Nguyên nhân và triệu chứng trẻ bị nhiễm giun sán

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Hà - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh, Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Nhiễm giun sán tuy là một căn bệnh đơn giản nhưng có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Ba mẹ cần quan sát các triệu chứng bất thường ở trẻ để sớm phát hiện và điều trị bệnh.

1. Nguyên nhân trẻ bị nhiễm giun sán

Ở nước ta có tới 70-80% trẻ em bị nhiễm giun. Nguyên nhân gây ra bệnh giun sán cũng rất đa dạng. Trẻ có thể bị nhiễm giun do các nguyên nhân dưới đây:

  • Ăn thực phẩm không sạch sẽ, chưa được nấu chín: Các loại rau sống, món ăn tươi sống (gỏi cá, bò tái, hàu sống,...) tiềm ẩn nguy cơ chứa các loại ấu trùng giun sán như sán lợn, sán dây bò, sán lá gan,... Đây đều là những loại ký sinh trùng nguy hiểm và nguy cơ gây tử vong cao.

Các món tươi sống, chưa được nấu chín kỹ có thể gây giun sán cho trẻ
Các món tươi sống, chưa được nấu chín kỹ có thể gây giun sán cho trẻ
  • Không tẩy giun: nhiều cha mẹ thường xem nhẹ việc tẩy giun định kỳ cho trẻ. Trẻ đang trong giai đoạn phát triển, năng động, thích chơi đùa, sức đề kháng lại kém hơn so với người lớn do đó khiến trẻ rất nhạy cảm với mầm bệnh. Ba mẹ nên lưu ý tẩy giun định kỳ cho trẻ và cho cả các thành viên khác trong gia đình để phòng ngừa lây lan bệnh.
  • Chơi đùa cùng thú nuôi: Động vật là vật chủ của nhiều loại giun sán nguy hiểm, nên trẻ hay chơi đùa với thú nuôi nhiễm giun sán có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Ngoài ra, trứng của các loài giun, có trong phân của vật nuôi và tồn tại rất lâu trong môi trường bên ngoài cũng là nguồn lây bệnh cho con người.
  • Trẻ vệ sinh cá nhân không sạch sẽ: ấu trùng giun, sán không chỉ vào cơ thể qua đường tiêu hóa mà còn có khả năng xâm nhập qua những vùng da hở, trầy xước hoặc đang bị thương. Do đó, để phòng bệnh giun sán hiệu quả cần giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ, nhắc nhở trẻ phải rửa tay trước khi ăn và sau khi đi tiểu, đại tiện. Đặc biệt, đối với trẻ càng nhỏ thì càng cần phải chú ý hơn, vì trẻ có thể bò dưới đất và đưa bất kỳ vật gì lấy được vào miệng ngậm.
  • Không giữ gìn vệ sinh môi trường: Giường, chiếu, nệm, sân chơi của trẻ,... không sạch sẽ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh giun sán. Do vậy, cần có các biện pháp vệ sinh như giặt chăn màn, chiếu gối thường xuyên, giữ gìn nhà cửa, vườn tược sạch sẽ, không phóng uế, vứt rác bừa bãi.
  • Trẻ tiếp xúc với người mang mầm bệnh: người đang mang bệnh khi vui đùa, ăn uống cùng trẻ có thể truyền mầm bệnh cho trẻ. Giun kim thường lây truyền qua phương thức này.

2. Triệu chứng trẻ bị nhiễm giun sán


Trẻ nhiễm giun kim thường bị ngứa vùng hậu môn vào ban đêm
Trẻ nhiễm giun kim thường bị ngứa vùng hậu môn vào ban đêm

Trẻ em ở các nước đang phát triển, các nước nhiệt đới, trong đó có Việt Nam thường mắc các loại giun như giun đũa (ascariasis), giun kim (pinworm), giun móc (hookworm), giun tóc (trichuris). Khi trẻ bị nhiễm các loại giun sán khác nhau, triệu chứng cũng sẽ khác nhau. Nhiều trường hợp trẻ bị nhiễm phối hợp 2 đến 3 loại giun cùng lúc. Dưới đây là biểu hiện khi bị nhiễm các loại giun thông thường:

  • Giun kim: Biểu hiện đặc trưng nhất khi nhiễm giun kim là ngứa vùng hậu môn vào ban đêm. Vì đây là thời điểm giun kim ra rìa hậu môn để đẻ gây ngứa ngáy khiến trẻ dễ mất ngủ, đái dầm và khó chịu vào ban đêm. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể quan sát thấy những chấm đỏ li ti quanh vùng hậu môn do giun kim cắn ở rìa hậu môn của trẻ.
  • Giun đũa: biểu hiện đặc trưng khi nhiễm giun đũa là hội chứng Loeffler kèm theo khó thở khi ho khan. Khi chụp X quang sẽ thấy rất rõ hình ảnh thâm nhiễm phổi. Trẻ nhiễm giun đũa thường có các dấu hiệu đau bụng, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, khó tiêu, đau đầu, có thể kèm theo phù, nổi mẩn đỏ. Ngoài ra có thể có dấu hiệu như co quắp, trướng bụng, giật kinh phong.
  • Giun móc: Bệnh giun móc được chia ra làm ba thời kỳ: vào thời kỳ xâm nhập khi ấu trùng đi ngang qua da, trẻ có các nốt sần đỏ ở da, nốt sần to bằng đầu kim, gây ngứa ngáy và thường tự biến mất sau 3- 4 ngày; thời kỳ chu du ấu trùng đi đến phổi, triệu chứng thường kín đáo, không rõ rệt, có thể có ho khan, không đờm, khan tiếng, khó phát âm. Vào thời kỳ toàn phát, bé có các biểu hiện như rối loạn tiêu hoá (tiêu chảy, táo bón, viêm tá tràng,..), thiếu máu.
  • Giun tóc: Nếu bé chỉ bị nhiễm nhẹ thì thường không có triệu chứng. Nhưng nếu bị nặng, bé có thể có các biểu hiện lâm sàng sau: đau bụng kèm theo tiêu chảy, sa trực tràng, thiếu máu.

Tình trạng nhiễm giun sán hiện nay ở nước ta đang cao ở mức đáng báo động. Do đó, mỗi người cần có các biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả. Trước hết, cần loại bỏ ngay những thói quen khiến trẻ dễ nhiễm bệnh, xây dựng một lối sống an toàn, khỏe mạnh. Ngoài ra, bố mẹ cần quan sát những biểu hiện bất thường để kịp thời phát hiện bệnh và không quên tẩy giun định kỳ cho trẻ 6 tháng / lần.

Điều trị định kỳ nhằm mục đích giảm mức độ nhiễm kí sinh trùng và để bảo vệ những người có nguy cơ mắc giun. Tẩy giun có thể dễ dàng tích hợp với các ngày sức khỏe trẻ em hoặc các chương trình bổ sung cho trẻ mẫu giáo, hoặc tích hợp với các chương trình y tế học đường. Các trường học nên thúc đẩy giáo dục các hoạt động vệ sinh cá nhân như hoạt động rửa tay, vệ sinh trường học.

Để bảo vệ trẻ khỏi những tác nhân gây ảnh hưởng tới sức khoẻ, bạn cần theo dõi và đưa trẻ đi thăm khám khi có biểu hiện bất thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe