Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy - Bác sĩ Nội thận - Lọc máu - Ghép thận - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Nhiễm trùng đường tiết niệu là một bệnh phổ biến, gây cảm giác khó chịu và có thể để lại hậu quả nặng nề nếu không được thăm khám và chữa trị kịp thời. Bài viết này mong muốn cung cấp một số thông tin và phương pháp phòng tránh nhiễm trùng đường tiết niệu.
1. Nhiễm trùng đường tiết niệu là gì?
Nhiễm trùng đường tiết niệu (Urinary tract infection - UTI) là nhiễm trùng của bất kỳ cơ quan nào trong hệ tiết niệu, bao gồm hai thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng liên quan đến phần dưới hệ tiết niệu – bàng quang và niệu đạo.
Nhìn chung, 40% phụ nữ có khả năng bị mắc nhiễm trùng đường tiết niệu tại một số thời điểm trong đời. Ở Singapore, thống kê cho thấy 4% phụ nữ trưởng thành bị mắc nhiễm trùng đường tiết niệu, và tỉ lệ này tăng lên 7% ở độ tuổi 50. Phụ nữ trưởng thành có nguy cơ mắc phải nhiễm trùng đường tiết niệu cao gấp 30 lần nam giới, với gần một nửa trong số họ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu một lần trong đời. Thống kê cho thấy cứ ba phụ nữ thì có một người mắc một đợt nhiễm trùng đường tiết niệu năm 24 tuổi. Các bạn nữ đã quan hệ tình dục thường dễ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu nhất. Các trường hợp người trưởng thành mắc bệnh này gặp ở người già và bệnh nhân phải đặt ống thông tiểu.
2. Nguyên nhân của nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ là gì?
Nhiễm trùng đường tiết niệu chính là nguyên nhân tại sao các bé gái thường được dặn dò phải chùi từ phía trước ra sau sau khi đi vệ sinh. Đó là bởi niệu đạo - ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài - nằm gần hậu môn. Vi khuẩn từ ruột già như E.coli có địa thế tuyệt hảo để tấn công niệu đạo từ hậu môn. Từ đó, chúng có thể đi du lịch ngược dòng lên bàng quang, và nếu sự nhiễm trùng không được điều trị, vi khuẩn sẽ tấn công hai quả thận. Phụ nữ dễ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu hơn bởi họ có niệu đạo ngắn hơn, tạo điều kiện cho vi khuẩn đi lên bàng quang nhanh hơn. Quan hệ tình dục cũng giúp đưa vi khuẩn vào đường tiết niệu.
3. Triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu
Để nhận diện nhiễm trùng đường tiết niệu, hãy để ý đến các triệu chứng sau:
- Cảm giác rát buốt khi bạn đi tiểu
- Đi tiểu thường xuyên, thậm chí khi bạn chỉ rặn ra được một ít nước tiểu
- Đau tức lưng hoặc bụng dưới
- Cảm giác mệt mỏi hoặc run rẩy
- Sốt hoặc rét run (Dấu hiệu có thể nhiễm trùng đã lan lên thận)
Nếu bạn nghi ngờ bản thân đã mắc nhiễm trùng đường tiết niệu, hãy khám bác sĩ ngay. Nhân viên y tế sẽ yêu cầu lấy mẫu nước tiểu của bạn để xét nghiệm tìm vi khuẩn gây bệnh. Sau đó bác sĩ sẽ kê kháng sinh để diệt kẻ xâm nhập. Người bệnh nên uống thuốc đúng theo liệu trình và uống thật nhiều nước để giúp đẩy vi khuẩn ra khỏi cơ thể.
4. Nhiễm trùng đường tiết niệu mãn tính
Cứ 1 trong 5 phụ nữ bị mắc nhiễm trùng đường tiết niệu lần hai, trong khi một số phụ nữ cứ bị hết lần này đến lần khác. Trong hầu hết các trường hợp, thủ phạm là một loại hoặc chủng vi khuẩn khác nhau. Nhưng một số loại có thể xâm chiếm các tế bào của cơ thể và tạo thành một cộng đồng an toàn không sợ kháng sinh và hệ miễn dịch. Một nhóm những kẻ nổi loạn này có thể đi ra khỏi các tế bào, và sau đó xâm chiếm lại, cuối cùng thiết lập một binh đoàn vi khuẩn kháng kháng sinh có khả năng tấn công hết lần này đến lần khác.
Một số phụ nữ có gene di truyền với nhiễm trùng đường tiết niệu, trong khi những người khác có những bất thường trong cấu trúc của đường tiết niệu khiến họ dễ bị nhiễm trùng hơn. Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ cao hơn, bởi vì hệ thống miễn dịch bị tổn thương khiến họ ít có khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng như nhiễm trùng tiết niệu. Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ bao gồm mang thai, chấn thương tủy sống, điều trị corticoid kéo dài, tắc nghẽn hệ tiết niệu (sỏi, u, hẹp đường dẫn tiểu...).
5. Cách phòng chống tái nhiễm trùng đường tiết niệu
Hãy tham khảo các mẹo sau để tránh nhiễm trùng đường tiết niệu:
- Hãy đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn tiểu; đừng vội vàng mà hãy chắc chắn bàng quang đã cạn nước tiểu lúc đi vệ sinh!
- Chùi từ trước ra sau.
- Uống nhiều nước.
- Tắm bằng vòi hoa sen hay vì ngâm bồn.
- Tránh xa các loại thuốc xịt vệ sinh phụ nữ, thụt rửa có mùi thơm và các sản phẩm tắm có mùi thơm - chúng chỉ làm tăng kích ứng.
- Vệ sinh vùng kín trước khi quan hệ tình dục.
- Đi tiểu sau khi quan hệ để loại bỏ bất kỳ vi khuẩn có thể đã xâm nhập vào niệu đạo của bạn.
- Nếu bạn sử dụng màng ngăn âm đạo, bao cao su không có nhãn hoặc thạch diệt tinh trùng để tránh thai, hãy cân nhắc chuyển sang phương pháp khác. Màng ngăn âm đạo có thể làm tăng sự phát triển của vi khuẩn, trong khi bao cao su và chất diệt tinh trùng không được kích thích có thể gây kích ứng. Tất cả có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu.
- Giữ vùng kín khô ráo bằng cách mặc đồ lót bằng vải cotton và quần áo rộng. Tránh quần jean bó sát và đồ lót bằng nylon - chúng có thể giữ độ ẩm, tạo môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn phát triển.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.