11 điều cần biết về bại não

Bại não là một thuật ngữ chung mô tả một nhóm các rối loạn vĩnh viễn về phát triển vận động và tư thế, gây ra các giới hạn về hoạt động do những rối loạn không tiến triển xảy ra trong não bào thai hoặc não ở trẻ nhỏ đang phát triển. Các rối loạn vận động của bại não thường kèm theo những rối loạn về cảm giác, nhận cảm, nhận thức, giao tiếp và hành vi, động kinh và các vấn đề cơ xương thứ phát. Trẻ em bị bại não cần rất nhiều sự hỗ trợ từ cha mẹ, gia đình cũng như cộng đồng.

1. 11 điều cần biết về bại não

Bại não, để dễ hiểu nhất, là một nhóm các rối loạn vận động gây ảnh hưởng tới khả năng di chuyển và duy trì thăng bằng cũng như tư thế của trẻ.

Bại não là khuyết tật về vận động phổ biến nhất ở trẻ em. Có khoảng 1 trong 345 trẻ được xác định là bị bại não, theo ước đoán từ Mạng lưới Giám sát Tự kỷ và các khuyết tật phát triển (Autism and Developmental Disabilities Monitoring (ADDM) Network) của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention - CDC).

Bại não xuất hiện nhiều hơn ở trẻ trai so với trẻ gái, và ở trẻ em da đen nhiều hơn so với trẻ em da trắng.

Đa số (chiếm khoảng 75% - 85%) trẻ em bị bại não ở thể bại não co cứng. Điều này có nghĩa là các cơ của trẻ sẽ bị cứng, và điều tất yếu là trẻ có thể sẽ rất khó để có thể đi lại.

Bại não có thể phân loại dựa trên các thể vận động, hoặc theo định khu, hoặc theo mức độ nặng, trong đó:

  • Thể vận động: thể vận động đề cập đến rối loạn vận động quan sát được, và mỗi thể lâm sàng liên quan chặt chẽ đến vùng não bị tổn thương:
    • Thể co cứng: co cứng đặc trưng bởi tình trạng cứng quá mức trong các cơ khi trẻ cố gắng di chuyển hoặc giữ một tư thế chống lại trọng lực. Co cứng ở trẻ có thể thay đổi tuỳ theo mức độ tỉnh táo, cảm xúc, hoạt động, tư thế và tình trạng đau.
    • Thể loạn động/tăng động: thể loạn động/tăng động liên quan đến sự gia tăng hoạt động của cơ, có thể gây ra những vận động bất thường quá mức, vận động bình thường quá mức, hoặc kết hợp cả hai. Bại não thể loạn động/tăng động đặc trưng bởi các bất thường về trương lực cơ và biểu hiện các rối loạn vận động khác nhau bao gồm loạn trương lực, múa vờn và múa giật.
    • Thể thất điều: thất điều được đặc trưng bởi các chuyển động run rẩy và ảnh hưởng đến sự điều hợp và thăng bằng của người bệnh. Đây là thể bại não ít gặp nhất.
    • Các thể vận động phối hợp: là bại não biểu hiện với nhiều hơn một thể vận động, ví dụ như co cứng và loạn trương lực, và thường một thể vận động sẽ chiếm ưu thế.
  • Theo định khu: định khu đề cập đến sự phân bổ những khiếm khuyết vận động hoặc các phần cơ thể bị ảnh hưởng. Các khiếm khuyết vận động có thể là một bên (chỉ ảnh hưởng đến một bên của cơ thể) hoặc hai bên (ảnh hưởng đến cả hai bên của cơ thể):
    • Bại não một bên:
      • Liệt một chi: ảnh hưởng đến một chi thể, có thể là tay hoặc chân ở bên phải hoặc bên trái của cơ thể.
      • Liệt nửa người: ảnh hưởng đến một nửa bên của cơ thể, có thể là bên phải hoặc bên trái. Tay và chân không nhất thiết bị ảnh hưởng như nhau.
    • Bại não hai bên:
      • Liệt hai chi: cả hai chân bị ảnh hưởng là chính. Trẻ bị liệt hai chi thường có một vài khiếm khuyết ở chức năng chi trên.
      • Liệt ba chi: ảnh hưởng đến ba chi thể và không ảnh hưởng đến chi thứ tư.
      • Liệt tứ chi: tất cả bốn chi đều bị ảnh hưởng kèm theo đầu, cổ, và thân mình cũng bị ảnh hưởng.
  • Theo mức độ nặng: bại não có thể được mô tả hoặc phân loại theo mức độ nặng của các khiếm khuyết vận động. Có bốn hệ thống phân loại về chức năng vận động, khả năng giao tiếp và ăn uống được công nhận. Các phân loại này liên quan đến cách một trẻ bại não di chuyển (GMFCS), cách trẻ sử dụng tay trong hoạt động hàng ngày (MACS), cách trẻ giao tiếp với những người thân quen và không thân quen (CFCS) và khả năng trẻ ăn uống an toàn (EDACS).

Hơn một nửa (khoảng 50% - 60%) số trẻ mắc bại não có thể tự đi lại.

Rất nhiều trẻ mắc bại não có kèm theo một hoặc nhiều bệnh lý hoặc tình trạng sức khỏe khác. Ví dụ như có khoảng 4 trong 10 trẻ bại não có kèm theo động kinh, hay có khoảng 1 trong 10 trẻ bại não có rối loạn phổ tự kỷ.


Phần lớn trường hợp bại não có liên quan tới tổn thương não bộ ở trước hoặc trong quá trình sinh đẻ, gọi là bại não bẩm sinh
Phần lớn trường hợp bại não có liên quan tới tổn thương não bộ ở trước hoặc trong quá trình sinh đẻ, gọi là bại não bẩm sinh

Phần lớn trường hợp bại não có liên quan tới tổn thương não bộ ở trước hoặc trong quá trình sinh đẻ, gọi là bại não bẩm sinh. Các yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện bại não bẩm sinh:

  • Trẻ sinh ra quá nhẹ cân
  • Trẻ sinh rất non
  • Sinh đôi, hoặc sinh đa thai
  • Thụ thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm hoặc bằng các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản khác
  • Thai phụ bị nhiễm trùng trong quá trình mang thai
  • Trẻ bị vàng da nhân não
  • Có biến chứng trong quá trình sinh đẻ.

Có một tỉ lệ nhỏ bại não do tổn thương não xảy ra sau 28 ngày kể từ khi chào đời, gọi là bại não mắc phải. Các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ bị bại não mắc phải:

  • Bị nhiễm khuẩn não bộ (chẳng hạn như viêm màng não)
  • Chấn thương đầu nghiêm trọng.

Nguyên nhân cụ thể gây ra bại não ở đa số trẻ em là không thể xác định rõ.

Bại não thường được chẩn đoán trong năm đầu tiên hoặc năm thứ hai sau khi trẻ chào đời. Nếu trẻ chỉ có các triệu chứng nhẹ thì đôi khi việc chẩn đoán gặp khó khăn, chỉ có thể xác định khi trẻ lớn thêm nữa.

Nếu được hỗ trợ kịp thời và thích hợp, trẻ em bị bại não hoàn toàn có thể lớn lên thành người trưởng thành, sống khỏe mạnh, năng động và trở thành một phần của xã hội.

2. Các dấu hiệu sớm để nhận biết bại não


Chậm đạt các mốc phát triển vận động cũng là dấu hiệu của bại não
Chậm đạt các mốc phát triển vận động cũng là dấu hiệu của bại não

Từ khi trẻ chào đời đến khi 5 tuổi, cha mẹ cần theo dõi xem trẻ có đạt được các mốc phát triển vận động hay không, chẳng hạn như lật người, ngồi dậy, đứng lên, và biết đi. Chậm đạt các mốc phát triển vận động cũng là dấu hiệu của bại não (tuy nhiên trẻ không bại não cũng có thể chậm đạt các mốc này). Dưới đây là các dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị bại não:

  • Với trẻ từ 3 tới 6 tháng tuổi:
    • Bế trẻ lên khi trẻ nằm ngửa, đầu trẻ rũ ra sau.
    • Thấy trẻ bị cứng.
    • Thấy trẻ mềm nhũn.
    • Trẻ dường như ngửa cổ, ưỡn lưng quá mức khi được bế.
    • Khi được bế lên, hai chân trẻ bắt chéo cứng đờ.
  • Với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên:
    • Không lật được người sang các hướng.
    • Không thể chạm hai bàn tay vào nhau.
    • Khó cho bàn tay lên miệng.
    • Chỉ có thể với được bằng một bàn tay, trong khi bàn tay còn lại nắm chặt.
  • Với trẻ từ 10 tháng tuổi trở lên:
    • Bò với tư thế lệch nghiêng (chỉ bò bằng 1 tay và 1 chân, kéo lê chân tay bên đối diện)
    • Di chuyển xung quanh bằng mông hoặc nhảy bằng đầu gối, nhưng không bò bằng cả tứ chi.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã áp dụng phương pháp tế bào gốc điều trị thành công nhiều ca bệnh bại não tưởng chừng đã hết hy vọng. Toàn bộ quy trình tách ghép tế bào gốc điều trị bại não tại Vinmec được thực hiện rất chặt chẽ, đảm bảo an toàn theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Các cuộc phẫu thuật đều do các chuyên gia, bác sĩ phụ trách cùng hệ thống máy móc, thiết bị y tế hiện đại. Ngoài ra, Vinmec cũng xây dựng quy trình ghép chuẩn để có thể chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp, tạo thêm nhiều cơ hội được chữa trị cho trẻ em bị bại não trên cả nước.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bại não

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: cdc.gov

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe