Bằng chứng liên quan đến giấc ngủ kém với bệnh béo phì ở trẻ em

Trẻ nhỏ ngủ quá ít có nhiều khả năng bị béo phì hơn so với những trẻ khác. Nghiên cứu trước đây cho thấy trẻ em thiếu ngủ trước 4 tuổi làm tăng nguy cơ béo phì. Tuy nhiên nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nhi khoa đã quan sát thấy mối liên hệ của việc trẻ em thiếu ngủ còn kéo dài từ giai đoạn sơ sinh đến giữa thời thơ ấu.

1. Trẻ thiếu ngủ dễ béo phì

Tiến sĩ Elsie Taveras - trưởng khoa nhi Bệnh viện Đa khoa Nhi Massachusetts ở Boston cho biết, ngủ không đủ giấc hay trẻ em thiếu ngủ là một yếu tố nguy cơ độc lập và mạnh mẽ đối với thực trạng béo phì ở trẻ em và sự tích tụ chất béo thành mỡ bụng. Điểm mạnh của nghiên cứu này là tiến hành xem xét giấc ngủ ở nhiều thời kỳ. Cơ thể dư thừa chất béo trong thời thơ ấu tạo tiền đề cho việc hình thành các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tim và tiểu đường về sau.

Taveras và nhóm của cô đã nghiên cứu hơn 1.000 trẻ em. Trẻ em thiếu ngủ được định nghĩa là ít hơn 12 giờ một ngày ở độ tuổi từ 6 tháng đến 2 tuổi, ít hơn 10 giờ mỗi ngày đối với độ tuổi 3 - 4 và ít hơn 9 giờ một ngày đối với độ tuổi từ 5 - 7. Nghiên cứu cho thấy những trẻ em bị thiếu ngủ có nguy cơ béo phì cao hơn khoảng 2,5 lần so với những trẻ em ngủ nhiều. Thêm vào đó, trẻ em thiếu ngủ cũng có nguy cơ có tổng lượng mỡ cao hơn 2,5 lần, lượng mỡ bụng cao hơn, số đo vòng eo và vòng hông lớn hơn.

Nếu trẻ ngủ quá ít sẽ phá vỡ một số hormone điều chỉnh mức độ đói và mức độ no của cơ thể. Ở những gia đình không có giờ đi ngủ nhất quán cho trẻ, giờ ăn của trẻ cũng hỗn loạn, từ đó có thể ảnh hưởng đến cân nặng.

Bên cạnh đó, trẻ em thiếu ngủ có thể xem tivi nhiều hơn những đứa trẻ đi ngủ sớm. Việc xem tivi từ lâu đã có mối liên hệ với việc ăn nhiều hơn, đặc biệt là đối với các thực phẩm được quảng cáo.


Trẻ thiếu ngủ dễ béo phì và mắc một số bệnh lý khác
Trẻ thiếu ngủ dễ béo phì và mắc một số bệnh lý khác

2. Thời gian ngủ ngắn và tình trạng béo phì

Đã có nghiên cứu báo cáo rằng giấc ngủ ngon có những lợi ích khác ví dụ như nó thực sự tốt trong việc cải thiện điểm số bài tập ở trường. Đối với nghiên cứu này, các bà mẹ đã báo cáo thời gian ngủ của con họ trong khoảng thời gian 24 giờ, bắt đầu từ 6 tháng tuổi và báo cáo hàng năm trong suốt giai đoạn từ 1 - 7 tuổi. Những đứa trẻ có điểm số về giấc ngủ từ 0 (ngủ không đủ giấc) đến 13 (ngủ đủ giấc), kết quả cho thấy điểm số giấc ngủ trung bình là 10,2. Tuy nhiên, khoảng 4% trẻ em thuộc nhóm trẻ ngủ không đủ với điểm số từ 0 - 4 và khoảng 40% có điểm 12 - 13 được gọi là ngủ đủ giấc. Nghiên cứu cho thấy những trẻ ngủ ít hơn mức trung bình có nhiều khả năng đến từ các gia đình nghèo hơn với các bà mẹ ít học.

Ngủ kém ngày càng phổ biến ở trẻ em và mối liên hệ giữa thời gian ngủ ngắn ở trẻ nhỏ và tình trạng béo phì luôn được tìm thấy. Thời gian ngủ, thời điểm ăn uống, khẩu phần ăn, hành vi ăn uống và những thay đổi hormone điều chỉnh sự thèm ăn đã được xác định là những yếu tố có thể hình thành mối liên quan giữa giấc ngủ và béo phì.

Béo phì phổ biến ở Hoa Kỳ với tỷ lệ 35% ở người lớn và 17% ở trẻ em. Thời lượng ngủ ngắn cũng rất phổ biến với hơn 30% người lớn ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm, chỉ 20% thanh thiếu niên có được giấc ngủ tối ưu 9 giờ vào các đêm đi học và một phần ba số trẻ 3 tuổi ngủ ít hơn khuyến nghị. Mối liên quan giữa thời gian ngủ ngắn và tình trạng béo phì đã xuất hiện trong nhiều nghiên cứu dịch tễ học trong thập kỷ qua.

Các nghiên cứu đã xác định một cách nhất quán mối liên quan giữa giấc ngủ ngắn trong thời thơ ấu (3 – 7 tuổi) và béo phì tại thời điểm đó hoặc sau này. Một nghiên cứu theo chiều dọc gần đây còn cho thấy giấc ngủ ngắn mãn tính từ giai đoạn phôi thai đến tuổi đi học có liên quan đến việc tăng các chỉ số béo phì. Tương tự như hầu hết các nghiên cứu dịch tễ học, phân tích này dựa trên giấc ngủ do cha mẹ báo cáo.

Thời gian ngủ ngắn được cho là có thể dẫn đến tăng cân thông qua những thay đổi nội tiết tố liên quan đến việc điều chỉnh sự thèm ăn, cụ thể là tiết leptin và ghrelin. Mặt khác tăng tiêu thụ năng lượng là cơ chế chính để tăng cân sau khi có giấc ngủ kém. Các cơ chế hành vi thúc đẩy béo phì ở trẻ em còn có thể liên quan đến thời gian trong ngày mà trẻ em ngủ, ăn và tham gia vào các hoạt động ít vận động. Ăn vặt nhiều sẽ góp phần gây tăng cân quá mức ở trẻ em.


Bệnh lý béo phì ở trẻ em có liên quan đến thời gian ngủ của trẻ
Bệnh lý béo phì ở trẻ em có liên quan đến thời gian ngủ của trẻ

3. Lời khuyên cho các bậc phụ huynh

Cha mẹ cần đặt giờ đi ngủ nhất quán cho con, hạn chế cho trẻ sử dụng các loại đồ uống có chứa cafein vào cuối ngày, loại bỏ tất cả những thứ gây xao nhãng như đồ chơi hoặc thiết bị điện tử và đưa chúng ra khỏi phòng ngủ của trẻ. Trẻ con phải đi ngủ sớm, thiếu ngủ sẽ làm thay đổi sinh lý, đưa cơ thể trẻ vào chế độ căng thẳng từ đó cơ thể sẽ hiểu là cần giữ calo và tích tụ chất béo. Hiện nay các nghiên cứu đang xem xét liệu cải thiện giấc ngủ có thể trực tiếp cải thiện việc kiểm soát cân nặng ở trẻ em hay không.

Hy vọng thông tin trên đã cung cấp cho cha mẹ kiến thức về bằng chứng liên quan đến giấc ngủ kém với bệnh béo phì ở trẻ em. Chúc bạn luôn có chế độ chăm sóc trẻ khoa học để giúp trẻ phát triển toàn diện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe