Kinh nguyệt ra ít ở tuổi dậy thì là hiện tượng phụ khoa rất thường gặp. Vậy tại sao kinh nguyệt ra ít và làm thế nào để khắc phục hiện tượng này?
1. Thế nào là kinh nguyệt ra ít và thất thường ở tuổi dậy thì?
Rối loạn kinh nguyệt là khái niệm miêu tả chung đối với tất cả những hiện tượng như kinh nguyệt không đều, rong kinh, vô kinh và kinh nguyệt ra ít. Kinh nguyệt ra ít ở tuổi dậy thì là khi lượng kinh bỗng dưng ít hẳn đi so với chu kỳ kinh trong các tháng trước đó và có xu hướng giảm dần đều qua thời gian.
Kinh nguyệt đều và ổn định sẽ khác nhau tùy người, nhưng thường kéo dài trong khoảng từ 28 - 32 ngày, thời gian có kinh dao động trong 3 đến 7 ngày. Lượng máu bình thường bị mất đi trong một kỳ kinh nguyệt là từ 60 - 80ml. Kinh nguyệt ra ít thất thường thì lượng máu kinh mất đi chỉ bằng cỡ một nửa hoặc một phần ba so với các tháng ổn định, cụ thể lượng kinh chỉ dao động từ 20 - 30ml.
Tuy nhiên, thường rất khó để phụ nữ xác định lượng kinh nguyệt giảm đi trong mỗi tháng. Để biết kinh nguyệt giảm đi bao nhiêu, chị em có thể dựa vào số ngày “đèn đỏ” và lượng máu thấm ra. Nếu số ngày kinh quá ít (chỉ từ 2 ngày đến 3 ngày) hoặc lượng máu thấm ra băng vệ sinh quá ít thì rất có thể là biểu hiện của kinh nguyệt ra ít và thất thường.
Ngoài ra, màu máu kinh cũng phản ánh hiện tượng kinh nguyệt có thất thường hay không. Thông thường, kinh nguyệt sẽ ra nhiều trong những ngày đầu và có màu đỏ, đến khi gần hết sẽ chuyển sang màu đỏ sậm, hơi nâu một chút. Nếu kinh nguyệt ra ít, có màu nâu hoặc nâu đen thì đó là hiện tượng bất thường, cần được xem xét, thăm khám và tìm ra nguyên nhân chính xác.
Lưu ý: Nếu thấy kinh nguyệt ra ít và có màu nâu đen, nhưng kéo dài liên tục nhiều ngày thì lại là dấu hiệu của hiện tượng rong kinh.
Trắc nghiệm: Sự hiểu biết của bạn về kinh nguyệt
Kinh nguyệt có vai trò quan trọng đối với sức khỏe sinh sản, do đó nữ giới cần chủ động trang bị kiến thức để theo dõi và kiểm soát tình trạng sức khỏe. Bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về chu kỳ kinh nguyệt của bản thân.2. Tại sao kinh nguyệt ra ít?
Kinh nguyệt gây ra nhiều bất tiện cho phái nữ nhưng sự có mặt của chúng là vô cùng quan trọng đối với sức khỏe nói chung và hệ sinh sản nói riêng. Khi kinh nguyệt xuất hiện, chứng tỏ người con gái đã đến tuổi dậy thì và có khả năng sinh sản. Kinh nguyệt ra ít thường là báo hiệu cho thấy cơ thể đang bất ổn. Cụ thể, dưới đây là những ảnh hưởng của kinh nguyệt ra ít ở tuổi dậy thì:
- Do thường xuyên gặp phải căng thẳng, lo lắng, tâm lý bất ổn, cơ thể mệt mỏi, chế độ ăn uống thất thường;
- Việc thiếu hụt một số vitamin cần thiết liên quan đến nhu cầu hoạt động của cơ quan sinh dục nữ cũng dẫn đến kinh nguyệt ra ít ở tuổi dậy thì;
- Do chức năng của cơ quan sinh dục ở trẻ vị thành niên chưa hoàn thiện;
- Rối loạn ở tuyến dưới đồi và tuyến yên: Đây là hai vùng có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển của buồng trứng, nơi tiết ra nội tiết tố estrogen và progesterone. Do đó, khi 2 vùng này bị rối loạn, có thể khiến cho cấu tạo của lớp niêm mạc tử cung bị thay đổi, dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt ra ít ở tuổi dậy thì hoặc một số rối loạn kinh nguyệt khác;
- Do mắc phải các bệnh lý về buồng trứng: Thường gặp nhất là hội chứng buồng trứng đa nang;
- Do màng tử cung bong ra bất thường ở các bệnh lý như viêm cổ tử cung, u xơ tử cung...
3. Cách khắc phục kinh nguyệt ra ít ở tuổi dậy thì
Khi mới bước vào tuổi dậy thì và bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt, các bé gái cần chú ý hơn trong việc chăm sóc cơ thể, đặc biệt là vùng kín. Những lời khuyên sau đây có thể giúp tránh tình trạng kinh nguyệt ra ít và thất thường ở tuổi dậy thì:
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh đồ ăn cay nóng;
- Uống đủ nước. Mỗi ngày cần uống ít nhất 1.5 - 2 lít nước. Hạn chế sử dụng các loại đồ uống có chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê...;
- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, vừa sức, tránh tình trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài;
- Hàng ngày vệ sinh vùng kín sạch sẽ và đúng cách. Không thụt rửa sâu vào bên trong âm đạo;
- Giữ vùng kín luôn khô ráo, thoáng mát;
- Thay quần lót 1 - 2 lần/ ngày. Lựa chọn loại quần lót phù hợp kích cỡ;
- Trong các ngày nguyệt san, cần thay băng vệ sinh mỗi 4 - 6 tiếng. Không lạm dụng loại băng vệ sinh hàng ngày.
Ngay khi nhận thấy dấu hiệu bất thường ở vùng kín, đặc biệt là kinh nguyệt ra ít thất thường kèm theo các triệu chứng như đau bụng dữ dội, mệt mỏi... chị em cần đến bệnh viện để được thăm khám, xác định chính xác nguyên nhân và có hướng xử trí phù hợp, kịp thời, tránh ảnh hưởng đến khả năng có thai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.