Dấu hiệu tắc vòi trứng thường không rõ ràng cho đến tuổi sinh sản và để lại nhiều biến chứng cho người bệnh. Để giải quyết vấn đề này, cần phải can thiệp y tế kịp thời, bao gồm việc thăm khám và điều trị từ các chuyên gia y khoa.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa Sức khỏe phụ nữ tại Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec Times City.
1. Tắc vòi trứng là gì?
Tắc vòi trứng là một trong những vấn đề phụ khoa phổ biến ảnh hưởng đến phụ nữ, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về bệnh lý này.
Vòi dẫn trứng hoặc ống dẫn trứng là hai cấu trúc quan trọng trong hệ thống sinh sản nữ giới. Bộ phận này là hai ống cơ được lót bằng niêm mạc có lông mỏng manh nằm hai bên tử cung, chịu trách nhiệm vận chuyển trứng từ buồng trứng đến tử cung và cho phép tinh trùng tiếp cận trứng để thụ tinh.
Nếu ống dẫn trứng bị tổn thương do phẫu thuật hoặc nhiễm trùng, tắc vòi trứng có thể xảy ra do tắc nghẽn bởi mô sẹo, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của phụ nữ.
2. Dấu hiệu tắc vòi trứng
Bên cạnh tìm hiểu tắc vòi trứng là gì, bệnh nhân cũng cần biết các dấu hiệu tắc vòi trứng sau để thăm khám kịp thời.
Vòi trứng, kết nối tử cung với buồng trứng, đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh sản. Vì thế, dấu hiệu tắc vòi trứng dễ nhận thấy nhất là khó thụ thai. Thông thường, bác sĩ có thể xác định tình trạng này sau một năm bệnh nhân cố gắng thụ thai mà không thành công. Nếu cả hai vòi trứng bị tắc, phụ nữ có thể bị vô sinh hiếm muộn.
Trong một số trường hợp, dấu hiệu tắc vòi trứng có thể gây đau ở vùng chậu hoặc ổ bụng, xảy ra thường xuyên trong kỳ kinh nguyệt với biểu hiện như thống kinh hoặc đau liên tục.
Đôi khi, tắc vòi trứng có thể dẫn đến tình trạng mang thai ngoài tử cung khi trứng bị mắc kẹt và đã được thụ tinh. Tình trạng này không gây ra triệu chứng rõ ràng nên thường thấy khi bệnh nhân siêu âm. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể trải qua những dấu hiệu tắc vòi trứng khác như trễ kinh, đau bụng và ra máu âm đạo bất thường thì nên tìm kiếm chăm sóc y tế ngay lập tức.
3. Nguyên nhân gây tắc vòi trứng là gì?
Nhận biết dấu hiệu tắc vòi trứng có thể khá khó khăn. Do hai ống dẫn trứng có nhu động nội tại, không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra nếu chúng bị tắc. Hiểu biết được các nguyên nhân gây tắc vòi trứng là gì cũng giúp chị em phụ nữ có cách phòng ngừa hiệu quả hơn.
Tắc vòi trứng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
- Tiền sử nhiễm trùng vùng chậu.
- Từng can thiệp phẫu thuật với ống dẫn trứng trong quá khứ.
- Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu hoặc chlamydia.
- Lạc nội mạc tử cung, tình trạng mà niêm mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung.
- Tiền sử phẫu thuật bụng làm tổn thương, viêm nhiễm cổ tử cung hoặc nạo phá thai nhiều lần.
- Tụ dịch trong phần cuối của ống dẫn trứng.
- Thói quen vệ sinh vùng kín không đúng cách, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phụ khoa, gây viêm tử cung, viêm vùng chậu, viêm lộ tuyến cổ tử cung,... Vi khuẩn thường lan ra và tắc hẹp ống dẫn trứng.
- Tắc vòi trứng bẩm sinh: Một số trường hợp bé gái được sinh ra với tình trạng khiếm khuyết hoặc mất hoàn toàn ống dẫn trứng.
4. Cách chẩn đoán
Nhận biết dấu hiệu tắc vòi trứng là không dễ dàng vì hai vòi trứng những nhu động nội tại. Do đó, khó có thể biết chắc liệu các biểu hiện đó là do tắc vòi trứng hay chỉ là phản ứng bình thường sau khi vòi trứng đóng lại.Trong thực tế, có ba xét nghiệm quan trọng được sử dụng để chẩn đoán tắc vòi trứng:
- Chụp X-quang vòi trứng buồng tử cung với cản quang: Bác sĩ sẽ tiêm một chất nhuộm vô hại vào tử cung, chất này sẽ chảy qua ống dẫn trứng và tạo ra hình ảnh có thể nhìn thấy trên phim X-quang. Nếu chất lỏng không chảy qua ống dẫn trứng, đó có thể là dấu hiệu tắc nghẽn.
- Siêu âm phần phụ: Siêu âm sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của ống dẫn trứng.
- Nội soi ổ bụng: Bác sĩ sẽ thực hiện một ca phẫu thuật nhỏ để đưa một thiết bị camera nhỏ vào bên trong cơ thể và chụp lại hình ảnh của ống dẫn trứng. Mặc dù nội soi ổ bụng có độ chính xác cao nhưng không thường được khuyến khích sử dụng như một phương tiện chẩn đoán sớm vì cách thức xâm lấn và không thể điều trị được vấn đề.
Ngoài ra, việc chẩn đoán tắc vòi trứng cũng phụ thuộc vào bệnh sử của bệnh nhân. Ví dụ, một phụ nữ có tiền sử vỡ ruột thừa có thể gặp khó khăn trong việc thụ thai, có thể là dấu hiệu của tắc vòi trứng.
5. Cách điều trị tắc vòi trứng là gì?
Chỉ có can thiệp ngoại khoa mới có thể khắc phục được tình trạng tắc vòi trứng, nhưng điều này phụ thuộc vào mức độ sẹo hẹp và vị trí tắc nghẽn.
Quá trình phẫu thuật nhằm mở rộng ống dẫn trứng có thể thực hiện bằng các phương pháp sau:
- Loại bỏ sẹo.
- Tạo ra một lỗ mới ở bên ngoài ống dẫn trứng.
- Mở rộng ống dẫn trứng từ bên trong.
Dù là phương pháp nào, phẫu thuật mở rộng ống dẫn trứng cũng có thể gây ra các biến chứng tiềm ẩn như mọi cuộc phẫu thuật khác, bao gồm:
- Nhiễm trùng.
- Gây ra thêm sẹo.
- Tổn thương cho các cơ quan lân cận.
- Chảy máu trong ổ bụng.
- Mang thai ngoài tử cung: khi trứng đã thụ tinh bị mắc kẹt bên ngoài tử cung, thường là trong ống dẫn trứng tại vị trí bị tắc nghẽn. Nếu phôi thai phát triển và lớn lên tại vị trí này, có thể gây ra biến chứng vòi trứng vỡ và các vấn đề nghiêm trọng hơn. Do đó, sau phẫu thuật tắc vòi trứng, nếu phát hiện có thai, phụ nữ cần đi kiểm tra ngay để xác định liệu thai ngoài tử cung có tồn tại hay không.
Tóm lại, khi thụ thai khó khăn, phụ nữ nên cân nhắc khả năng đó có thể là dấu hiệu tắc vòi trứng. Tuy nhiên, sức khỏe sinh sản của bệnh nhân vẫn được đảm bảo nếu chỉ một ống dẫn trứng bị ảnh hưởng hoặc sẹo nội mô là tối thiểu. Do đó, nếu có thắc mắc về tình trạng tắc vòi trứng là gì, phụ nữ nên đi kiểm tra để xem xét liệu phẫu thuật điều trị tắc vòi trứng hay các biện pháp hỗ trợ sinh sản có phù hợp không.
6. Lưu ý khi bị tắc vòi trứng là gì?
Theo các chuyên gia y tế, khi gặp dấu hiệu tắc vòi trứng, người bệnh cần chú ý đến những điều sau:
- Vệ sinh vùng kín: Duy trì sạch sẽ vùng kín, đặc biệt là trong các tình huống như kỳ kinh, sau sảy thai hoặc sau khi thực hiện các thủ thuật liên quan đến vùng kín.
- Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi: Hạn chế sử dụng các loại đồ uống có cồn, có gas, đồ cay nóng và các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá,... Thay vào đó, ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Đồng thời, duy trì một chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
- Tâm lý thoải mái: Luôn giữ tinh thần thoải mái, ổn định để giảm căng thẳng và stress.
- Tập thể dục đều đặn: Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga, thiền... để cải thiện sức khỏe và tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Quan hệ tình dục lành mạnh: Duy trì một mối quan hệ tình dục lành mạnh và khoa học để giảm nguy cơ viêm nhiễm vòi trứng và các bệnh lý phụ khoa khác.
- Điều trị: Tìm kiếm điều trị và thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để giảm thiểu các biến chứng có thể xảy ra khi gặp tắc vòi trứng.
Hiểu và nắm rõ về tắc vòi trứng là gì là một cách hữu ích giúp phụ nữ tự chăm sóc sức khỏe sinh sản của mình. Điều này bao gồm việc thực hiện các cuộc kiểm tra định kỳ hoặc đi kiểm tra ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.