Khác với người lớn, trẻ em bị tiểu đường tuýp 1 chưa ý thức về mối nguy hiểm của bệnh nên khó kiểm soát, dễ gặp biến chứng. Vì vậy phụ huynh cần đặc biệt chú ý chăm sóc, theo dõi cẩn thận đường huyết cho con để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và khả năng học tập của trẻ.
1. Bệnh tiểu đường loại 1 không phải là bệnh hiếm gặp
Gần 20.000 trường hợp mới mắc bệnh tiểu đường loại 1 được chẩn đoán mỗi năm. Đây là một tình trạng mãn tính có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là khi bệnh không được kiểm soát tốt. Với việc theo dõi cẩn thận và sử dụng insulin đúng cách, bạn có thể giúp trẻ em bị tiểu đường tuýp 1 duy trì một cuộc sống khỏe mạnh.
2. Insulin trong điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1
Cơ thể của trẻ em bị tiểu đường tuýp 1 không sản xuất đủ insulin - một loại hormone giúp chuyển hóa đường thành năng lượng. Cơ thể sẽ cần lấy insulin nhiều lần trong ngày để xử lý đường từ thức ăn nạp vào. Vì vậy nếu không thể tự sản xuất đủ, người bệnh cần tiêm thuốc insulin. Bác sĩ sẽ xem xét các lựa chọn điều trị phù hợp với tình trạng của trẻ và cùng với bố mẹ lập ra một kế hoạch cụ thể.
3. Mức đường huyết
Khi cơ thể không tạo đủ insulin, lượng đường trong máu (hay còn gọi là glucose huyết) có thể tăng quá cao. Bạn cần theo dõi cẩn thận nồng độ đường huyết của con mình cho đến khi trẻ đủ lớn để tự làm điều này. Bác sĩ điều trị sẽ giúp gia đình bạn tìm máy đo đường huyết phù hợp cho trẻ và hướng dẫn cách sử dụng.
4. Đường máu quá cao hoặc quá thấp
Lượng đường trong máu tăng quá cao được gọi là tăng đường huyết. Các triệu chứng bao gồm khô da, khát nước nhiều hơn và thường xuyên phải đi tiểu. Ngược lại, mức glucose huyết quá thấp được gọi là hạ đường huyết hoặc sốc insulin. Các triệu chứng có thể bao gồm đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh và đói. Cả hai tình trạng này đều cần phải điều trị nhanh chóng.
5. Phối hợp chặt chẽ với bác sĩ
Trẻ em bị tiểu đường tuýp 1 sẽ phải đi khám bác sĩ ít nhất 4 lần một năm. Nếu gia đình bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát mức đường huyết, trẻ có thể phải đến bệnh viện kiểm tra nhiều hơn nữa. Nếu bác sĩ đang thực hiện một số thay đổi trong kế hoạch chăm sóc trẻ, gia đình bạn có thể cần phải tới phòng khám mỗi tuần một lần.
Một số phụ huynh vẫn còn chưa rõ trẻ bị tiểu đường tuýp mấy là nặng. Các chuyên gia cho biết đái tháo đường loại 1 khiến con bạn có nguy cơ cao mắc các vấn đề về chân, mắt hoặc thận. Trẻ sẽ cần khám mắt thường xuyên và gặp chuyên gia dinh dưỡng để hiểu và kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn.
6. Ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống cũng là một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường của trẻ. Bạn sẽ cần đọc nhãn thực phẩm, đếm carbs và tìm hiểu các loại thực phẩm sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lượng đường huyết. Hiệp hội Tiểu đường đã liệt kê một số siêu thực phẩm dành cho người mắc bệnh này. Những thực phẩm lành mạnh, có tác động thấp đến lượng glucose bao gồm: đậu, rau lá xanh đậm, một số loại cá, các loại hạt, trái cây và quả mọng. Hãy thêm thật nhiều những thực phẩm trên vào thực đơn của gia đình bạn.
7. Không cần cấm đồ ngọt
Thỉnh thoảng trẻ em bị tiểu đường tuýp 1 vẫn có thể ăn một cái bánh quy, một ít bánh ngọt hoặc một ít kem, miễn là bạn vẫn tiếp tục theo dõi mức độ đường huyết cho con và điều chỉnh bữa ăn sao cho thích hợp.
Nếu muốn con ăn một món ngọt hoặc nhiều tinh bột, hãy chia thành một phần nhỏ hơn và bớt đi một lượng carbohydrate tạo ra đường (chẳng hạn như khoai tây, cơm trắng) để bù lại.
8. Thời gian ăn uống
Thời gian các bữa ăn của trẻ em bị tiểu đường tuýp 1 cũng có thể ảnh hưởng đến lượng glucose. Nếu bữa ăn muộn hơn bình thường, hãy cho con dùng một bữa nhẹ lành mạnh trước để duy trì mức đường huyết tốt. Nếu ăn sớm hơn, hãy theo dõi để đảm bảo mức đường huyết không tăng quá cao.
9. Vận động thể chất
Vận động là một phần thiết yếu của lối sống lành mạnh đối với tất cả trẻ em, dù là chơi trong sân nhà hay tham gia đội bóng trong trường. Tập thể dục có thể làm giảm lượng đường trong máu, điều này rất tốt cho trẻ em bị tiểu đường tuýp 1 trừ khi mức glucose xuống quá thấp. Tốt nhất là phải kiểm tra lượng đường trong máu trước và sau khi con bạn chơi hoặc tập thể dục.
10. Luôn chuẩn bị sẵn sàng
Nếu lượng đường trong máu tăng quá cao, trẻ sẽ cần uống nước, tiêm insulin hoặc tập thể dục. Ngược lại nếu giảm quá thấp, con bạn sẽ cần một ít nước hoa quả, ngậm kẹo cứng hoặc viên đường.
Các chuyên gia khuyên trẻ mắc bệnh nên mang theo sẵn một bộ dụng cụ bên mình, bao gồm bút tiêm insulin, số điện thoại liên lạc, máy thử đường nhanh và viên nén glucose tác dụng nhanh... Trẻ cũng nên mang sổ khám bệnh hoặc giấy chứng nhận của bác sĩ bên mình mọi lúc để mọi người xung quanh biết con đang mắc bệnh tiểu đường loại 1.
11. Thông báo với những người chăm sóc trẻ
Vì bạn không thể ở bên con mọi lúc, nên hay cho mọi người biết về bệnh tiểu đường của con bạn. Hiệu trưởng và giáo viên trong trường, y tá, huấn luyện viên, người trông trẻ, hàng xóm - tất cả đều cần được thông báo. Tốt nhất là họ cũng biết phải làm gì để giúp đỡ trẻ và tìm ra bộ dụng cụ y tế trong trường hợp khẩn cấp.
12. Hỗ trợ về mặt tinh thần
Trẻ em bị tiểu đường tuýp 1 phải sống chung với một tình trạng mãn tính và cần được theo dõi y tế liên tục ngay từ rất sớm. Vì vậy ngoài quan tâm đến lượng đường trong máu, bạn cũng cần chú ý đến cảm giác của con mình. Đôi khi, trẻ có thể cảm thấy lo lắng, quá sức chịu đựng và thậm chí là trầm cảm. Nhiều gia đình nhận thấy rằng nên nhờ một chuyên gia sức khỏe tâm lý đồng hành cùng trẻ ngay từ ban đầu.
13. Lớn lên với bệnh tiểu đường
Khi trẻ lớn hơn, mức độ bệnh tiểu đường loại 1 cũng sẽ thay đổi. Cụ thể, những cách điều trị hiệu quả trước đây dần trở nên không còn tác dụng. Nội tiết tố và tuổi dậy thì cũng có thể có tác động đến tình trạng bệnh. Gia đình bạn cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với bác sĩ để duy trì sức khỏe cho con và điều chỉnh kế hoạch điều trị nếu cần thiết. Khi lớn hơn, con bạn sẽ học được cách tự kiểm soát tốt bệnh tiểu đường của mình.
14. Trở thành công dân có trách nhiệm
Khi đến tuổi tự lái xe, con bạn nên hiểu những trách nhiệm liên quan đến việc này. Cùng với thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa an toàn, trẻ cần đảm bảo có mức đường huyết tốt trước khi cầm lái. Con bạn sẽ cần kiểm tra chỉ số glucose mọi lúc và luôn mang theo bộ dụng cụ khẩn cấp bên mình.
Trẻ em bị tiểu đường tuýp 1 cũng cần biết rằng rượu có thể tác động nguy hiểm đến mức đường huyết. Các dấu hiệu ban đầu sẽ rất khó nhận ra cho đến khi cơ thể bị ảnh hưởng lớn, khiến bệnh nhân không kịp điều chỉnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.