Loại bỏ ống dẫn trứng sẽ làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi: Bác sĩ Nguyễn Chí Quang, Bác sĩ Sản phụ, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Central Park. Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa.

Ung thư buồng trứng là căn bệnh nguy hiểm, thường được phát hiện ở giai đoạn muộn dẫn đến khó điều trị. Do đó y học ngày nay có xu hướng tập trung vào cách phòng ngừa căn bệnh ung thư khó chữa này. Vậy cắt 1 bên ống dẫn trứng làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng không?

1. Ống dẫn trứng và ung thư buồng trứng

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã khám phá ra rằng nhiều trường hợp ung thư buồng trứng thậm chí không xuất phát từ buồng trứng, thay vào đó một phần nguyên nhân lại thực sự phát sinh từ các tế bào trong vòi trứng. Chính điều này đã mang tới hy vọng loại bỏ ống dẫn trứng có thể ngăn ngừa được ung thư buồng trứng, kể cả trước khi tế bào ung thư xuất hiện.

Thủ thuật cắt ống dẫn trứng (salpingectomy) được xem như một biện pháp đầy hứa hẹn để cứu sống những phụ nữ mắc phải dạng ung thư buồng trứng ác tính và nguy hiểm nhất - ung thư buồng trứng bắt nguồn từ vòi trứng.

Trong khi ung thư thanh dịch buồng trứng mức độ nặng được cho là bắt đầu từ ống dẫn trứng, các dạng ung thư buồng trứng còn lại có thể hình thành ở chính buồng trứng hoặc những vị trí khác trong cơ thể. Bởi vì vẫn chưa thể chắc chắn có bao nhiêu loại ung thư buồng trứng thực sự bắt đầu trong các vòi trứng, do đó biện pháp ngăn chặn ung thư buồng trứng bằng cách loại bỏ cả hai hoặc cắt một bên ống dẫn trứng cũng không thể đạt hiệu quả tuyệt đối.


Nhiều trường hợp ung thư buồng trứng thậm chí không xuất phát từ buồng trứng, thay vào đó một phần nguyên nhân lại thực sự phát sinh từ các tế bào trong vòi trứng
Nhiều trường hợp ung thư buồng trứng thậm chí không xuất phát từ buồng trứng, thay vào đó một phần nguyên nhân lại thực sự phát sinh từ các tế bào trong vòi trứng

2. Phẫu thuật cắt ống dẫn trứng khi nào?

Phẫu thuật loại bỏ ống dẫn trứng có tên tiếng anh là salpingectomy. Theo các số liệu thống kê vào năm 2008, chỉ có 1/250 trường hợp phụ nữ muốn triệt sản chọn biện pháp tháo cả 2 vòi trứng hoặc cắt một bên ống dẫn trứng, tại thời điểm đó thắt ống dẫn trứng hoặc đốt điện vẫn đang được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên phẫu thuật tháo ống dẫn trứng ngày càng trở nên phổ biến hơn, chiếm 1/3 trong tổng số ca thực hiện triệt sản vào năm 2011.

Bác sĩ lâm sàng cần thảo luận thảo luận với bệnh nhân về những rủi ro và lợi ích của việc cắt bỏ vòi trứng để giảm nguy cơ ung thư buồng trứng. Cụ thể, phụ nữ nên cân nhắc đến thủ thuật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Đã lên kế hoạch cắt tử cung nhưng không muốn loại bỏ buồng trứng vì lo ngại mãn kinh sớm và các nguy cơ sức khỏe khác;
  • Mong muốn triệt sản vĩnh viễn. Trong khi tháo vòi trứng và thắt ống dẫn trứng đều mang đến hiệu quả tránh thai như nhau, thì cắt ống dẫn trứng còn có khả năng làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng;
  • Có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú, và đã được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng dự phòng, phẫu thuật vùng bụng hoặc chậu hông;
  • Phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư thanh dịch buồng trứng mức độ nặng và tăng triển nên cân nhắc phẫu thuật tháo bỏ vòi trứng, bởi đây chính là yếu tố nguy cơ tiềm năng nhất.

Tóm lại, quyết định cắt một bên ống dẫn trứng hoặc cả 2 cùng lúc với phẫu thuật đã đề xuất phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm nguy cơ cá nhân đối với bệnh ung thư buồng trứng cũng như lợi ích của việc loại bỏ vòi trứng. Tuy nhiên, các bác sĩ phẫu thuật vẫn nên ưu tiên lựa chọn hình thức phẫu thuật phù hợp và ít xâm lấn nhất cho bệnh nhân. Không nên cố tình thay đổi loại phẫu thuật mà bệnh nhân đã lựa chọn chỉ vì “lợi ích lý thuyết của phẫu thuật cắt bỏ ống dẫn trứng".

3. Cân nhắc lợi ích khi cắt ống dẫn trứng

Ngày càng có nhiều dữ liệu chứng minh lợi ích tiềm năng của biện pháp ngăn ngừa ung thư buồng trứng bằng cách loại bỏ các ống dẫn trứng. Một nghiên cứu y khoa cho thấy tháo cả hai vòi trứng có thể làm giảm 42 - 78% nguy cơ ung thư buồng trứng. Tương tự, một phân tích tổng hợp khác cũng đã phát hiện ra rằng việc loại bỏ cả hai ống dẫn trứng cùng lúc với phẫu thuật cắt bỏ tử cung sẽ làm giảm 1/2 nguy cơ ung thư buồng trứng ở phụ nữ.

Hiện nay vẫn chưa xác định được rủi ro dài hạn của việc cắt bỏ ống dẫn trứng. Nhưng trong ngắn hạn, ngoài mang đến lợi ích ngăn ngừa ung thư buồng trứng, phẫu thuật cắt bỏ vòi trứng cũng không tạo ra thêm nguy cơ đáng kể cho bệnh nhân, cụ thể:

  • Không tốn thêm nhiều thời gian cho phẫu thuật đã được chỉ định;
  • Không làm tăng các biến chứng trong phẫu thuật;
  • Không kéo dài thời gian hồi phục hậu phẫu.

Việc xem xét loại bỏ ống dẫn trứng cần phải được cân nhắc với nguy cơ ung thư buồng trứng. Nếu bác sĩ xác định bệnh nhân có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng thấp, tháo cả 2 vòi trứng hoặc cắt 1 bên ống dẫn trứng có thể không cần thiết vẫn chưa rõ hậu quả lâu dài. Nhưng đối với người có nguy cơ cao, ví dụ tiền sử gia đình đã căn bệnh này, bệnh nhân có thể chọn cách tháo ống dẫn trứng khi đang dự định phẫu thuật vùng hông chậu hoặc thắt ống dẫn trứng. Nếu một phụ nữ muốn triệt sản vĩnh viễn hoặc cắt tử cung, ít nhất nên thảo luận với bác sĩ về việc liệu có nên tháo bỏ vòi trứng luôn hay không.


Nên cân nhắc lợi ích khi cắt ống dẫn trứng
Nên cân nhắc lợi ích khi cắt ống dẫn trứng

4. Hậu quả và rủi ro khi cắt ống dẫn trứng

Vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc tháo ống dẫn trứng có gây ra hậu quả hoặc các vấn đề sức khỏe khác hay không.

4.1. Liên hệ từ rủi ro cắt bỏ buồng trứng

Biện pháp cắt bỏ buồng trứng mà một số phụ nữ tiến hành để ngăn ngừa ung thư buồng trứng đã từng được xem là một cách hiệu quả để phòng chống đa số loại ung thư đường sinh dục của phụ nữ. Nhưng buồng trứng giữ vai trò sản xuất các hormone quan trọng, giúp bảo vệ phụ nữ chống lại các vấn đề sức khỏe, do đó việc cắt bỏ các cơ quan này có thể gây ra tác dụng phụ, chẳng hạn như:

  • Mắc bệnh tim mạch;
  • Ung thư phổi;
  • Đột quỵ;
  • Mất trí nhớ.

Do đó, ngoại trừ trường hợp bắt buộc, không nên phẫu thuật cắt buồng trứng vì phụ nữ có thể phải đánh đổi bằng rủi ro tình trạng sức khỏe trở nên nguy hiểm hơn trong tương lai. Điều tương tự cũng có thể đúng đối với thủ thuật loại bỏ 2 vòi trứng hoặc cắt 1 bên ống dẫn trứng.

4.2. Ảnh hưởng của phẫu thuật tháo ống dẫn trứng

  • Giảm sản xuất hormone trong trường hợp mang thai ngoài tử cung:

Theo một số nghiên cứu, loại bỏ ống dẫn trứng trong quá trình triệt sản hầu như không làm thay đổi cách thức hoạt động của buồng trứng, bao gồm cả mức độ sản xuất hormone. Tuy nhiên, khi các vòi trứng được lấy ra trong trường hợp mang thai ngoài tử cung, nghĩa là trứng thụ tinh phát triển trong ống dẫn trứng thay vì tử cung, cách thức hoạt động của buồng trứng sau đó cũng bị thay đổi khác biệt, cụ thể là số hormone sản xuất được.

  • Vẫn có nguy cơ mắc các dạng ung thư buồng trứng khác:

Bên cạnh những lợi ích không xác định và rủi ro tiềm tàng của thủ thuật, một vấn đề khác trong phẫu thuật cắt bỏ ống dẫn trứng là mức độ ngăn ngừa nguy cơ ung thư buồng trứng thực sự. Hiện nay, không có công cụ sàng lọc ung thư buồng trứng hiệu quả. Ngoài những rủi ro di truyền nhất định, chẳng hạn như đột biến gen BRCA1 và BRCA2, vẫn chưa rõ những yếu tố nào khác dẫn đến nguy cơ của tất cả các dạng ung thư buồng trứng.

  • Thay đổi nồng độ hormone do thắt ống dẫn trứng:

Một số nghiên cứu cũng cho thấy phương pháp thắt ống dẫn trứng làm tổn thương vòi trứng đã làm thay đổi nồng độ tuần hoàn hormone. Tóm lại, loại bỏ các vòi trứng có khả năng biến đổi chức năng của buồng trứng và để tác động nhất định cho sức khỏe của bệnh nhân.Đối với bệnh nhân mong muốn thắt ống dẫn trứng và cắt tử cung, kèm theo đó là có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng, cần thảo luận với bác sĩ về những ưu và nhược điểm của phẫu thuật loại bỏ cả hai vòi trứng hoặc cắt 1 bên ống dẫn trứng, cũng như những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của việc cắt đồng thời cả buồng trứng. Chỉ định phẫu thuật nên được lên kế hoạch riêng cho từng cá nhân, dựa vào mục tiêu và thể trạng của người bệnh nhằm đảm bảo khả năng chăm sóc an toàn và hiệu quả nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: health.harvard.edu

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe