy hay bệnh bạch cầu cấp.
- Không sử dụng thuốc ức chế Enzym Phosphodiesterase 5 (PDE-5) với các phương pháp điều trị rối loạn cường dương khác.
3.2. Liệu pháp Testosterone thay thế
Các liệu pháp Testosterone thay thế phổ biến hiện nay bao gồm:
- Miếng dán trên da.
- Vật liệu dính trên răng.
- Gel bôi ngoài da.
- Sử dụng các thuốc tiêm bắp hoặc tiêm dưới da.
3.2.1. Chống chỉ định sử dụng liệu pháp Testosterone thay thế:
- Bệnh nhân bị ung thư tiền liệt tuyến.
- Bệnh nhân bị ung thư vú ở nam.
- Bệnh nhân mắc phải chứng ngưng thở lúc ngủ.
- Bệnh nhân bị suy tim sung huyết, đa hồng cầu.
- Bệnh nhân có các vấn đề về đường tiểu nghiêm trọng.
Trước khi sử dụng liệu pháp Testosterone thay thế, người bệnh nên được xét nghiệm mật độ xương thường xuyên, xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tiền liệt tuyến PSA (Prostate Specific Antigen kháng thể đặc hiệu tuyến tiền liệt), kiểm tra nồng độ men gan, nồng độ Testosterone, nồng độ Hematocrit. Ngoài ra, sau khi sử dụng liệu pháp, bên nhân nên được kiểm tra sức khỏe 3 - 6 tháng một lần để đánh giá các tác dụng phụ có thể gặp phải trong thời gian điều trị.
3.2.2. Tác dụng phụ của liệu pháp Testosterone thay thế
Bệnh nhân có thể gặp phải những tác dụng phụ sau khi sử dụng liệu pháp Testosterone thay thế:
- Da mụn hoặc da dầu.
- Sưng hoặc đau vú.
- Sưng mắt cá chân do giữ nước.
- Giảm tần suất đi tiểu.
- Vú to ở nam.
- Ngưng thở khi ngủ hoặc khó thở khi ngủ.
- Co rút tinh hoàn gây giảm kích thước.
- Rụng tóc.
- Tâm trạng lâng lâng, mất kiểm soát.
- Hung hăng và cáu kỉnh.
- Thay đổi nồng độ Cholesterol máu.
- Giảm số lượng tinh trùng.
- Các triệu chứng trên hệ tim mạch như đột quỵ và đau tim.
- Suy giảm chức năng gan.
- Tăng nguy cơ tử vong do các cơn đau thắt ngực.
- Bệnh đa hồng cầu.
- Làm nặng các triệu chứng đường tiết niệu.
- Gãy xương hông do loãng xương
- Tăng trưởng của các tế bào ung thư tuyến tiền liệt
3.3. Thuốc đặt hoặc tiêm vào vật hang dương vật
Thuốc Alprostadil như : Caverject, Edex, Prostin VR. Alprostadil là một loại thuốc tiêm hoặc thuốc đặt dương vật sử dụng để đạt được sự cương cứng.
Alprostadil (hay Prostaglandin E1) là một chất có tác dụng làm giãn cơ trơn thành mạch và giãn mạch. Ở nam giới, Alprostadil giúp giãn các động mạch hang và cơ trơn của thể hang, từ đó giúp máu chảy nhanh qua các tiểu động mạch, đồng thời dòng chảy của tĩnh mạch qua các mạch dưới vòi bị cản lại làm tăng độ cương cứng của dương vật.
Alprostadil có tác dụng mở rộng các mạch máu trong dương vật nhanh chóng, giúp một người đạt được sự cương cứng trong vòng 8–10 phút. Alprostadil là một ví dụ về tiêm vào trong vật hang của dương vật, nhưng các bác sĩ có thể sử dụng hỗn hợp ba loại thuốc gọi là Trimix, bao gồm Alprostadil, Phentolamine và Papaverine.
3.3.1. Chống chỉ định của thuốc Alprostadil:
- Tiền sử quá mẫn với các thuốc có chứa hoạt chất Alprostadil.
- Bệnh nhân bị đa u tủy, bệnh bạch cầu cấp hoặc thiếu máu hồng cầu hình liềm.
- Bệnh nhân có bất thường giải phẫu dương vật như xơ hóa thể hang, bệnh Peyronie hay đau thắt dương vật.
- Bệnh nhân từng cấy ghép dương vật.
- Bệnh nhân không quan hệ tình dục.
- Trẻ em nam.
3.3.2. Tác dụng phụ của thuốc Alprostadil
Sử dụng thuốc với liều cao và kéo dài có thể gặp phải những tác dụng phụ như:
- Thường gặp: Rối loạn dương vật, tăng cương cứng, đau dương vật, bệnh Peyronie, tụ máu tại chỗ tiêm, tụ máu ngoài mạch, co thắt cơ bắp, bầm tím.
- Ít gặp: Nhiễm nấm, cảm lạnh thông thường, ngất xỉu, tăng hoặc giảm cảm giác, giãn đồng tử, rối loạn nhịp nhanh trên thất, xuất huyết tĩnh mạch, hạ huyết áp, giãn mạch, rối loạn mạch ngoại vi, rối loạn tĩnh mạch, buồn nôn, khô miệng, ban đỏ, phát ban, tăng tiết mồ hôi.
- Hiếm gặp: Ngứa, xuất huyết niệu đạo, tiểu gấp, sưng tinh hoàn, đau vùng chậu, tiểu ra máu, tiểu buốt, tiểu lắt nhắt, u tinh bào, thoát vị tinh trùng, sưng tinh hoàn, phù tinh hoàn...
Những thông tin về các thuốc điều trị cường dương cho người cao tuổi như tên thuốc, thành phần, cơ chế tác dụng, cách sử dụng, chống chỉ định, các tác dụng phụ và lưu ý khi sử dụng sẽ giúp cho người bệnh nâng cao được hiệu quả, đồng thời đảm bảo được tính an toàn trong việc điều trị.