Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Tình trạng bé mọc răng biếng ăn thường xảy ra khi trẻ mọc những chiếc răng đầu tiên. Tuy nhiên các chuyên gia quan sát thấy, hiện tượng trẻ bỏ ăn khi mọc răng nanh diễn ra nhiều hơn so với khi mọc răng hàm hay răng cửa. Vậy bé mọc răng bỏ ăn phải làm sao? Và bé mọc răng bỏ ăn bao lâu?
1. Trẻ mọc răng có bỏ ăn không?
Theo các chuyên gia, khi bé mọc răng sẽ có hiện tượng biếng ăn, bỏ bữa xảy ra. Nguyên nhân được là do những cơn đau nhức, khó chịu xuất hiện khi răng mọc lên.
Khi bé mọc răng, nướu sẽ bị tấy đỏ và dần nứt ra để cho những chiếc răng sữa bắt đầu mọc lên. Quá trình nứt nướu khiến bé bị đau, phát sốt, khó chịu, quấy khóc dẫn đến biếng ăn, thậm chí bỏ ăn.
Trong một số trường hợp, trẻ mọc răng còn có các triệu chứng khác như rối loạn tiêu hóa, phát ban, mẩn đỏ ở cằm,... Tất cả những tình trạng này đều khiến trẻ mệt mỏi và lười ăn.
Ngoài ra, khi trẻ mọc răng, các enzyme trong cơ thể bé bắt đầu tập trung vào những vị trí răng đang mọc để hỗ trợ răng sớm nhú ra ngoài. Điều này khiến enzyme tiêu hóa bị giảm đi, vì vậy trẻ sẽ cảm thấy không ngon miệng khi ăn, dẫn đến chán ăn.
2. Bé mọc răng bỏ ăn bao lâu?
Có nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ thường biếng ăn khi mọc răng nanh. Mà những chiếc răng nanh thường mọc khi trẻ được 16 – 22 tháng tuổi. Tuy nhiên, mỗi một đứa trẻ lại có cơ địa khác nhau, do vậy cũng sẽ có những trẻ sẽ bỏ ăn do mọc răng hàm, răng cửa,.. ngay từ 6 tháng tuổi.
Một số dấu hiệu để bạn nhận biết bé bỏ ăn do mọc răng bao gồm:
- Nướu sưng, tấy đỏ, sờ vào có cảm giác nóng. Một số trường hợp bé có thể bị viêm loét lợi nếu bạn vệ sinh răng miệng cho trẻ không sạch sẽ.
- Trẻ bị chảy dãi thường xuyên.
- Xuất hiện các triệu chứng như sốt, rối loạn tiêu hóa, nổi ban, sổ mũi, ho,...
- Trẻ cho tay vào miệng, đặc biệt là các vị trí nướu bị sưng.
- Trẻ quấy khóc, khó chịu, mệt mỏi, biếng ăn, bỏ bú sữa mẹ,...
Trẻ mọc răng bỏ ăn cho tới khi chiếc răng nhú hẳn ra ngoài, thông thường là từ 3 – 5 ngày. Tuy nhiên, thời gian chính xác trẻ bỏ ăn khi mọc răng sẽ phụ thuộc vào cơ địa của từng bé.
Nếu trẻ có sức đề kháng tốt, quá trình mọc răng ít đau đớn thì có thể trẻ chỉ biếng ăn trong vài ngày. Với những trẻ có sức khỏe kém hơn thì thời gian mọc răng cũng sẽ kéo dài hơn, đồng nghĩa với việc bé biếng ăn hay bỏ ăn trong thời gian lâu hơn.
Quá trình mọc răng sẽ khiến trẻ phải chịu nhiều đau đớn và khó chịu nên bạn cần kiên nhẫn khi chăm sóc trẻ. Bên cạnh đó, bạn cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về cách chăm sóc, vệ sinh răng miệng khi trẻ mọc răng để bảo vệ trẻ đúng cách.
3. Trẻ mọc răng bỏ ăn phải làm sao?
Trẻ mọc răng bỏ ăn là hiện tượng khá phổ biến. Do vậy bạn cần chăm sóc cho trẻ đúng cách để ngăn ngừa những biến chứng, giảm thiểu những ảnh hưởng không tốt có thể xảy ra.
3.1 Tăng cường cung cấp nước cho trẻ
Các cơn đau xuất hiện khi mọc răng sẽ khiến trẻ biếng ăn, vì thế bạn luôn nhớ phải bổ sung đủ nước cho trẻ. Nếu bị thiếu nước, bé rất dễ bị suy nhược cơ thể mà bạn khó nhận ra, từ đó gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.
3.2 Vệ sinh sạch sẽ nướu và khoang miệng cho trẻ
Bạn nên vệ sinh lợi cho trẻ hàng ngày bằng khăn mềm và nước muối sinh lý. Việc làm này sẽ giúp hạn chế nguy cơ nhiễm trùng răng, lợi khi mọc răng.
Bên cạnh đó, bạn cũng không cho trẻ ngậm núm ti giả hay núm bình sữa khi ngủ. Vì việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, các tác nhân có hại xâm nhập và phát triển gây ra tình trạng viêm lợi.
3.3 Làm dịu tình trạng sưng lợi và khó chịu cho trẻ
Bạn hãy massage lợi cho bé bằng khăn mềm để giúp xoa dịu cảm giác đau, giúp cho trẻ ăn ngon và ngủ ngon hơn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể vệ sinh răng, lợi cho trẻ bằng nước lá hẹ để tăng khả năng sát khuẩn và làm dịu mát nướu. Điều này giúp trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
3.4 Kiên nhẫn và chơi đùa với trẻ để trẻ tạm thời quên đi cơn đau
Bạn nên giữ bình tĩnh, kiên nhẫn và dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc trẻ, chơi với trẻ để trẻ sớm vượt qua thời kỳ “khủng hoảng” này.
4. Các loại thực phẩm tốt cho trẻ mọc răng bỏ ăn
Trẻ mọc răng bỏ ăn không có nghĩa là trẻ được phép không ăn uống gì. Bạn có thể tham khảo một số loại thực phẩm dưới đây cho trẻ ăn khi mọc răng.
- Sữa mẹ vẫn luôn là nguồn dinh dưỡng tốt và không nên thay thế cho các bé sơ sinh. Tuy nhiên sau khi cho trẻ bú, bạn cần làm sạch khoang miệng cho bé.
- Các món ăn mềm, dễ nhai nuốt: Các món ăn như cháo cá, súp lươn, mì, bún nấu với nước hầm xương,... Bạn nên chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày để trẻ đỡ bị sợ hãi khi phải ăn quá nhiều một lúc.
- Tăng cường bổ sung canxi cho trẻ để kích thích mọc răng và giúp răng chắc khỏe. Thực phẩm giàu canxi như là tôm, cua cá, đậu trắng, quả kiwi, cam, quýt, dâu,...
- Thường xuyên cho trẻ uống nước ép trái cây, sữa để cung cấp đầy đủ vitamin, canxi cùng các khoáng chất thiết yếu để giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
- Các loại sữa chua không đường, ít đường cũng là một sự lựa chọn tốt. Với tính lạnh đặc trưng của sữa chua sẽ giúp hạ nhiệt tại khu vực răng đang mọc, giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn
Ngoài ra bạn cũng có thể cho bé nhai một số đồ ăn cứng hơn như cà rốt, củ cải,... Lực nhai vừa phải khi ăn sẽ kích thích răng mọc nhanh hơn.
Tuy hiện tượng trẻ biếng ăn khi mọc răng không phải hiện tượng nguy hiểm, không gây ảnh hưởng quá nhiều tới sức khỏe. Nhưng nếu trẻ không được chăm sóc đúng cách có thể khiến bé phát triển chậm hơn.
Ở giai đoạn mọc răng hầu hết các trẻ đều có hiện tượng biếng ăn, nhưng bạn đừng ép trẻ ăn để tránh tình trạng biếng ăn tâm lý. Bạn có thể bổ sung cho trẻ uống kẽm, vitamin nhóm B, lysine, men tiêu hóa vi sinh có tác dụng giúp trẻ ăn ngon miệng.
Chăm sóc trẻ trong giai đoạn từ 6 tháng đến 3 tuổi là độ tuổi bắt đầu mọc răng sữa, bé rất dễ gặp phải các vấn đề về hệ hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, bệnh lý về da và nhiễm trùng đường tiêu hóa...cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc răng miệng và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.
Ngoài việc chăm sóc răng miệng cho trẻ, cha mẹ cũng cần chú trọng vào chế độ dinh dưỡng cho trẻ ở giai đoạn này bé cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết như: Kẽm, selen, crom, vitamin B1 và B6, gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao, cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Cũng theo các chuyên gia về dinh dưỡng khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh về vai trò của kẽm sinh học; cha mẹ nên tìm hiểu và bổ sung kẽm cho trẻ đúng cách vào các mốc thời điểm thích hợp, tránh tình trạng thiếu kẽm làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ.