Thời tiết giao mùa nóng ẩm giữa mùa xuân và mùa hè là thời điểm mà nhiều vi sinh vật, cũng như các tác nhân gây bệnh phát triển mạnh mẽ. Trẻ em là đối tượng dễ chịu tác động bởi những thay đổi này. Do đó, cha mẹ cần có những biện pháp phòng bệnh phù hợp để giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ.
1. Các bệnh lý trẻ có thể gặp khi giao mùa xuân hè
Thời điểm này có mưa nhiều và thời tiết lúc nóng lúc lạnh, khiến cho cơ thể khó thích nghi và dễ bị ốm vặt. Đặc biệt, đây cũng là điều kiện khiến cho virus, muỗi truyền bệnh...phát triển nhanh và mạnh hơn gây ra nhiều bệnh truyền nhiễm. Dưới đây là một số bệnh lý mà trẻ thường gặp phải khi giao mùa
1.1.Viêm kết mạc mùa xuân
Viêm kết mạc mùa xuân đúng như tên gọi của nó, thường gặp nhất là vào mùa xuân. Đây là một bệnh gây ra do tình trạng dị ứng ở mắt, nhất là dị ứng phấn hoa. Bởi vì, vào mùa xuân có hoa nở nhiều, phấn hoa bay tỏa vào không khí, nếu bay vào mắt người có cơ địa dị ứng sẽ gây nên những triệu chứng của bệnh viêm kết mạc mùa xuân. Khi mắc bệnh, bạn sẽ thấy triệu chứng là đỏ cả hai mắt, ngứa, cảm giác như bị phỏng mắt, chảy nước mắt, có gỉ mắt, lúc nào cũng muốn lấy tay dụi mắt nhưng càng dụi càng ngứa. Bệnh này có thể gặp ở mọi đối tượng kể cả người lớn, trẻ nhỏ và nó thường xảy ra trên người có cơ địa dị ứng kèm theo các loại bệnh dị ứng khác như hen phế quản, viêm mũi xoang dị ứng, dị ứng thức ăn, viêm da dị ứng,...
1.2. Thủy đậu
Thủy đậu được coi là một bệnh mùa đông xuân, vì nó hay gặp nhất ở mùa đông xuân. Đặc biệt, đây cũng chính là giai đoạn mà không khí nồm ẩm, cũng rất dễ nhiễm bệnh thủy đậu. Thủy đậu là một bệnh gây ra do vi rút Varicella Zoster. Bệnh lây qua đường hô hấp thông qua dịch tiết, giọt bắn của người bệnh. Nếu một người mắc bệnh thủy đậu mà ho hay hắt hơi hoặc nói chuyện thông thường thì virus sẽ theo giọt nước bọt bắn ra ngoài, người tiếp xúc gần trực tiếp rất dễ bị lây bệnh.
Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và phần lớn ở trẻ em. Các dấu hiệu khi bị bệnh có thể là sốt, mệt mỏi, đau họng, nổi hạch ở cổ, buồn nôn. Tiếp đến sẽ xuất hiện triệu chứng nổi mụn nước trên da, các mụn nước ban đầu sẽ mọc ở chân tay, mặt và có thể lan ra toàn thân rất nhanh trong vòng từ 12 đến 24 giờ. Bệnh thường khỏi sau 7 đến 10 ngày nếu được chăm sóc và đảm bảo dinh dưỡng tốt cho người bệnh.
1.3. Sốt phát ban
Sốt phát ban là tình trạng có thể gây ra bởi rất nhiều virus khác nhau, biểu hiện là các triệu chứng sốt và nổi ban trên da. Đây là một dạng bệnh giao mùa hay gặp. Các loại virus gây bệnh này lây từ người sang người, thông qua tiếp xúc cơ thể với người nhiễm bệnh trước đó hoặc sử dụng chung vật dụng cá nhân. Đối với trẻ em khi ở môi trường nhà trẻ thì rất dễ lây bệnh, vì tiếp xúc với trẻ khác có virus gây bệnh.
Các triệu chứng của bệnh bao gồm biểu hiện như: sốt hoặc có khi sốt cao trên 39,4 độ, đau họng, ho, sổ mũi, tình trạng này kéo dài từ 3-5 ngày. Sau đó xuất hiện phát ban, trên da bắt đầu có các đốm đỏ, nhỏ hoặc nhô lên mặt da. Phát ban ở trẻ sẽ lan rộng từ vùng ngực, lưng, bụng sang cổ tay và cánh tay. Nó thường biến mất sau vài giờ, thậm chí là vài ngày mà không để lại vết tích gì trên da. Sau đó bệnh tự thoái lui. Nhưng nếu trẻ nhỏ sốt cao trên 3 ngày hoặc có các dấu hiệu không thuyên giảm sau khi phát ban thì cha mẹ cũng cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được điều trị.
1.4. Bệnh quai bị
Quai bị là bệnh gây ra do một loại virus, đây là một bệnh mùa đông xuân, vì nó phổ biến ở mùa này. Bệnh có thể lây lan thành dịch do có thể lây qua đường hô hấp. Khi mắc bệnh, trẻ thường sốt cao, sưng đau vùng mang tai và thường bị từng bên một. Bệnh quai bị có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là trẻ nhỏ. Bệnh thường khỏi sau 7 đến 10 ngày, tuy nhiên có thể gây ra một số biến chứng như viêm tinh hoàn, bệnh não do quai bị...
1.5. Cúm mùa
Bệnh giao mùa thì không thể không nhắc tới bệnh cúm. Bệnh thường rất hay xảy ra vào khoảng tới gian giao giữa mùa xuân và mùa hè. Có nhiều chủng cúm có thể gây ra bệnh viêm đường hô hấp trên, bệnh có thể thành dịch do lây lan nhanh qua đường hô hấp.
Các biểu hiện khi bị cúm bao gồm sốt - thường sốt cao, ho, đau họng, mệt mỏi, sổ mũi, đau đầu, đau nhức người...bệnh có thể khỏi nếu chăm sóc tốt sau 7 ngày. Tuy nhiên, với trẻ em khi mắc cúm có thể nặng nề hơn, vì nó có thể gây ra biến chứng hô hấp như viêm phổi nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.
1.6. Viêm đường hô hấp cấp do covid-19
Đây là một tác nhân gây bệnh có thể gặp quanh năm. Tuy nhiên, vào thời điểm nồm ẩm và mưa nhiều là điều kiện khiến cho virus corona phát triển và lây lan mạnh hơn. Đặc biệt, với trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng vắc xin Covid-19 như hiện nay thì nguy cơ lây bệnh càng cao.
Virus có thể lây qua đường hô hấp khi người lành hít phải virus trong dịch tiết mũi họng của người bệnh, thông qua vật dụng hay không khí.
Biểu hiện khi mắc bệnh có thể bao gồm ho, sốt, đau đầu, đau người, ngạt mũi, sổ mũi, đỏ mắt, mất vị giác, mất khứu giác... trường hợp nặng bệnh nhân có thể bị suy hô hấp gây khó thở, thở nhanh...
Khi trẻ nhỏ mắc bệnh thường được theo dõi tại nhà, tuy nhiên nếu trẻ sốt cao quá 3 ngày không hạ, thở nhanh, khó thở, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, trẻ không chịu chơi... thì cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế ngay.
1.7. Tiêu chảy cấp
Bệnh tiêu chảy cấp là tình trạng đi ngoài phân lỏng 3 lần mỗi ngày, không kéo dài quá 14 ngày và có thể kèm theo các triệu chứng như: nôn, buồn nôn, mất nước, rối loạn điện giải, đầy bụng, sôi bụng, người mệt lả. Nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh tiêu chảy cấp có thể dẫn đến tử vong do mất nước và điện giải.
Bệnh tiêu chảy cấp có thể được coi như một bệnh mùa hè, vì nó hay xảy ra ở mùa hè hơn, thường do thực phẩm trong môi trường nóng dễ bị ôi thiu và nhiệt khuẩn gây bệnh. Bệnh này có thể do tác nhân như vi khuẩn tả, thương hàn, virus rota... nên dễ thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn, nhất là ở những khu vực dân cư đông người, sử dụng chung nguồn nước sinh hoạt.
Khi trẻ bị tiêu chảy cấp cần bù nước và điện giải đầy đủ, nếu trẻ có những biểu hiện của mất nước nặng như mệt lả, vật vã, mắt trũng, li bì hoặc không uống được nước như nôn nhiều thì cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế nhanh chóng.
2. Cách phòng bệnh mùa xuân hè cho trẻ
Phòng bệnh là các biện pháp chủ động giúp trẻ có thể không mắc hoặc giảm thiểu mắc bệnh trong giai đoạn giao mùa. Dưới đây là một số cha mẹ nên áp dụng để phòng ngừa bệnh cho trẻ và cả chính bản thân:
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; Tắm rửa sạch sẽ; Súc miệng, súc họng bằng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch sát khuẩn;
- Các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm khi có người mắc bệnh: Hạn chế tối đa tiếp xúc người mắc bệnh lây truyền như cúm, thủy đậu, quai bị...đeo khẩu trang khi tiếp xúc và cần che miệng, mũi bằng khăn giấy khi ho hắt hơi.
- Với các bệnh lý do dị ứng với sự thay đổi mùa, phấn hoa...thì cần tránh tiếp xúc với nguồn gây dị ứng như đội mũ, đeo kính râm, đeo khẩu trang, tránh ánh nắng, vì không để trẻ gần các nguồn nhiệt làm bệnh nhẹ đi nhiều.
- Tiêm chủng vắc-xin đầy đủ phòng ngừa là biện pháp tốt hiện nay để ngăn ngừa một số bệnh như bệnh thủy đậu, cúm, sởi, quai bị, một số tác nhân gây tiêu chảy...Nên cho trẻ tiêm phòng khi có thể, để giúp phòng bệnh hiệu quả hơn.
- Giữ vệ sinh nơi ở, nơi làm việc: Cần tạo môi trường sạch sẽ, thông thoáng, thường xuyên lau các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày cho trẻ như đồ chơi của trẻ em, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Vứt rác đúng nơi quy định, nên thu gom và xử lý tránh xa nguồn nước. Không để những nơi có nước đọng để tránh muỗi phát triển gây bệnh.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Đảm bảo bạn luôn ăn chín uống sôi, không ăn các thức ăn sống hay tái như tiết canh, nem chua, các món gỏi...
- Tránh muỗi đốt: Muỗi là vật trung gian gây nhiều bệnh. Nên cần tránh việc bị muỗi đốt như ngủ màn, có lưới chắn muỗi, bôi thuốc xua đuổi côn trùng...
- Giữ ấm cơ thể tránh lạnh, có thể xông phòng bằng các loại tinh dầu như sả chanh, dầu tràm có thể giúp giữ ấm phòng, đuổi muỗi...
- Tăng sức đề kháng cho trẻ bằng cách ăn uống đủ dinh dưỡng, cân bằng, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục hàng ngày như chơi đùa, chạy chơi ngoài nắng để bổ sung vitamin D ...
Hy vọng, thông qua bài viết bạn đã có thể biết được các biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa bệnh cho trẻ. Cơ thể trẻ sức đề kháng chưa phát triển đầy đủ, cho nên dễ mắc bệnh do vi sinh vật gây ra. Bạn nên chủ động phòng tránh những nguồn lây nhiễm để tránh mắc bệnh giao mùa ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ, nhất là trong thời kỳ dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.