Bệnh lý lành tính ở niêm mạc tử cung có cần điều trị?

Tử cung là một bộ phận có vai trò cực kỳ quan trọng đối với người phụ nữ. Cổ tử cung còn là cấu trúc giúp sản xuất dịch nhầy tạo cơ hội thuận lợi cho giai đoạn kết hợp, giúp tinh trùng tiến vào sâu bên trong tử cung tới ống dẫn trứng để thụ thai. Tuy nhiên với vai trò quan trọng đó, tử cung cũng là nơi xảy ra nhiều bệnh lý sản phụ khoa mà người phụ nữ cần đặc biệt quan tâm.

1. Cấu trúc của tử cung

Tử cung bình thường của người phụ nữ có hình quả lê dốc ngược, gồm 3 lớp từ ngoài vào trong là: lớp thanh mạc, lớp cơ trơn và lớp nội mạc tử cung. Lớp nội mạc tử cung được cấu tạo bởi biểu mô lát tầng và chịu ảnh hưởng của nội tiết tố sinh dục hàng tháng ở cơ thể phụ nữ.

2. Một số bệnh lý lành tính ở niêm mạc tử cung và phương pháp điều trị

Các bệnh lý lành tính ở niêm mạc tử cung gồm có:

2.1 Polyp nội mạc tử cung

Đây là một dạng lành tính do sự phát triển của tổ chức niêm mạc tử cung với các kích thước khác nhau. Polyp có thể ở một hoặc nhiều vị trí, thậm chí choán chỗ toàn bộ buồng tử cung.

Các triệu chứng thường gặp là rong kinh, rong huyết, kèm huyết trắng nhiều, một số ít trường hợp bệnh nhân không có biểu hiện gì và chỉ phát hiện tình cờ khi kiểm tra sức khỏe hay khi chụp buồng tử cung để chẩn đoán vô sinh.

Điều trị polyp niêm mạc tử cung thường là phẫu thuật cắt bỏ dưới hướng dẫn của nội soi lòng tử cung. Điều trị nội khoa có thể phối hợp thuốc progesterone để cải thiện tình trạng cường estrogen.


Polyp nội mạc tử cung
Polyp nội mạc tử cung

2.2 Tăng sinh nội mạc tử cung

Đây là tình trạng tăng sản của lớp nội mạc tử cung về cả số lượng lẫn mật độ các thành phần của lớp niêm mạc tử cung.

Nguyên nhân là do tình trạng cường estrogen hoặc suy giảm progesterone của hoàng thể thường gặp ở độ tuổi dậy thì (tăng sinh niêm mạc tử cung do chu kỳ không rụng trứng), hoặc ở tuổi tiền mãn kinh do suy giảm progesterone hoàng thể, và nhóm sau mãn kinh do tăng estrogen ngoại lai vì dùng nội tiết tố thay thế.

Triệu chứng của tăng sinh nội mạc tử cung thường là chu kỳ kinh nguyệt không đều, xuất huyết giữa kỳ kinh, rong kinh hoặc cường kinh. Siêu âm thấy bề dày lớp nội mạc tử cung tăng lên, nội soi cho hình ảnh các nhú nội mạc bờ không đều cần kết hợp nạo sinh thiết để cho kết quả chẩn đoán chính xác.

Điều trị tăng sinh nội mạc tử cung thường là không cần thiết đối với bé gái, chỉ cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý, điều độ.

Tuy nhiên đối với nhóm tuổi tiền mãn kinh thì cần sinh thiết nội mạc tử cung để làm giải phẫu bệnh. Nếu tăng sinh nội mạc tử cung không có tế bào điển hình thì có thể dùng progesterone liều cao trong 6 tháng rồi kiểm tra lại. Nếu kết quả chỉ ra sự tăng sinh tế bào nội mạc tử cung không điển hình thì cần xử trí cắt tử cung hoàn toàn.


Sinh thiết nội mạc tử cung để làm căn cứ chẩn đoán bệnh
Sinh thiết nội mạc tử cung để làm căn cứ chẩn đoán bệnh

2.3 Teo niêm mạc tử cung

  • Đây là tình trạng xảy ra ở phụ nữ mãn kinh do có sự thiếu hụt nội tiết tố từ buồng trứng. Teo niêm mạc tử cung thường đi kèm với toàn bộ cơ quan sinh dục.
  • Teo niêm mạc tử cung còn gặp ở phụ nữ trong độ tuổi hoạt động sinh dục do suy estrogen với các biểu hiện là vô kinh thứ phát. Phụ nữ dùng thuốc tránh thai phối hợp cũng là đối tượng có thể gặp trong teo niêm mạc tử cung. Ở hai trường hợp này thì teo niêm mạc tử cung chỉ đơn thuần không kèm với teo các cơ quan sinh dục.
  • Trường hợp đặt vấn đề điều trị chỉ khi xuất hiện các bất thường, khi đó bác sĩ thường sẽ cho dùng estrogen liều thấp phối hợp với kháng sinh. Nếu kết quả điều trị không khả quan thì hướng tới cắt tử cung toàn phần.

2.4 Dính tử cung

  • Bệnh thường xảy ra sau một sang chấn do sự áp dính vào nhau của lớp bề mặt thành tử cung hoặc sau một thủ thuật nạo lòng tử cung, làm mất một phần diện tích nội mạc tử cung.
  • Tỷ lệ mắc bệnh cũng tăng cao khi thực hiện thủ thuật nạo hút trên tử cung có thai, do lúc này lớp nội mạc tử cung khá mềm mại và sung huyết dễ làm tổn thương tế bào đáy.

Mất một phần nội mạc có thể dẫn tới dính tử cung
Mất một phần nội mạc có thể dẫn tới dính tử cung

  • Ngoài ra nguyên nhân còn có thể do nạo sinh thiết, bóc nhân xơ hoặc phẫu thuật tạo hình lòng tử cung.
  • Triệu chứng thường gặp của dính tử cung là thiểu kinh, kinh thưa hoặc vô kinh, đau bụng nhiều khi có kinh. Chụp lòng tử cung có cản quang cho hình ảnh khuyết, biến dạng teo hẹp lòng tử cung.
  • Điều trị dính tử cung cần cắt chỗ dày dính kết hợp nội soi buồng tử cung, sau đó đặt miếng phiến mỏng silastic trong 10-15 ngày rồi thay bằng vòng tránh thai. Nội khoa có thể điều trị kết hợp dùng estrogen một đợt nhằm kích thích sự tái tạo nhanh lớp nội mạc tử cung sau khi gỡ dính.
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe