Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Mang Thị Phương Mai - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Trước tình hình dịch bệnh của lợn như sán lợn, dịch tả lợn và tình trạng chăn nuôi bẩn tràn lan, khách hàng nên trang bị cho mình những cách nhận biết thịt lợn sạch, thịt lợn nhiễm sán, thịt lợn tăng trọng, thịt có chất bảo quản, thịt nhiễm dịch tả lợn Châu Phi... để sáng suốt hơn trong việc lựa chọn thực phẩm cho gia đình.
1. Cách nhận biết thịt lợn sạch với thịt lợn nhiễm sán
Thịt nhiễm sán thường có những đốm trắng to còn gọi là thịt lợn gạo, thớ thịt lợn có hình sợi hoặc hình bầu dục, miếng thịt thường cứng không đàn hồi.
Thịt lợn sạch là thịt lợn không được nuôi bằng thức ăn có chất tăng trọng, không bị tồn dư thuốc và các hóa chất có trong thức ăn khi xuất chuồng, không có ký sinh trùng và vi trùng ký sinh trên thịt, không chứa chất bảo quản. Thịt lợn sạch thường có lớp bì (da) và lớp mỡ dày.
Có nhiều cách để người tiêu dùng nhận biết thịt lợn sạch và thịt lợn nhiễm sán. Biện pháp để phát hiện và nhận biết thịt lợn có sán là cắt thịt theo thớ dọc và quan sát bề mặt thịt. Nếu miếng thịt lợn có những đốm trắng to bằng đầu kim hoặc thớ thịt có hình sợi hay hình bầu dục to là thịt lợn đã bị nhiễm sán. Cũng có thể nhận biết bằng cách sờ vào miếng thịt: miếng thịt lợn cứng, không có sự đàn hồi khi ấn vào, không mềm mại... rất có thể thịt đã bị ướp urê hoặc chứa hàn the.
Loại sán phổ biến thường nhiễm trong thịt lợn có tên là Cysticercus cellulosae. Khi sán xâm nhập vào cơ thể người, chúng thường không phát triển ngay thành những con giun nhỏ mà tiếp tục tồn tại dưới dạng ấu trùng, chúng hình thành những khối u di chuyển bên trong da và mô mềm. Những khối u di động này thường xuất hiện ở những vị trí như: mặt, mu bàn tay, lưng, mông, bụng... U do sán dần chuyển thành một nốt nhỏ hoặc một khối phù nề, có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương như: các rối loạn tri giác, liệt nửa người thậm chí là hôn mê.
Ấu trùng sán khi vào cơ thể còn có thể di chuyển vào các cơ quan nội tạng như: gan, phổi, não... gây đau bụng, ho, đau ngực và khó thở, co giật. Nếu sán di chuyển đến mắt sẽ làm xuất huyết mắt, giảm thị lực dẫn đến mù lòa. Khi chúng chui vào hốc tai, hốc mũi sẽ gây ra tình trạng nhức tai, viêm mũi.
Thịt lợn ngoài nguy cơ nhiễm sán còn có thể nhiễm các chất tăng trọng, chất tạo nạc từ thức ăn hoặc bị ngâm chất bảo quản.
2. Cách nhận biết thịt lợn sạch với thịt tăng trọng, thịt lợn siêu nạc
Nhận biết thịt lợn siêu nạc do hóa chất thường có mùi tanh hơn thịt lợn sạch, lớp mỡ dưới da của thịt có chất tạo nạc thường mỏng, phần nạc và phần mỡ tách rời nhau. Thịt lợn sạch có màu hồng tươi trong khi thịt lợn có chất tạo nạc thường có màu đỏ đậm khác thường, bề mặt sáng và bóng, mặt da lợn có thể xuất hiện những đốm đỏ trông như xuất huyết dưới da.
Một cách thử khác để nhận biết thịt có chất tăng trọng hay tạo nạc đó là thái thịt thành miếng dày 3 - 4 cm, nếu miếng thịt không thể đứng thẳng được thì là thịt lợn được nuôi bằng thức ăn tăng trọng.
Thịt lợn sạch khi luộc sẽ cho nước trong, không chứa quá nhiều váng bẩn. Khi nấu, miếng thịt nở ra, thường không ra nước và có mùi thơm. Còn đối với thịt siêu lợn siêu nạc hoặc nuôi thức ăn tăng trọng, khi luộc nước thường có rất nhiều váng, nước có mùi hôi, nếu rang thịt sẽ ra nhiều nước, ăn thịt lợn rất khô.
3. Cách nhận biết thịt lợn sạch với thịt ngâm chất bảo quản
Thịt lợn ướp chất bảo quản thường có màu đỏ tươi, thớ thịt săn cứng, mất độ đàn hồi khi ấn tay vào. Cắt sâu vào bên trong sẽ cảm nhận thịt khá nhũn, chảy dịch, màu thịt hơi thâm và có mùi nồng. Loại thịt đã ngâm chất bảo quản này khi rửa sẽ chuyển sang màu nhợt nhạt, có mùi tanh rất khó chịu, mỡ thường có màu vàng. Lúc nấu, nước thịt sẽ rất đục, có mùi hôi, mỡ trên bề mặt nước sẽ tách thành những hình tròn nhỏ thay vì nổi váng mỡ lớn như thịt tươi.
4. Cách nhận biết thịt lợn sạch với thịt lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi
Lợn bị nhiễm bệnh dịch tả châu Phi thường có các nốt xuất huyết nằm bên dưới da, đặc biệt trên vành tai trông giống như những vết muỗi đốt. Bốn chân, vùng bụng, ngực của lợn có màu tím xanh. Khi mổ ra, lợn bị dịch tả có dịch lẫn máu ở ổ bụng và ở khoang ngực. Toàn bộ nội tạng, cơ thể đều bị xuất huyết, lá lách của lợn phình to, hạch bạch huyết rất lớn, phổi không bị xẹp, khí quản có dính máu và chứa nhiều bọt, thận xuất huyết, niêm mạc dạ dày bị loét, ruột tắc và chứa máu.
Người tiêu dùng có thể nhận biết thịt lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi bằng mắt thường. Thịt lợn sạch có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, da lợn không có các đốm đỏ, xanh hay các vết khác thường, ngón tay khi ấn vào thịt không bị lõm hay rỉ nước.
Nếu thịt lợn có màu lạ như: màu nâu, xám, màu đỏ thâm hoặc hơi ngả sang xanh nhạt, phần bì (da) lấm chấm đốm xuất huyết, tai lợn bị thâm tím, khi chạm tay vào thịt thấy chảy nhớt, rỉ nước... thì đây là thịt lợn bị ôi hoặc thịt lợn bị nhiễm dịch tả lợn. Cần chế biến thịt chín kĩ vì vi khuẩn tả trong thịt lợn chết ở nhiệt độ 70 độ C.
Nên tuân thủ ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh hoặc thịt lợn chưa được chế biến kỹ, chưa nấu chín. Khi chế biến, nên rửa thịt bằng nước muối loãng trước khi nấu, rửa tay sạch thật sạch bằng xà phòng trước và sau nấu ăn. Nấu xong nên ăn ngay, tránh để thức ăn quá lâu tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Không nên để thức ăn chín lẫn lộn vào thức ăn sống hoặc các dụng cụ sơ chế đồ sống.
Hiện nay, nhiều nơi ở nước ta đã xác nhận có lợn nhiễm dịch tả, tuy nhiên các chủ cơ sở vẫn giết mổ lợn, sơ chế và tẩm ướp hóa chất để bán cho người tiêu dùng. Vì vậy, mọi người cần biết nắm được các cách nhận biết thịt lợn sạch với thịt ngâm hóa chất bảo quản đã đề cập ở trên. Để tránh mua phải thịt lợn bệnh, người tiêu dùng nên mua thịt lợn ở những địa chỉ cung ứng thịt uy tín như: siêu thị, cửa hàng thịt sạch. Không nên vì giá rẻ mà chọn mua ở địa điểm bán thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, ruồi nhặng bâu nhiều, không che chắn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.