Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Thái - Bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Khô miệng là một triệu chứng rất thường gặp, một người sẽ bị khô miệng nhiều lần trong đời. Khô miệng không chỉ gây cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.
1. Các tác nhân gây khô miệng
Khô miệng là tình trạng lượng nước bọt trong miệng giảm sút một cách đột ngột gây cảm giác khó chịu. Các triệu chứng thường gặp khi bị khô miệng là: niêm mạc miệng và cổ họng khô, hơi thở hôi, nước bọt đặc dính, thường xuyên cảm thấy khát nước, vị giác đối với các loại thức ăn giảm sút.
Khô miệng gây ra rất nhiều nguy cơ đối với sức khỏe răng miệng và sức khỏe nói chung. Khi bị khô miệng, người bệnh sẽ bị tăng nguy cơ lở loét miệng, dễ bị sâu răng, nhiễm nấm trong miệng, nứt môi, lở các góc miệng. Do khô miệng sẽ gây khó khăn trong ăn uống nên người bệnh có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.
Khô miệng không phải là một bệnh mà là triệu chứng của bệnh hoặc biểu hiện của một vấn đề sức khỏe nào đó mà một người bệnh đang gặp phải. Có rất nhiều nguyên nhân khô miệng, các nguyên nhân khô miệng thường gặp nhất có thể kể đến là:
● Tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị: nhiều loại thuốc có thể gây khô miệng như thuốc chống dị ứng nhóm kháng histamin; thuốc chống trầm cảm, lo âu; một số thuốc chống nghẹt mũi, thuốc giảm đau, giãn cơ,...
● Điều trị ung thư: một số loại thuốc hóa trị có thể gây ảnh hưởng đến tuyến nước bọt gây giảm tiết, sau khi điều trị, chức năng tuyến nước bọt có thể về bình thường. Khi điều trị ung thư vùng đầu cổ bằng xạ trị, tuyến nước bọt có thể bị tổn thương tạm thời hoặc vĩnh viễn.
● Người bệnh mắc một số bệnh lý như HIV/AIDS, tiểu đường, Parkinson, Alzheimer, đột quỵ, viêm khớp dạng thấp, xơ nang, quai bị,... Hội chứng Sjogren là sự rối loạn của hệ miễn dịch, trong đó, các tế bào miễn dịch sẽ làm tổn thương tuyến nước mắt và nước bọt gây khô mắt và khô miệng.
● Thương tổn thần kinh vùng đầu cổ, chấn thương vùng đầu cổ hoặc tổn thương vùng đầu cổ do phẫu thuật đều có thể gây khô miệng.
● Sử dụng thuốc lá: các hóa chất trong thuốc lá có thể gây khô miệng, đặc biệt là chứng khô miệng vào ban đêm.
● Người cao tuổi có tỷ lệ bị khô miệng cao, có thể do thói quen ít uống nước hoặc do người lớn tuổi thường bị nhiều bệnh cùng lúc, sử dụng nhiều thuốc để điều trị do đó nguy cơ khô miệng sẽ cao hơn.
● Phụ nữ mang thai hoặc mãn kinh, các hormon trong cơ thể có sự biến đổi lớn.
● Ngáy khi ngủ, thói quen thở bằng miệng hoặc nghẹt mũi nên phải thở bằng miệng.
2. Chữa khô miệng như thế nào?
Có rất nhiều cách có thể giúp cải thiện tình trạng khô miệng. Một số phương pháp chữa khô miệng đơn giản người bệnh có thể áp dụng tại nhà như:
● Uống nhiều nước để cung cấp đủ nước cho cơ thể, duy trì việc sản xuất nước bọt. Ngoài uống nước, nên tăng cường ăn các loại trái cây có nhiều nước, ăn các thực phẩm lỏng như cháo, súp. Trong bữa ăn, có thể uống kèm nước, sữa để giúp việc nhai, nuốt dễ dàng hơn. Hạn chế rượu, thực phẩm chức cafein, bánh kẹo, đường, thực phẩm có tính axit, thức ăn có nhiều gia vị hoặc quá mặn
● Giữ gìn vệ sinh răng miệng bằng cách đánh răng sau mỗi bữa ăn, dùng chỉ nha khoa để làm sạch. Sử dụng kẹo cao su không đường để làm sạch miệng và kích thích tiết nước bọt. Có thể dùng chanh chà xát lên lưỡi để làm sạch lưỡi, hạn chế hôi miệng và giúp tăng tiết nước bọt. Sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm như vaselin, dầu dừa để trị khô môi, nứt nẻ
● Thở bằng mũi để ngăn ngừa khô miệng do thở bằng miệng. Tăng độ ẩm trong phòng ngủ bằng cách đặt một chậu nước trong phòng hoặc dùng máy tạo độ ẩm
● Điều trị chứng ngáy vào ban đêm nếu ngáy là nguyên nhân gây khô miệng.
Nếu tình trạng khô miệng ngày càng trầm trọng, các phương pháp thực hiện tại nhà không giúp cải thiện, chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng, sức khỏe giảm sút. Người bệnh cần đi khám để tìm sự trợ giúp của bác sĩ. Tùy theo nguyên nhân gây khô miệng của từng trường hợp, bác sĩ có thể lựa chọn các phương pháp chữa khô miệng như:
● Nếu nguyên nhân gây khô miệng là do tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ có thể xem xét điều chỉnh lượng thuốc hoặc đổi sang một loại thuốc khác có cùng tác dụng điều trị nhưng không gây khô miệng
● Chữa trị các bệnh lý là nguyên nhân gây khô miệng
● Nếu tình trạng khô miệng nặng, bác sĩ có thể chỉ định các thuốc kích thích nước bọt như pilocarpine, cevimeline hoặc nước bọt thay thế chứa carboxymethylcellulose, hydroxyethyl cellulose,...
● Cho bệnh nhân đeo khay flour vài phút vào ban đêm hoặc sử dụng chlorhexidine hàng tuần để ngăn ngừa sâu răng.
Khô miệng là một hiện tượng rất phổ biến ở rất nhiều người. Hy vọng bài viết trên đây đã giúp các bạn nắm rõ nguyên nhân khô miệng và các phương pháp chữa khô miệng, từ đó có cách xử lý phù hợp khi bản thân hoặc người thân trong gia đình có triệu chứng trên.
BSCK II Nguyễn Văn Thái nguyên là Bác sĩ Tai Mũi Họng và Phẫu thuật Đầu cổ tại Khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Trung Ương Huế với hơn 17 năm kinh nghiệm điều trị, đặc biệt trong lĩnh vực Phẫu thuật Đầu cổ. Hiện là Bác sĩ Tai Mũi Họng tại Phòng khám Liên Chuyên khoa thuộc Khoa Khám bệnh và Nội Khoa Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.