Điểm khác nhau giữa dấu hiệu nhồi Máu Cơ Tim và Cơn Hoảng Loạn là gì?

Do dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng nhồi máu cơ tim cơ bản, mọi người cần biết được cách phân biệt giữa tình trạng Cơn Hoảng Loạn và dấu hiệu nhồi máu cơ tim là gì để có cách khắc phục, điều trị kịp thời và đúng thời điểm.

1. Các dấu hiệu nhồi máu cơ tim

1.1 Nhồi máu cơ tim là gì?

Nhồi máu cơ tim là tình trạng cơ tim bị tắc 1 hay nhiều nhánh mạch vành - mạch máu nuôi cơ tim một cách đột ngột với các biểu hiện triệu chứng đa dạng đôi khi khiến bạn nghĩ rằng đó là triệu chứng của ăn không tiêu, cơn chóng mặt thông thường và khiến bạn trì hoãn việc đi khám bệnh ngay lập tức. Đây là một tình huống có thể đe dọa tính mạng của bạn tức thời, do đó đừng nên chờ đợi triệu chứng mà các bạn nghĩ rằng là không có gì nguy hiểm sẽ biến mất, mà hãy tìm kiếm sự trợ giúp của các nhân viên y tế lành nghề ngay khi có thể một cách sớm nhất.

Dấu hiệu nhồi máu cơ tim dễ nhầm lẫn với cơn hoảng loạn
Dấu hiệu nhồi máu cơ tim dễ nhầm lẫn với cơn hoảng loạn

1.2 Các nguyên nhân nhồi máu cơ tim là gì?

Nguyên nhân nhồi máu cơ tim thường gặp nhất chính là do các mảng xơ vữa động mạch. Từ 30 tuổi trở đi, quá trình phát triển và hình thành các mảng xơ vữa ở thành động mạch đã bắt đầu và quá i trình này tiếp diễn liên tục trong nhiều năm sau đó.

Những người có bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, ít vận động thể lực sẽ có nguy cơ phát triển mảng xơ vữa động mạch cao hơn ở nhóm người có lối sống lành mạch như không hút thuốc lá, siêng năng tập thể dục, chế độ ăn uống hợp lý và khoa học.

Tại các vị trí có mảng xơ vữa bám vào mạch máu lâu năm, có thể sẽ chuyển sang viêm, bong tróc và nứt vỡ khiến hình thành thành cục máu đông và làm tắc nghẽn lòng mạch máu tại các vị trí này. Khi lòng mạch máu bị tắc , vùng cơ tim phía sau sẽ nhận được ít máu hơn đến mức không đủ nuôi cơ tim và gây hoại tử, chết vùng cơ tim này và dẫn đến nhồi máu cơ tim.

1.3 Các triệu chứng nhồi máu cơ tim thường gặp

Các dấu hiệu chính bao gồm:

Cơn đau thắt ngực điển hình:

● Cảm giác đau như có ai đang bóp nghẹt ở ngực, thường xuất phát ở phía sau xương ức hoặc hơi lệch sang trái.

● Đau có thể lan ra vai trái, mặt trong tay trái, và ngón đeo nhẫn và ngón út.

● Đau kéo dài hơn 20 phút và không giảm đi sau khi sử dụng Nitroglycerin.

Cơn đau thắt ngực - triệu chứng nhồi máu cơ tim
Cơn đau thắt ngực - triệu chứng nhồi máu cơ tim

Tuy nhiên không phải mọi người đều có triệu chứng điển hình như trên, một vài triệu chứng sau đây vẫn có thể là dấu hiệu của bệnh lý mà các bạn chủ quan không nghĩ đến:

● Vã mồ hôi.

● Khó thở.

● Cảm giác hồi hộp đánh trống ngực.

● Buồn nôn hoặc nôn mửa.

● Đau đầu, chóng mặt, cảm giác muốn ngất xĩu..

2. Cơn hoảng loạn là gì?

Cơn hoảng loạn (Panic Attack) là một cuộc tấn công bất ngờ bắt nguồn từ nỗi sợ hãi hoặc lo lắng quá mức từ lý do cá nhân nào đó của mỗi người. Các cơn hoảng loạn không nguy hiểm đến tính mạng nhưng chúng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, giao tiếp xã hội và sức khỏe tinh thần của người bệnh.

Cơn hoảng loạn cũng mang đến các cơn đau ngực nhưng không gây hại đến sức khỏe con người
Cơn hoảng loạn cũng mang đến các cơn đau ngực nhưng không gây hại đến sức khỏe con người

Những người lên cơn hoảng loạn thường xuyên có thể mắc chứng rối loạn hoảng sợ - một dạng rối loạn lo âu khác. Nhưng một cơn hoảng loạn đơn lẻ có thể xảy ra với bất kỳ ai, ngay cả khi không được chẩn đoán mắc rối loạn hoảng sợ.

Các dấu hiệu của một cơn hoảng loạn bao gồm:

● Bất ngờ lo lắng và sợ hãi.

● Đau ngực.

● Khó thở.

● Cảm giác bất thường như rơi vào tình trạng nguy hiểm.

● Nhịp tim nhanh

● Vã mồ hôi.

● Cơ thể run rẩy.

● Cảm giác mệt mỏi hoặc chóng mặt.

● Đau bụng hoặc buồn nôn.

3. Sự khác biệt giữa Nhồi Máu Cơ Tim và Cơn Hoảng Loạn là gì?

Dấu hiệu của cả hai tình trạng này có thể gần giống nhau, tuy nhiên có những điểm khác biệt quan trọng:

3.1 Vị trí điểm đau

Cả hoảng loạn và đau tim đều gây khó chịu ở ngực, nhưng nếu đó là nhồi máu cơ tim, cơn đau sẽ lan sang các khu vực khác như cánh tay, hàm hoặc cổ. Nếu đó là một cơn hoảng loạn, cơn đau thường chỉ giới hạn ở ngay ngực mà không có hướng lan.

Cơn đau tim có cảm giác như:

● Bóp nghẹt ở ngực

● Cảm giác như có một vật rất nặng đè trên ngực bạn

● Cảm giác nóng rát, ợ chua, lầm tường với đau bao tử

Các cơn hoảng loạn thường gây ra:

● Đau nhói ngay tại ngực mà không có hướng lan.

● Tim đập nhanh hoặc khó chịu ở ngực một cách mơ hồ.

Cả hai tình trạng đều có vị trí đau ngực tương đối giống nhau
Cả hai tình trạng đều có vị trí đau ngực tương đối giống nhau

3.2 Các yếu tố kích thích xảy ra

Nhồi máu cơ tim có xu hướng xảy ra sau khi căng thẳng về thể chất hoặc gắng sức - một dấu hiệu không có trong các cơn hoảng loạn. Một cơn đau tim có thể xảy ra sau khi bạn vận động mạnh hoặc đi bộ lên một đoạn cầu thang dài. Ngược lại, bạn sẽ không lên cơn hoảng loạn sau khi tập thể dục trừ khi có chuyện bực mình gây căng thẳng về mặt cảm xúc đi kèm với nó.

Nếu cơn đau ngực xảy ra vào ban đêm thì sao? Nhồi máu cơ tim và cơn hoảng loạn đều làm cho bạn thức giấc Tuy nhiên, có một điểm khác biệt cơ bản những người mắc chứng hoảng loạn vào ban đêm, họ cũng sẽ có cùng cảm giác đó vào ban ngày.

Vì vậy, nếu bạn bỗng dưng thức giấc vì đau ngực hoặc khó thở và chưa từng có những cơn hoảng loạn trước đây, đó có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim .

3.3 Thời gian cơn đau kéo dài

Triệu chứng hoảng loạn có thể kéo dài vài phút đến một giờ, sau đó biến mất, và bạn sẽ cảm thấy khỏe hơn. Tuy nhiên, cơn đau tim sẽ không ngừng lại ở đó. Triệu chứng đau tim có thể kéo dài hoặc xuất hiện trong từng đợt, trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Đau ngực trong cơn đau tim có thể đạt mức độ rất cao, ở mức 9 hoặc 10 trên thang đau - một công cụ dùng để đánh giá mức độ đau. Sau đó, nó có thể giảm xuống mức 3 hoặc 4 trước khi trở nên tồi tệ hơn. Mặc dù triệu chứng có thể biến đổi, nhưng chúng sẽ không bao giờ hoàn toàn biến mất.

Thời gian đau ngực do nhồi máu cơ tim thường rất dài và không suy giảm
Thời gian đau ngực do nhồi máu cơ tim thường rất dài và không suy giảm

4. Kiểm soát cơn đau ngực và phân biệt các loại cơn đau

Trong nhiều trường hợp, cơn hoảng loạn gây ra nhịp tim nhanh - nhịp tim có thể tăng lên tới 200 nhịp mỗi phút hoặc thậm chí nhanh hơn.

Nhịp tim nhanh có thể khiến bạn cảm thấy choáng váng và khó thở. Thông thường, nhịp tim nhanh xảy ra do căng thẳng cảm xúc và chỉ kéo dài vài phút là không có hại. Nhưng nếu điều đó xảy ra thường xuyên hoặc bạn có các triệu chứng của cơn đau tim, hãy tìm kiếm các bác sĩ để kiểm tra chi tiết hơn.

Một cơn hoảng loạn có thể gây ra đau tim, nhưng điều này không phải lúc nào cũng xảy ra. Yếu tố căng thẳng cảm xúc giữ một vai trò quan trọng trong cả hai tình trạng. Cả cơn hoảng loạn và cơn đau tim đều có thể xảy ra trong hoặc sau những tình huống căng thẳng. Tuy nhiên, phần lớn người ta thường bị hoảng loạn là do do căng thẳng cảm xúc hơn là ở những người chẳng may bị nhồi máu cơ tim.

Dấu hiệu nhồi máu cơ tim cần có sự can thiệp y tế ngay lập tức
Dấu hiệu nhồi máu cơ tim cần có sự can thiệp y tế ngay lập tức

Dấu hiệu của nhồi máu cơ tim là một tình huống y tế cấp cứu, trong khi một cơn hoảng loạn thường không đòi hỏi sự can thiệp y tế ngay lập tức. Tuy nhiên, với sự trùng lặp của các triệu chứng, đôi khi chúng ta có thể gặp khó khăn trong việc phân biệt chúng. Do đó, nếu bạn chẳng may bị đau ngực hoặc bất kỳ triệu chứng đau tim nào, hoặc nếu bạn không chắc rằng đó là một cơn đau tim hay một cơn hoảng loạn, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

38 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan