Phẫu thuật điều trị tắc ruột phân su

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Vũ Văn Quân - Phó trưởng khoa ngoại - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có hơn 10 kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành Ngoại Tiêu Hóa Tổng Hợp.

Tắc ruột do phân su là một trong những cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ nhỏ mà chủ yếu xảy ra ở lứa tuổi trẻ sơ sinh trong ngày 15 ngày đầu tiên sau sinh. Tình trạng tắc phân su kéo dài có thể dẫn tới các biến chứng như thủng ruột, xoắn ruột, viêm nhiễm...Tùy theo từng tình trạng cũng như mức độ tắc, tắc ruột do phân su có thể được điều trị bằng phương pháp bảo tồn hoặc phẫu thuật.

1. Điều trị tắc ruột phân su

Sau sinh vài giờ, trẻ sơ sinh thường đi ngoài ra phân su. Đặc điểm của phân su là có màu xanh đen, quánh, trong thành phần có chứa dịch tiêu hóa và thành phần biểu bì của da trẻ. Một số trường hợp, trẻ không đi ngoài ra phân su, phân su bị kết dính toàn bộ niêm mạc của đoạn cuối hồi tràng gây nên tắc ruột do phân su. Sự kết dính này xảy ra do sự hiện diện của chất nhầy mycoprotein trong hệ đường ruột. Chất nhầy này có cả ở gan, tụy, phế quản và tuyến mồ hôi. Do đó, tắc ruột do phân xu còn được xem như một dấu hiệu sớm cảnh báo nguy cơ mắc xơ nang tụy.

Hội chứng tắc ruột phân su biểu hiện đặc trưng bởi các triệu chứng: nôn ra dịch xanh, trẻ không đi ngoài ra phân su, bụng chướng kèm theo dấu hiệu quai ruột nổi.

Tắc ruột do phân su nếu được phát hiện sớm có thể điều trị được mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tùy theo tình trạng tắc ruột cũng như tình trạng sức khỏe của trẻ và có dấu hiệu của các biến chứng hay không mà bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Nói về điều trị tắc ruột do phân su, hiện chia làm hai phương pháp điều trị chính:

  • Điều trị bảo tồn:
  • Sử dụng thuốc thụt vào đại tràng để tăng nhuận tràng, giúp trẻ đi ngoài được, giảm tắc ruột do phân su, đồng thời đặt đường truyền tĩnh mạch để bù nước điện giải cho trẻ.
  • Áp dụng với những bệnh nhân đến sớm, khi đã được chẩn đoán chính xác tắc ruột do phân su và chưa có dấu hiệu của biến chứng.
  • Điều trị phẫu thuật:
  • Mục đích nhằm cắt đi đoạn ruột bị tắc do phân su, phục hồi và lưu thông đoạn ruột.
  • Chỉ định điều trị khi bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng của biến chứng như thủng ruột, xoắn ruột, hoặc khi bệnh nhân không đáp ứng với phương pháp điều trị bảo tồn hoặc bệnh nhân chưa được chẩn đoán chính xác là tắc ruột do phân su gây ra.

Tắc ruột do phân su gây bụng trướng ở trẻ sơ sinh
Tắc ruột do phân su gây bụng trướng ở trẻ sơ sinh

2. Các phương pháp phẫu thuật điều trị tắc ruột phân su

Các phương pháp phẫu thuật điều trị tắc ruột phân su bao gồm:

Phẫu thuật Bishop - koop:

  • Là kỹ thuật khâu nối giữa đầu ruột bị giãn to phía trên đoạn bị tắc và đoạn ruột bị teo nhỏ phía dưới đoạn bị tắc phân su, có kèm theo dẫn lưu đầu ruột dưới.
  • Ưu điểm: An toàn, miệng nối tương đối rộng nên đảm bảo cho việc lưu thông ruột đồng thời thuận tiện cho việc thụt rửa, kích hoạt được đoạn ruột bên dưới.
  • Nhược điểm:Có thể có đoạn ruột bị dính vào thành bụng để lại nguy cơ rò ruột về sau, cần phẫu thuật lại.

Phẫu thuật Santulli:

  • Ngược với phương pháp Bishop - koop, đây là kỹ thuật nối tận - bên giữa đầu ruột bị teo nhỏ bên dưới với đầu ruột bị giãn to, có kèm theo đầu dẫn lưu ra ngoài.
  • Ưu điểm: Áp dụng được cho cả những trường hợp khi mà đoạn ruột bên dưới bị teo hay quá ngắn không đủ dài để đưa ra thành bụng để tạo dẫn lưu.
  • Nhược điểm: Miệng nối sau phẫu thuật thường hẹp, dễ gây dò và mất dịch nhiều. Do vậy, trên lâm sàng ít sử dụng phương pháp này.

Phẫu thuật Mikulicz:

  • Là kỹ thuật nhằm đưa hai đầu ruột ra ngoài.
  • Ưu điểm: Phẫu thuật tiến hành nhanh, đơn giản dễ thực hiện.
  • Nhược điểm: Bệnh nhi bị rò ruột kéo dài, mất nước dẫn đến suy kiệt nhanh.

Phẫu thuật nối ruột:

  • Tận - chéo:

Là kỹ thuật cắt vát đầu ruột nhỏ để làm gia khẩu kính cho bằng đầu ruột to rồi nối vào với nhau.

Ưu điểm: Sau nối ruột sẽ không có phần thừa.

Nhược điểm: Miệng nối hẹp, lưu thông kém.

  • Tận - tận hay còn gọi là kỹ thuật nối ruột theo kiểu bút chì: là biện pháp phẫu thuật được sử dụng nhiều nhất hiện nay.

Đây là kỹ thuật cắt vát đầu ruột to để cho tương đương với khẩu kính của đầu ruột nhỏ rồi khâu nối lại.

Ưu điểm: Khắc phục được tất cả những nhược điểm của các phương pháp khác để lại.

Nhược điểm: Có sử dụng nhiều đường khâu nên có thể làm tăng nguy cơ rò dịch tại các vị trí khâu.

Ngoài những phương pháp trên, còn có phẫu thuật mở thông đại tràng, phẫu thuật dẫn lưu lỗ thủng ruột, phẫu thuật cắt dây chằng và gỡ dính ruột...Tuy nhiên do hiện nay đã có nhiều phương pháp hiện đại thay thế an toàn hiệu quả hơn nên các phương pháp này ít sử dụng trên lâm sàng.

3. Lưu ý chăm sóc với bệnh nhân sau phẫu thuật điều trị tắc ruột phân su.

Sau phẫu thuật, để đảm bảo sức khỏe và hạn chế tối đa những biến chứng hậu phẫu, cần phải theo dõi sát bệnh nhân về những biểu hiện của cơ thể. Lưu ý:

  • Theo dõi đầy đủ các chỉ số dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhi, đảm bảo duy trì mức thân nhiệt ổn định.
  • Lưu sonde dạ dày cho đến khi thấy dịch ra là dịch trong.
  • Sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch trong 7 ngày, sau đó tùy theo tình trạng của bệnh nhi để có chỉ định dùng thuốc tiếp theo.
  • Bù nước, điện giải.
  • Đặc biệt lưu ý các dấu hiệu tại vết mổ và các dấu hiệu toàn thân như sốt, viêm nhiễm, loét nhiễm trùng tại vết mổ...
  • Trường hợp phát hiện có rò miệng nối, cần cân nhắc chỉ định mổ lại và dẫn lưu hai đầu ruột ra ngoài.

Trẻ sau phẫu thuật cần được theo dõi cẩn thận
Trẻ sau phẫu thuật cần được theo dõi cẩn thận

Tắc ruột do phân su là một trong những cấp cứu ngoại khoa có thể được xem là cấp tính do có thể để lại nhiều nguy cơ biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe