Các yếu tố có thể gây sảy thai từ mẹ và thai nhi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Điều người mẹ cần làm sau khi sảy thai là đảm bảo sức khỏe, giữ cho mình tâm lý thoải mái nhất sẽ thuận lợi cho sự phát triển của thai nhi ở lần mang thai tiếp theo và đặc biệt sẽ hạn chế khả năng sảy thai.

1. Sảy thai là gì?

Theo tổ chức y tế thế giới WHO sảy thai là tình trạng thai bị tống ra khỏi buồng tử cung trước 20 tuần vô kinh hay khi trọng lượng của thai < 500gr, khi thai chưa có khả năng sống được.

2. Các yếu tố nguy cơ gây sảy thai

2.1 Các yếu tố của mẹ

  • Viêm nhiễm ở cơ quan sinh dục có thể dẫn tới sảy thai, tuy nhiên tỷ lệ viêm nhiễm gây sảy thai không cao. Những nhiễm khuẩn toàn thân như cúm, sốt rét, viêm phổi...gây sốt cao cũng là nguyên nhân gây sảy thai.
  • Yếu tố nội tiết
  • Mẹ bị suy giáp thường dẫn đến sảy thai, do thiếu hụt hormon tuyến giáp thyroid do đó gây rối loạn miễn dịch
  • Tiểu đường: Gặp ở những bà mẹ bị tiểu đường type 2, nguy cơ sảy thai còn phụ thuộc vào mức độ kiểm soát đường huyết trong thai kỳ.
  • Dinh dưỡng cung cấp chất dinh dưỡng không đầy đủ, nôn mửa nhiều dẫn đến sụt cân cũng có thể gây sảy thai. Tuy nhiên trường hợp như này rất hiếm xảy ra
  • Hút thuốc lá chủ động hay thụ động làm tăng nguy cơ sảy thai
  • Mẹ nghiện rượu gây sảy thai và dị tật thai nhi, uống 5 ly coffee mỗi ngày cũng làm tăng nguy cơ sảy thai
  • Các yếu tố liên quan đến miễn dịch : Kháng thể kháng phospholipid, kháng thể kháng tế bào nuôi...
  • Phẫu thuật vùng bụng: Nếu phẫu thuật nhỏ không ảnh hưởng tới thai kỳ. kể cả phẫu thuật bóc u buồng trứng. Tuy nhiên cần lưu ý với trường hợp nang hoàng thể( trứng sau khi phóng noãn còn lại là nang hoàng thể) có tác dụng tiết hormon progesterone, nên nếu phẫu thuật trong khoảng từ tuần 8 - 10 cần tiêm bổ sung 1 mũi hormon sau phẫu thuật. Nếu sớm hơn ở tuần 6-8 cần tiêm 2 liều cách nhau 1 đến 2 tuần.
  • Môi trường làm việc độc hại, nhiễm độc chì, thủy ngân, asen
  • Chấn thương trực tiếp hay gián tiếp vào vùng bụng khi mang thai, chấn thương tâm lý xúc động quá độ...
  • Tử cung bất thường

Bất thường do mắc phải như: U xơ tử cung to, nhiều khối u xơ tử cung, vị trí u xơ tử cung gây bất lợi cho sự phát triển của thai. Dính buồng tử cung do tổn thương sau khi nạo, phá thai, làm cho số nội mạc tử cung còn lại không đủ nuôi dưỡng thai.Dị tật tử cung bẩm sinh: Tử cung đôi, tử cung hai sừng... thường sảy thai muộn hay gây sinh non


U xơ tử cung to là 1 trong những yếu tố gây sảy thai
U xơ tử cung to là 1 trong những yếu tố gây sảy thai
  • Hở eo tử cung thường gây sảy thai lần đầu muộn, là nguyên nhân gây sảy thai liên tiếp.

2.2 Các yếu tố của thai

  • Do sự phát triển không bình thường của hợp tử, phôi, thai và nhau. Gây ra sảy thai tự nhiên. Các yếu tố gây sự phát triển không bình thường của phôi thai bao gồm:
  • Bất thường NST: có đến 95% do lỗi tổ hợp gen của mẹ và 5% là do bố. Bất thường NST thường gây sảy thai sớm
  • NST bình thường: Trường hợp này hay sảy thai muộn, thường khoảng từ tuần thứ 13. Và hay gặp ở phụ nữ tuổi trên 35.

3. Các hình thái của sảy thai

Có nhiều hình thái sảy thai khác nhau, triệu chứng và cách xử lý của mỗi trường hợp không giống nhau.

3.1 Dọa sảy thai

Là tình trạng xuất hiện các triệu chứng tương tự như sảy thai tuy nhiên thai chưa bị bong ra, cổ tử cung chưa mở. Nếu điều trị có thể giữ được thai.Có các triệu chứng như ra huyết âm đạo, đau bụng dưới, đôi khi khó chịu ở vùng chậu. Khoảng 50% các trường hợp dọa sảy dẫn đến sảy thai, nếu thấy có hoạt động của tim thai thì tiên lượng tốt hơn.


Là tình trạng xuất hiện các triệu chứng tương tự như sảy thai tuy nhiên thai chưa bị bong ra
Là tình trạng xuất hiện các triệu chứng tương tự như sảy thai tuy nhiên thai chưa bị bong ra

3.2 Sảy thai khó tránh

Chảy máu, đau bụng vùng hạ vị, rỉ ối, vỡ ối, cổ tử cung mở có thể kèm theo sốt thì việc sảy thai là không tránh được. Nên lấy thai ra.

3.3 Sảy thai chưa trọn

Thường gặp ở những người có triệu chứng dọa sảy trước đó, sau đó xuất hiện đau bụng, ra máu nhiều hơn. Thấy một phần thai bị tống ra ngoài âm đạo, sau đó vẫn tiếp tục ra máu và đau bụng.

Một số trường hợp có thể sốt do nhiễm khuẩn.

3.4 Sảy thai sớm

Phụ nữ mang thai xuất hiện ra huyết, đau bụng như một chu kỳ kinh. Quá trình sảy thai diễn ra hoàn toàn tự nhiên.

3.5 Sảy thai nhiễm khuẩn

Sảy thai kèm theo nhiễm khuẩn tử cung, sau đó đến nội mạc, viêm phúc mạc nặng hơn có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm nội tâm mạc. Nếu không điều trị sớm có thể ảnh hưởng tới tính mạng thai phụ.

4. Cách chẩn đoán và xử lý sảy thai

4.1 Chẩn đoán sảy thai

  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chậm kinh, thử thai dương tính hay xét nghiệm beta HCG tăng có các dấu hiệu như ra máu âm đạo, đau bụng từ âm ỉ đến đau dữ dội, có thể có kèm theo sốt.

Xét nghiệm beta HCG
Xét nghiệm beta HCG

  • Khám âm đạo thấy cổ tử cung vẫn đóng trong dọa sảy thai hay cổ tử cung mở trong các trường hợp khác.
  • Siêu âm phát hiện rau bong một phần, có thể vẫn còn thấy tim thai trong trường hợp dọa sảy thai. Các trường hợp khác thấy dịch trong buồng tử cung, khối thai bị đẩy ra lỗ trong cổ tử cung.

4.2 Xử lý các trường hợp lâm sàng

  • Dọa sảy thai: Cho sản phụ nghỉ ngơi tại giường, có thể dùng thuốc làm giảm co thắt tử cung và hạn chế lao động, giao hợp ít nhất 2 tuần sau khi ngừng ra huyết.
  • Các trường hợp khác có nhiều phương pháp khác nhau như: chờ sảy tự nhiên, đặt thuốc hay nạo hút thai (nạo hút thai là giải pháp nhanh nhất với thành công gần như 100%, tuy nhiên kỹ thuật phải cẩn thận tránh tổn thương buồng tử cung)
  • Sảy thai khó tránh, sảy thai chưa trọn: Có thể để thai sảy tự nhiên không can thiệp, hay uống mifepristone 400mg thuốc có tác dụng tăng co bóp tử cung đẩy thai ra ngoài phần đa thai ra hết sau vài ngày. Tuy nhiên nếu thấy vẫn đau bụng dai dẳng, ra máu kéo dài, có thể kèm theo sốt phải nạo buồng tử cung, kết hợp dùng kháng sinh.
  • Sảy thai nhiễm khuẩn: Lấy thai ra sớm kết hợp sử dụng thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn.

Sảy thai là biến chứng không sản phụ nào mong muốn vậy nên nhận biết sớm các dấu hiệu, nguy cơ sảy thai là điều mà các sản phụ nên biết để phòng tránh và phối hợp với bác sĩ để đưa ra phác đồ điều trị. Trong trường hợp phải xử lý thai thì sẽ có cách xử lý khoa học với từng hình thái sảy thai, giảm thiểu nguy cơ cho người mẹ. Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe