Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Tiến Đạt - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Tắc động mạch chủ chậu mạn tính chủ yếu do xơ vữa động mạch gây nên. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực trong giai đoạn đầu, tắc động mạch chủ chậu mãn tính có thể gây hoại tử chi cùng nhiều tai biến gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
1. Nguyên nhân tắc động mạch chủ chậu mạn tính
Tắc động mạch chủ chậu mạn tính là tình trạng tắc động mạch chủ bụng dưới động mạch thận mạn tính hoặc tắc động mạch chậu mạn tính.
Nguyên nhân gây tắc động mạch chủ chậu mạn tính chủ yếu là do xơ vữa động mạch. Các yếu tố nguy cơ chính của xơ vữa động mạch là hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, tăng homocystein máu. Ngoài ra, các nguyên nhân thường gặp khác của tắc động mạch chủ chậu mạn tính là viêm xơ hóa và bệnh Takayasu.
2. Biến chứng tắc động mạch chủ chậu mạn tính
Tắc động mạch chủ chậu mạn tính nếu không được can thiệp kịp thời sẽ gây nhiều hậu quả nặng nề cho người bệnh. Trong đó, thiếu máu chi dưới là tai biến thường gặp nhất.
Thiếu máu chi dưới có thể làm các chi bị hoại tử, người bệnh bị giảm khả năng đi lại, giảm khả năng lao động, thậm chí trở thành tàn phế, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bệnh nhân bị cắt cụt chi không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể lực mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần. Các nghiên cứu đã chỉ ra, bệnh nhân tắc động mạch chậu mạn tính không tử vong trực tiếp do thiếu máu chi tuy nhiên lại tử vong do các bệnh lý tim mạch phối hợp.
3. Chẩn đoán tắc động mạch chủ chậu mạn tính
Các triệu chứng thường gặp của bệnh tắc động mạch chủ chậu mạn tính là:
- Đau cách hồi là triệu chứng điển hình, thường gặp nhất trong giai đoạn sớm của bệnh. Đau cách hồi là cảm giác đau co rút cơ, xuất hiện khi gắng sức, sau khi đi được một quãng đường nhất định và hết đau khi dừng lại. Cơn đau xuất hiện trở lại khi đi cùng một khoảng cách với cùng một mức gắng sức.
- Đau chi dưới khi nằm, thường xuất hiện về đêm. Bệnh nhân có cảm giác đau rát nhưng cũng có thể tê bì, lạnh chi. Các triệu chứng cải thiện khi để thõng chân hoặc đứng dật.
- Phần chi bị thiếu máu mạn tính có các dấu hiệu như: da và cơ bị teo, lông rụng, móng khô giòn, dễ gãy, mạch giảm hay mất, nhiệt độ bề mặt thấp hơn bên chi đối diện, đầu các ngón bị tím hay hoại tử, hình thành các ổ loét ở phần xa của chi.
- Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân đau chi dưới kể cả khi nghỉ ngơi hoặc có vết thương loét, không liền, hoại tử.
- Bất lực, giảm chức năng sinh lý, teo cơ mông có thể gặp khi tắc các mạch máu đến nuôi dưỡng các bộ phận này.
Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh có thể sử dụng để chẩn đoán bệnh, xác định vị trí động mạch tắc là siêu âm Doppler, chụp CT đa lớp cắt, chụp cộng hưởng từ mạch máu và chụp X-quang động mạch. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sẽ cho phép đánh giá vị trí của động mạch bị tổn thương, mức độ lan tỏa của tổn thương, sự phát triển của tuần hoàn bàng hệ thay thế, đặc điểm của giường động mạch phía hạ lưu,... Kết quả chẩn đoán hình ảnh là cơ sở quan trọng để bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị.
4. Phẫu thuật điều trị tắc động mạch chủ chậu mạn tính
Ở các bệnh nhân đau cách hồi không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc các bệnh nhân thiếu máu chi trầm trọng, có thể được chỉ định phẫu thuật nhằm giảm triệu chứng, giảm đau, lành các ổ loét/ hoại tử, bảo tồn chi thiếu máu, kéo dài và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.
Các can thiệp ngoại khoa có thể được thực hiện là:
- Phẫu thuật loại bỏ mảng xơ vữa trong lòng động mạch: Sau đó dùng một miếng vá tĩnh mạch hoặc mạch nhân tạo mở rộng lòng động mạch tại vị trí bóc mảng xơ vữa.
- Phẫu thuật bắc cầu nối động mạch: Sử dụng cầu nối bằng tĩnh mạch hiển hoặc đoạn mạch nhân tạo. Các phẫu thuật bắc cầu nối động mạch thường được thực hiện là: Cầu nối động mạch chậu- đùi, cầu nối động mạch chủ bụng- chậu hai bên, cầu nối chủ ngực- đùi hai bên, cầu nối động mạch nách- đùi, cầu nối động mạch chéo bên đùi- đùi,...
- Nong vị trí động mạch bị hẹp bằng bóng, có thể kèm theo đặt stent hoặc không.
- Cắt cụt chi được chỉ định khi tắc động mạch chủ chậu mạn tính giai đoạn nặng có hoại tử đầu chi hoặc kết quả can thiệp, phẫu thuật thất bại. Cố gắn giữa lại phần tỳ đè của bàn chân hoặc tối thiểu là khớp gối để làm mỏm cụt cho phục hồi chức năng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.