Thủy đậu là bệnh lý có khả năng lây nhiễm giữa những người tiếp xúc với nhau. Khi bị thủy đậu khi mang thai 3 tháng đầu, bà bầu có thể mắc nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Do đó, việc phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả là việc làm cần thiết để bảo vệ an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
1. Dấu hiệu nhận biết mắc bệnh thủy đậu khi mang thai
Thủy đậu là bệnh lây nhiễm cấp tính do virus Varicella zoster gây ra ở người. Bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau và thường gặp nhất vào mùa đông xuân. Bệnh thủy đậu rất dễ lây nhiễm từ người này sang người khác qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp, dịch từ nốt phỏng thủy đậu hay dịch tiết mũi họng.
Dấu hiệu của bệnh thủy đậu ở phụ nữ mang thai:
- Người bệnh nhức đầu, mệt mỏi hoặc có sốt nhẹ.
- Người bệnh có thể đau họng, sổ mũi.
- Trên bề mặt da của thai phụ có các nốt màu đỏ. Các nốt này ban đầu xuất hiện ở vùng ngực, lưng, sau đó lan lên đầu, mắt và toàn bộ cơ thể thai phụ. Các nốt đỏ này gây ra cảm giác ngứa ngáy cho thai phụ.
- Sau khi nổi mụn đỏ trên da khoảng vài giờ thì nó sẽ phỏng lên thành các mụn nước, bên trong có thể chứa nước vàng. Khoảng một ngày sau đó, nước vàng bên trong sẽ trở thành màu đục.
- Trường hợp nốt mụn bị vỡ ra sẽ đóng thành vảy.
- Đối với trường hợp bị bội nhiễm vi khuẩn, nốt mụn nước sẽ sưng to, có mủ và rất ngứa rát. Nếu gãi sẽ rất dễ bị trầy da và để lại sẹo sâu.
- Những trường hợp nặng, nốt thủy đậu mọc dày chi chít, mọc cả ở niêm mạc miệng, kết mạc mắt rồi vỡ ngay. Bệnh nhân có thể sốt cao từ 39 - 40 độ C, có trường hợp còn trằn trọc, mê sảng, nốt phỏng còn dày hơn có khi có máu.
2. Ảnh hưởng của bệnh thủy đậu đến thai phụ
Phụ nữ đang mang thai mắc thủy đậu, nhất là trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Những biến chứng thai phụ thường gặp phải như: sảy thai, thai nhi có thể mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh và dẫn đến một số bất thường sau sinh như:
- Bất thường về thần kinh: trẻ có đầu nhỏ, chậm phát triển trí tuệ, co giật, não úng thủy,...
- Bất thường về mắt: trẻ có thể bị đục thủy tinh thể, viêm màng võng mạc, teo dây thần kinh thị giác, rung giật nhãn cầu, nhãn cầu nhỏ, thậm chí là mù vĩnh viễn.
- Bất thường ở chi: trẻ khi sinh ra có thể bị teo cơ, biến dạng hoặc liệt tứ chi.
- Bất thường về tiêu hóa: Trẻ có thể bị hẹp hoặc tắc ruột, mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản,...
Trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ, thai phụ mắc thủy đậu thì thai nhi khi sinh ra có nguy cơ mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh khoảng 0,4%.
Trong giai đoạn 3 tháng giữa của thai kỳ, thai phụ mắc thủy đậu thì thai nhi sinh ra có nguy cơ mắc hội chứng thủy đậu khoảng 2%. Trong đó, khoảng 30% số trẻ này có khả năng tử vong trong những tháng đầu đời, 15% số trẻ có nguy cơ bị zona trong 4 năm sau đó. Đặc biệt, nếu thai phụ mắc thủy đậu trong tháng thứ 3 của thai kỳ, thai nhi có khả năng mắc các vấn đề liên quan đến hệ thần kinh trung ương bao gồm có tủy sống và não bộ.
Sau tuần thứ 20 của thai kỳ, nếu thai phụ mắc thủy đậu thì gần như không ảnh hưởng gì đến thai nhi.
Trong vòng 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh, nếu thai phụ bị thủy đậu thì trẻ sinh ra dễ bị thủy đậu sơ sinh hay thủy đậu lan tỏa do cơ thể mẹ chưa có đủ thời gian để tạo kháng thể truyền cho con từ trước sinh. Do đó, trẻ sinh ra có tỷ lệ tử vong khoảng 15 - 20%.
Qua thực tế cho thấy, rất nhiều thai phụ mắc thủy đậu khi mang thai có ý định đình chỉ thai kỳ do sợ sau này con sinh ra sẽ bị dị tật. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đều khuyến cáo rằng, các thai phụ mắc thủy đậu trong giai đoạn trước 20 tuần cần tuân thủ lịch khám của bác sĩ, giai đoạn này tuy nguy hiểm nhưng không phải cứ mẹ bị thủy đậu thì con sinh ra sẽ bị dị tật.
Nếu thai phụ bị thủy đậu được theo dõi và điều trị đúng cách thì con sinh ra vẫn khỏe mạnh bình thường. Do đó, thai phụ không cần quá lo lắng khi chẳng may mắc bệnh thủy đậu. Bên cạnh việc theo dõi và điều trị, thai phụ cũng nên uống nhiều nước, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, các thức ăn lỏng dễ tiêu hóa. Đồng thời, giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ và hạn chế tối đa việc làm vỡ nốt phỏng thủy đậu.
3. Biện pháp phòng ngừa thủy đậu trong giai đoạn mang thai
Để không phải lo lắng mắc thủy đậu khi mang thai, các bạn nữ nên đi tiêm phòng vắc xin phòng thủy đậu để cơ thể có kháng thể chống lại bệnh lý này. Sau khi tiêm vắc xin khoảng 3 tháng thì có thể mang thai.
Đối với những thai phụ đã từng mắc thủy đậu, có thể tiêm globulin miễn dịch zoster IgG. Tuy nhiên, khi tiến hành tiêm thì cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa và cần tiêm trong vòng 72 giờ đầu sau khi tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu.
Hi vọng rằng qua bài viết này, các thai phụ có thể hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của bệnh thủy đậu đến sức khỏe của bản thân và thai nhi. Các thai phụ có thể trả lời được câu hỏi liệu rằng mắc thủy đậu khi mang thai có nguy hiểm hay không? Từ đó có kế hoạch chăm sóc tốt cho bản thân trong giai đoạn mang thai để có được một thai kỳ khỏe mạnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.