Cách bổ sung nước cho trẻ khi bị tiêu chảy

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Tiêu chảy là tình trạng thường gặp ở trẻ em, tiêu chảy có thể khiến trẻ bị mất nước, mất điện giải dẫn đến suy dinh dưỡng, thậm chí gây tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách. Do đó khi trẻ bị tiêu chảy cấp, trước hết phải đánh giá tình trạng mất nước và tiến hành bù nước đúng cách.

1. Tiêu chảy cấp ở trẻ em

Tiêu chảy là triệu chứng có thể xảy ra do rối loạn chức năng tiêu hóa, hấp thu và bài tiết của ống tiêu hoá. Tiêu chảy là tình trạng tăng lượng dịch đột ngột trong phân, biểu hiện bằng việc trẻ đi ngoài phân lỏng, trên 3 lần trong vòng 24 giờ. Trẻ em có chức năng đại tràng chưa ổn định nên một số trẻ có thể đi ngoài từ 5-8 lần/ngày, mỗi lần đi ra một ít phân, mềm hoặc hơi lỏng vẫn là bình thường. Do đó, để xác định xem trẻ có bị tiêu chảy hay không thì còn phải xem xét thêm các yếu tố khác như:

  • Tăng số lần đi ngoài một cách đột ngột
  • Thay đổi độ đặc, rắn của phân và tăng lượng dịch trong phân
  • Thay đổi màu sắc và tính chất phân như phân có nhầy hoặc máu

Tiêu chảy cấp tính là tình trạng tiêu chảy kéo dài dưới 14 ngày, còn nếu từ 14 ngày trở lên là tiêu chảy kéo dài.

2. Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ em

Có thể chia nguyên nhân gây tiêu chảy ra làm 4 nhóm chính:

2.1. Nhiễm khuẩn

Nhiễm trùng đường ruột do các tác nhân gây bệnh:

  • Virus: trong đó Rotavirus là nguyên nhân gây bệnh hàng đầu ở trẻ em
  • Vi khuẩn: ở nước ta, E. coli là loại vi khuẩn gây bệnh đứng hàng đầu, đứng thứ 2 là Shigella
  • Ký sinh trùng: Entamoeba histolytica là tác nhân chủ yếu gây bệnh lỵ amip. Ngoài ra còn có Giardia lamblia và Cryptosporidium.

Nhiễm trùng ngoài ruột: nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng huyết...


Rotavirus là nguyên nhân gây bệnh hàng đầu ở trẻ em
Rotavirus là nguyên nhân gây bệnh hàng đầu ở trẻ em

2.2. Tiêu chảy do thuốc

Liên quan sử dụng kháng sinh và các loại thuốc khác ở trẻ em

2.3. Dị ứng thức ăn

Một số loại thức ăn thường gây dị ứng ở trẻ như protein sữa bò, protein đậu nành,...

2.4. Các nguyên nhân ít gặp khác

  • Rối loạn quá trình tiêu hóa hấp thu.
  • Viêm ruột do hóa trị hay xạ trị.
  • Các bệnh lý ngoại khoa (lồng ruột, viêm ruột thừa cấp), thiếu vitamin (niacin), ngộ độc kim loại nặng.

3. Bù nước cho trẻ bị tiêu chảy

Khi trẻ bị tiêu chảy, bố mẹ cần thực hiện ngay những việc sau:

3.1 Cho trẻ uống nhiều hơn

  • Cho trẻ bú mẹ nhiều lần hơn, lâu hơn hoặc vắt sữa ra cốc rồi cho trẻ uống nếu trẻ không bú được
  • Cho trẻ uống Oresol để phòng mất nước và điện giải. Hiện nay Oresol có nhiều loại với khối lượng (pha trong 200, 250, 1000ml nước) và hương vị khác nhau cho trẻ dễ uống. Bố mẹ cần lưu ý pha Oresol đúng với hướng dẫn ghi trên gói, cần dùng dụng cụ đong nước phù hợp, rửa tay trước khi pha Oresol và sử dụng các dụng cụ sạch để đựng. Dung dịch Oresol đã pha chỉ dùng trong 24 giờ. Khi cho trẻ uống Oresol cần chú ý:
    • Với trẻ dưới 2 tuổi cho uống từng thìa nhỏ cách nhau 1-2 phút.
    • Trẻ lớn hơn có thể cho uống từng ngụm bằng cốc.
    • Nếu trẻ nôn, đợi 10 phút sau đó uống chậm hơn. Ví dụ: cho uống từng thìa cách nhau 2- 3 phút.
  • Nếu không có Oresol có thể thay thế bằng các loại nước khác như nước cháo muối, nước cơm, nước dừa, nước ép trái cây tươi (không cho thêm đường)
  • Không cho trẻ uống các loại nước ngọt có đường, nước có gas, nước trái cây đóng hộp.

Cha mẹ cho trẻ dùng Oresol theo đúng tỉ lệ được khuyến cáo
Cha mẹ cho trẻ dùng Oresol theo đúng tỉ lệ được khuyến cáo

3.2 Tiếp tục cho trẻ ăn

  • Nhiều phụ huynh thấy con bị tiêu chảy thì có tâm lý cho trẻ ngừng ăn hoặc hạn chế thức ăn dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, tiêu chảy nặng thêm. Bố mẹ cần tiếp tục duy trì và tăng dần khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ, không hạn chế trẻ ăn, nên chia thành nhiều bữa nhỏ.
  • Nếu trẻ còn bú mẹ thì tiếp tục cho trẻ bú.
  • Cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, dầu thực vật, mỡ động vật. Thức ăn nên nấu chín kỹ, nấu mềm để trẻ dễ ăn
  • Cho trẻ ăn bổ sung thêm trái cây.
  • Lưu ý tránh cho trẻ ăn những loại thực phẩm có nhiều xơ, gây khó tiêu như rau bí, măng, ngô, đỗ.
  • Sau khi trẻ ngừng tiêu chảy vẫn cho trẻ ăn thêm 1 bữa phụ mỗi ngày ít nhất trong hai tuần, nếu trẻ bị suy dinh dưỡng, duy trì bữa phụ đến khi trẻ đạt cân nặng bình thường.
  • Cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến thức ăn cho trẻ.

3.3 Bổ sung kẽm cho trẻ

Cho trẻ uống kẽm càng sớm càng tốt ngay khi bắt đầu tiêu chảy vì kẽm làm giảm thời gian và độ nặng của tiêu chảy.

Liều lượng theo khuyến cáo của Bộ Y tế:

  • 10 mg/kg/ngày (< 6 tháng) x 10-14 ngày
  • 20 mg/kg/ngày (> 6 tháng) x 10-14 ngày

3.4 Tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy, thuốc kháng sinh hay bất kỳ thuốc khác

3.5 Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu có một trong những biểu hiện sau

  • Đi ngoài phân lỏng vài lần trong vòng 1 hoặc 2 giờ
  • Nôn nhiều
  • Rất khát, môi khô, mắt trũng, khóc không có nước mắt
  • Ăn uống kém, bỏ bú
  • Sốt cao
  • Phân có lẫn máu
  • Trẻ vật vã kích thích hoặc li bì khó đánh thức
  • Trẻ không đỡ sau 2 ngày xử trí tại nhà.

Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi trẻ có biểu hiện bất thường và kéo dài
Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi trẻ có biểu hiện bất thường và kéo dài

Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ nhỏ hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:

Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.

Đối tượng sử dụng:

- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.

- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.

Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:

  • Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
  • Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
  • (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com

Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid

Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong

laminkid box 1

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe