1. Bệnh đục thủy tinh thể là gì?
Bệnh đục thủy tinh thể hay còn gọi là đục nhân mắt, cườm khô, là tình trạng mờ đục của thủy tinh thể. Thủy tinh thể mất tính trong suốt, ngăn cản ánh sáng đến hội tụ trên võng mạc dẫn đến nhìn mờ. Đây cũng là nguyên nhân gây mù hàng đầu Việt Nam cũng như trên thế giới.
Biểu hiện của bệnh: bệnh tiến triển chậm, thường không đau. Khi bệnh tiến triển nặng hơn sẽ có biểu hiện:
- Giảm thị lực, nhìn mờ hơn như có màn sương che trước mắt
- Lóa mắt
- Nhìn đôi, nhìn một vật thành hai
2. Phẫu thuật Phaco là gì?
Phẫu thuật Phaco hay Phacoemulsification là phương pháp phẫu thuật sử dụng công nghệ tán nhuyễn thể thủy tinh bằng siêu âm để loại bỏ thủy tinh thể bị đục và thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo (intraocular lens - IOL). Đây là phương pháp được nhiều phẫu thuật viên ưa thích lựa chọn vì nhiều ưu điểm:
- Thời gian phẫu thuật nhanh
- Không đau
- Vết mổ nhỏ, liền nhanh
- Thị lực phục hồi nhanh sau mổ
- Có thể điều chỉnh một số tật khúc xạ
Tại Trung tâm mắt Vinmec-Alina:
- Phẫu thuật sẽ được thực hiện bởi các phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm, đã được đào tạo bài bản tại bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Mắt quốc gia Pháp, Mỹ, Ấn Độ,...
- Khám và phẫu thuật đục thủy tinh thể tại Trung tâm mắt Vinmec-Alina được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm và hệ thống máy móc hiện đại hàng đầu như: máy đo công suất thủy tinh thể IOL Master 700, Máy phẫu thuật Phaco Centurion Vision System, máy sinh hiển vi phẫu thuật Lumera i...
- Đặc biệt hệ thống phòng mổ đạt chuẩn JCI và ekip gây mê hồi sức giàu kinh nghiệm sẽ giúp phẫu thuật được thực hiện an toàn nhất với các khách hàng cao tuổi có nhiều bệnh lý toàn thân kèm theo.
3. Khi nào được chỉ định phẫu thuật phaco?
Bệnh nhân được chẩn đoán đục thủy tinh thể và thị lực tối đa sau chỉnh kính kém hơn hoặc bằng 20/40 (6/12) hoặc trường hợp thị lực còn tốt nhưng bệnh nhân chói sáng nhiều khi ra nắng.
Bệnh nhân thấy thị lực giảm nhiều gây cản trở trong sinh hoạt hàng ngày như lái xe, xem ti vi, làm việc nhà,...
Bệnh nhân có thủy tinh thể phồng lên đẩy mống mắt ra trước gây góc đóng dẫn tới Glocom (thiên đầu thống, cườm nước) góc đóng thứ phát.
4. Cần làm gì trước khi phẫu thuật phaco?
- Khám mắt tổng quát xác định mức độ đục thủy tinh thể và phương pháp phẫu thuật phù hợp với bệnh nhân, lựa chọn thủy tinh thể nhân tạo phù hợp với bệnh nhân.
- Kiểm tra sinh trắc học mắt để đánh giá, tiên lượng phẫu thuật, tính toán công suất thủy tinh thể nhân tạo.
- Khám sức khỏe toàn diện trước khi phẫu thuật giúp bác sĩ lường trước những tác nhân khác có thể ảnh hưởng đến quá trình phẫu thuật, hạn chế biến chứng có thể xảy ra.
- Một số bệnh nhân có thể phải dùng kháng sinh trước mổ hạn chế nhiễm trùng. Trường hợp bệnh nhân có cả 2 mắt đều có chỉ định mổ thay thủy tinh thể, thì thay thủy tinh thể sẽ được tiến hành trên 1 mắt trước. Khi mắt mổ trước đã ổn định thì sẽ được tiến hành tiếp tục thay thủy tinh thể mắt còn lại.
- Bệnh nhân cần làm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không nên lo lắng quá mức khiến tim đập nhanh, tăng huyết áp, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phẫu thuật.
5. Chăm sóc sau phẫu thuật như thế nào?
- Bệnh nhân sẽ được khám kiểm tra lại sau mổ 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng.
- Việc tuân thủ dùng thuốc tra nhỏ mắt sau mổ là rất quan trọng để phòng ngừa nhiễm trùng, chống viêm và kiểm soát áp lực nội nhãn.
- Bệnh nhân có thể sinh hoạt gần như bình thường ngay sau đó, tuy nhiên, nên đeo kính bảo hộ để bảo vệ mắt ngay cả khi ngủ, không đè tay hay day dụi tay vào mắt mổ, tránh mọi va đập chấn thương.
- Bệnh nhân cần liên hệ ngay với bác sĩ khi thấy các biểu hiện khác thường sau mổ để được khám, chăm sóc và tư vấn kịp thời nhằm đảm bảo mắt sau mổ đạt kết quả tốt nhất.
6. Tổng kết
Trên đây là những thông tin hữu ích về phương pháp phẫu thuật Phaco điều trị đục thủy tinh thể. Bệnh nhân muốn mổ Phaco nên đến bệnh viện uy tín để được bác sĩ thăm khám và tư vấn chi tiết.
Khách hàng có thể trực tiếp đến Trung tâm mắt Vinmec-Alina tại tầng 4, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City để thăm khám hoặc liên hệ hotline 0243.974.3556 để được hỗ trợ.