Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Xương chậu chính là phần cuối của cột sống lưng, giúp nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Cơ quan này được xem là “chìa khóa” bảo vệ sức khỏe con người. Những cơn đau ở vùng xương chậu diễn ra thường xuyên, nhất là vùng bẹn và vùng bụng dưới gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của nam giới. Triệu chứng này còn cảnh báo cánh mày râu đang mắc phải những bệnh lý nguy hiểm. Dưới đây là những căn bệnh khi bị đau vùng xương chậu ở nam giới.
1. Thoát vị đĩa đệm
Nếu bị đau đột ngột ở vùng bụng dưới có thể nam giới đang mắc bệnh thoát vị đĩa đệm. Ở những vị trí thoát vị, cánh mày râu thường bị đau đớn, nhất là vùng xương chậu. Chỉ cần người bệnh cười, ho hoặc nâng bất cứ vật gì cũng đã gặp phải tình trạng đau đớn.
2. Nhiễm trùng đường tiểu
Đau vùng xương chậu ở nam giới cho thấy cánh mày râu bị nhiễm trùng đường tiểu, tại các cơ quan như niệu đạo, niệu quản, bàng quang,... Bên cạnh đó, bệnh nhân còn gặp phải triệu chứng khác như mắc tiểu nhiều lần, nước tiểu có màu lạ, đau rát âm đạo, sốt,...
3. Bệnh lây qua đường tình dục
Nam giới bị đau vùng xương chậu có thể là do mắc phải các bệnh lý liên quan đến đường tình dục như lậu, giang mai, chlamydia,... Ngoài triệu chứng này, cánh mày râu còn bị viêm niệu đạo, tiết dịch ở dương vật, nổi hạt ở trên da dương vật, sưng tấy, ngứa rát dương vật,...
4. Viêm tuyến tiền liệt
Đau vùng xương chậu ở nam giới là dấu hiệu cho thấy cánh mày râu đang bị viêm tuyến tiền liệt. Nguyên nhân gây ra căn bệnh này là do các loại vi khuẩn tấn công. Bệnh có thể gây viêm niệu đạo, đau vùng chậu, bẹn, bụng dưới do vi khuẩn lây lan sang các cơ quan này. Dương vật có cảm giác nóng, rát khó chịu. Người bệnh bị sốt, ớn lạnh, thường xuyên đi tiểu nhiều lần, xuất tinh bị đau rát,...
5. Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích cũng khiến cánh mày râu bị đau vùng chậu. Bên cạnh đó, nam giới còn gặp phải một số triệu chứng khác như đau quặn bụng, tiêu chảy, đầy hơi, táo bón, chất nhầy trong phân,... Các dấu hiệu này sẽ nhanh chóng mất đi nếu người bệnh thay đổi lối sống và chế độ ăn uống phù hợp.
6. Viêm ruột thừa
Đau vùng xương chậu ở nam giới cảnh báo có khả năng bạn đang mắc phải bệnh viêm ruột thừa. Người bệnh thường xuyên bị đau âm ỉ ở vùng quanh rốn. Cơn đau nhanh chóng lan xuống vùng bụng khiến người bệnh vô cùng khó chịu. Bên cạnh đó, người bệnh còn bị sốt, chán ăn, nôn, buồn nôn, sưng bụng dưới,...
7. Sỏi hệ tiết niệu
Sỏi hệ tiết niệu gây ra tình trạng đau vùng chậu ở nam giới. Kích thước sỏi ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Khi bị sỏi tiết niệu, người bệnh còn gặp phải triệu chứng tiểu khó, tiểu ra máu, tiểu nhiều lần,... Với trường hợp này, bệnh nhân cần phải có sự hỗ trợ điều trị của bác sĩ mới có thể loại bỏ sỏi ra khỏi cơ thể.
8. Viêm bàng quang
Khi vi khuẩn tấn công khiến đường tiết niệu bị nhiễm trùng sẽ khiến người bệnh mắc bệnh viêm bàng quang. Kèm theo đó, bệnh nhân sẽ gặp phải một số triệu chứng như tiểu khó, tiểu nhiều lần, đau rát khi tiểu, tiểu ra máu, nước tiểu có màu sắc và mùi hôi khó chịu,...
9. Xơ chít hẹp niệu đạo
Bệnh lý này khiến cho niệu đạo bị hẹp, nước tiểu khó chảy ra ngoài, thậm chí bị tắc. Ngoài ra, nam giới còn bị đau vùng xương chậu, tiểu buốt, khó tiểu, tinh trùng có chứa máu hoặc nước tiểu, bàng quang mất kiểm soát,... Đây là căn bệnh phải tiến hành phẫu thuật mới có thể cải thiện bệnh.
10. Tăng sản tiền liệt tuyến lành tính (BPH)
Tăng sản tiền liệt tuyến là tuyến tiền liệt bị phì đại gây chèn ép niệu đạo khiến cho vùng chậu ở nam giới bị đau. Bệnh nhân thường bị khó tiểu, tiểu nhiều lần, cơ bàng quang yếu,... Với căn bệnh này, nam giới cần phải thay đổi lối sống, uống thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật bệnh mới nhanh khỏi.
Khi nào nên khám bác sĩ ?
Những cơn đau vùng xương chậu ở nam giới diễn ra thường xuyên sẽ khiến người bệnh vô cùng mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Triệu chứng đau đớn của người bệnh sẽ tăng dần nếu không được kiểm soát kịp thời. Bệnh nhân nên đến bệnh viện thăm khám, chữa trị ngay nếu gặp phải các triệu chứng sau
- Đau vùng xương chậu ở nam giới
- Sốt, tiểu khó, tiểu buốt
- Đau rát dương vật
- Nôn, buồn nôn, chán ăn
- Cơ thể mệt mỏi
Sau khi thăm khám, bệnh nhân sẽ được thực hiện các xét nghiệm lâm sàng, chụp X – quang vùng chậu. Nếu nghi ngờ người bệnh bị viêm cột sống dính khớp, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh chụp cộng hưởng từ MRI. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bệnh nhân, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị bệnh phù hợp.
11. Cách khắc phục đau xương chậu ở nam giới
Để khắc phục đau vùng xương chậu ở nam giới, người bệnh cần phải thăm khám sớm để xác định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân (viêm niệu đạo, viêm bàng quang, viêm tuyến tiền liệt,...) người bệnh sẽ tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, bệnh nhân chú ý một số vấn đề sau để hỗ trợ điều trị bệnh.
11.1 Sử dụng thuốc Tây
Thông thường, loại thuốc mà người bệnh sử dụng chữa đau vùng chậu là thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid, thuốc kháng sinh, thuốc giãn cơ, thuốc tiêm ngoài màng cứng corticoid,... Bệnh nhân cần phải uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc uống, không chữa trị đúng bệnh khiến bệnh nặng hơn. Trong quá trình sử dụng thuốc nếu cơ thể có bất cứ bất thường nào, người bệnh cần phải thông báo cho bác sĩ chuyên khoa để có hướng xử lý kịp thời.
11.2 Vật lý trị liệu
Áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu giúp giảm cơn đau xương chậu ở nam giới hiệu quả. Cánh mày râu có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh ở vị trí đau. Bên cạnh đó, người bệnh nên kết hợp nghỉ ngơi nhiều để bệnh nhanh khỏi. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể thực hiện cách chiếu tia hồng, sóng ngắn ở vùng xương chậu bị đau nhức 2 lần mỗi ngày để cải thiện bệnh.
11.3 Luyện tập thể dục
Những bài tập thể dục nhẹ nhàng sẽ giúp khung xương chậu co giãn linh hoạt hơn. Đồng thời, các bài tập này còn giúp duy trì chức năng vận động của cột sống, cải thiện tình trạng co cơ, thúc đẩy khả năng phục hồi cơ thể.
- Tập cơ mông: Người bệnh nằm sấp, duỗi thẳng hai chân. Đồng thời, gồng cơ mông cả hai bên trong khoảng 15 giây. Sau đó, bạn thả lỏng cơ thể từ từ. Thực hiện động tác này khoảng 2 lần, mỗi lần 15 nhịp.
- Căng cơ khép háng: Bệnh nhân nằm ngửa và đặt hai chân trên sàn nhà và gập gối. Sau đó, người bệnh dạng rộng hai đầu gối trong khoảng 15 – 30 giây. Với những động tác này, bệnh nhân lặp lại 3 lần tiếp theo để giúp cho cơ trong của đùi căng ra.
11.4 Thay đổi chế độ sinh hoạt hàng ngày
- Người bệnh nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể như canxi, vitamin, kali, chất béo omega 3,...
- Hạn chế sử dụng chất kích thích như thuốc lá, bia, rượu, cà phê,...
- Uổng đủ nước mỗi ngày để đào thải các chất dư thừa ra ngoài cơ thể.
- Giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng lo lắng quá mức.
- Không nên làm việc quá sức, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Tuân thủ đúng các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Medicalnewstoday.com; Mayoclinic.org