Miễn dịch là vũ khí lợi hại nhất mà cơ thể dùng để chống lại các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, không ít mẹ đang vô tình làm suy giảm hệ miễn dịch của con do việc chăm sóc sai cách. Cùng BSCKI, BSNT Đặng Thị Ngoan, Bác sĩ Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Hạ Long tìm hiểu các sai lầm “phá hủy” hệ thống miễn dịch của trẻ trong video dưới đây nhé.
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
1. Hệ miễn dịch của bé hình thành như thế nào?
Khi cơ thể bị suy giảm hệ miễn dịch, tức là hệ thống bảo vệ và phòng ngự không còn nữa, rất dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công, lúc này, hiện tượng nhiễm trùng thường kéo dài hoặc lặp đi lặp lại, về lâu dài, các tổ chức giải phẫu hay chức năng của cơ thể cũng bị ảnh hưởng, suy giảm hoạt động sống.
Đầu tiên, mẹ cần biết rõ hệ miễn dịch của bé hình thành như thế nào?
Hiểu một cách đơn giản, hệ miễn dịch là tập hợp của các tế bào bạch cầu, lympho trong máu, hạch, tủy xương và lá lách, có cùng nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi trùng, vị trí phân bố của hệ miễn dịch nhiều nhất là ở các ngõ vào của cơ thể, đặc biệt ở tại đường hô hấp và tiêu hóa
Hệ miễn dịch bằng cách sinh ra kháng thể hay tự tiêu diệt bằng các men tiêu hủy, cơ chế thực bào, các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài như virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng sẽ bị khu trú và tiêu diệt, không gây ra bệnh được.
Ở trẻ sơ sinh, hệ miễn dịch trong những tháng đầu đời được thừa hưởng bằng dòng kháng thể nhận từ sữa mẹ, cơ chế này gọi là hệ miễn dịch thụ động, kháng thể sẽ suy giảm rất nhanh sau 6 tháng và khi bé bắt đầu cai sữa, chính vì thế vào mốc thời gian này, trẻ thường hay mắc nhiễm trùng và đây là cơ hội để xây dựng hệ miễn dịch của trẻ chủ động cho riêng mình.
2. Những sai lầm của mẹ làm phá hủy hệ miễn dịch của trẻ
Khi cơ thể của bé bị suy giảm hệ miễn dịch, rất dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công. Vì thế mẹ nên biết những sai lầm dưới đây có thể phá hủy hệ miễn dịch của bé.
2.1 Không cho con bú
Sữa mẹ là thực phẩm hoàn hảo nhất của tự nhiên, cung cấp cho bé sự khởi đầu tốt. Sữa mẹ chứa các dưỡng chất như chất đạm, chất đường bột, vitamin, khoáng chất và các yếu tố vi lượng mà bé cần để phát triển khỏe mạnh. Ngoài ra, sữa mẹ còn rất giàu kháng thể giúp trẻ tăng cường sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm trùng không loại sữa nào có thể thay thế được. Đây là lý do vì sao tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời.
2.2 Tẩm bổ quá mức
Hấp thụ nhiều loại thức ăn có hàm lượng đường và chất béo cao sẽ làm suy giảm khả năng bảo vệ cơ thể khỏi các vi khuẩn có hại cho hệ miễn dịch của trẻ.
Có thể mẹ chưa biết, việc thừa cân sẽ khiến cho trẻ có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh. Đặc biệt hơn, những tế bào chất béo dư thừa ảnh hưởng không tốt lên hệ miễn dịch làm chậm quá trình đào thải các chất dẫn đến chứng viêm kinh niên.
Vì vậy, mẹ cần bổ sung thêm rau xanh, trái cây giàu vitamin A, C, E giúp tăng cường sức đề kháng cho bé.
2.3 Hạn chế sự vận động của trẻ
Cho bé vận động ngoài trời ít nhất hơn tiếng mỗi ngày mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe của bé. Ánh nắng mặt trời giúp cơ thể tự tổng hợp vitamin D cần thiết cho sự phát triển chiều cao, cân nặng, tăng cường hệ miễn dịch cho bé.
Mẹ đừng vì sợ con tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhiều mầm bệnh, sợ gió lạnh, sợ nắng, sợ ô nhiễm mà giữ trẻ khư khư trong nhà. Việc làm này chỉ khiến trẻ thêm yếu ớt, dễ ốm khi thay đổi môi trường hoặc thời tiết.
Mẹ nên khích lệ và hướng dẫn trẻ tham gia các loại vận động tùy theo sức khỏe và thể trạng của trẻ. Cơ thể trẻ được hoạt động hợp lý sẽ có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, rèn luyện cơ bắp dẻo dai, xương chắc khỏe, trí tuệ phát triển và hệ miễn dịch được hoàn thiện hơn.
2.4 Lạm dụng kháng sinh và các thuốc gây ức chế miễn dịch
Việc lạm dụng kháng sinh và các thuốc gây ức chế miễn dịch sẽ dẫn đến các vi khuẩn có lợi trong cơ thể bị tiêu diệt. Nếu những vi khuẩn có lợi này chết, khả năng phòng thủ của cơ thể sẽ giảm xuống, trẻ càng dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là viêm đường hô hấp. Hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt, chưa phát triển toàn diện, vì vậy mẹ chỉ nên dùng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn và theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ thôi nhé.
2.5 Bỏ qua quá trình hồi phục sau bệnh của trẻ
Khi trẻ bị bệnh, bố mẹ thường lo lắng và chú ý đến phương pháp trị bệnh nhưng đôi khi lại bỏ qua chế độ chăm sóc hồi phục cho trẻ sau khi trẻ khỏe lại. Vì sau một quá trình dùng thuốc điều trị, cơ thể trẻ sẽ còn tích tụ không ít độc tố do tác dụng phụ của thuốc, sức đề kháng lẫn hệ miễn dịch đều suy yếu. Vì vậy, bố mẹ cần chú ý điều dưỡng cho trẻ dù bệnh đã khỏi hẳn.
2.6 Không tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ cho bé theo lứa tuổi
Tiêm chủng là phương pháp gây miễn dịch chủ động của cơ thể với các tác nhân gây bệnh cụ thể. Cha mẹ nên cho bé tiêm chủng và tiêm đầy đủ theo lứa tuổi của bé để xây dựng cho bé hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Đừng đợi trẻ bị bệnh rồi mới nâng cao hệ miễn dịch mà bố mẹ nên tích cực bảo vệ ngay từ những sinh hoạt hằng ngày. Hy vọng nhưng chia sẻ của BS Đặng Thị Ngoan sẽ giúp bố mẹ có những phương pháp phù hợp để bảo vệ hệ miễn dịch của bé.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.