Trật khớp vai là một chấn thương trong đó xương cánh tay trên bật ra khỏi ổ hình chèn, một phần của xương bả vai. Nếu bạn nghi ngờ trẻ bị trật khớp vai, hãy đi khám ngay.
Hầu hết mọi trường hợp trẻ bị trật khớp vai có thể lấy lại đầy đủ chức năng vai trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, một khi trẻ đã bị trật khớp vai, khớp của trẻ có thể mất ổn định và dễ bị trật khớp vai tái hồi. Vậy dấu hiệu nhận biết trẻ bị trật khớp vai là gì?
1. Làm thế nào để nhận biết trẻ có bị trật khớp vai hay không?
Vai là khớp cơ động nhất và thường xuyên bị trật khớp nhất trên cơ thể. Nó thường xảy ra trong các môn thể thao tiếp xúc như bóng đá, bóng rổ, đấu vật và khúc côn cầu. Nó cũng có thể bị trật khớp do ngã khi trẻ hoạt động mạnh. Thường gặp nhất là trật khớp vai trước.
Vai của trẻ có thể bị trật khớp trong nhiều trường hợp và xuất hiện các dấu hiệu như:
- Nhận thấy rõ sự biến dạng ở vùng vai của trẻ bằng mắt thường như khớp vai bị lệch, biến dạng, có thể nhìn thấy đầu khớp vai nhô hẳn ra ngoài.
- Khu vực xung quanh khớp vai và vùng cánh tay bị sưng tấy hoặc tụ máu gây bầm tím.
- Vai trẻ bị trật sẽ ngay lập tức xuất hiện những cơn đau đớn dữ dội ngay sau khi trẻ bị té ngã, tai nạn hoặc chấn thương trong khi vui chơi
- Vai trẻ không có khả năng di chuyển khớp hoặc trẻ khó cử động cánh tay hoặc vai. Việc cố gắng cử động, di chuyển khó càng khiến vai bị đau dữ dội hơn.
- Sờ ngón tay vào khớp vai thấy hõm khớp
- Ngoài ra, nếu trẻ bị trật khớp vai thì trẻ cũng có thể bị tê, co giật, yếu ở cánh tay, bàn tay, ngón tay hoặc ngứa ran ở cánh tay, cổ hoặc co thắt cơ ở vai làm tăng cường độ đau.
2. Trẻ bị trật khớp vai như thế nào?
Vai bị trật khớp là khi đầu nhỏ của xương cánh tay trên (xương cánh tay) trượt ra khỏi ổ khớp và kéo căng hoặc rách các dây chằng hỗ trợ và các cơ xung quanh. Nó có thể bị trật một phần khi đầu một phần của xương cánh tay trật ra ngoài ổ khớp hoặc trật hoàn toàn ra khỏi ổ khớp. Cơ chế chấn thương của trật khớp vai ở trẻ thường là gián tiếp, do ngã chống tay hoặc chống khuỷu, cánh tay dạng, đưa ra sau và xoay ngoài. Khi có sự tác động khác như khớp vai có biên độ vận động lớn, chỏm to hõm nông, các dây chằng bao khớp ở trước dưới yếu, những sự tác động này sẽ góp phần gây nên trật khớp vai khi có sự va chạm của trẻ.
Một số trường hợp điển hình như khi trẻ trượt khỏi song sắt và bấu vào cánh tay trên song sắt hoặc khi sử dụng xích đu và bị văng ra khỏi ghế, trẻ chống tay khi có cú ngã,... tuy nhiên, đây không phải là một chấn thương phổ biến mà hay gặp ở trẻ em, nhưng vẫn có những trường hợp trẻ bị trật khớp vai xảy ra.
3. Các phụ huynh có nên tự ý điều chỉnh lại khớp vai không?
Câu trả lời là không, đừng bao giờ cố gắng chỉnh sửa, định vị lại khớp xương vì điều này có thể dễ dàng gây thêm những tổn thương khác cho các mô xung quanh, sẽ khiến vết thương của trẻ nặng hơn và đau đớn hơn.
Nếu có thể, các bậc phụ huynh hãy hỗ trợ cánh tay và vai của trẻ bằng cách quấn một mảnh vải dài vòng từ cổ xuống cánh tay để cố định cánh tay không còn bị rung. Sau đó chườm lạnh bằng túi nilon chứa đầy đá và nước lọc sạch lên vùng vai giúp giảm sưng đau và đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, điều trị. Không nên cho trẻ ăn thêm bất cứ loại thức ăn hoặc nước uống nào vì có thể trẻ cần được phẫu thuật hoặc an thần. Nếu các bậc phụ huynh nhận thấy trẻ có những dấu hiệu bị sốc, da nhợt nhạt hoặc da có cảm giác sần sùi, đồng tử giãn ra, nhìn chằm chằm hay tim đập nhanh,... thì nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để chữa trị kịp thời.
4. Điều gì sẽ xảy ra tại bệnh viện?
Khi tới bệnh viện hoặc cơ sở khám chữa bệnh, sẽ có một bác sĩ kiểm tra vết thương, khu vực bị ảnh hưởng, sưng hoặc biến dạng, khám các dấu hiệu sống như tim mạch, huyết áp. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh cần cho bác sĩ biết được nguyên nhân gây trật khớp và trước đó trẻ đã từng bị trật khớp hay chưa... Sau đó, bác sĩ sẽ xem xét vai trẻ xem cần tiến hành chụp X-quang để đảm bảo rằng xương của trẻ không bị gãy ở vị trí nào. Sử dụng chụp MRI có thể được thực hiện để đánh giá mức độ tổn thương của các mô xung quanh vết thương của trẻ. Bác sĩ có thể sử dụng thêm thuốc an thần cho trẻ bình tĩnh, sau đó đưa xương trở lại vị trí thích hợp và cố định cánh tay bằng đai, nẹp hoặc bó bột, tùy thuộc vào chấn thương và tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu nghiêm trọng hơn, xương không thể định vị lại hoặc tổn thương liên quan đến dây thần kinh hay mạch máu thì phẫu thuật là điều cần thiết để điều trị cho trẻ tốt nhất.
Bác sĩ có thể sẽ đưa ra lời khuyên các bậc phụ huynh nên giúp trẻ nghỉ ngơi ở nhà, chườm đá và cho trẻ uống thuốc để giảm đau, chống viêm, sưng tấy cho trẻ. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể hướng dẫn các bài tập đặc biệt cho trẻ để giúp trẻ tăng cường các cơ xung quanh, nhanh chóng hồi phục lại. Sau 1-2 ngày, trẻ nên thực hiện những bài tập nhẹ nhàng trước theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc cố định vai quá lâu có thể làm các khớp xương của trẻ cứng lại. Ngoài ra, sau khi lành vết thương và hoạt động vai bình thường, trẻ cần tiếp tục tập thể dục nhẹ hằng ngày như vươn vai hoặc xoay nhẹ vai giúp tăng cường độ dẻo dai và ngăn ngừa trật khớp tái phát. Bác sĩ hoặc nhà trị liệu vật lý có thể giúp trẻ lập kế hoạch tập thể dục thích hợp.
Ngoài ra, các phụ huynh cũng cần lưu ý những chế độ sinh hoạt của trẻ sau khi bị trật khớp vai. Trẻ cần giảm hoạt động, vì vết thương cần thời gian dài để khỏi, trẻ cần tránh những cử động gây đau đớn, hạn chế chạy nhảy, chơi các môn thể thao yêu cầu sức khỏe, có tác động mạnh tới các vùng trong cơ thể.
5. Làm thế nào để ngăn chặn trẻ bị trật khớp vai?
Điều đầu tiên đó là đề phòng các trường hợp có thể dẫn tới trẻ bị ngã. Sử dụng các biện pháp an toàn cơ bản và đề phòng các mối nguy hiểm tiềm ẩn như ngã trong nhà tắm, thảm, cầu thang hay những khu vui chơi giải trí,... Hãy chắc chắn rằng các bậc phụ huynh có thể giám sát trẻ, không được để trẻ một mình dù cho thời gian ngắn cũng có thể khiến trẻ bị ngã, rơi xuống. Khi trẻ lớn hơn, đủ lớn để chơi các môn thể thao như đá bóng, đá cầu, cầu lông,.. các phụ huynh hãy đảm bảo rằng trẻ có những thiết bị bảo hộ an toàn, phù hợp với môn thể thao đó. Lưu ý rằng một khi trẻ bị trật khớp vai, trẻ sẽ dễ dàng bị trật khớp lần nữa. Vì vậy, các phụ huynh nên chắc chắn rằng trẻ chỉ thực hiện các bài tập với mục đích tăng cường sức khỏe cho cơ thể và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ trẻ khỏi những chấn thương không mongmuốn.
Ngoài ra, trật khớp vai ở trẻ còn gặp trong những trường hợp như gặp tai nạn xe cộ, ngủ không đúng tư thế (nằm nghiêng nhiều),... cũng là những nguyên nhân dẫn tới trật khớp vai. Các phụ huynh cũng có thể trao đổi với bác sĩ để có những lời khuyên bảo vệ sức khỏe cho trẻ được tốt nhất.
Khớp vai là một trong những khớp dễ bị tổn thương nhất đối với trẻ. Tình trạng trật khớp vai thường xảy ra khi trẻ chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền hay hoạt động mạnh quá mức. Điều cần lưu ý là các bậc cha mẹ tuyệt đối không nên tự nắn lại khớp vai cho trẻ bởi điều này có thể khiến cho chấn thương nghiêm trọng thêm, thậm chí gây ra các thương tật vĩnh viễn. Ngoài ra, để đề phòng trẻ bị trật khớp vai, các bậc cha mẹ cần lưu ý đến trẻ trong lúc trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao hoặc hướng dẫn trẻ cách mang đồ bảo vệ hợp lý trong một số môn thể thao đặc biệt.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.
Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:
- Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
- Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
- Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay ;
- Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
- Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
- Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
- Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.
Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com, adventhealth.com