Lịch khám thai chi tiết cho bà bầu mang thai 3 tháng cuối

Bài viết tham vấn chuyên môn bởi bác sĩ khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Ba tháng cuối thai kỳ là thời điểm rất quan trọng vì mẹ đang chuẩn bị đón thai nhi trong bụng chào đời. Trong giai đoạn này, thai phụ cần đi khám thai định kỳ để theo dõi sức khỏe của mẹ và bé. Ngoài ra, ở ba tháng cuối, khi đi khám thai định kỳ, thai phụ còn được hướng dẫn nhận biết các dấu hiệu của việc chuyển dạ sinh đồng thời xử lý kịp thời các bất thường xảy ra, ngăn ngừa chuyển dạ sinh non.

1. Mục đích của việc khám thai ba tháng cuối

Khám thai định kỳ vô cùng cần thiết trong quá trình mang thai, đặc biệt là ba tháng cuối thai kỳ vì những lý do sau:

  • Thai phụ có thể nắm rõ tình hình phát triển của thai nhi thông qua các lần khám thai bao gồm: Những bất thường của mẹ và thai nhi; Sự phát triển của thai và nhau thai
  • Thai phụ được tư vấn về chế độ dinh dưỡng hay những điều cần tránh khi mang thai để có một thai kỳ khỏe mạnh
  • Tính chính xác của kết quả xét nghiệm chỉ ở trong một khoảng thời gian nhất định, vì vậy thai phụ cần đi khám thai định kỳ đúng theo lịch hẹn của bác sĩ để được thực hiện các xét nghiệm cần thiết theo dõi sức khỏe cho mẹ và bé.
  • Kết quả của vài nghiên cứu cho thấy những bà mẹ tuân thủ lịch khám thai định kỳ có tỷ lệ thai nhi tử vong thấp hơn 5 lần, và tỷ lệ trẻ sinh ra có cân nặng đúng chuẩn cao hơn.

Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?

Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!

2. Bà bầu ba tháng cuối có nên đi khám thai thường xuyên không?

Trong tam cá nguyệt thứ ba, thai phụ tăng cân nhanh và trải qua nhiều thay đổi toàn diện về mặt tâm sinh lý dễ gây mệt mỏi và kiệt sức, tuy nhiên thai phụ vẫn cần khám thai đúng theo lịch hẹn để được bác sĩ theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Đặc biệt, bầu ba tháng cuối cần đi khám thai nhiều lần hơn và khoảng cách giữa các lần khám thai thường gần nhau hơn. Vì trong tam cá nguyệt thứ ba, đặc biệt là tháng cuối trước ngày dự sinh là khoảng thời gian mà mẹ có thể có dấu hiệu chuyển dạ sinh bé. Do đó, bác sĩ cần kiểm tra tim thai thường xuyên hơn để bảo đảm thai nhi luôn trong tình trạng khỏe mạnh, không bị suy thai cũng như khám thai để tìm các dấu hiệu gợi ý chuyển dạ sinh.

Ngoài ra, khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như ra huyết, ra nước âm đạo, đau trằn bụng dưới, thai máy bất thường gợi ý tình trạng suy thai hoặc báo hiệu chuyển dạ sinh, thai phụ cần đến khám thai tại bệnh viện ngay lập tức để được phát hiện và xử trí kịp thời các tình trạng gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.


Bầu ba tháng cuối cần đi khám thai nhiều lần hơn và khoảng cách giữa các lần khám thai thường gần nhau hơn
Bầu ba tháng cuối cần đi khám thai nhiều lần hơn và khoảng cách giữa các lần khám thai thường gần nhau hơn

3. Lịch khám thai ba tháng cuối

3.1. Thai nhi 28 - 32 tuần tuổi: khám 1 lần

Khám thai: đo chiều cao tử cung, đo vòng bụng, nghe tim thai

Tiêm ngừa uốn ván: tiêm vắc-xin ngừa uốn ván cho mẹ để phòng ngừa bệnh uốn ván rốn cho thai nhi, tiêm hai mũi cách nhau một tháng, mũi thứ hai cách ngày sinh dự kiến ít nhất là một tháng.

Xét nghiệm:

  • Xét nghiệm nước tiểu: phát hiện và điều trị những bệnh lý như tăng huyết áp thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ, nhiễm trùng tiết niệu-sinh dục
  • Siêu âm thai:
    • Xác định ngôi thai và hướng dẫn xoay ngôi thai
    • Đo độ dài cổ tử cung đánh giá nguy cơ sinh non
    • Xác định vị trí nhau bám và độ trưởng thành của bánh nhau
    • Ước lượng cân thai thông qua các chỉ số sinh học của thai nhi như vòng đầu, chiều dài xương đùi, vòng bụng,...
  • Siêu âm màu: để đánh giá tình trạng sức khỏe của thai nhi thông qua các thông số Doppler động mạch rốn, động mạch não giữa.

3.2. Thai nhi 32 - 36 tuần tuổi: khám 2 tuần/ lần

Khám thai:

  • Đo chiều cao tử cung, đo vòng bụng, nghe tim thai
  • Khám trong, kiểm tra cổ tử cung và các dấu hiệu chuyển dạ sinh non.

Xét nghiệm:

  • Xét nghiệm nước tiểu: phát hiện và điều trị những bệnh lý như tăng huyết áp thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ, nhiễm trùng tiết niệu-sinh dục
  • Siêu âm thai:
    • Xác định ngôi thai và hướng dẫn xoay ngôi thai
    • Xác định vị trí nhau bám và độ trưởng thành của bánh nhau
    • Ước lượng cân thai thông qua các chỉ số sinh học của thai nhi như vòng đầu, chiều dài xương đùi, vòng bụng, ...
  • Xét nghiệm Non-Stress-Test (NST) tùy trường hợp nếu có chỉ định: nhằm kiểm tra sức khỏe của thai nhi và kiểm tra xem em bé có nhận đủ oxy hay không.

3.3. Thai nhi 36 - 39 tuần tuổi: khám 1 tuần/ lần

Khám thai:

  • Đo chiều cao tử cung, đo vòng bụng, nghe tim thai
  • Khám trong, kiểm tra cổ tử cung và các dấu hiệu sắp sinh.

Xét nghiệm:

  • Xét nghiệm nước tiểu: phát hiện và điều trị những bệnh lý như tăng huyết áp thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ, nhiễm trùng tiết niệu-sinh dục
  • Siêu âm thai:
    • Xác định ngôi thai và hướng dẫn xoay ngôi thai
    • Xác định vị trí nhau bám và độ trưởng thành của bánh nhau
    • Ước lượng cân thai thông qua các chỉ số sinh học của thai nhi như vòng đầu, chiều dài xương đùi, vòng bụng, ...
  • Xét nghiệm Non-Stress-Test (NST): nhằm kiểm tra sức khỏe của thai nhi và kiểm tra xem em bé có nhận đủ oxy hay không.

3.4. Thai nhi sau 39 tuần tuổi: khám 3 ngày/ lần

Mục đích:

  • Tìm dấu hiệu chuyển dạ sinh
  • Cân nhắc khả năng thai phụ có thể sinh thường được hay không
  • Cân nhắc việc tiếp tục theo dõi chờ chuyển dạ tự nhiên hay can thiệp chấm dứt thai kỳ đối với những trường hợp thai quá ngày dự sinh.

Các trình tự khám thai và các xét nghiệm cần thiết tương tự như giai đoạn từ 36-39 tuần tuổi. Những thăm khám và xét nghiệm đặc biệt trong giai đoạn này bao gồm:

  • Kiểm tra khung chậu bằng cách khám trong và chụp X-quang khung chậu.
  • Siêu âm màu khi thai từ 40 tuần trở lên để kiểm tra nước ối và tình trạng sức khỏe của thai nhi.

4. Những điều cần lưu ý phải đi khám ngay trong ba tháng cuối thai kỳ


Những điều cần lưu ý phải đi khám ngay trong ba tháng cuối thai kỳ là gì?
Những điều cần lưu ý phải đi khám ngay trong ba tháng cuối thai kỳ là gì?

Thai máy giảm:Thai phụ cần chú ý đếm số lần cử động của thai nhi mỗi ngày vào các buổi sáng, trưa, chiều, tối, hoặc ít nhất một lần trong ngày nếu bạn bận, mỗi lần đếm trong 30 phút.

  • Nếu thai nhi có hơn 4 lần cử động trong 30 phút: thai nhi khỏe mạnh.
  • Nếu thai nhi cử động ít hơn 4 lần: sản phụ cần nằm nghỉ và đếm cử động thai trong một giờ, hoặc từ 2-4 giờ. Vì khi thai nhi ngủ thường không có cử động thai, thời gian ngủ trung bình của thai nhi thay đổi từ 20 phút đến 2 giờ.
  • Nếu trong 1 giờ có trên 4 cử động thai: thai nhi khỏe mạnh.
  • Nếu trong 4 giờ có nhiều hơn 10 cử động thai, tiếp tục đếm 3 lần trong một ngày như trước: thai nhi vẫn khỏe mạnh.
  • Nếu trong 4 giờ có ít hơn 10 cử động thai hoặc tất cả những cử động thai đều yếu: sản phụ cần phải nhập viện để theo dõi tình trạng thai nhi thêm bằng những phương pháp khác.

Có dấu hiệu chuyển dạ sinh: Nếu có những dấu hiệu sau, sản phụ cần đi khám ngay:

  • Cảm thấy đau mỗi khi bụng gò cứng, cường độ đau tăng dần, thời gian giữa các cơn đau ngắn lại, có từ 3 cơn gò trong 10 phút trở lên.
  • Ra nhớt hồng âm đạo.
  • Ra nước loãng ở âm đạo (nước ối).

3 tháng cuối thai kỳ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc chuyển dạ vì vậy ngoài việc khám thai định kỳ, thai phụ cũng nên chủ động theo dõi sức khỏe của bé thông qua thai máy, đây cũng là thời điểm rất dễ sinh non. Vì vậy, khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.

Để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé toàn diện cũng như giúp mẹ an tâm hơn trong khi chuyển dạ, Vinmec cung cấp dịch vụ Thai sản trọn gói. Với gói khám này, mẹ sẽ được khám thai định kỳ, thực hiện các xét nghiệm thường quy để theo dõi sức khỏe. Thai nhi được theo dõi tim thai và cơn co tử cung bằng monitor sản khoa ở tuần thai 37-40 dự kiến thời điểm sinh chính xác. Khi chuyển dạ, mẹ sẽ được thực hiện các kỹ thuật giảm đau khi sinh và sau sinh như: gây tê ngoài màng cứng, gây tê thần kinh thẹn (áp dụng với đẻ thường), điều trị đau sau mổ (áp dụng với đẻ mổ). Đặc biệt, Vinmec đang triển khai các dịch vụ Plasma lạnh giúp các vết thương nhanh lành như: vết mổ lấy thai, vết khâu tầng sinh môn, cuống rốn trẻ em và tình trạng cương sữa tránh tình trạng sưng đỏ, nhiễm trùng, khô, phẳng, mép liền đẹp, ít đau, không thâm tím, không lồi.


Hình ảnh khách hàng được tư vấn sức khỏe sau khi khám thai tại Vinmec
Hình ảnh khách hàng được tư vấn sức khỏe sau khi khám thai tại Vinmec

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe