Các dị tật bàn chân thường gặp ở trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Dị tật bàn chân là một trong những dị tật bẩm sinh hay gặp ở trẻ em khi vừa mới chào đời, có thể là dị tật bàn chân khoèo sơ sinh, bàn chân bẹt hoặc một số dị tật bàn chân khác. Những loại dị tật bàn chân này cần được phát hiện và điều trị kịp thời để hạn chế tối đa những khó khăn trong di chuyển khi trẻ lớn lên.

1. Dị tật bàn chân

Sau sinh khoảng 24 – 48 giờ thì cần kiểm tra những đặc điểm, cấu trúc và hình thái bàn chân của đứa trẻ vì những dị tật bàn chân thường được phát hiện trong khoảng thời gian này. Các bác sĩ có thể thăm khám bằng cách kích thích phần bên hông của gót chân sang ngón chân út, sau đó quan sát những cử động của bàn chân để chẩn đoán dị tật phù hợp.

Theo nghiên cứu thì nguyên nhân của dị tật bàn chân ở trẻ em được cho là tư thế của bào thai trong tử cung khiến cho bàn chân của trẻ bị đè ép nhiều trong quá trình người mẹ mang thai, cho đến những tháng sau của thai kỳ thì khung chậu của người mẹ hẹp lại hoặc trọng lượng thai tăng lên, người mẹ sinh đôi thì cũng tác động lên việc hình thành những dị tật bàn chân ở trẻ sơ sinh. Một số nguyên nhân khác có thể kể đến như di truyền, tư thế ngồi làm việc hoặc tư thế trong những sinh hoạt hàng ngày trong suốt thời gian mang thai của người mẹ.

2. Bàn chân khoèo sơ sinh


Bàn chân khoèo sơ sinh là một dị tật bàn chân thường gặp với tỉ lệ khoảng 1/1000 trẻ sơ sinh
Bàn chân khoèo sơ sinh là một dị tật bàn chân thường gặp với tỉ lệ khoảng 1/1000 trẻ sơ sinh

Bàn chân khoèo sơ sinh là một dị tật bàn chân thường gặp với tỉ lệ khoảng 1/1000 trẻ sơ sinh, trong đó trẻ nam thường có xu hướng mắc phải dị tật này nhiều hơn nữ. Bốn loại biến dạng thường gặp ở bàn chân khoèo sơ sinh đó là biến dạng gập lòng, biến dạng vẹo trong, biến dạng áp và vòm bàn chân. Một số triệu chứng kèm theo của bàn chân khoèo sơ sinh là co rút gân gót, tầm vận động của khớp cổ chân và khớp bàn chân bị giới hạn.

3. Bàn chân vòm

Bàn chân vòm thường hiếm gặp hơn so với bàn chân khoèo sơ sinh, đặc trưng bởi tình trạng trật khớp sên – thuyền, khớp gót – hộp của chân, dấu hiệu bàn chân ngựa, gập lưng phần trước bàn chân, hình ảnh võng lòng bàn chân và khi chụp phim X quang bàn chân thì cho hình ảnh thẳng đứng của xương gót. Đối với bàn chân vòm thì cần chẩn đoán phân biệt với những dị tật khác như bàn chân đụng gót, bàn chân lật ngoài.

Phương pháp điều trị bàn chân vòm thường là kéo giãn cơ mặt trước bàn chân cũng như cơ bụng chân, có thể tập vận động cơ chày sau, cơ áp ngón một hoặc cơ gập lòng bàn chân mạnh hơn, cố định bàn chân vào miếng đế có chêm vùng dưới lòng bàn chân để điều chỉnh tình trạng trật khớp của trẻ.

4. Bàn chân bẹt


Bàn chân bẹt là một dị tật bẩm sinh khi mặt lòng của bàn chân bằng phẳng và không lõm vào
Bàn chân bẹt là một dị tật bẩm sinh khi mặt lòng của bàn chân bằng phẳng và không lõm vào

Bàn chân bẹt là một dị tật bẩm sinh khi mặt lòng của bàn chân bằng phẳng và không lõm vào. Tuy nhiên, đa số những trẻ khi sinh ra thì đều xuất hiện tình trạng này cho đến khi trẻ đạt 2 hoặc 3 tuổi thì vòm chân bắt đầu hình thành và sẽ tạo nên hệ thống dây chằng vững vàng cho trẻ. Khi trẻ lên 6 tuổi thì hiện tượng bàn chân bẹt sẽ không còn nữa và trẻ có thể đi lại một cách dễ dàng và nhanh nhẹn hơn.

Những trường hợp bàn chân bẹt không tự động mất đi gọi là bàn chân bẹt bệnh lý thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh cột sống và tác động tiêu cực đến khả năng vận động của trẻ về lâu về dài. Vì vậy, khi bé có bất kỳ biểu hiện nào bất thường ở bàn chân cũng như dáng đi thì phụ huynh nên đưa trẻ đến những cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị, tốt nhất là trong độ tuổi 2 – 7 tuổi. Phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với hội chứng bàn chân bẹt đó là mang giày chỉnh hình y khoa hoặc tiến hành phẫu thuật khi độ tuổi của trẻ lớn hơn.

5. Bàn chân đụng gót

Đây là dạng dị tật bàn chân hay gặp ở trẻ sơ sinh, có khả năng chữa lành rất cao nếu như được phát hiện và điều trị sớm. Bàn chân đụng gót là hiện tượng bàn chân gập mu quá mức bình thường, có thể có kèm theo tình trạng nghiêng ngoài bàn chân hoặc vẹo gót ngoài. Trên lâm sàng triệu chứng điển hình nhất của bàn chân đụng gót đó là mặt mu của bàn chân trẻ em chạm sát vào mặt trước của cẳng chân.

6. Bàn chân trước áp

Bàn chân trước áp là một dị tật bàn chân thuộc nhóm bàn chân biến dạng đưa vào trong. Bàn chân trước áp là tình trạng một nửa bàn chân phía trước của trẻ áp vào phía trong, nhất là ngón chân cái cho hình ảnh áp vào trong nhiều nhất. Khi thăm khám, sờ cạnh ngoài bàn chân sẽ thấy được gờ của xương bàn ngón út nhô lên cao hơn so với bình thường.

7. Một số phương pháp điều trị dị tật bàn chân


Trong trường các phương pháp điều trị bảo tồn không có hiệu quả, bệnh nhân sẽ được cân nhắc thực hiện phẫu thuật
Trong trường các phương pháp điều trị bảo tồn không có hiệu quả, bệnh nhân sẽ được cân nhắc thực hiện phẫu thuật
  • Vận động trị liệu: Bao gồm tập vận động làm mềm những cơ bị co thắt, kéo giãn gân gót, nắn chỉnh khớp bằng tay, tập mạnh những cơ ở bàn và cổ chân.
  • Dùng băng chỉnh hình: Thường được áp dụng vào ngày đầu sau sinh cùng với giày có đế nhựa và băng dính
  • Dùng băng Kinesio: Thường được chỉ định trong trường họp dị tật chân đụng gót và bàn chân trước áp
  • Phương pháp Ponseti: Dùng trong bàn chân khoèo sơ sinh hoặc những tình trạng bàn chân khoèo phức tạp
  • Mang nẹp, giày nẹp: Sau khi những trẻ có bàn chân khoèo sơ sinh được bó bột chỉnh hình bằng phương pháp Ponseti thì sẽ được hướng dẫn sử dụng loại nẹp giày này.
  • Phẫu thuật chỉnh hình: Nếu những phương pháp điều trị bảo tồn kể trên không hiệu quả thì có thể cân nhắc phẫu thuật để bệnh nhi có thể vận động và đi lại trong thời gian sớm nhất.

Dị tật bàn chân bẩm sinh có rất nhiều loại, có thể là bàn chân khoèo sơ sinh, bàn chân vòm hoặc hội chứng bàn chân bẹt gây nên những bất lợi về mặt thẩm mỹ cũng như di chuyển cho trẻ em. Phương pháp điều trị cho những dị tật bàn chân này rất đa dạng và đã cho thấy hiệu quả thực tế từ người bệnh, vì vậy khi có bất cứ dấu hiệu gì nghi ngờ thì cần khám và điều trị cho bệnh nhi trong giai đoạn sớm nhất để tăng cao khả năng chữa khỏi và giảm thiểu những biến chứng cũng như tái phát sau này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe