Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Võ Thiện Ngôn - Bác sĩ Ngoại tiết niệu, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Đối với nam giới dưới 40 tuổi không có triệu chứng liên quan và không có yếu tố nguy cơ đối với các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, máu trong tinh dịch thường tự biến mất. Nhưng với nam giới từ 40 tuổi trở lên, máu trong tinh dịch có thể là dấu hiệu mắc bệnh ung thư, rối loạn đông máu...
1. Nguyên nhân dẫn đến có máu trong tinh dịch
Các nguyên nhân gây ra hiện máu trong tinh dịch ở nam giới bao gồm:
Nhiễm trùng và viêm
Nhiễm trùng và viêm là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên triệu chứng có máu trong tinh dịch. Nhiễm trùng hoặc viêm có thể xảy ra trong bất kỳ tuyến, ống hoặc ống dẫn sản xuất và di chuyển tinh dịch khỏi cơ thể. Bao gồm các:
- Tuyến tiền liệt (tuyến sản xuất phần chất lỏng của tinh dịch)
- Niệu đạo (ống dẫn nước tiểu và tinh dịch)
- Mào tinh hoàn và ống dẫn tinh
- Túi tinh
Ngoài ra, nguyên nhân gây có máu trong tinh dịch có thể do STI (nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục) như lậu, chlamydia hoặc bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn khác. Nhiễm trùng và viêm là thủ phạm đằng sau gần bốn trong số mười trường hợp máu trong tinh dịch.
Chấn thương hoặc thủ thuật y tế
Máu trong tinh dịch thường xuất hiện sau khi người bệnh trải qua một số thủ thuật y tế. Ví dụ, có đến 4/5 nam giới có triệu chứng có máu trong tinh dịch sau khi sinh thiết tuyến tiền liệt.
Các thủ thuật được thực hiện như điều trị các vấn đề về tiết niệu cũng có thể gây chấn thương nhẹ dẫn đến chảy máu tạm thời. Triệu chứng này thường biến mất trong vòng vài tuần sau khi làm thực hiện các thủ thuật này. Xạ trị, thắt ống dẫn tinh và tiêm xơ búi trĩ cũng có thể gây có máu trong tinh dịch. Chấn thương vật lý đối với các cơ quan sinh dục sau khi bị gãy xương chậu, chấn thương tinh hoàn, hoạt động tình dục hoặc thủ dâm quá mức hoặc các chấn thương khác có thể gây ra máu trong tinh dịch.
Cản trở
Bất kỳ đường ống nào trong đường sinh sản có thể bị chặn. Điều này có thể khiến các mạch máu bị vỡ và giải phóng một lượng máu nhỏ. Tình trạng được gọi là bệnh tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (tên tiếng Anh là Benign Prostatic Hyperplasia), khiến tuyến tiền liệt bị to ra và chèn ép niệu đạo, dẫn đến có máu trong tinh dịch.
Khối u và polyp
Một đánh giá của hơn 900 bệnh nhân có máu trong tinh dịch thì chỉ có 3,5% người bệnh có khối u. Hầu hết các khối u này là ở tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, máu trong tinh dịch có thể liên quan đến ung thư tinh hoàn, bàng quang, các cơ quan sinh sản và đường tiết niệu. Nam giới, đặc biệt là người lớn tuổi có yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư nên những người này nếu có triệu chứng trong tinh dịch thì người bệnh này nên được xét nghiệm kỹ lưỡng để kiểm tra. Ung thư nếu không được điều trị thì sẽ đe dọa tính mạng của người bệnh.
Polyp trong đường sinh sản là sự tăng trưởng lành tính và có thể chưa gây ra bất kỳ bệnh nào nhưng cũng có thể gây ra máu trong tinh dịch.
Vấn đề về mạch máu
Các mạch máu cấu trúc mỏng đều có thể gây ra liên quan đến xuất tinh có máu, từ tuyến tiền liệt đến các ống nhỏ mang tinh trùng đều có chứa các mạch máu. Các mạch máy này đều có thể bị tổn thương dẫn đến có máu trong tinh dịch.
Các bệnh khác
Cao huyết áp, HIV, bệnh gan, bệnh bạch cầu và một số bệnh khác cũng có thể dẫn đến có máu trong tinh dịch.
Có đến 15% trường hợp máu trong tinh dịch không tìm được nguyên nhân. Nhiều trường hợp trong số này tình trạng máu trong tinh dịch sẽ tự biến mất mà không cần điều trị.
2. Các triệu chứng kèm theo
Khi tìm kiếm nguyên nhân dẫn đến có máu trong tinh dịch, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng liên quan đến có máu trong tinh dịch, bao gồm:
- Máu trong nước tiểu (hay còn gọi là đi tiểu ra máu)
- Đi tiểu nóng, cảm giác như nóng đường tiểu hoặc các triệu chứng khác như đi tiểu đau
- Người bệnh gặp khó khăn trong việc cố gắng đi tiểu cho hết nước tiểu trong bàng quang
- Cảm giác khó chịu ở bàng quang
- Đau khi xuất tinh
- Trên cơ quan sinh dục có các khu vực sưng hoặc đau hoặc có vết trầy xước do chấn thương
- Chảy máu dương vật hoặc các dấu hiệu khác của STD
- Sốt, mạch nhanh và huyết áp cao
3. Xét nghiệm máu trong tinh dịch
Để chẩn đoán có máu trong tinh dịch, bác sĩ cần có thông tin tiền sử bệnh tật của người bệnh, bao gồm một thông tin của tất cả các hoạt động tình dục gần đây. Bác sĩ cũng sẽ thực hiện kiểm tra thể chất, bao gồm kiểm tra bộ phận sinh dục xem có khối u hay sưng và khám trực tràng bằng ngón tay (tên tiếng Anh là digital rectal exam) để kiểm tra tuyến tiền liệt xem có sưng, đau và các triệu chứng khác không. Bác sĩ cũng có thể chỉ định một số xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm nước tiểu hoặc cấy nước tiểu để xác định nhiễm trùng hoặc các bất thường khác.
- Xét nghiệm STD nếu nghi ngờ bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- "Thử nghiệm bao cao su" nếu có khả năng có máu trong tinh dịch thực sự đến từ chu kỳ kinh nguyệt của bạn tình. Người đàn ông sẽ được yêu cầu đeo bao cao su và sau đó kiểm tra tinh dịch "được bảo vệ" để lấy tìm tế bào máu đó có phải của người bệnh hay người tình của người bệnh.
- Xét nghiệm PSA, để kiểm tra ung thư tuyến tiền liệt bằng cách đo một chất được gọi là kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (tên tiếng Anh là Prostate-specific antigen (PSA)) có trong máu.
- Các xét nghiệm tiết niệu khác như soi bàng quang, siêu âm, CT và MRI để đánh giá thêm về người bệnh.
4. Điều trị tình trạng có máu trong tinh dịch
Phương pháp điều trị nhắm đến nguyên nhân dẫn đến bệnh:
- Thuốc kháng sinh được sử dụng cho trường hợp bị nhiễm trùng.
- Một loại thuốc chống viêm có thể được kê toa cho trường hợp bị viêm.
- Nếu mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) hoặc bệnh khác như huyết áp cao hoặc bệnh gan là nguyên nhân thì bác sĩ sẽ điều trị các bệnh này.
- Khi máu trong tinh dịch bắt nguồn từ một thủ thuật tiết niệu gần đây, chẳng hạn như sinh thiết tuyến tiền liệt thì triệu chứng có máu trong tinh dịch thường sẽ tự biến mất trong vài tuần.
Ở nam giới trẻ tuổi, máu trong tinh dịch xảy ra chỉ một hoặc hai lần mà không có bất kỳ triệu chứng hoặc tiền sử bệnh lý nào có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Nếu bị lặp đi lặp lại nhiều lần máu trong tinh dịch cùng với các triệu chứng bệnh đường tiết niệu hoặc đau khi xuất tinh, người bệnh nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa tiết niệu.
Nếu bác sĩ nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt hoặc một dạng ung thư khác, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết tuyến tiền liệt để tìm tế bào ung thư. Tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới trẻ tuổi thấp, chỉ 0,6%. Nhưng nam giới ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh ung thư, xét nghiệm loại trừ ung thư tuyến tiền liệt có thể khiến người bệnh yên tâm trong công tác điều trị tình trạng tinh dịch có máu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org và Webmd.com