Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hồng Liên - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Mạch máu tiền đạo là biến chứng hiếm gặp trong thai kỳ với tỷ lệ mắc chỉ 4/10.000 ca. Tuy nhiên, đây là biến chứng rất nguy hiểm có thể cướp đi sinh mạng của trẻ sơ sinh nếu không được chẩn đoán, can thiệp điều trị kịp thời.
1. Mạch máu tiền đạo là gì?
Mạch máu tiền đạo (tên tiếng Anh: Vasa Previa) là hiện tượng các mạch máu cuống rốn của thai nhi chạy ngang qua hoặc nằm gần với lỗ mở của cổ tử cung. Các mạch máu này nằm trong màng, không được bảo vệ bởi nhau thai hay dây rốn nên mạch máu tiền đạo rất dễ bị vỡ, khiến thai nhi mất một lượng máu lớn. Nếu tình trạng chảy máu nghiêm trọng xảy ra, thai nhi có thể tử vong và sản phụ có thể gặp nguy hiểm tới tính mạng.
Đây là một tai biến sản khoa hiếm gặp với tỷ lệ chỉ 1,5 - 4/10.000 ca. Theo thống kê, có tới 56% trường hợp vỡ mạch máu tiền đạo không được chẩn đoán sớm trước khi chuyển dạ, dẫn tới thai chết lưu.
Về cơ chế gây tai biến: Bình thường, mạch máu nuôi thai nhi được bảo vệ bởi chất thạch Wharton nằm trong dây rốn. Tuy nhiên, mạch máu tiền đạo không được nâng đỡ bởi chất thạch này hoặc mạch máu tiền đạo dính chặt vào lớp màng đệm bên trên, rất dễ bị rách khi vỡ ối tự nhiên hoặc bấm ối. Nguy hiểm hơn, máu chảy từ mạch máu tiền đạo là máu của thai nhi nên có thể đe dọa tới tính mạng của trẻ nếu không can thiệp cấp cứu kịp thời.
Tuy nhiên, nếu tình trạng mạch máu tiền đạo được phát hiện trong thai kỳ thì cơ hội sống sót của thai nhi có thể tăng lên tới 97%. Dù vậy, trẻ vẫn có thể gặp phải các biến chứng do sinh non như nhẹ cân hoặc phổi kém phát triển.
2. Nguyên nhân gây mạch máu tiền đạo
Các nguyên nhân gây mạch máu tiền đạo như sau:
- Sa dây rốn: Là tình trạng dây rốn đi vào màng, khiến các mạch máu không được bảo vệ bởi nhau thai;
- Nhau thai chia làm 2 mảnh: Các mạch máu không được bảo vệ ở nơi giao nhau giữa 2 thùy;
Ngoài ra, các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mạch máu tiền đạo như: Mang đa thai, tiền sử sinh mổ, thụ tinh trong ống nghiệm, nhau bám thấp hay nhau tiền đạo, nhau cài răng lược ,tiền sử nong nạo, đã từng phẫu thuật tử cung trước đó.
3. Triệu chứng mạch máu tiền đạo
Tình trạng mạch máu tiền đạo thường ít có triệu chứng ban đầu và chỉ được phát hiện khi sản phụ chuyển dạ. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cảnh báo tình trạng này mà thai phụ không nên bỏ qua:
- Chảy máu âm đạo không đau: Do vỡ mạch máu thai nhi trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu gặp phải hiện tượng này, bà bầu có thể thấy máu có màu sẫm, đỏ tía vì máu của thai nhi có lượng oxy thấp hơn so với máu của mẹ;
- Nhịp tim thai chậm bất thường khi các mạch máu bị vỡ, bắt đầu chảy máu.
4. Chẩn đoán hiện tượng mạch máu tiền đạo
Mạch máu tiền đạo có thể được chẩn đoán bằng cách siêu âm đầu dò kết hợp với siêu âm Doppler. Bác sĩ khuyến nghị thực hiện siêu âm mạch máu tiền đạo cho các thai phụ có nguy cơ cao đặc biệt các bà mẹ được chẩn đoán có nhau cài răng lược hoặc có các dấu hiệu cảnh báo mắc phải hiện tượng này. Chẩn đoán sớm sẽ giúp bác sĩ có biện pháp can thiệp kịp thời, đảm bảo trẻ được sinh ra an toàn và khỏe mạnh, giảm nguy cơ tai biến cho bà mẹ.
5. Phương pháp điều trị mạch máu tiền đạo
Không có biện pháp ngăn chặn tình trạng mạch máu tiền đạo nhưng sản phụ có thể phòng ngừa các tai biến của bệnh nếu khám thai định kỳ, chẩn đoán và điều trị kịp thời trước sinh. Việc theo dõi và điều trị bao gồm:
- Siêu âm thường xuyên để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi, đảm bảo mạch máu không bị vỡ hay chảy máu;
- Để vùng chậu được nghỉ ngơi, không nên quan hệ tình dục, không đặt bất cứ thứ gì vào âm đạo trừ khi siêu âm. Đồng thời, thai phụ nên nghỉ ngơi nhiều, tránh làm việc hoặc vận động quá sức;
- Nhập viện khi được 30 - 32 tuần để theo dõi chặt chẽ sức khỏe của mẹ và bé;
- Có thể sử dụng thuốc steroid để giúp phổi của trẻ trưởng thành nhanh hơn nếu cần cho bé sinh sớm;
- Sử dụng thuốc chống co thắt để ức chế quá trình chuyển dạ;
- Bác sĩ thường chỉ định sinh mổ chủ động khi trẻ được 35 - 36 tuần trước khi vỡ ối. Nguyên nhân vì nếu màng ối bị vỡ một cách tự nhiên thì mạch máu chắc chắn sẽ bị vỡ, gây nguy hiểm cho trẻ. Tuy nhiên, nếu chủ động sinh mổ, bác sĩ có thể điều chỉnh vị trí mổ phù hợp với vị trí của nhau thai và mạch máu, đảm bảo an toàn của trẻ.
Với trường hợp không phát hiện mạch máu tiền đạo trước sinh, khi bị vỡ ối kèm máu đỏ tươi, cần cân nhắc khả năng vỡ mạch máu tiền đạo và xử trí mổ khẩn cấp.
6. Chăm sóc phụ nữ mang thai bị mạch máu tiền đạo
- Chăm sóc trước sinh: Thai phụ được chẩn đoán phát hiện mạch máu tiền đạo cần nghỉ ngơi hoàn toàn trên giường, đặc biệt là trong 3 tháng cuối thai kỳ. Ngoài ra, bà bầu cần uống thuốc ức chế chuyển dạ để ngăn chặn các cơn co tử cung, kết hợp siêu âm thường xuyên để đảm bảo dây rốn không chèn ép, dùng thuốc steroid để kích thích phổi của trẻ phát triển nhanh;
- Chăm sóc trong thời gian chuyển dạ: Bác sĩ sẽ đề nghị sinh mổ ở tuần thứ 35 - 36 của thai kỳ để tránh các cơn co thắt tử cung làm vỡ các mạch máu dây rốn. Nếu vỡ mạch máu, trẻ bị mất nhiều máu, cần được truyền máu ngay lập tức;
- Chăm sóc sau khi sinh: Trẻ sơ sinh cần được kiểm tra ngay lập tức, có thể phải truyền máu. Đồng thời, sản phụ cũng được kiểm tra để xác định xem có dấu hiệu xuất huyết hay không.
Mạch máu tiền đạo nếu được chẩn đoán sớm sẽ có lựa chọn can thiệp điều trị phù hợp, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, các trường hợp có nguy cơ cao hoặc nghi ngờ mạch máu tiền đạo nên thực hiện siêu âm để tầm soát, chẩn đoán trước sinh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.