Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Lysine là một trong những axit amin thiết yếu mà cơ thể không thể tự tạo ra được, cơ thể bổ sung loại axit amin này qua nguồn thực phẩm. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về lợi ích và tác dụng phụ của lysine.
1. Lysine là gì?
Lysine hay còn được gọi là L-lysine là một axit amin cần thiết cho cơ thể. Không giống như một số axit amin khác, cơ thể không thể tự tổng hợp lysine được. Do đó, cơ thể chỉ có thể có lysine thông qua chế độ ăn uống.
Lysine rất quan trọng đối với sự tăng trưởng bình thường cũng như sự thay đổi của cơ bắp. Nó được sử dụng để tạo nên Carnitine - một loại axit amin được tìm thấy trong hầu hết các tế bào của cơ thể. Bên cạnh đó, lysine giúp vận chuyển chất béo qua các tế bào để đốt cháy năng lượng.
L-lysine là dạng lysine mà cơ thể bạn có thể sử dụng. Nó được tìm thấy trong thực phẩm và là loại được sử dụng trong các chất bổ sung.
2. Lysine có tác dụng gì?
- Điều trị vết loét lạnh:
Vết loét lạnh là triệu chứng của nhiễm trùng, thường xuất hiện trên môi hoặc khóe miệng. Chúng xuất hiện dưới dạng mụn nước chứa đầy chất lỏng có thể gây khó chịu, chẳng hạn như ngứa ran, đau và rát. Thêm vào đó, chúng có thể khiến bạn cảm thấy tự ti về ngoại hình của mình.
Các vết loét lạnh là do virus herpes simplex type 1 (HSV-1) gây ra. Nếu bạn căng thẳng hoặc hệ miễn dịch bị suy yếu, HSV-1 có thể kích hoạt sự phát triển của vết loét lạnh. Việc bổ sung lysine có thể giúp ngăn ngừa virus HSV-1 sản sinh. Người ta cho rằng lysine có thể chặn một axit amin khác gọi là arginine mà HSV-1 cần axit amin này để sinh sôi và nảy nở.
Một số nghiên cứu cho thấy lysine có thể làm giảm thời gian cũng như tần suất của vết loét lạnh, tuy nhiên những bằng chứng này là không nhất quán.
- Giảm lo lắng, căng thẳng:
Lysine đóng vai trò trong việc giảm lo lắng, căng thẳng. Một nghiên cứu đã cho thấy lysine chặn các thụ thể liên quan đến phản ứng căng thẳng. Nghiên cứu này được thực hiện trên loài chuột, sau khi được uống lysine, chúng đã giảm tỷ lệ đi tiêu lỏng do căng thẳng gây ra.
Một nghiên cứu kéo dài 1 tuần ở 50 người khỏe mạnh cho thấy việc bổ sung 2,64gr lysine và arginine làm giảm lo lắng do căng thẳng và giảm hormone cortisol.
- Cải thiện triệu chứng tâm thần phân liệt:
Lysine cũng có thể giúp những người bị tâm thần phân liệt, một chứng rối loạn tâm thần phá vỡ nhận thức của một cá nhân về thế giới bên ngoài, thường dẫn đến việc không thể hiểu được thực tế. Mặc dù nghiên cứu vẫn còn ở giai đoạn đầu, nhưng có căn cứ cho thấy lysine có thể cải thiện các triệu chứng tâm thần phân liệt kết hợp với thuốc được kê đơn;
- Cải thiện sự hấp thu canxi:
- Lysine có thể giúp cơ thể bạn giữ canxi. Người ta tin rằng lysine làm tăng sự hấp thu canxi và giúp thận giữ được khoáng chất. Một nghiên cứu ở 30 phụ nữ, 15 người khỏe mạnh và 15 người mắc bệnh loãng xương đã cho thấy bổ sung canxi và lysine làm giảm lượng canxi có trong nước tiểu;
- Lysine có nhiệm vụ bảo vệ xương đồng thời nó cũng đóng vai trò kiểm soát canxi được vận chuyển trong cơ thể. Lysine cần thiết cho sự hình thành collagen, một loại protein hoạt động như giàn giáo, hỗ trợ và tạo cấu trúc cho da và xương;
- Bản thân lysine cũng hoạt động như một tác nhân liên kết, làm tăng số lượng tế bào mới tại vết thương. Nó thậm chí còn thúc đẩy sự hình thành các mạch máu mới. Trong một nghiên cứu trên động vật, sự kết hợp giữa lysine và axit amin arginine có thể cải thiện và làm nhanh quá trình chữa lành gãy xương;
- Chữa lành vết thương là một quá trình phức tạp, đòi hỏi nhiều khoáng chất, vitamin và các yếu tố khác nhau. Lysine đóng vai trò vô cùng quan trọng và nếu như không có lysine thì việc chữa lành vết thương sẽ bị suy giảm.
- Hạ huyết áp: Một nghiên cứu ở 50 người trưởng thành bị thiếu lysine và tăng huyết áp cho thấy bổ sung lysine làm giảm đáng kể huyết áp;
- Điều trị bệnh tiểu đường: Một nghiên cứu cho thấy lysine có thể giúp giảm phản ứng đường huyết ở những người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, vấn đề này cần được nghiên cứu rõ hơn;
- Các lợi ích khác như: Thúc đẩy sự phát triển khỏe mạnh của làn da, ngăn ngừa loãng xương bằng cách bổ sung canxi, kiểm soát huyết áp, điều trị bệnh zona, ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám trong động mạch, giúp vận động viên phục hồi sau khi tập luyện với cường độ cao
3. Tác dụng phụ của lysine
Lysine an toàn cho hầu hết mọi người thông qua chế độ ăn uống với liều lượng được khuyến cáo sử dụng trong tối đa một năm, hoặc bôi lên da trong thời gian ngắn. Một người có thể dùng một ngày khoảng 3gr lysine mà không có bất cứ tác dụng phụ nào. Tuy nhiên nếu dùng quá liều Lysine có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau dạ dày, tiêu chảy, buồn nôn.
Hiện nay chưa có đủ thông tin đáng tin cậy về sự an toàn của việc dùng lysine đối với phụ nữ mang thai hoặc cho con bú. Vì thế, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú nên tránh sử dụng.
Nếu bạn bị bệnh thận, bạn nên kiểm tra sức khỏe trước khi dùng lysine.
4. Lysine có trong thực phẩm nào?
Lysine có mặt trong nhiều loại thực phẩm khác nhau. Nguồn cung cấp lysine chính là từ động vật, chẳng hạn như thịt và các sản phẩm từ sữa. Đối với người ăn chay và thuần chay, các loại đậu và mầm lúa mì là nguồn thực phẩm tốt của axit amin này.
Những thực phẩm sau đây sẽ giúp chúng ta đáp ứng lượng lysine được khuyến nghị hàng ngày:
- Thịt đỏ;
- Gà;
- Trứng;
- Cá, chẳng hạn như cá tuyết hoặc cá mòi;
- Đậu;
- Đậu lăng;
- Phô mai;
- Mầm lúa mì;
- Quả hạch;
- Đậu nành;
- Men bia;
- Tảo xoắn, một loại tảo mà các nhà sản xuất nén và bán ở dạng viên hoặc dạng bột.
Hầu hết mọi người, bao gồm cả người ăn chay, nhận đủ lysine từ chế độ ăn uống thông thường của họ và không cần phải bổ sung.
Đảm bảo lượng lysine đầy đủ cho cơ thể là việc cần thiết để duy trì sức khỏe tốt. Việc bổ sung lysine có thể có lợi với một số trường hợp nhất định. Không có đủ lysine, cơ thể sẽ không thể sản xuất đủ các hormone và tế bào miễn dịch.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com; medicalnewstoday