Điều trị giảm tiểu cầu khi bị sốt xuất huyết cần có chỉ định truyền dịch kịp thời, theo dõi sát mạch, huyết áp, thể tích nước tiểu, làm xét nghiệm dung tích hồng cầu.
1. Sốt xuất huyết giảm tiểu cầu có nguy hiểm không?
Sốt xuất huyết là bệnh xảy ra khá phổ biến tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là các thành phố lớn, với những biểu hiện lâm sàng khá đa dạng, thậm chí đã có nhiều ca tử vong. Triệu chứng sốt thường xuất hiện trong 3 - 5 ngày đầu tiên. Biểu hiện xuất huyết thường xảy ra sau khi bắt đầu sốt vài ngày và bệnh cảnh rất đa dạng, như xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc,...
Xuất huyết dưới da có biểu hiện là nhiều chấm xuất huyết (những chấm màu đỏ, không biến mất khi dùng tay ấn vào - đây cũng chính là đặc điểm để phân biệt với trường hợp nốt đỏ do sốt phát ban, khi ấn vào sẽ biến mất) thường xuất hiện chủ yếu ở cẳng tay, cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng... Dấu hiệu xuất huyết niêm mạc bao gồm: chảy máu mũi (chảy máu cam), chảy máu chân răng, nôn ra máu, đại tiện ra máu, ở bé gái tuổi dậy thì có thể xuất huyết âm đạo (kinh nguyệt trước kỳ).
Nếu sốt xuất huyết nhẹ, khoảng từ ngày thứ 3 - 7 của bệnh là có thể nhận thấy sốt giảm dần hoặc hết sốt, với biểu hiện cải thiện rõ. Tuy nhiên, một số bệnh nhân xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng hơn, như sốt xuất huyết giảm tiểu cầu, sốt xuất huyết rong kinh, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Trong đó, biến chứng thường gặp nhất khi bị sốt xuất huyết và cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ra tử vong là thoát huyết tương. Đây là hiện tượng huyết tương bị thoát qua thành mạch, kéo theo nước, dẫn đến hệ tuần hoàn bị mất một lượng nước lớn, gây trụy mạch, rối loạn chức năng gan, thận, đe dọa đến tính mạng.
Đối với trường hợp xuất huyết nặng, biến chứng giảm tiểu cầu được xem là tình trạng rất nguy kịch. Bệnh nhân sốt xuất huyết giảm tiểu cầu nếu không được truyền dịch kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, dễ tử vong. Do đó, trong quá trình thăm khám, nếu xét nghiệm tiểu cầu thấy giảm nặng, men gan tăng cao, bệnh nhân cần nhập viện điều trị ngay.
2. Điều trị giảm tiểu cầu khi bị sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết nặng xảy ra khi bệnh nhân xuất hiện một trong các biểu hiện thoát huyết tương nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng sốc sốt xuất huyết, có dấu hiệu xuất huyết nặng, suy tạng, ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng.
Sốc sốt xuất huyết thường dẫn đến suy tuần hoàn cấp, xảy ra vào khoảng ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Các triệu chứng thường gặp là vật vã, bứt rứt, li bì, da lạnh ẩm, lạnh đầu chi, mạch nhanh, nhỏ, lượng nước tiểu ít, huyết áp kẹt (là hiện tượng khi hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu bằng hoặc dưới 20mmHg), tụt huyết áp hoặc thậm chí không đo được huyết áp.
Tình trạng sốc do sốt xuất huyết lại được chia làm 2 mức độ để tiến hành điều trị bù dịch, bao gồm:
- Sốc sốt xuất huyết nhẹ với các dấu hiệu như suy tuần hoàn, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt, kèm theo những biểu hiện như da lạnh, ẩm, bứt rứt, vật vã, li bì.
- Sốc sốt xuất huyết nặng với dấu hiệu sốc nặng, mạch nhỏ khó xác định, huyết áp không đo được.
Cần chú ý trong quá trình theo dõi diễn tiến của bệnh nhân, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng. Vì thế, trong quá trình thăm khám, cần thiết phải phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh đúng đắn và có định hướng xử trí phù hợp.
Xuất huyết nặng ngoài triệu chứng giảm tiểu cầu, trên cận lâm sàng còn thấy dấu hiệu thiếu oxy mô và toan chuyển hóa. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị chảy máu cam nghiêm trọng, cần nhét gạc vào vách mũi để cầm máu, có thể kèm theo sốt xuất huyết rong kinh, xuất huyết trong cơ và mô mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng, thường kèm theo tình trạng sốc nặng, có nguy cơ dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng. Xuất huyết nặng thường xảy ra và nặng hơn ở những đối tượng đang dùng các thuốc kháng viêm như aspirin, ibuprofen (nhóm NSAIDs) hoặc dùng thuốc corticoid, bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày tá tràng và viêm gan mạn tính.
Suy tạng nặng có thể nhận biết dựa trên các dấu hiệu suy gan cấp, men gan AST, ALT tăng cao (có thể bằng hoặc dưới 1.000U/L), suy thận cấp, rối loạn tri giác trong sốt xuất huyết thể não. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị viêm cơ tim, suy tim hoặc suy chức năng tại nhiều cơ quan khác.
3. Lời khuyên của bác sĩ trong cách xử trí sốt xuất huyết
Hiện nay, chưa có vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết và thuốc đặc hiệu để dùng trong điều trị. Điều trị khi bị sốt xuất huyết chủ yếu là cải thiện triệu chứng bệnh và hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Diễn biến lâm sàng của bệnh thường khá phức tạp, đa dạng và có thể biến chuyển biến nhanh từ nhẹ sang nặng.
Trong 3 - 4 ngày đầu từ khi khởi phát sốt xuất huyết, bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú tại nhà, uống thuốc hạ sốt khi sốt cao > 38,5 độ C, chú ý vấn đề bù nước, ngăn ngừa sốt xuất huyết giảm tiểu cầu. Chế độ ăn uống nên ưu tiên thức ăn ăn lỏng dễ tiêu, uống nhiều nước (pha dung dịch oresol, sữa, nước hoa quả hoặc nước đun sôi để nguội).
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần tái khám theo hẹn và nhập viện điều trị khi xuất hiện dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết trở nặng hoặc theo tiên lượng của bác sĩ để đề phòng và xử trí kịp thời những biến chứng có thể xảy ra.
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết giảm tiểu cầu được cho xuất viện khi hết sốt trong vòng 2 ngày, cảm thấy tỉnh táo, tiểu cầu máu > 50G/L, chỉ số mạch và huyết áp trở về mức bình thường.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm; trang thiết bị hiện đại; dịch vụ chuyên nghiệp là địa chỉ điều trị bệnh sốt xuất được nhiều người tin tưởng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.