Lao màng bụng hay gặp ở tuổi nào và có lây không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Quân - Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp - Khoa Ngoại tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Lao màng bụng thường thứ phát sau lao phổi. Lao màng bụng chiếm tỷ lệ 6,5% trong các thể lao ngoài phổi và đứng thứ 6 sau lao màng phổi, lao hạch, lao xương khớp, lao màng não, lao thanh quản.

1. Lao màng bụng là gì?

Lao màng bụng hay tổn thương lao ở đường tiêu hóa như ở ruột, hạch mạc treo hoặc ở đường sinh dục như ở tử cung, buồng trứng, vòi trứng... là bệnh lý viêm đặc hiệu do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis xâm nhập vào màng bụng, bệnh thứ phát sau một ổ lao trước đó.

2. Lao màng bụng có lây không?


Vi khuẩn lao màng bụng Mycobacterium tuberculosis
Vi khuẩn lao màng bụng Mycobacterium tuberculosis

Vi khuẩn lao màng bụng Mycobacterium tuberculosis lan truyền chủ yếu qua đường máu, nuốt đờm bị nhiễm hoặc lây lan gián tiếp từ các cơ quan lân cận

Cơ chế gây bệnh: Vi khuẩn lao có thể lan tràn đến màng bụng bằng đường máu, đường bạch huyết, đường tiếp cận.

  • Đường máu: Là đường lan tràn chính của vi khuẩn.
  • Đường bạch huyết: Từ tổn thương lao ở ruột, ở hạch mạc treo, theo hệ thống bạch huyết, vi khuẩn lao lan tràn tới màng bụng. Cũng bằng đường bạch huyết vi khuẩn lao có thể lan tràn từ tổn thương lao ở màng phổi đến màng bụng vì hệ thống bạch huyết của màng phổi, màng bụng lưu thông với nhau qua cơ hoành.
  • Đường tiếp cận: Tổn thương lao ở đường tiêu hóa như ở ruột, hạch mạc treo hoặc ở đường sinh dục như ở tử cung, buồng trứng, vòi trứng... tiến triển, vi khuẩn xâm nhập vào màng bụng.

3. Lao màng bụng hay gặp ở tuổi nào?

Lao màng bụng gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở tuổi dưới 40, gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 20 - 30. Nữ giới bị nhiễm nhiều hơn nam. Những người nghiện rượu nặng, suy giảm miễn dịch, làm việc quá sức, điều kiện sống thiếu vệ sinh, không đủ dinh dưỡng....có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Trong giai đoạn sớm, bệnh khó phát hiện vì triệu chứng lâm sàng mờ nhạt, nghèo nàn, còn ở giai đoạn cuối là những biểu hiện lâm sàng rất phong phú do bệnh đã làm tổn thương các cơ quan khác. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển phức tạp.


Những người nghiện rượu có nguy cơ mắc lao màng bụng cao hơn bình thường
Những người nghiện rượu có nguy cơ mắc lao màng bụng cao hơn bình thường

4. Biểu hiện lao màng bụng

Ngoài vi khuẩn lao người còn có vi khuẩn lao bò, vi khuẩn lao không điển hình ít gặp là thủ phạm gây bệnh lao màng bụng. Các triệu chứng toàn thân của lao màng bụng tùy theo tiến triển và giai đoạn. Tuy nhiên, cũng như các bệnh lao khác, bệnh nhân lao màng bụng cũng có hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc với dấu hiệu sốt, thường là sốt nhẹ về chiều, cũng có thể sốt tới 39-40 độ C. Nhưng do vi khuẩn gây tổn thương ở màng bụng nên bệnh nhân còn bị đau bụng, thường đau âm ỉ nhưng cũng có lúc đau từng cơn, kèm theo buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón; bụng trướng, to dần do trong ổ bụng có dịch.

Ở giai đoạn xơ dính (lao màng bụng thể xơ dính) thì bụng lõm lòng thuyền; hoặc bụng tròn và rắn như một quả bóng do xơ co kéo (nhiều trường hợp xơ co kéo dẫn tới tắc ruột).

Những triệu chứng kể trên khiến lao màng bụng dễ nhầm với các bệnh khác trong ổ bụng như viêm ruột thừa, tắc ruột, viêm màng bụng cấp không do lao, ung thư màng bụng... nên nhiều trường hợp nghi ngờ bụng ngoại khoa, bệnh nhân vẫn phải làm các xét nghiệm lao loại trừ.

Theo cơ địa và tuổi mà có lao màng bụng người già, trẻ em, lao màng bụng ở người nghiện rượu... và theo cơ chế lan tràn của vi khuẩn: đường máu, bạch huyết, đường kế cận. Tùy thuộc vào độc lực và số lượng của vi khuẩn lao cũng như tình trạng phản ứng của cơ thể người bệnh mà trên lâm sàng có các thể lao màng bụng cấp tính, bán cấp và mạn tính.

Do bệnh lao màng bụng ở thể cấp tính và bán cấp tính biểu hiện lâm sàng thường rất mờ nhạt, nên hầu hết bệnh nhân không nhận ra, chỉ khi bệnh đã thành mạn tính với những triệu chứng điển hình, rầm rộ hơn thì mới đi khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe