Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Nạo sảy thai có thể gây tổn thương cổ tử cung, thủng tử cung, chảy máu nhiều, viêm nhiễm... nếu người thực hiện thủ thuật quá thô bạo hoặc dụng cụ nạo không được vô trùng cẩn thận. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vô sinh ở người phụ nữ.
1. Nạo sảy thai là gì?
Sảy thai là điều mà chị em phụ nữ không hề mong muốn, tuy nhiên trong một số trường hợp do ngoài ý muốn (gặp sự cố), hay do thai nhi (bất thường nhiễm sắc thể), do phía người mẹ (viêm nhiễm, nội tiết, yếu tố môi trường tác động, tử cung dị dạng...) nên việc sảy thai xảy ra.
Khi sảy thai, việc nạo sảy thai là một trong những phương pháp nhanh nhất để lấy hết phần thai và rau tránh chảy máu và nhiễm khuẩn sau khi thai đã sảy cho người phụ nữ. Phương pháp này được thực hiện bằng các dụng cụ chuyên dụng và tỉ lệ thành công gần 100%.
- Phương pháp này thực hiện khi thai sắp sảy, đang sảy và đã sảy, cổ tử cung xóa gần hết, gây chảy máu
- Chống chỉ định khi sảy thai do nhiễm khuẩn, sảy thai băng huyết, tụt huyết áp.
2. Một số tai biến khi nạo sảy thai
2.1. Thủng tử cung
Thủng tử cung là một trong những biến chứng nạo sảy thai. Trường hợp này có thể xảy ra trong trường hợp nong cổ tử cung hoặc khi nạo sảy thai do việc phải dùng dụng cụ bằng kim loại vào tử cung để thực hiện thủ thuật.
Xử trí:
- Để biết chính xác mức độ thủng thế nào, bác sĩ sẽ cần phải siêu âm và nội soi cẩn thận.
- Trong khi khi nạo người bệnh đau, máu âm đạo ra nhiều thì phải dùng thước đo thăm dò lại buồng tử cung xem có thủng tử cung không.
- Trường hợp lỗ thủng nhỏ, mạch, huyết áp ổn định và không nhiễm khuẩn có thể điều trị nội khoa.
- Nếu lỗ thủng to hoặc có dấu hiệu chảy máu trong cần phẫu thuật khâu lỗ thủng hay cắt tử cung tuỳ theo tổn thương.
2.2. Chảy máu
Dù là dùng thuốc gây tê hay thuốc gây mê khi nạo sảy thai thì khả năng xuất huyết là ngang nhau.
Xử trí:
- Nếu ra máu nhiều dùng thuốc co hồi tử cung.
- Kiểm tra lại buồng tử cung đề phòng thủng, sót rau, tử cung co hồi kém hoặc chảy máu ở cổ tử cung nơi kẹp kìm Pozzi.
2.3. Sốc vagal
Xảy ra khi không thực hiện thuốc chống sốc, không giảm đau tốt hoặc thực hiện thủ thuật quá mạnh.
Xử trí:
- Sốc kèm theo khó thở, tím tái, mạch nhanh, huyết áp giảm, phải ngưng ngay thủ thuật để chống sốc.
2.4. Sót nhau
Nếu sau khi nạo sảy thai bị sót nhau thì thủ thuật nạo bỏ thai đó là chưa thành công. Trường hợp bị sót nhau sẽ gây ra rong huyết, tử cung không co lại. Có thể phát hiện sót nhau qua siêu âm và phải can thiệp kịp thời để không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Xử trí:
- Siêu âm để đánh giá lại xem có sót nhau không;
- Nếu sót nhau thì phải nạo lại.
2.5. Nhiễm khuẩn
Nhiễm trùng thường là hậu quả do khâu kỹ thuật vô trùng không được cẩn thận. Các biến chứng nhiễm trùng có thể có những dấu hiệu ra bên ngoài như sốt, đau ở tử cung,...
Xử trí:
- Đối với những biến chứng do nhiễm trùng thì hầu hết các trường hợp đều dùng kháng sinh để điều trị.
- Nếu nghi ngờ sót nhau thì nạo lại khi đã hết sốt.
3. Chăm sóc sau nạo sảy thai
Sau khi nạo sảy thai, cần lưu ý uống thuốc theo đơn và tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ
- Sau khi nạo sảy thai tại cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ yêu cầu nghỉ ngơi tại chỗ từ 1 - 6 giờ.
- Sau khi nạo sảy thai có thể có ra máu âm đạo và đau bụng dưới giống như đau bụng khi có kinh nguyệt, hiện tượng này là bình thường. Khi đó bạn cần dùng băng vệ sinh hoặc khăn vải xô để thấm máu
- Uống thuốc theo đơn và tái khám đúng lịch của bác sĩ.
- Vệ sinh thân thể và bộ phận sinh dục bằng nước ấm sạch. Có thể dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ có nguồn gốc từ thảo dược, dịu nhẹ.
- Thay băng vệ sinh ít nhất từ 3 đến 4 lần trong một ngày.
- Không thụt rửa âm đạo hoặc cho bất cứ vật gì vào âm đạo.
- Không quan hệ tình dục đến khi hết ra máu âm đạo, ít nhất là 2 - 3 tuần sau nạo sảy thai.
- Nghỉ ngơi, không làm việc nặng từ 2 - 4 tuần.
- Ăn uống bồi dưỡng bồi bổ lại sức khỏe, không kiêng khem quá mức.
- Nên giữ một tinh thần thoải mái nhất, nhanh chóng loại bỏ nỗi đau cũ để chuẩn bị tâm lý ở lần mang thai sau được an toàn nhất có thể.
Khi có biểu hiện bất thường như đau nhiều ở bụng dưới, đau cơ, bụng ấn đau, sốt hoặc thấy ớn lạnh, ra máu kéo dài hơn 10 ngày, âm đạo tiết ra nhiều khí hư có mùi hôi,... thì cần đến cơ sở y tế khám ngay.
4. Khi nào thì nên có thai lại?
Người mẹ nên có thai lại sau ít nhất 3 đến 6 tháng sau khi nạo sảy thai
Theo khuyến cáo, sau khi nạo sảy thai hay sảy thai sớm, người mẹ nên chờ ít nhất từ 3 đến 6 tháng để cơ thể phục hồi hoàn toàn trước khi có thai trở lại.
Lúc này, cơ thể của mẹ cần có thời gian hồi phục, lớp niêm mạc của dạ con phải khỏe lại để sẵn sàng cho một giai đoạn thai kỳ mới. Bên cạnh đó, đây cũng là quãng thời gian giúp các cặp vợ chồng bình tĩnh, quên đi nỗi đau buồn mất con, để chuẩn bị tinh thần tốt nhất cho lần mang thai tiếp theo.
Một khi bạn đã chuẩn bị về mặt tinh thần lẫn thể chất để mang thai lại lần nữa sau khi sảy thai, hãy gặp bác sĩ để được những lời khuyên tốt nhất.
Trong trường hợp có thai ngoài ý muốn khi vừa nạo sảy thai, để an toàn mẹ bầu nên chăm chút cho bản thân nhiều hơn bằng cách bổ sung dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, củng cố tinh thần và thăm khám đều đặn theo lịch của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.