Rụng tóc ở trẻ sơ sinh là hiện tượng thường gặp. Trong hầu hết các trường hợp, rụng tóc ở trẻ sơ sinh không đáng lo ngại. Sau một thời gian, tóc sẽ mọc lại bình thường. Thay vào đó, cha mẹ có thể tìm những biện pháp khắc phục tình trạng này, nếu không thấy hiệu quả trong thời gian dài có thể đưa trẻ đi khám để chẩn đoán các nguyên nhân từ bệnh lý.
1. Hiện tượng rụng tóc ở trẻ sơ sinh có bình thường?
Rụng tóc ở trẻ sơ sinh là hiện tượng hoàn toàn bình thường, cha mẹ không cần phải lo lắng. Trẻ sơ sinh thường bị rụng tóc trong 6 tháng đầu đời. Loại rụng tóc này được gọi là rụng tóc TE (telogen effuvium), nguyên nhân do tóc chuyển nhanh sang pha nghỉ ngơi (telogen), tuy nhiên sau một thời gian tóc sẽ mọc lại.
Để hiểu hơn về hiện tượng rụng tóc ở trẻ sơ sinh, cha mẹ cần hiểu về chu kỳ phát triển của tóc. Sự phát triển của tóc trên da đầu không xảy ra theo một chu kỳ hoạt động liên tục mà gồm giai đoạn phát triển và giai đoạn nghỉ ngơi. Giai đoạn phát triển gọi là anagen, kéo dài khoảng 2-6 năm. Trong giai đoạn này, hoạt động sinh trưởng của tóc diễn ra mạnh mẽ, tóc nhanh dài. Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn trung gian (gọi là catagen) kéo dài trong 1-2 tuần. Trong giai đoạn này sự sinh trưởng của tóc sẽ dừng lại. Tiếp đến là pha nghỉ (pha ngừng lại) gọi là telogen, kéo dài khoảng 3 tháng, tuy nhiên có nhiều trường hợp kéo dài đến 6 tháng. Bình thường tóc ở giai đoạn anagen chiếm 80-90%, tóc giai đoạn catagen 10-15% và tóc giai đoạn telogen chiếm 10-15%. Tuy nhiên, nếu cơ thể gặp căng thẳng, sốt cao, thay đổi nội tiết tố,... có thể khiến một số lượng lớn tóc ngừng phát triển, chuyển nhanh từ pha anagen sang catagen và telogen. Nồng độ hormone của trẻ sơ sinh có nhiều sự biến đổi ngay sau khi sinh, điều này có thể khiến trẻ bị rụng tóc khi sinh ra (phụ nữ sau sinh cũng thường bị rụng tóc vì lý do tương tự).
Rụng tóc ở trẻ sơ sinh sẽ xảy ra trước khi bắt đầu giai đoạn tóc tăng trưởng tiếp theo khoảng ba tháng. Sau khi tóc mọc lại, đôi khi cha mẹ sẽ rất ngạc nhiên vì trẻ có một mái tóc với màu sắc và kết cấu hoàn toàn khác so với mái tóc khi trẻ mới sinh ra. Tóc có thể sáng màu hơn, mọc dày và khỏe hơn so với trước khi rụng.
Ở một số trẻ tóc rụng và gây nên những mảng hói trên đầu. Điều này có thể do trẻ luôn ngủ ở cùng một tư thế hoặc có xu hướng ngồi tựa đầu cùng một phía vào ghế trẻ em. Sự tiếp xúc liên tục gây nên sự ma sát, làm tóc rụng ở khu vực đó.
Một số nguyên nhân khác có thể gây rụng tóc ở trẻ em bao gồm:
- Nhiễm nấm da đầu: trẻ rụng tóc cùng với xuất hiện những nốt hói loang lổ màu đỏ, vảy bong tróc trên đầu, đôi khi xuất hiện những chấm đen nơi tóc bị rụng,...Đây có thể là dấu hiệu trẻ mắc bệnh nấm da đầu như bệnh hắc lào.
- Bé thích giật tóc: những bé có hội chứng nghiện giật tóc (trichotillomania) thích giật tóc của chính mình, đây có thể là nguyên nhân làm tóc bé ngày càng thưa dần.
- Tóc bị tác động lực quá mức do lực kéo như khi buộc tóc đuôi ngựa.
- Hệ thống miễn dịch tấn công các nang tóc, làm chậm quá trình mọc tóc. Đặc điểm của bệnh này là tóc rụng thành từng mảng, vùng rụng tóc không để lại sẹo.
- Trẻ mắc bệnh lý liên quan đến rối loạn chức năng tuyến giáp, suy tuyến yên,... có thể gây ra tình trạng rụng tóc quá mức.
Tuy nhiên các nguyên nhân này rất hiếm khi xảy ra ở trẻ dưới 12 tháng tuổi.
2. Có thể làm gì để cải thiện tình trạng rụng tóc ở trẻ sơ sinh?
Nếu tình trạng rụng tóc ở trẻ sơ sinh liên quan đến việc thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể, cha mẹ không cần lo lắng mà hãy chờ đợi đến khi trẻ mọc tóc mới.
Nếu rụng tóc ở trẻ em nguyên nhân do trẻ ngủ quá lâu cùng một tư thế, bạn hãy thử thay đổi vị trí trong nôi, giường, thay đổi tư thế đầu trong khi trẻ ngủ. Hãy xoay đầu trẻ luân phiên qua bên này rồi qua bên kia vào mỗi giấc ngủ của trẻ. Có thể xoay mặt bé qua bên phải vào giấc ngủ này rồi xoay mặt bé qua bên trái vào giấc ngủ kế tiếp.
Tăng cường thời gian nằm sấp của trẻ mỗi ngày, vào lúc trẻ thức. Thời gian nằm sấp là điều vô cùng cần thiết cho sự phát triển toàn diện thể chất của trẻ. Nằm sấp giúp cơ cổ của trẻ phát triển, do đó trẻ có thể nhanh chóng xoay đầu để điều chỉnh tư thế, chứ không chỉ nằm một tư thế khi ngủ.
Nếu sau 6 tháng tuổi, hiện tượng rụng tóc ở trẻ sơ sinh không được cải thiện, cha mẹ hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ kiểm tra để phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn để điều trị nếu có. Ví dụ như nếu nguyên nhân gây rụng tóc ở trẻ em là do bệnh hắc lào, bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc trị nấm để điều trị cho trẻ.
Cha mẹ hãy chăm sóc tóc và da đầu thật nhẹ nhàng cho đến khi tóc mọc trở lại. Hãy sử dụng dầu gội dịu nhẹ để để làm tránh làm khô tóc và da đầu của trẻ. Sau khi gội đầu cho trẻ, mẹ dùng khăn mềm để thấm khô tóc. Lựa chọn bàn chải lông mềm để chải tóc nhưng tránh chải tóc trẻ nhiều lần trong ngày.
Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ sơ sinh hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?
Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Nguồn tham khảo: babycenter.com