Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Leo cầu thang cần một lực đáng kể lên đầu gối, vậy nên nếu coi leo cầu thang tập thể dục là một hình thức tập luyện thường xuyên thì bạn nên thực hiện một cách cẩn thận và chăm sóc các khớp thật tốt sau mỗi buổi tập.
1. Leo cầu thang có thể kiểm tra sức khỏe tim mạch?
Khi leo cầu thang tim đập nhanh, vì nó phải hoạt động liên tục để cung cấp máu đến các cơ quan đang phải hoạt động và tiêu tốn năng lượng. Việc leo cầu thang thở dốc kèm theo đau nhói tim có thể là dấu hiệu cho thấy khả năng cung cấp máu cho tim đang gặp vấn đề, thường gặp trong bệnh mạch vành.
Nhiều nghiên cứu cho rằng người có khả năng leo 4 dãy cầu thang liên tục trong vòng chưa đầy 1 phút là người có sức khỏe tim mạch tốt. Ngược lại, nếu bạn mất tới hơn 1 phút 30 giây để leo 4 dãy cầu thang là dấu hiệu cảnh báo mắc bệnh tim mạch. Leo cầu thang cũng được sử dụng để đo lường khả năng thành công của một ca phẫu thuật, người có thể leo được 1 - 2 dãy cầu thang là dấu hiệu cho thấy cuộc phẫu thuật của họ sẽ diễn ra tương đối tốt.
Một nghiên cứu đã so sánh kết quả của bài kiểm tra leo cầu thang với bài kiểm tra thể dục trong phòng thí nghiệm. Trong đó, 165 người tham gia được chỉ định chạy trên máy chạy bộ cho đến khi kiệt sức rồi đo mức trao đổi chất (MET); sau nghỉ ngơi, nhóm người này chuyển sang leo 4 dãy cầu thang (60 bậc) với tốc độ nhanh nhưng không chạy và đo MET lần nữa.
Kết quả cho thấy những người leo hết 4 dãy cầu thang trong vòng chưa đầy 40 đến 45 giây đã đạt được hơn 9 - 10 MET, người mất 1,5 phút hoặc lâu hơn đạt ít hơn 8 MET. Trong khi đó, một nghiên cứu trước đó đã chỉ ra mối liên hệ giữa tỷ lệ tử vong và MET, đạt được 10 MET thì có tỷ lệ tử vong thấp (nhỏ hơn hoặc bằng 1% mỗi năm, hoặc 10% trong 10 năm), ít hơn 8 MET thì tỷ lệ tử vong cao hơn ( 2 - 4% mỗi năm, hoặc 30% trong 10 năm).
Cũng theo nghiên cứu, có 58% người tham gia mất hơn 1.5 phút để leo cầu thang có chức năng tim bất thường, con số đó là 32% với người leo cầu thang chưa đầy 1 phút. 32% tương đương với 1 trên 3 người hoàn thành tốt việc leo cầu thang có chức năng tim bất thường (một dấu hiệu của bệnh mạch vành). Điều này cho thấy leo cầu thang không thể được xem như một bài kiểm tra đánh giá toàn diện được, mà chỉ đánh giá một cách thô sơ về thể trạng cũng như sức khỏe tim mạch của một người.
Siêu âm tim hoặc điện tâm đồ có thể giúp phát hiện các vấn đề về tim mạch mà bài kiểm tra leo cầu thang không làm được. Do đó, việc thăm khám một cách tổng thể qua các triệu chứng bệnh và các xét nghiệm cận lâm sàng có ý nghĩa quan trọng trong kiểm tra sức khỏe tim mạch.
2. Ưu và nhược điểm của leo cầu thang trong đánh giá sức khỏe tim mạch
Ưu điểm lớn của leo cầu thang trong đo lường sức khỏe tim mạch có thể được thực hiện ở hầu hết mọi nơi với rất ít yêu cầu về thiết bị hoặc nhân lực. Nó cũng rẻ hơn và nhanh hơn nhiều so với các bài kiểm tra truyền thống và có thể được lặp lại nhiều lần để theo dõi bất kỳ sự tiến bộ hoặc thay đổi nào trong khả năng vận động.
Tuy nhiên, mặt trái là bài kiểm tra không được tiêu chuẩn hóa, loại cầu thang, tốc độ leo cầu thang, mốc thời gian khác nhau thì cho ra các đánh giá khác nhau. Nó cũng hạn chế đáng kể trong việc đánh giá bệnh nhân bị hạn chế vận động và bệnh nhân cao tuổi.
3. Đối tượng nào không nên leo cầu thang?
Một số đối tượng nên tránh leo cầu thang tập thể dục như một hình thức vận động thường xuyên, đó là:
- Người cao tuổi
- Người mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim cấp tính, suy hô hấp
- Người gặp chấn thương hoặc thoái hóa khớp
- Phụ nữ mang thai
Leo cầu thang tim đập nhanh tốt cho tim mạch. Tuy nhiên, bạn nên thực hiện một cách cẩn thận và chăm sóc các khớp thật tốt sau mỗi buổi tập để đảm bảo sự an toàn cũng như sức khỏe tổng thể.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, health.harvard.edu