Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thu Hằng - Bác sĩ Da Liễu, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Bệnh ghẻ là một bệnh da liễu khá phổ biến ở nước ta. Bệnh thường xuất hiện ở vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, điều kiện vệ sinh kém, thiếu nước sinh hoạt. Tuy không gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe nhưng nếu không nhận biết các dấu hiệu bệnh ghẻ sớm và không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng: nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận cấp.
1. Mức độ phổ biến của bệnh ghẻ như thế nào?
Bệnh ghẻ được xác định lần đầu vào những năm 1600 nhưng không được xem là nguyên nhân gây bệnh ở da cho đến những năm 1700. Ước tính, có khoảng 300 triệu người trên toàn thế giới bị nhiễm bệnh ghẻ.
Bệnh ghẻ ảnh hưởng đến mọi tầng lớp trong xã hội, trong đó trẻ em và phụ nữ dễ bị nhiễm hơn. Bệnh có xu hướng lưu hành nhiều ở vùng thành thị, đặc biệt là các nơi đông đúc dân cư, điều kiện vệ sinh kém, bệnh vào mùa đông nhiều hơn mùa hè.
Tỷ lệ mắc bệnh ghẻ đã tăng lên trong hai thập kỷ qua. Ở các nước phát triển, bệnh ghẻ vẫn là một trong những bệnh da liễu phổ biến, ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống, chi phí điều trị cao. Sự lan truyền ký sinh trùng chủ yếu do tiếp xúc gần gũi với người mang mầm bệnh hoặc qua trung gian là các vật dụng dính trứng ghẻ, cái ghẻ.
2. Nguyên nhân gây bệnh ghẻ
Nguyên nhân gây bệnh là do ký sinh trùng ghẻ (Sarcoptes scabiei hominis). Bệnh do ghẻ cái gây nên là chủ yếu, ghẻ đực không gây bệnh vì chết sau khi giao hợp.
Cái ghẻ có bốn đôi chân, kích thước khoảng 0.3 mm, rất nhỏ nên khó nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng không thể bay hay nhảy, chu kỳ sống khoảng 30 ngày ở trong và trên thượng bì. Ghẻ cái ký sinh ở lớp sừng của thượng bì, đào hang về đêm, đẻ trứng ban ngày, mỗi ngày đẻ 1 - 5 trứng, trứng sau 72 - 96 giờ nở thành ấu trùng, sau 5 - 6 lần lột xác (trong vòng 20 - 25 ngày) trở thành con ghẻ trưởng thành, sau đó bò ra khỏi hang, giao hợp và tiếp tục đào hầm, đẻ trứng mới.
Ghẻ sinh sôi nảy nở rất nhanh, với điều kiện thuận lợi: 1 ghẻ cái sau 3 tháng có thể có một dòng họ 150 triệu con. Ban đêm ghẻ cái bò ra khỏi hang tìm ghẻ đực, đây là lúc ngứa nhất (dấu hiệu ngứa vào ban đêm), dễ lây truyền nhất, vì ngứa gãi làm vương vãi cái ghẻ ra quần áo, giường chiếu...
3. Đường lây của bệnh ghẻ như thế nào?
Bệnh ghẻ lây do nằm chung giường, mặc quần áo chung, qua tiếp xúc da-da khi quan hệ tình dục nên có thể xếp vào nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD). Bệnh có thể xuất hiện thành ổ dịch ở các đơn vị tập thể như nhà trẻ, quân đội, vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, trại giam...
4. Dấu hiệu bệnh ghẻ là gì?
Tổn thương đặc hiệu của bệnh ghẻ là luống ghẻ và mụn nước (còn gọi là mụn trai và đường hầm).
Đường hầm do cái ghẻ đào ở lớp sừng, đây là đường cong ngoằn ngoèo, dài 2-3 cm, gờ cao hơn mặt da, màu trắng đục hay trắng xám, không khớp với da. Ở đầu đường hầm có mụn nước 1 - 2 mm đường kính, đây chính là nơi cư trú của cái ghẻ. Đường hầm thường tìm thấy ở kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, nếp gấp cổ tay và quy đầu. Ở mụn nước nhỏ, lấy kim chích dịch ra để lộ màu xám hoặc đen, dùng kim khều sẽ bắt được cái ghẻ bám trên đầu kim.
Mụn nước sắp xếp rải rác, riêng rẽ ở vùng da mỏng như kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, mặt trước cổ tay, cẳng tay, nếp vú, quanh thắt lưng, rốn, kẽ mông, mặt trong đùi và bộ phận sinh dục. Ở trẻ sơ sinh, mụn nước có thể xuất hiện ở lòng bàn chân. Ở quy đầu, ghẻ có thể gây ra vết trợt được gọi là săng ghẻ, dễ nhầm với săng giang mai.
Dấu hiệu ngứa nhiều vào ban đêm vì lúc đi ngủ, cái ghẻ di chuyển gây kích thích đầu dây thần kinh cảm giác ở da và một phần do độc tố ghẻ cái tiết ra khi đào hang.
Ngứa gãi gây nhiễm khuẩn. Vết xước gãi, vết trợt, sẩn, vẩy tiết, mụn nước, mụn mủ, chốc nhọt, sẹo thâm màu, bạc màu... tạo nên hình ảnh được ví như bức tranh "khảm xà cừ" hoặc tranh "hình hoa gấm". Những tổn thương thứ phát và biến chứng nhiễm khuẩn, viêm da, eczema hoá thường che lấp, làm lu mờ tổn thương đặc hiệu và gây khó khăn cho chẩn đoán.
5. Bệnh ghẻ được chia thành nhiều thể bệnh khác nhau
- Ghẻ giản đơn: Chỉ có đường hầm và mụn nước, ít có tổn thương thứ phát.
- Ghẻ nhiễm khuẩn: Có tổn thương của ghẻ và mụn mủ, do bội nhiễm liên cầu, tụ cầu, có thể gặp biến chứng viêm cầu thận cấp.
- Ghẻ biến chứng viêm da, eczema hoá: Do chà xát cào gãi lâu ngày, ngoài tổn thương ghẻ còn có các đám viêm da là các đám mảng đỏ da bề mặt có mụn nước, ngứa lâu ngày sẽ thành eczema hoá.
- Ghẻ nhiễm khuẩn có biến chứng viêm cầu thận cấp.
Phòng bệnh ghẻ tốt nhất là tránh tiếp xúc với nguồn bệnh, trẻ đang mắc bệnh, không ngủ chung, không dùng chung quần, áo, chăn màn. Vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày với xà phòng, đặc biệt là ở các nếp như: Kẽ các ngón tay, bẹn, rốn...
Bác sĩ Thu Hằng đã có trên 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực da liễu. Đặc biệt dày dặn kinh nghiệm trong điều trị bệnh da người lớn và trẻ em, bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh da tự miễn và hiếm gặp. Bác sĩ từng đạt các chứng chỉ, bằng đại học trong và ngoài nước như: Bằng chuyên khoa I - Da liễu, Đại học Y Hà Nội, Bằng DFMS - Da liễu, Đại học Paris XIII, Cộng hòa Pháp trước khi là bác sĩ da liễu tại khoa Nội tổng hợp bệnh viện Vinmec Hải Phòng như hiện nay.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.