Bệnh suy thận cấp xảy ra khi nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hồng Phúc - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Suy thận cấp là một bệnh lý nguy hiểm, có nhiều nguyên nhân gây suy thận cấp, các nguyên nhân này được chia thành: Nhóm nguyên nhân gây suy thận cấp trước thận, nhóm nguyên nhân gây suy thận tại thận và nhóm nguyên nhân gây suy thận sau thận.

1. Suy thận cấp là gì?

Suy thận cấp là một bệnh lý nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao. Bệnh có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân, các nguyên nhân này làm ngừng hoặc suy giảm nhanh mức lọc cầu thận, do đó làm mất chức năng tạm thời, cấp tính cả hai bên thận. Các biểu hiện lâm sàng của suy thận cấp là:

  • Tình trạng thiểu niệu hoặc vô niệu xảy ra cấp tính
  • Tốc độ creatinin huyết thanh > 42.5 μmol trong vòng 24-48 giờ so với creatinin huyết thanh nền nếu creatinin nền của người bệnh < 221 μmol/l. Nếu creatinin nền của người bệnh > 221 μmol/l, chẩn đoán có tình trạng suy thận cấp khi tốc độ gia tăng creatinin huyết thanh > 20% trong 24-48 giờ.
  • Sau vô niệu, mức lọc cầu thận giảm <60 ml/phút
  • Kali máu thường tăng, có thể có toan máu chuyển hóa

Diễn biến suy thận cấp lần lượt theo 4 giai đoạn là: Giai đoạn tấn công của tác nhân gây bệnh, giai đoạn thiểu niệu, vô niệu, giai đoạn đái trở lại và giai đoạn phục hồi chức năng.


Suy thận cấp là bệnh lý nguy hiểm của hệ tiết niệu
Suy thận cấp là bệnh lý nguy hiểm của hệ tiết niệu

2. Các nguyên nhân gây suy thận cấp

Dựa vào cơ chế bệnh sinh, có thể phân các nguyên nhân gây suy thận cấp thành 3 nhóm chính là:

2.1 Nhóm nguyên nhân gây suy thận cấp trước thận

Nguyên nhân gây suy thận cấp trước thận bao gồm tất cả mọi nguyên nhân làm giảm dòng máu tới thận như mất nước, mất máu gây sốc giảm thể tích, sốc tim, sốc nhiễm khuẩn, sốc quá mẫn,... Các nguyên nhân gây giảm khối lượng tuần hoàn khác như xơ gan mất bù, thiểu dưỡng, giảm áp lực keo trong hội chứng thận hư.

2.2 Nhóm nguyên nhân gây suy thận tại thận

Suy thận tại thận do các tổn thương thực thể tại thận, bao gồm:

  • Các bệnh cầu thận:
  • Viêm mạch máu cầu thận trong các bệnh lý: Tăng huyết áp ác tính, viêm mạch, viêm mạch Wegener, hội chứng tan máu tăng ure máu, đông máu rải rác trong lòng mạch, nhiễm độc thai nghén, bệnh mạch máu hệ thống, xơ cứng bì,...
  • Bệnh kháng thể kháng màng đáy cầu thận như hội chứng Goodpasture
  • Tổn thương cầu thận do các thuốc có tác dụng phụ độc trên thận như Amphotericin B, Cyclosporin, Cisplatin,...
  • Bệnh ống thận: Là nguyên nhân gây suy thận cấp phổ biến nhất. Có nhiều nguyên nhân gây các bệnh ống thận như:
  • Hoại tử thận do thiếu máu. Nguyên nhân thiếu máu thường là do suy thận trước thận nặng, diễn ra kéo dài.
  • Suy thận cấp thứ phát do nhiễm khuẩn nặng không được điều trị kịp thời, thận tổn thương thiếu máu do giảm dòng máu tới thận, thận mất khả năng tự điều hòa.
  • Ống thận bị tắc do các sản phẩm phân hủy từ tế bào như myoglobulin niệu, hemoglobulin, myeloma, tinh thể muối urat, oxalate
  • Nhiễm độc thận do thuốc: Nhiều thuốc có tác dụng phụ làm hủy hoại ống thận như kháng sinh nhóm aminoside, một số kháng sinh nhóm cephalosporin, thuốc kháng nấm amphotericin B, thuốc cản quang có iod, hóa chất điều trị cisplatin,...
  • Bệnh mô kẽ thận:
  • Bệnh viêm thận kẽ có thể gây ra bởi các vi khuẩn Stresptococcus, Pneumococcus,... các vi-rút như EBV, CMV,... nấm, Mycoplasma.
  • Một số thuốc có thể gây viêm thận kẽ như: Thuốc kháng sinh (nhóm quinolone, cephalosporin, vancomycin, rifampicin, penicillin,...), các thuốc lợi tiểu furosemid, thiazid, thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (diclofenac, meloxicam, ibuprofen,...), thuốc ức chế men chuyển điều trị cao huyết áp, thuốc trị gout Allopurinol,...

Bệnh viêm thận kẽ
Bệnh viêm thận kẽ

2.3 Nhóm nguyên nhân gây suy thận sau thận

Suy thận sau thận xảy ra khi đường dẫn nước tiểu của thận bị tắc. Sỏi đường tiết niệu, mẫu nhú thận hoại tử, cục máu đông, khối u, xơ hóa phúc mạc thành sau,... gây tắc đường tiết niệu cao. Trong khi hội chứng bàng quang do thần kinh, tắc cổ bàng quang, tắc niệu đạo gây tắc đường tiết niệu thấp.

3. Điều trị suy thận cấp

  • Nguyên tắc điều trị

Nguyên tắc chung trong điều trị suy thận cấp đó là xác định nguyên nhân suy thận thuộc nhóm nào (trước thận, tại thận hay suy thận) từ đó tìm cách loại bỏ nhanh chóng nguyên nhân nếu có thể. Cùng với đó là điều chỉnh các rối loạn tuần hoàn, phục hồi lượng máu, duy trì huyết áp tâm thu ổn định ở mức 100-120mmHg. Điều chỉnh các rối loạn nội môi, phục hồi dòng nước tiểu, đồng thời xử trí cấp cứu các triệu chứng có thể đe dọa tính mạng như tăng kali máu, phù não co giật, phù phổi cấp, toan chuyển hóa nặng. Khi cần thiết có thể chỉ định lọc máu.

  • Điều trị cụ thể theo giai đoạn bệnh

3.1 Giai đoạn các tác nhân bệnh tấn công

Giai đoạn này diễn ra trong 24 giờ đầu, người bệnh có triệu chứng mệt, khó thở, đau ngực, buồn nôn, nước tiểu ít dần hoặc vô niệu, ngoài ra bệnh nhân còn có triệu chứng của các nguyên nhân gây ra suy thận như nhiễm khuẩn, ngộ độc, mất nước.

Giai đoạn này nếu được điều trị đúng và kịp thời có thể ngăn bệnh diễn biến nặng sang giai đoạn tiếp theo. Việc điều trị ở giai đoạn này tập trung ở cố gắng loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, bù nước khi có mất nước, rửa dạ dày nếu có ngộ độc, loại bỏ các tắc nghẽn đường tiểu,...Theo dõi sát tình trạng thiểu niệu, vô niệu của người bệnh.

3.2 Giai đoạn thiểu niệu, vô niệu

Bệnh toàn phát với các triệu chứng, biến chứng nặng. Người bệnh bị thiểu niệu, vô niệu, phù. Ở một số người bệnh, tình trạng thiểu niệu xuất hiện rất nhanh, có các triệu chứng thừa dịch như suy tim ứ huyết, phù phổi. Urê, creatinin máu tăng nhanh, rối loạn điện giải, kali máu tăng. Toan chuyển hóa, pH, HCO3 giảm, anion có khoảng trống. Bệnh nhân thở sâu, giãn mạch, hạ huyết áp.


Hình ảnh phù phổi trên phim Xquang
Hình ảnh phù phổi trên phim Xquang

3.3 Giai đoạn phục hồi chức năng

Thời gian hồi phục tùy theo nguyên nhân gây bệnh, trung bình khoảng 4 tuần. Khi ure máu bệnh nhân đã về mức bình thường, chế độ ăn cần tăng đạm. Bệnh nhân suy thận cấp tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.

4. Phòng bệnh suy thận cấp

Để ngăn ngừa suy thận cấp và các biến chứng nguy hiểm của bệnh, người dân cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, từ đó dự phòng và điều trị sớm.

Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế để tránh tác dụng độc trên thận của một số thuốc. Điều trị tốt một số bệnh có nguy cơ ảnh hưởng đến thận như cao huyết áp, đái tháo đường, suy tim mạn, u xơ tiền liệt tuyến,...

Ở các bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ như: Lớn tiểu, có bệnh thận từ trước, suy tim,... trước khi phẫu thuật, bác sĩ cần thực hiện dự phòng suy thận cấp cho bệnh nhân, trong quá trình phẫu thuật cần bù đủ dịch, đảm bảo huyết áp.

BSCK I Nguyễn Hồng Phúc đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong Hồi Sức cấp cứu. Trước khi là Bác sĩ Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc, bác sĩ Phúc từng tại công tác tại các bệnh viện: Bệnh Viện Phổi Bắc Ninh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi – Thành phố Hồ Chí Minh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe