Điều trị và chăm sóc người bị viêm màng ngoài tim

Viêm màng ngoài tim điều trị và chăm sóc như thế nào là một vấn đề rất quan trọng. Quá trình điều trị viêm màng ngoài tim đòi hỏi phải thực hiện sớm và nhanh để tránh biến chứng chèn ép tim cấp. Chế độ chăm sóc người bệnh viêm màng ngoài tim cũng cần được chú trọng để phòng ngừa bệnh diễn tiến nặng và gây nguy hiểm cho người bệnh.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

1. Tổng quan về viêm màng ngoài tim

1.1 Viêm màng ngoài tim là gì?

Chức năng của màng ngoài tim là bảo vệ và ôm trọn quả tim, cũng như phần đầu của các động mạch lớn và tĩnh mạch chính nối với tim. Viêm màng ngoài tim xảy ra khi lớp màng bao quanh cơ tim bị viêm nhiễm, gây nên những cơn đau ngực và tạo ra dịch tích tụ trong khu vực này.

1.2 Triệu chứng bệnh

Triệu chứng chính của viêm màng ngoài tim thường là đau ngực, có thể lan ra vai và cổ. Đau thường tăng lên khi người bệnh nằm xuống hoặc hít thở sâu, và có thể giảm khi ngồi dậy và cúi người về phía trước. Các triệu chứng khác có thể bao gồm sốt nhẹ, ho, và khó thở.


Đau ngực là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm màng ngoài tim
Đau ngực là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm màng ngoài tim

1.3 Nguyên nhân gây bệnh

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, bao gồm nhiễm trùng bởi virus, vi khuẩn, bệnh tự miễn, chấn thương, và một số bệnh khác như bệnh thận hoặc ung thư. Trong đó, virus được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng bệnh này.

1.4 Phân loại viêm màng ngoài tim

Viêm màng ngoài tim có thể chia thành 2 loại:

  • Viêm màng ngoài tim cấp tính: xuất hiện và tiến triển nặng một cách nhanh chóng. Các nguyên nhân thường gặp bao gồm viêm màng ngoài tim nhiễm khuẩn sinh mủ, viêm màng ngoài tim do bệnh lao, di căn từ khối u, và thấp tim. Các nguyên nhân khác gồm nhồi máu cơ tim, nhiễm siêu vi trùng, hậu quả của chấn thương, phẫu thuật, hoặc tình trạng ure máu tăng cao.
  • Viêm màng ngoài tim mạn tính: Thường là biến chứng của dạng cấp tính, chiếm khoảng 0,5-1,5% trong số các trường hợp viêm màng ngoài tim. Nguyên nhân chủ yếu là do viêm màng ngoài tim nhiễm lao và nhiễm mủ.

2. Viêm màng ngoài tim điều trị như thế nào?

2.1 Nguyên tắc điều trị viêm màng ngoài tim:

  • Giảm đau và giảm tình trạng viêm của MNT.
  • Điều trị viêm màng ngoài tim dựa theo nguyên nhân gây bệnh.
  • Tầm soát các biến chứng: chèn ép tim cấp, VMNT co thắt,...

2.2. Đánh giá ban đầu để hỗ trợ điều trị viêm màng ngoài tim

Sau đây là những đặc điểm lâm sàng viêm màng ngoài tim cấp ở các đối tượng nguy cơ cao, cần nhập viện để đánh giá và điều trị:

  • Sốt > 38 độ C.
  • Đã có triệu chứng chèn ép tim cấp.
  • Tràn dịch màng ngoài tim trầm trọng (khoảng trống echo trước thất phải ở mặt cắt dưới sườn > 20mm).
  • Mắc bệnh tự miễn.
  • Tiền căn đang điều trị với thuốc kháng vitamin K.
  • Có chấn thương cấp.
  • Đáp ứng kém khi điều trị bằng kháng sinh NSAID trong 7 ngày.
  • Tăng men tim (chẩn đoán phân biệt viêm cơ tim).

Nếu người bệnh không có những đặc điểm lâm sàng như trên thì có thể điều trị ngoại trú.

2.3. Điều trị viêm màng ngoài tim theo nguyên nhân

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân viêm màng ngoài tim điều trị những biện pháp khác nhau:

  • Viêm màng ngoài tim cấp do virus: Có thể dùng kháng viêm NSAID, corticoid trong vòng 2 - 3 tuần
  • Viêm màng ngoài tim do lao: Điều trị theo phác đồ chống lao, thường phải phối hợp cùng với các thuốc kháng lao. Liều lượng sử dụng tùy theo cân nặng của bệnh nhân. Thông thường, bệnh nhân dùng liều tấn công trong vòng hai tháng đầu và theo sau đó là 6 tháng dùng liều củng cố. Công tác theo dõi sau điều trị diễn ra trong vòng 1 tới 2 năm. Nếu có biểu hiện viêm màng ngoài tim co thắt thì bệnh nhân cần được phẫu thuật sớm
  • Viêm màng ngoài tim do thấp tim: Dùng thuốc điều trị theo phác đồ điều trị thấp tim, trường hợp này thường thấy dịch màng ngoài tim hấp thu nhanh sau điều trị
  • Viêm màng ngoài tim mủ: cần điều trị dẫn lưu mủ sớm, dùng kháng sinh đặc hiệu theo kết quả kháng sinh đồ. Để đề phòng biến chứng viêm màng ngoài tim co thắt mạn tính, nên sớm phẫu thuật cắt bỏ màng ngoài tim.

Tuỳ theo nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân viêm màng ngoài tim điều trị bằng các phương pháp khác nhau
Tuỳ theo nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân viêm màng ngoài tim điều trị bằng các phương pháp khác nhau

2.4. Điều trị triệu chứng

Đau ngực: Có thể giảm đau bằng các thuốc như aspirin, diclofenac, thuốc an thần,...

Chống viêm dính màng ngoài tim với một số thuốc như indomethacin, prednisolon,...

Chứng ứ trệ tuần hoàn: Tiến hành chọc tháo dịch màng ngoài tim, giải phóng chèn ép tim sẽ giúp giảm và dứt điểm tình trạng ứ trệ tĩnh mạch

Các thuốc lợi tiểu và cường tim được dùng trong một số trường hợp cụ thể (nếu cần).

2.5. Điều trị phẫu thuật

Trường hợp bệnh nhân bị viêm màng ngoài tim co thắt mạn tính, phẫu thuật bóc tách màng ngoài tim là biện pháp chủ yếu để cải thiện tình trạng rối loạn huyết động. Khi tiến hành mổ tim, tốt nhất nên bóc toàn bộ màng ngoài tim đã bị viêm dày, nếu tiên lượng xấu thì chỉ bóc một số vùng có thể bóc được.

Với bệnh nhân bị viêm màng ngoài tim điều trị ở giai đoạn muộn, màng ngoài tim đã trở nên khá dày, cứng, dính sát vào cơ tim thì khả năng bóc triệt để màng ngoài tim sẽ rất khó vì dễ gây rách cơ tim và nguy cơ cao xảy ra biến chứng nguy hiểm sau phẫu thuật.

3. Chế độ chăm sóc người bệnh viêm màng ngoài tim

3.1. Giúp bệnh nhân hết đau ngực

Ổn định tư thế: Cho người bệnh ngồi, tốt nhất nên ngồi trên giường, tựa lưng vào tường hoặc ngồi trên ghế tựa (vì ở tư thế ngồi tựa lưng, người bệnh sẽ đỡ đau và thuận tiện hơn khi cử động).

Thực hiện y lệnh dùng thuốc:

  • Thuốc giảm đau: Có thể thực hiện giảm đau ngực cho bệnh nhân viêm màng ngoài tim bằng Morphin tiêm tĩnh mạch, nhưng cần chú ý đếm tần số thở trước khi thực hiện, vì Morphin có tác dụng gây ức chế trung tâm thở;
  • Thuốc kháng sinh nếu do nhiễm khuẩn;
  • Thuốc chống viêm.

Người bệnh viêm màng ngoài tim có thể sử dụng thuốc để giảm các cơn đau ngực
Người bệnh viêm màng ngoài tim có thể sử dụng thuốc để giảm các cơn đau ngực

3.2. Dự phòng và xử trí hội chứng ép tim

Trong trường hợp người bệnh viêm màng ngoài tim điều trị nhưng không đáp ứng được phác đồ, dịch màng tim có nguy cơ tăng lên và tích lũy ở giữa 2 lá màng tim, dẫn đến tràn dịch màng ngoài tim. Dịch này nếu xuất hiện nhiều và đột ngột sẽ làm cho tim không thể giãn ra được, gây giảm sức co bóp cơ tim và giảm lưu lượng tim trầm trọng.

Điều dưỡng cần nhận biết được những dấu hiệu và triệu chứng sớm của hội chứng ép tim, bao gồm:

  • Huyết áp kẹp: Bệnh nhân có hiện tượng giảm huyết áp động mạch, thường huyết áp tâm thu giảm, trong khi đó huyết áp tâm trương không thay đổi, dẫn tới chênh lệch huyết áp giảm;
  • Tĩnh mạch cổ nổi;
  • Tiếng tim trở nên mờ nhạt;
  • Áp lực tĩnh mạch ngoại biên và trung tâm tăng cao.

Nguyên nhân gây ra những triệu chứng trên là do máu vẫn tiếp tục được vận chuyển từ ngoại biên theo hệ thống tĩnh mạch trở về tim, nhưng tim lại không thể giãn ra để nhận máu và bơm máu vào hệ đại tuần hoàn được.

Trong quá trình chăm sóc người bệnh viêm màng ngoài tim, nếu nhận thấy các dấu hiệu như trên, điều dưỡng phải nhanh chóng báo ngay cho bác sĩ điều trị, đồng thời chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện cần thiết để cùng bác sĩ tiến hành chọc tháo dịch màng tim.

Sau khi đã hoàn thành chọc tháo dịch màng tim, điều dưỡng sẽ ở lại bên người bệnh để tiếp tục theo dõi và ghi nhận lại các dấu hiệu bất thường nếu có cho đến khi bác sĩ cho chỉ định điều trị mới.

4. Khám sàng lọc tim mạch tại Vinmec

Bệnh viêm màng ngoài tim nếu được chẩn đoán và điều trị sớm có thể làm giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm. Tại Vinmec, các gói khám sàng lọc mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, giúp kịp thời phát hiện bệnh và có phương hướng điều trị kịp thời giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe