Xét nghiệm troponin T trong đánh giá suy tim, nhồi máu cơ tim

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Tiến Đạt - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Tim mạch - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Xét nghiệm troponin T được dùng để đo nồng độ protein troponin T trong máu. Những protein này được giải phóng khi cơ tim có dấu hiệu bị tổn thương. Nồng độ troponin rất cao thường trong máu cho thấy gần đây một người có trải qua các cơn nhồi máu cơ tim.

1. Xét nghiệm troponin T là gì?

Troponin T (TnT) là một thành phần của bộ máy co cơ của các cơ tim và cơ xương. TnT có nguồn gốc duy nhất từ cơ tim (trọng lượng phân tử 39,7 kD) khác biệt rõ rệt so với cơ xương. Do tính đặc hiệu cao về mô học, troponin T là dấu ấn chuyên biệt cho cơ tim và có độ nhạy cao với các tổn thương cơ tim.

Xét nghiệm troponin T là xét nghiệm miễn dịch invitro dùng để định lượng troponin T tim trong huyết thanh và huyết tương người. Hiện nay, hs- troponin được định lượng bằng máy phân tích miễn dịch Cobas E của Roche thông qua phương pháp miễn dịch điện hóa phát quang ECLIA cùng với hai kháng thể đơn dòng đặc hiệu có tác dụng kháng trực tiếp troponin T tim người.

Vì có giá trị tiên đoán tốt nên xét nghiệm troponin T đã được đề nghị sử dụng để đo lường ở những bệnh nhân:

  • Suy thận mạn tính, TnT thường tăng ở các bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính tiền thẩm phân phúc mạc, tăng cao trước khi xảy ra biến cố tim mạch.
  • Có thể tiên lượng bệnh cảnh ngắn, trung và dài hạn cho những bệnh nhân mắc bệnh mạch vành.
  • Xác định những bệnh nhân nào có lợi ích với liệu pháp chống huyết khối.

Kết quả xét nghiệm troponin T có thể được sử dụng để chẩn đoán các bệnh lý về tim mạch
Kết quả xét nghiệm troponin T có thể được sử dụng để chẩn đoán các bệnh lý về tim mạch

Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm nếu một người gặp phải các triệu chứng gợi ý cơn đau tim chẳng hạn như:

Không sử dụng đơn độc kết quả nồng độ troponin tăng cao để chẩn đoán bệnh suy tim. Cần kết hợp các triệu chứng và các kết quả thăm dò chức năng khác như kiểm tra thể chất hoặc điện tâm đồ (ECG). Từ đó, có thể chẩn đoán, đưa ra các quyết định điều trị và các phương pháp phù hợp.

2. Nguyên nhân làm thay đổi nồng độ troponin T

Thông thường nồng độ troponin T được tính bằng nanogam trên mililit máu (ng/ml). Các mức độ troponin T như sau:

  • Bình thường: dưới 0,04 ng/ml
  • Đau tim có thể xảy ra: trên 0,40 ng/ml

Có kết quả trong khoảng 0,04 đến 0,39 ng/ml thường cho thấy bạn có vấn đề với tim. Tuy nhiên, một số người khỏe mạnh bình thường vẫn có nồng độ troponin T cao hơn mức 0,04 ng/ml. Vì vậy, nếu kết quả nằm trong phạm vi này, bác sĩ có thể kiểm tra các triệu chứng khác và yêu cầu xét nghiệm thêm trước khi đưa ra chẩn đoán.

Nồng độ rất cao thường gợi ý một người đã bị đau tim, điều này có thể xảy ra nếu máu nuôi cơ tim đột nhiên bị chặn lại, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.


Bệnh nhân có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim khi nồng độ troponin T rất cao
Bệnh nhân có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim khi nồng độ troponin T rất cao

Một số nguyên nhân gây tăng nồng độ troponin T có thể bao gồm:

  • Nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng tim là một phản ứng nghiêm trọng và có khả năng đe dọa đến tính mạng.
  • Suy tim, suy thận hoặc bệnh thận mãn tính.
  • Tổn thương liên quan đến hóa trị
  • Thuyên tắc phổi, viêm cơ tim, bệnh mạch vành.
  • Tổn thương tim do sử dụng thuốc kích thích, chẳng hạn như cocaine.
  • Chấn thương chẳng hạn như từ một cú đánh mạnh, bất ngờ vào ngực.

Nồng độ troponin T thấp có thể gặp ở những bệnh nhân ổn định trên lâm sàng như: Bệnh suy tim thiếu máu cục bộ hoặc không thiếu máu cục bộ, suy thận, nhiễm trùng huyết và đái tháo đường, viêm cơ tim, giập cơ tim, thuyên tắc phổi, nhiễm độc tim do thuốc.

3. Điều trị sau khi xét nghiệm troponin T

Điều trị cần tập trung vào việc tìm kiếm và giải quyết nguyên nhân cơ bản gây ra sự thay đổi nồng độ troponin T. Nồng độ troponin T rất cao thường gợi ý rằng một người gần đây bị đau tim. Điều trị một cơn đau tim có hiệu quả phải phụ thuộc vào việc tắc nghẽn dòng máu đến nuôi tim là một phần hay toàn bộ.


Bệnh nhân đau tim có thể do huyết khối làm tắc nghẽn dòng máu nuôi tim
Bệnh nhân đau tim có thể do huyết khối làm tắc nghẽn dòng máu nuôi tim

Các phương pháp điều trị thông thường của cơn đau tim bao gồm:

  • Thuốc làm tan máu đông
  • Nong mạch vành; đặt stent
  • Phẫu thuật cầu nối chủ - mạch vành.
  • Loại bỏ chọn lọc một số vùng tim hoại tử bằng sóng radio
  • Để ngăn ngừa các cơ đau tim hơn nữa cần thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, giảm cân, tập thể dục và chế độ ăn uống lành mạnh hơn.

Điều trị nồng độ troponin T cao phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Đối với những người bị đau tim, cần điều trị nhanh chóng và kịp thời nhằm tái thông mạch máu nuôi tim. Xét nghiệm troponin T để đánh giá liệu có tổn thương tim của một người hay không. Ngoài ra, mức troponin T cao hơn bình thường của cũng có thể chỉ ra các chấn thương và tình trạng khác ảnh hưởng đến tim.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe