Hầu hết trẻ em bị viêm đa khớp dạng thấp có thể trở về cuộc sống bình thường, nếu chúng ta áp dụng các biện pháp điều trị đúng đắn từ các bác sĩ chuyên về bệnh viêm khớp ở trẻ em. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc góc nhìn tổng quát về dấu hiệu và điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em.
1. Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là bệnh lý gì?
Bệnh viêm đa khớp dạng thấp ở trẻ em có thể xuất hiện ở một hoặc nhiều khớp và ảnh hưởng đến cả mắt. Lứa tuổi thường gặp trong viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là từ 16 tuổi trở xuống.
Các thể viêm khớp đạng thấp ở trẻ em bao gồm:
- Thể viêm hệ thống
Thế hệ thống viêm khớp dạng thấp chiếm khoảng 10% trẻ em bị viêm khớp dạng thấp. Triệu chứng bắt đầu với những cơn sốt lặp đi lặp lại có thể từ 39,5oC trở lên, thường kèm theo phát ban. Viêm khớp dạng thấp thể hệ thống có thể gây viêm các cơ quan nội tạng cũng như các khớp, mặc dù triệu chứng sưng khớp có thể không xuất hiện cho đến vài tháng hoặc thậm chí vài năm sau khi bắt đầu bị sốt. Thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp) và số lượng bạch cầu tăng cao là các dấu hiệu điển hình trong các xét nghiệm máu được chỉ định để đánh giá cơn sốt và các triệu chứng đang xuất hiện. Viêm khớp có thể vẫn tồn tại ngay cả sau khi triệu chứng sốt và các triệu chứng khác biến mất.
- Thể viêm ít khớp
Thể viêm ít khớp có ít hơn 5 khớp trong giai đoạn đầu của bệnh, có ảnh hưởng đến khoảng một nửa số trẻ em bị viêm khớp dạng thấp. Trẻ gái có nguy cơ mắc cao hơn trẻ trai. Một số trẻ lớn hơn bị viêm khớp dạng thấp thể viêm ít khớp có thể tiến triển viêm khớp “kéo dài”, nhiều khớp có thể bị tổn thương và kéo dài triệu chứng đến tuổi trưởng thành. Trẻ em mắc viêm khớp dạng thấp thể viêm ít khớp dưới 7 tuổi, thường có khả năng bệnh khớp thuyên giảm theo thời gian tốt nhất. Tuy nhiên, những đứa trẻ này có nguy cơ cao hơn phát triển vấn đề về mắt (viêm màng bồ đào). Viêm mắt có thể tồn tại độc lập với viêm khớp. Bệnh viêm mắt này thường không gây ra triệu chứng, nên việc khám định kỳ bởi bác sĩ nhãn khoa là điều cần thiết để phát hiện tình trạng viêm và bắt đầu điều trị để ngăn ngừa mất thị lực.
- Thể viêm đa khớp
Viêm khớp dạng thấp thể viêm đa khớp ảnh hưởng đến 5 khớp hoặc nhiều hơn và có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi. Khoảng 30% tổng số các ca bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em thuộc nhóm này. Viêm khớp thường biểu hiện đối xứng 2 bên cơ thể, và trẻ thường có hiện diện của yếu tố thấp trong máu. Trẻ em khi được chẩn đoán mắc thể viêm đa khớp ở tuổi thanh thiếu niên, có thể tiến triển thành viêm khớp dạng thấp ở người trưởng thành sớm hơn bình thường.
- Thể viêm cột sống dính khớp
Viêm khớp dạng thấp thể viêm cột sống dính khớp thường liên quan đến tình trạng viêm các dây chằng của cột sống. Trẻ có thể biểu hiện đau khớp mà không sưng rõ ràng, kèm đau lưng và cứng khớp.
2. Nguyên nhân gây nên bệnh viêm đa khớp dạng thấp ở trẻ em
Tương tự như bệnh viêm khớp dạng thấp ở người lớn, bệnh viêm đa khớp dạng thấp ở trẻ em là bệnh tự miễn. Điều này có nghĩa là hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào và mô khỏe mạnh của chính nó. Hệ thống miễn dịch ở trẻ bị viêm khớp dạng thấp tác động vào màng hoạt dịch của khớp, gây nên tình trạng viêm. Khi tình trạng viêm không được điều trị, tổn thương khớp có thể xảy ra.
Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác khiến hệ thống miễn dịch hoạt động sai trong viêm khớp dạng thấp ở trẻ em. Một số yếu tố được cho liên quan đến bệnh là di truyền và môi trường. Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em có liên quan đến gen được gọi là kháng nguyên HLA-DR4. Trẻ em có kháng nguyên này trong cơ thể có nhiều khả năng mắc bệnh hơn.
3. Dấu hiệu bệnh viêm đa khớp dạng thấp ở trẻ em
Triệu chứng của mỗi trẻ có thể khác nhau, triệu chứng điển hình bao gồm:
- Đau khớp: Mặc dù trẻ không kêu đau khớp, nhưng quan sát có thể thấy trẻ đi khập khiễng – đặc biệt hay xuất hiện vào buổi sáng hoặc sau khi ngủ trưa.
- Sưng khớp: Thường thấy đầu tiên ở các khớp lớn như đầu gối.
- Cứng khớp: Hay xuất hiện vào buổi sáng hoặc sau khi ngủ trưa.
- Sốt, sưng hạch bạch huyết và phát ban.
- Một số trẻ có thể xuất hiện viêm mắt.
Một số bệnh lý có thể xuất hiện triệu chứng tương tự viêm khớp dạng thấp, như nhiễm trùng, ung thư ở trẻ em, bệnh Lyme và Lupus ban đỏ, phải được loại trừ trước khi có thể chẩn đoán xác định viêm khớp dạng thấp ở trẻ em.
Biến chứng có thể gặp:
Một số biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra khi mắc viêm khớp dạng thấp cần theo dõi tình trạng bệnh lý ở trẻ một cách chặt chẽ và áp dụng các phương pháp điều trị hợp lý nhằm giảm nguy cơ các biến chứng này xảy ra:
- Vấn đề về mắt: Một số thể có thể kèm theo viêm mắt. Nếu không điều trị có thể dẫn đến suy giảm thị lực, tăng nhãn áp và thậm chí mù. Viêm mắt có thể xảy ra mà không có triệu chứng, do đó cần thường xuyên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt.
- Vấn đề về tăng trưởng: Viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ và phát triển của hệ xương. Một số thuốc dùng trong điều trị như corticosteroid cũng có thể làm hạn chế sự phát triển của trẻ.
4. Chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
Bệnh viêm đa khớp dạng thấp ở trẻ em có thể khó chẩn đoán vì trong giai đoạn đầu một số trẻ có triệu chứng đau và sưng khớp không rõ ràng, đau khớp có thể do bệnh lý khác gây ra.
Không có xét nghiệm máu nào có thể được sử dụng để chẩn đoán tình trạng bệnh. Người lớn bị viêm khớp dạng thấp thường có xét nghiệm yếu tố dạng thấp dương tính, nhưng trẻ em bị viêm khớp dạng thấp thường có xét nghiệm yếu tố dạng thấp trong máu âm tính. Các xét nghiệm có thể giúp loại trừ một số tình trạng khác gây ra các dấu hiệu và triệu chứng tương tự. Do đó, chẩn đoán viêm khớp dạng thấp phụ thuộc vào các triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh và sau khi đã loại trừ các chẩn đoán khác.
Xét nghiệm máu:
- Tốc độ lắng máu: kết quả xét nghiệm này tăng cao có thể cho thấy tình trạng viêm đang diễn ra. Xét nghiệm tốc độ lắng máu chủ yếu được sử dụng để xác định mức độ viêm.
- Xét nghiệm CRP (C-reactive protein): xét nghiệm máu này dùng để đánh giá mức độ viêm nhiễm trong cơ thể.
- Kháng thể kháng nhân: là các protein thường được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch của những người mắc một số bệnh tự miễn, bao gồm cả viêm khớp dạng thấp.
- Yếu tố dạng thấp, xét nghiệm anti-CCP: thỉnh thoảng có thể được tìm thấy trong máu của trẻ em bị viêm khớp dạng thấp.
Ở nhiều trẻ em bị viêm khớp dạng thấp, có thể không tìm thấy bất thường đáng kể nào trong các xét nghiệm máu này.
Chẩn đoán hình ảnh:
- Chụp X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ có thể được thực hiện để loại trừ các tình trạng khác, chẳng hạn như gãy xương, khối u, nhiễm trùng hoặc các khuyết tật bẩm sinh.
- Chẩn đoán hình ảnh cũng có thể được sử dụng theo thời gian sau khi chẩn đoán xác định bệnh để theo dõi sự phát triển của xương và phát hiện tổn thương khớp.
5. Điều trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
Điều trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ em tập trung vào việc giúp duy trì thể chất và hoạt động xã hội bình thường cho trẻ.
Các loại thuốc sử dụng ở trẻ được lựa chọn để giúp giảm đau, cải thiện chức năng và giảm thiểu tổn thương ở khớp bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Ibuprofen và Naproxen được sử dụng giúp giảm đau, sưng khớp. Các tác dụng phụ bao gồm đau dạ dày; ít thường xuyên hơn là các vấn đề về thận và gan.
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs): Các thuốc này được sử dụng khi NSAID đơn độc không làm giảm các triệu chứng đau và sưng khớp hoặc nếu trẻ có nguy cơ cao bị tổn thương trong tương lai.
- DMARDs có thể được dùng kết hợp với NSAID và được sử dụng để làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em. DMARDs được sử dụng phổ biến nhất cho trẻ em là Methotrexate. Các tác dụng phụ của Methotrexate có thể bao gồm buồn nôn, vấn đề về gan và tăng nhẹ nguy cơ nhiễm trùng.
- Tác nhân sinh học: Nhóm thuốc này bao gồm thuốc chẹn yếu tố hoại tử khối u (TNF), chẳng hạn như Etanercept, Adalimumab, Golimumab và Infliximab. Những thuốc này có thể giúp giảm viêm toàn thân và ngăn ngừa tổn thương khớp. Các tác nhân sinh học có thể được sử dụng với DMARD và các loại thuốc khác.
- Corticosteroid: Thuốc corticosteroid như Prednisone có thể được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng cho đến khi một loại thuốc khác có hiệu quả hơn được sử dụng. Corticosteroid cũng được sử dụng trong điều trị viêm ở các cơ quan ngoài ở khớp, chẳng hạn như viêm màng ngoài tim.
Những loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường và làm tăng tính nhạy cảm với nhiễm trùng, do đó các thuốc này cần được sử dụng trong thời gian ngắn nhất có thể.
Vật lý trị liệu:
- Trẻ mắc viêm khớp dạng thấp nên được hướng dẫn tập vật lý trị liệu để giúp duy trì các khớp hoạt động linh hoạt, duy trì sức mạnh của các cơ. Mỗi trẻ sẽ được bác sĩ vật lý trị liệu hướng dẫn bài tập riêng và sử dụng các dụng cụ hỗ trợ phù hợp với trẻ.
- Trẻ có thể được sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như nẹp khớp để giúp bảo vệ các khớp và duy trì tư thế chức năng của chúng.
Phẫu thuật:
- Trong những trường hợp viêm khớp dạng thấp rất nặng, phẫu thuật có thể được tiến hành để cải thiện chức năng khớp.
Thay đổi lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà:
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục rất quan trọng vì nó thúc đẩy cả sức mạnh cơ bắp và sự linh hoạt của khớp. Bơi lội là một sự lựa chọn tốt vì giúp giảm thiểu áp lực lên các khớp.
- Chườm lạnh hoặc chườm nóng: Tình trạng cứng khớp ảnh hưởng đến nhiều trẻ em bị viêm khớp, đặc biệt là vào buổi sáng. Một số trẻ đáp ứng tốt với chườm lạnh, đặc biệt là sau khi hoạt động.
- Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp duy trì trọng lượng cơ thể thích hợp. Bổ sung đầy đủ canxi trong chế độ ăn uống là rất quan trọng vì trẻ em bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ chậm phát triển xương do bệnh, sử dụng corticosteroid, giảm hoạt động thể chất.
Tóm lại, viêm đa khớp dạng thấp ở trẻ em là một bệnh lý tự miễn trong cơ thể và ngày càng phổ biến hiện nay. Viêm đa khớp dạng thấp ở trẻ em xảy ra phần lớn ở những trẻ thuộc nhóm 3-16 tuổi. Do đó các cha mẹ cần quan tâm và để ý tới triệu chứng bất thường xảy ra ở trẻ nhỏ để thăm khám kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.