Có cách chữa viêm thanh quản mãn tính không?

Viêm thanh quản mạn tính là tình trạng viêm thanh quản trong một thời gian dài do lạm dụng giọng nói, cảm lạnh hoặc nhiễm trùng hô hấp. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như khàn tiếng, mất tiếng và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người bệnh. Nguyên tắc cơ bản trong cách chữa viêm thanh quản mãn tính là nghỉ ngơi, hạn chế sử dụng giọng và sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng.

1. Viêm thanh quản mạn tính là gì?

Viêm thanh quản là tình trạng viêm các dây thanh âm nằm trong thanh quản do hoạt động quá mức, kích ứng hoặc nhiễm trùng. Thông thường, viêm thanh quản thường diễn ra trong vòng vài ngày và hồi phục sau khoảng 1– 2 tuần. Một số trường hợp triệu chứng kéo dài trên 3 tuần và được xem là viêm thanh quản mạn tính. Quá trình viêm mạn tính có thể dẫn tới quá sản, loạn sản hoặc teo niêm mạc thanh quản. Bên cạnh đó, viêm thanh quản mãn tính không được điều trị cũng có thể làm nhiễm trùng lan rộng sang các bộ phận khác của đường hô hấp, dẫn tới viêm phổi, viêm phế quản hoặc thậm chí tiến triển gây ung thư thanh quản, ung thư vòm họng. Do đó, khi có các triệu chứng nghi ngờ viêm thanh quản mạn tính, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế thăm khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.

2. Nguyên nhân gây viêm thanh quản mạn tính

Viêm thanh quản mạn tính có thể xảy ra do các nguyên nhân bao gồm:

  • Bệnh nhân thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, hóa chất độc hại hoặc các chất gây kích ứng.
  • Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một nguyên nhân thường gặp gây ra viêm thanh quản. Các triệu chứng này có thể cấp tính hoặc mãn tính hay xảy ra theo từng đợt. Các dấu hiệu nhận biết bao gồm tiền sử mắc bệnh GERD, thường xuyên ho hoặc hắng giọng, cảm giác yết hầu hoặc giọng nói thô hơn.
  • Bệnh nhân bị viêm mũi xoang thường xuyên.
  • Hút thuốc lá hoặc ở gần những người hút thuốc lá.
  • Sử dụng giọng nói thường xuyên: Nguyên nhân này thường gặp ở những người làm các công việc đặc thù như MC, huấn luyện viên, giáo viên, ca sĩ,...
  • Bội nhiễm nấm thường gặp ở những người bị suy giảm miễn dịch hoặc những bệnh nhân phải sử dụng thuốc steroid thường xuyên. Viêm thanh quản do nhiễm nấm rất hiếm gặp ở những người có tình trạng miễn dịch bình thường.
  • Thay đổi hình dạng dây thanh do tuổi tác.

3. Triệu chứng của viêm thanh quản mạn tính là gì?

Bệnh nhân viêm thanh quản mạn tính có thể gặp phải các triệu chứng sau:

  • Đau họng, cổ họng luôn cảm giác ngứa rát khó chịu.
  • Thay đổi giọng nói: Ban đầu người bệnh phải cố gắng nhiều mới nói to được, về sau tiếng nói bị rè, khàn và yếu, thậm chí là mất tiếng. Nhìn chung khàn tiếng là dấu hiệu quan trọng nhất cả viêm thanh quản mạn tính. Khàn tiếng kéo dài lúc tăng, lúc giảm, kèm theo ho, đôi khi có kèm cảm giác nói đau.
  • Ho nhiều, thường là ho khan.
  • Ở trẻ em có thể xuất hiện triệu chứng khò khè, thở rít, khó thở, khó nuốt.

Ngoài những triệu chứng trên, bệnh nhân cần lưu ý đến các dấu hiệu bất thường như đột ngột ho nhiều với cường độ mạnh, ho ra máu, sốt cao, khó thở. Khi có các dấu hiệu này bệnh nhân cần đến ngay bệnh viện để điều trị kịp thời.

4. Cách điều trị bệnh viêm thanh quản mãn tính

Một số bệnh nhân thắc mắc có cách nào chữa khỏi viêm thanh quản mạn tính hay không? Nhìn chung, vẫn có các liệu pháp để chữa viêm thanh quản mạn tính. Nguyên tắc cơ bản trong điều trị viêm thanh quản mạn tính là nghỉ ngơi, hạn chế sử dụng giọng, điều trị nguyên nhân và sử dụng các thuốc giảm triệu chứng như các thuốc kháng viêm, giảm phù nề. Các liệu pháp điều trị cụ thể bảo gồm:

  • Điều trị toàn thân bằng các thuốc chữa viêm thanh quản mạn tính: Corticoid, thuốc tiêu viêm...
  • Điều trị dứt điểm các bệnh lý viêm nhiễm hô hấp khác như viêm mũi họng, viêm xoang, viêm amidan.
  • Điều trị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản nếu đây là nguyên nhân gây ra viêm thanh quản
  • Liệu pháp luyện giọng: Căn cứ vào mức độ tổn thương giọng nói và cách thức sử dụng giọng của bệnh nhân, các chuyên viên sẽ đưa ra các bài tập luyện giọng thích hợp.
  • Trường hợp nghi ngờ viêm thanh quản có bội nhiễm vi khuẩn hoặc nấm, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc kháng sinh và kháng nấm phù hợp. Người bệnh không được tự ý sử dụng kháng sinh, kháng nấm để tránh nguy cơ đề kháng và các tác dụng bất lợi khác.
  • Phẫu thuật khi điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc trường hợp viêm thanh quản có khối u, có hạt xơ dây thanh. Có thể tiến hành phẫu thuật thanh quản qua soi thanh quản trực tiếp hoặc gián tiếp, qua ống soi mềm,...
  • Tăng cường sức đề kháng và nâng đỡ cơ thể bằng cách bổ sung yếu tố vi lượng, vitamin,...

5. Phòng ngừa viêm thanh quản mạn tính như thế nào?

Để phòng ngừa bệnh viêm thanh quản mạn tính, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Khi thời tiết chuyển lạnh, bệnh nhân cần lưu ý giữ ấm cổ họng để tránh bị cảm lạnh dẫn tới viêm thanh quản.
  • Những người có tiền sử thường xuyên mắc các bệnh lý hô hấp không nên ở trong phòng điều hòa quá lâu. Hệ hô hấp dễ bị tổn thương không có khả năng bảo vệ khi bị vi khuẩn tấn công, do đó rất dễ bị nhiễm bệnh.
  • Điều trị dứt điểm khi bị cúm, viêm nhiễm ở mũi, họng tránh tình trạng kéo dài dẫn tới viêm mạn tính.
  • Duy trì chế độ ăn uống hợp lý, giàu chất dinh dưỡng
  • Kiêng các loại thức ăn có khả năng đau rát cổ họng như đồ chua, đồ cay nóng.
  • Khi đi ra ngoài hay tiếp xúc với người khác, nên đeo khẩu trang để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh đường hô hấp.
  • Nếu đặc thù công việc khiến bệnh nhân thường xuyên nói chuyện trong khoảng thời gian dài thì nên sử dụng mic hoặc cố gắng nghỉ ngơi ít phút giữa lúc nói.
  • Sau khi tiếp xúc với khói bụi bẩn phải vệ sinh tai, mũi, họng sạch sẽ
  • Hạn chế uống rượu, bia và các chất kích thích.
  • Uống nhiều nước để cổ họng giữ được độ ẩm cần thiết.
  • Tích cực luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe.

Tóm lại, viêm thanh quản mạn tính nếu không được điều trị thích hợp có thể dẫn tới nhiều biến chứng, ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống của bệnh nhân. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ viêm thanh quản mạn tính, bệnh nhân nên đến ngày cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe