Chẩn đoán và điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch

Phác đồ điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch sẽ phụ thuộc vào số lượng tiểu cầu, triệu chứng, tuổi của người bệnh. Trường hợp người bệnh không có dấu hiệu chảy máu và lượng tiểu cầu không quá thấp thì cũng không cần điều trị, tuy nhiên nếu bệnh tiến triển nặng thì cần dùng đến thuốc hoặc có thể phải can thiệp ngoại khoa.

1. Dấu hiệu xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn

Người bệnh bị xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn có thể không thấy có triệu chứng nhất định, tuy nhiên, trong một vài trường hợp sẽ xuất hiện các triệu chứng như:

  • Dễ bị bầm tím hoặc ban xuất huyết
  • Nếu bị xuất huyết dưới da sẽ có dạng trông giống như phát ban, các nốt phát ban có kích thước nhỏ như đầu kim hoặc những nốt nhỏ tím đỏ, thường sẽ xuất hiện ở phần cẳng chân.
  • Sẽ bị chảy máu kéo dài ở vết thương bị cắt da
  • Thường xuyên bị chảy máu mũi, răng lợi
  • Xuất hiện máu trong phân hoặc nước tiểu
  • Đối với phụ nữ thì kỳ kinh nguyệt sẽ kéo dài hơn
  • Luôn mệt mỏi

Nếu bỗng nhiên thấy cơ thể của trẻ bị chảy máu hoặc bầm tím không có nguyên nhân thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh và có phác đồ điều trị giảm tiểu cầu vô căn hiệu quả.

2. Chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch


Xét nghiệm máu là 1 trong số những xét nghiệm được thực hiện để chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu
Xét nghiệm máu là 1 trong số những xét nghiệm được thực hiện để chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu

Khi nghi ngờ người bệnh bị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch thì bác sĩ sẽ tìm dấu hiệu của xuất huyết dưới da và hỏi bệnh nhân một số câu hỏi về các bệnh lý từng mắc, các loại thuốc hay thực phẩm bổ sung từng sử dụng. Một số xét nghiệm được thực hiện bao gồm:

2.1 Xét nghiệm máu

Để xác định số lượng bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu trong máu của người bệnh, trường hợp dương tính thì người bệnh sẽ có lượng bạch cầu, hồng cầu bình thường và tiểu cầu thấp hơn bình thường.

2.2 Xét nghiệm phết máu ngoại vi

Lúc này mẫu máu của người bệnh sẽ được đặt lên phiến kính và soi dưới kính hiển vi.

2.3 Xét nghiệm kiểm tra tuỷ xương

Để xác định nguyên nhân giảm tiểu cầu.

3. Phác đồ điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch

Phác đồ điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch hay điều trị giảm tiểu cầu vô căn sẽ hướng tới mục đích là giữ một lượng tiểu cầu ổn định và ngăn ngừa xuất huyết, giảm tối đa tác dụng phụ của các phương pháp điều trị.

3.1 Đối với trẻ em

Đối với trẻ em, sẽ có khoảng 80% trẻ bị bệnh sẽ tự khỏi hoàn toàn trong vòng 6 tháng. Trường hợp trẻ bị xuất huyết giảm tiểu cầu mạn tính cũng có thể tự bình phục sau vài năm. Do đó, với thắc mắc giảm tiểu cầu vô căn có chữa được không thì câu trả lời là có thể.

3.2 Đối với người lớn

Đối với người lớn bị xuất huyết giảm tiểu cầu mà nhẹ thì có thể chỉ cần theo dõi và kiểm tra định kỳ là được, nhưng nếu tiên lượng xấu đi thì cần phải cân nhắc điều trị. Phác đồ điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch có thể bao gồm dùng thuốc, ngoại khoa (cắt lách)....

3.2.1 Điều trị giảm tiểu cầu vô căn bằng thuốc

Một số loại thuốc có thể sử dụng để điều trị giảm tiểu cầu vô căn có thể là:

  • Corticosteroids: Thuốc có thể giúp làm tăng lượng tiểu cầu bằng cách ức chế hệ thống miễn dịch của người bệnh. Một điều cần lưu ý là không nên sử dụng loại thuốc này lâu dài vì có nguy cơ tăng cân, đục thuỷ tinh thể, tăng đường huyết và tăng nguy cơ nhiễm trùng, loãng xương.
  • Tiêm tĩnh mạch globulin miễn dịch (IVIG): Trường hợp bị xuất huyết nghiêm trọng hoặc người bệnh cần tăng số lượng tiểu cầu trước khi phẫu thuật thì có thể sử dụng một số loại thuốc như globulin miễn dịch, tiêm đường tĩnh mạch.
  • Chủ vận thụ thể Thrombopoietin: Đây là loại thuốc mới được cấp phép sử dụng điều trị giảm tiểu cầu vô căn, những loại thuốc này có thể giúp tủy xương sản xuất nhiều tiểu cầu hơn và ngăn ngừa bầm tím và xuất huyết.

Có thể điều trị giảm tiểu cầu vô căn bằng thuốc
Có thể điều trị giảm tiểu cầu vô căn bằng thuốc

3.2.2 Phẫu thuật cắt lách

Trường hợp người bệnh bị xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát nặng thì và đợt điều trị prednisone đầu tiên không có tác dụng thì bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt lách để giúp nhanh chóng loại bỏ nguồn tiêu diệt tiểu cầu trong cơ thể người bệnh và tăng lượng tiểu cầu. Tai biến hậu phẫu cũng có thể xảy ra vì cơ thể không có lách sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

3.2.3 Các phương pháp điều trị khác

Trong trường hợp điều trị bằng thuốc và cắt lách đều không mang lại tác dụng và nguy cơ để lại triệu chứng nặng nề hơn thì bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh điều trị bằng một đợt corticosteroids khác với liều dùng nhẹ nhất có thể.

Một số phương pháp điều trị giảm tiểu cầu vô căn có thể là sử dụng thuốc ức chế miễn dịch như azathioprine (Imuran, Azasan) và cyclophosphamide (Cytoxan). Tuy nhiên, chúng có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng và hiệu quả vẫn chưa được kiểm định.

Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch là căn bệnh nếu không điều trị đúng phương pháp thì sẽ gây ra những nguy hiểm nhất định và những nguy cơ gây ra tác dụng phụ của các phương pháp điều trị giảm tiểu cầu vô căn mà bác sĩ sẽ phải cân nhắc thật kỹ giữa lợi và hại, các yếu tố có thể ảnh hưởng đến quyết định điều trị và những hoạt động thường ngày có khả năng làm tăng nguy cơ gây tổn thương và chảy máu hay không.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe