Bài viết được viết bởi Kỹ thuật viên tâm lý Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục
Trẻ sơ sinh có hơn 100 tỉ tế bào thần kinh; nhưng chỉ có khoảng 12 – 15% trong số này được liên kết khi trẻ mới sinh ra. Sự tương tác giữa bố mẹ/người chăm sóc và đứa trẻ đảm bảo rằng hàng nghìn sự liên kết mới được thiết lập mỗi giờ trong năm đầu tiên của cuộc đời. Não bộ của trẻ phụ thuộc vào sự tiếp nhận mà nó nhận được từ thế giới xung quanh (gia đình và bạn bè).
1. Não của trẻ phát triển như thế nào?
Nếu sang chấn tâm lý xảy ra trong quá trình não bộ đang dần “thành hình”, nó có thể khiến cho não bộ không phát triển được tốt.
Sự phát triển của não bộ những năm đầu đời có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ sau này: Các stress độc hại trong những năm thơ ấu có thể gây tổn hại đến cấu trúc của não bộ và dẫn đến nhiều vấn đề trong học tập và hành vi. Nó cũng liên quan với đau ốm về thể chất và tinh thần trong cuộc đời sau này.
Tính “đàn hồi” của não bộ khiến nó dễ dàng được tạo hình từ những trải nghiệm đầu đời của trẻ. Các cấu trúc của não bộ được hình thành từ trước khi trẻ sinh ra và tiếp tục cho đến tuổi trưởng thành.
2. Sang chấn tâm lý có thể ảnh hưởng đến não bộ của trẻ em ra sao?
Các sự kiện gây sang chấn phụ thuộc vào các yếu tố: thời điểm diễn ra, cường độ, trường độ tần suất của phơi nhiễm, mức độ quan tâm chăm sóc mà trẻ nhận được. Theo Tiến sĩ Bruce Perry: “Não bộ điều khiển các giác quan, suy nghĩ, cảm xúc và hành động của chúng ta. Hệ thống thần kinh phức tạp một cách đáng ngạc nhiên trong não, thứ quyết định đặc điểm con người của chúng ta sau này, được hình thành từ khi ta còn rất nhỏ”. Do đó sự kết nối của mạng lưới hệ thần kinh sẽ hình thành nên suy nghĩ cảm xúc và hành vi của trẻ em và cả sau này.
Khi gặp một sự kiện gây sang chấn, các phản ứng báo động kéo dài khiến sự phát triển não bộ bị biến đổi; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ, hệ thần kinh đồng thời ảnh hưởng đến hệ thống sinh học, sự phát triển tư duy, suy nghĩ học tập và ngôn ngữ của trẻ.
Với trẻ em, khi gặp phải sang chấn ngay từ nhỏ sẽ kéo theo các hiện tượng stress liên tục khiến lượng hormone căng thẳng cao được truyền vào não làm phần não dưới hoạt động hết phần của não trên, từ đó xuất hiện các hành vi thách thức liên quan đến hoạt động chức năng của não dưới khiến trẻ gặp các khó khăn trong các mối quan hệ xã hội, nhận thức và cảm xúc, các vấn đề về hành vi và khả năng tự điều chỉnh bản thân.
Sau đây là các biểu hiện về hành vi khi trẻ gặp sang chấn:
- Thu mình khỏi gia đình và bạn bè, hành vi đập đổ/ gây hấn;
- Đổ lỗi cho người khác/ mâu thuẫn;
- Ăn quá nhiều hoặc quá ít;
- Luôn mong muốn sự chú ý;
- Có vấn đề với việc ngủ;
- Lạm dụng chất gây nghiện (rượu, chất gây nghiện, thuốc lá);
- Thiếu tập trung;
- Thiếu hứng thú trong các hoạt động bình thường như làm vệ sinh;
- Lo sợ (lo sợ đàn ông, phòng tắm, các cánh cửa khép lại, bóng tối);
- Hành vi không an toàn và nhiều rủi ro.
Trẻ trải qua sang chấn thường gặp khó khăn trong việc điều khiển cảm xúc, chúng cố gắng đương đầu với trí nhớ và cảm xúc thông qua các hành vi tiêu cực, thể hiện sự đau buồn, mất mát bên trong thông qua các hành vi tiêu cực bên ngoài.
3. Sang chấn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chung của trẻ em thế nào?
Không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý mà sang chấn còn ảnh hưởng đến sự phát triển nói chung của trẻ em:
- Các trải nghiệm bạo lực có tác động nghiêm trọng và lâu dài trong suốt cuộc đời của trẻ.
- Trẻ em có tiền sử sang chấn tâm lý là một trong những nguy cơ mạnh nhất dẫn đến việc sau này trẻ lạm dụng chất khi bước vào giai đoạn vị thành niên và trưởng thành.
- Trẻ em bị lạm dụng thể chất và tình dục thời thơ ấu có tương quan mạnh với những vấn đề tâm thân ở tuổi trưởng thành.
- Sang chấn bị tích lũy từ thuở nhỏ có thể dẫn đến giảm sức khỏe thể chất trong quá trình trưởng thành.
Chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ là một quá trình dài, vì thế cha mẹ hãy là người bạn đồng hành giúp trẻ phát huy tốt khả năng về thể chất cũng như tinh thần của mình. Nếu nhận thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường so với độ tuổi hay gặp khó khăn trong việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ, bạn có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nhận được sự giúp đỡ từ các bác sĩ và các chuyên gia tâm lý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.