Trẻ bị đi ngoài ra máu thường khiến phụ huynh hết sức lo lắng, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như nhiễm khuẩn, táo bón, viêm nhiễm, nứt hậu môn. Vậy cha mẹ cần làm gì để khắc phục tình trạng này của trẻ?
1. Nguyên nhân khiến trẻ đi ngoài ra máu
Trẻ bị đi ngoài ra máu là hiện tượng trong phân có lẫn máu, thường màu đỏ thẫm hoặc đỏ tươi, thậm chí là màu đen. Một số nguyên nhân gây ra đi ngoài ra máu của trẻ gồm có:
- Táo bón: Là “thủ phạm” hàng đầu khiến hậu môn của trẻ nứt kẽ hoặc trầy xước gây xuất huyết. Phân khô và cứng khiến trẻ rặn nhiều càng dễ gây tổn thương niêm mạc và đi ngoài ra máu. Tình trạng táo bón ở trẻ nhỏ chủ yếu là do uống ít nước, ăn ít rau, nhịn đi ngoài và nhịn tiểu.
- Bệnh lồng ruột: Là một dạng bệnh lý tắc nghẽn đường ruột nguy hiểm gây ra các cơn đau bụng dữ dội, kèm nôn ói và phân máu. Nếu thấy trẻ có biểu hiện đau bụng dữ dội, khóc thét, đau thắt từng cơn thì cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để kịp thời điều trị.
- Viêm đường ruột: Trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột đi ngoài ra máu do các niêm mạc ruột bị viêm rất thường xảy ra. Nguyên nhân là do hệ tiêu hoá của trẻ còn non nớt trong những năm đầu đời.
- Nứt hậu môn: Nứt kẽ hậu môn thường do táo bón, phân cứng khiến trẻ cố rặn sẽ gây chảy máu. Mẹ nên cho trẻ ăn nhiều chất xơ, các loại thực phẩm có tính mát để dễ dàng đi ngoài hơn.
- Thiếu vitamin K: Thường gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi vì nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu là sữa mẹ. Khi cơ thể thiếu hụt vitamin K có thể gây rối loạn chảy máu, trong đó có tình trạng đi cầu phân máu.
- Polyp đại trực tràng: Là bệnh lý thường gặp ở người lớn nhưng vẫn có thể xuất hiện ở trẻ em do ăn nhiều chất béo, béo phì, ăn ít chất xơ và thói quen ăn thịt đỏ. Nếu polyp gia tăng kích thước có thể khiến trẻ đi tiêu phân máu hoặc chảy máu ra ngoài trực tràng.
- Bệnh Crohn: Là bệnh lý viêm ruột liên quan đến di truyền, thường do các mô ruột bị viêm nặng khiến cơ thể không hấp thu được chất dinh dưỡng gây suy dinh dưỡng nghiêm trọng và đi cầu ra máu.
- Tiêu chảy do viêm nhiễm: Là bệnh lý thường gặp ở trẻ độ tuổi mẫu giáo do môi trường sinh hoạt, thực phẩm và nguồn nước bị ô nhiễm. Lúc này, trẻ thường đi lỏng kèm phân máu, đau bụng và sốt. Căn nguyên của bệnh thường là vi khuẩn (Salmonella, E.coli,...).
2. Dấu hiệu trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột
Nhiễm khuẩn đường ruột của trẻ thường do các vi khuẩn dạng Campylobacter, E.coli, trực khuẩn Shigella và Salmonella, vi khuẩn tả Vibrio Cholerae gây nên. Các vi khuẩn này khi xâm nhập vào đường tiêu hoá sẽ sản xuất các độc tố ruột, làm sự hấp thu của nước và điện giải ở ruột non bị rối loạn gây tiêu chảy.
Ngoài ra, có các dấu hiệu trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột khác như:
- Sốt cao
- Đau bụng, quấy khóc
- Đi ngoài phân lỏng kèm máu
- Phân có chất nhầy
- Nôn mửa.
Phụ huynh khi phát hiện các triệu chứng này nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất điều trị. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc, đặc biệt là kháng sinh để điều trị cho trẻ.
3. Làm gì khi trẻ đi ngoài ra máu?
Việc đánh giá nguyên nhân đi ngoài ra máu ở trẻ nhỏ cần tới các bác sĩ chuyên khoa, do đó phụ huynh nên đưa con đến ngay cơ sở y tế để được kịp thời chẩn đoán và điều trị. Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây ra phân máu mà có thể có các cách điều trị chung như sau:
- Phẫu thuật: Nếu nguyên nhân do polyp to gây tắc ruột, lồng ruột
- Sử dụng kháng sinh trong các trường hợp nhiễm khuẩn đường ruột
- Điều triệu chứng như giảm đau, chống nôn, thuốc cầm tiêu chảy hoặc bổ sung men vi sinh
- Bổ sung nước, điện giải với các trường hợp tiêu chảy kéo dài gây mất nước
Ngoài ra khi chăm sóc cho trẻ đi cầu phân máu do nhiễm khuẩn bố mẹ cũng cần lưu ý:
- Cho trẻ uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Ngoài nước lọc ra thì có thể bổ sung thêm nước trái cây
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin K (bắp cải, cần tây, súp lơ, củ cải,...) để hạn chế các rối loạn đông máu do thiếu hụt loại vitamin này
- Cho trẻ ăn các loại thực phẩm bổ máu
- Chế biến thực phẩm ở dạng mềm, lỏng để giảm áp lực lên hệ tiêu hoá đang tổn thương của trẻ
- Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn trong thời gian điều trị
- Hạn chế thực phẩm giàu chất béo, chất xơ, chứa sữa với những trẻ bị bệnh Crohn
- Không cho trẻ dùng các thức ăn cay nóng, các chất kích thích như cà phê, trà
- Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày để giảm áp lực lên hệ tiêu hoá của trẻ.
4. Cần làm gì để phòng ngừa nhiễm khuẩn đường ruột cho trẻ?
Phụ huynh có thể phòng ngừa nhiễm khuẩn đường ruột cho trẻ bằng chế độ ăn, vệ sinh và lối sống khoa học, lành mạnh như:
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Cho trẻ ăn các thực phẩm được nấu chín
- Thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
- Đảm bảo vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của trẻ
- Khi trẻ bị nhiễm khuẩn, nên cho con ăn các loại thực phẩm gồm: gạo, khoai tây, rau quả, giá đỗ, thịt gà, bò, thịt thăn lớn, các loại quả tươi
- Những thực phẩm cần tránh cho trẻ ăn nhiều như: ngô hạt, đậu đỗ nguyên hạt, rau cần, rau bí, măng, nước ngọt có ga, tránh ăn đồ lạnh khi trẻ bị viêm họng.
Tóm lại, trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột đi ngoài ra máu là tình trạng phổ biến. Khi trẻ gặp phải tình trạng này, ba mẹ cần bổ sung nước và các thực phẩm tăng cường sức đề kháng, đồng thời thăm khám bác sĩ để thực hiện xét nghiệm và có biện pháp điều trị phù hợp hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.