Bài viết được viết bởi ThS.BS Vũ Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Nội tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Cholesterol là một thành phần thiết yếu của màng tế bào và được cơ thể sử dụng để sản xuất vitamin D và các hormone như estrogen. Nó cũng được sử dụng để sản xuất các chất hỗ trợ tiêu hóa. Còn Triglyceride là một nguồn năng lượng chính của cơ thể.
1. Lipid: Những gì bạn nên biết
Cholesterol và triglyceride (chất béo trung tính) là hai loại phân tử chất béo chính - hay còn gọi là lipid - trong cơ thể. Không có chúng, cơ thể không thể hoạt động.
Cơ thể có hai nguồn chính cung cấp cholesterol và chất béo trung tính là từ: gan và chế độ ăn uống. Cholesterol chỉ được tìm thấy trong các sản phẩm động vật (thịt, sữa, pho mát, bơ và kem). Đối với một số người, ăn quá nhiều thực phẩm giàu cholesterol sẽ làm tăng lượng cholesterol trong máu. Ở người bình thường, khỏe mạnh, gan sản xuất tất cả cholesterol mà cơ thể cần, vì vậy bạn thực sự không cần bổ sung cholesterol từ chế độ ăn uống của mình.
Mức chất béo trung tính có thể tăng cao vì một số lý do: dư thừa đường, rượu, chất béo hoặc calo hoặc bệnh tiểu đường không kiểm soát. Ngoài ra, một số bệnh lý và thuốc men, hoặc cấu tạo di truyền, có thể làm tăng mức chất béo trung tính.
Cholesterol và triglyceride di chuyển khắp cơ thể qua đường máu, nhưng chỉ với sự trợ giúp của lipoprotein - LDL và HDL - đưa các phân tử chất béo này đến các điểm đến khác nhau. LDLc, hay lipoprotein tỷ trọng thấp, được gọi là cholesterol xấu vì nó có thể xuyên qua thành động mạch và gây tích tụ cholesterol, gây xơ vữa mạch máu ở đó. Và từ đây các bệnh động mạch vành, mạch não, loại xơ vữa động mạch phổ biến nhất, bắt đầu và tiến triển.
HDLc, hoặc lipoprotein tỷ trọng cao, loại bỏ cholesterol khỏi máu và đưa nó trở lại gan để loại bỏ khỏi cơ thể. HDL cũng có thể giúp loại bỏ cholesterol mà LDLc để lại bám sau thành động mạch. Đó là lý do tại sao nó được gọi là cholesterol tốt.
Vì vậy, nói chung, mức lipid tối ưu được đặc trưng bởi mức LDLc thấp và mức HDLc cao.
2. Có cần phải giảm chỉ số cholesterol máu?
Tăng cholesterol thực sự là bệnh lý quan trọng. Chúng ta thường hỏi phải giảm bao nhiêu để bảo vệ mình khỏi bệnh tim mạch? Các nghiên cứu cho thấy cứ giảm một phần trăm lượng cholesterol, nguy cơ phát triển bệnh tim mạch trong tương lai sẽ giảm đi hai phần trăm.
Quá trình hình thành mảng xơ vữa động mạch do tăng cholesterol máu
3. Giảm cholesterol có dễ dàng không?
Mặc dù giảm cholesterol là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Một nghiên cứu dài hạn trên các bệnh nhân tăng cholesterol đã cho thấy những cải thiện đáng kể trong việc quản lý LDLc - ngay cả ở lần tái khám thứ hai - cho cả bệnh nhân dùng statin và những người không dung nạp statin.
Bên cạnh tăng lipid máu, chẳng hạn như cholesterol LDL cao, tăng triglyceride, rối loạn cholesterol HDL thấp, các yếu tố nguy cơ tim mạch có thể thay đổi khác, cũng cần được kiểm soát, quan tâm đặc biệt như: huyết áp cao, homocysteine, cũng như lối sống ít vận động, béo phì và tiểu đường và hút thuốc lá.
4. Làm thế nào để bắt đầu kiểm soát cholesterol máu?
Nếu chúng ta chưa từng xét nghiệm kiểm tra cholesterol máu, nên đi kiểm tra theo khuyến cáo của bác sĩ. Các chuyên gia khuyên nên kiểm tra cholesterol khi 20 tuổi, và sau đó 5 năm một lần. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch cao, bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra hàng năm.
Xét nghiệm máu này được thực hiện sau khi nhịn ăn từ 9 đến 12 giờ và cung cấp thông tin về tổng lượng cholesterol, cholesterol LDLc (cholesterol xấu), HDLc (cholesterol tốt) và triglyceride (một loại chất béo trung tính).
Các chỉ số mục tiêu phải là:
Cholesterol toàn phần (thước đo HDL, LDL và các lipoprotein khác) | Dưới 200 mg / dL |
Chất béo trung tính (Triglyceride) | Dưới 150 mg / dL |
LDL (lipoprotein mật độ thấp) | Dưới 130 mg / dL |
Dưới 100 mg / dL đối với những người bị bệnh tim hoặc mạch máu và những người bị tiểu đường | |
HDL (lipoprotein mật độ cao) | Lớn hơn 55 mg / dL (nữ) |
Lớn hơn 45 mg / dL (nam giới) |
5. Làm giảm chỉ số cholesterol bằng cách nào?
5.1 Chế độ ăn
Một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim từ hướng dẫn của Ủy ban điều trị người lớn về rối loạn lipid máu (ATP III), được gọi là chế độ ăn TLC (điều trị thay đổi lối sống) có thể giúp giảm cholesterol của bạn. Đây là một kế hoạch ăn uống ít chất béo bão hòa, ít cholesterol, đòi hỏi ít hơn 7% calo từ chất béo bão hòa và ít hơn 200 mg cholesterol trong chế độ ăn mỗi ngày, (hạn chế ăn lòng đỏ trứng, mỡ động vật, và thịt, phủ tạng như tim, gan, thận, não...).
Chế độ ăn kiêng TLC khuyến nghị chỉ đủ calo để duy trì cân nặng mong muốn và tránh tăng cân. Nếu LDL của bạn không đủ hạ thấp bằng cách giảm lượng chất béo bão hòa và cholesterol, bạn có thể tăng lượng chất xơ hòa tan (như: yến mạch, cam, đậu, trái cây tươi, rau quả...) trong chế độ ăn uống của mình.
Bạn cũng có thể bổ sung một số sản phẩm thực phẩm có chứa stanol thực vật hoặc sterol thực vật (chẳng hạn như bơ thực vật, loại giảm cholesterol, ít béo) để tăng cường khả năng giảm LDL trong chế độ ăn uống của mình.
5.2 Tập thể dục
Mục tiêu 30 phút hoạt động thể chất mỗi ngày và ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Nó có thể giúp tăng HDL và giảm LDL và đặc biệt quan trọng đối với những người có chất béo trung tính cao và / hoặc mức HDL thấp, những người thừa cân với số đo vòng eo lớn (hơn 102 cm đối với nam giới và hơn 88cm đối với phụ nữ). Hoạt động nên ở cường độ vừa phải, như chạy, đi bộ nhanh, bơi lội hoặc khiêu vũ.
5.3 Giảm cân
Giảm cân nếu bạn thừa cân, có thể giúp giảm LDL và đặc biệt quan trọng đối với những người có nhóm bệnh nhân có tăng chất béo trung tính và / hoặc mức HDL thấp, thừa cân với số đo vòng eo lớn.
Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ có vòng eo hơn 88cm và đàn ông hơn 102 cm có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Hơn nữa, tỷ lệ giữa số đo vòng eo so với số đo vòng mông là một trong những yếu tố dự đoán mạnh nhất về khả năng bị cơn đau tim.
6. Nếu chỉ số cholesterol vẫn không xuống đủ thấp
Nếu không thể giảm cholesterol đủ thông qua thay đổi lối sống, bác sĩ có thể khuyên nên bắt đầu điều trị bằng thuốc. (Bạn vẫn cần tiếp tục thay đổi lối sống để giữ liều lượng thuốc càng thấp càng tốt và giảm nguy cơ mắc bệnh theo những cách khác).
Một số loại thuốc đã được chứng minh có thể làm giảm chỉ số cholesterol máu và biến cố tim mạch, bao gồm: statin, chất cô lập axit mật, axit nicotinic, axit fibric và chất ức chế hấp thu cholesterol. Bác sĩ có thể giúp quyết định loại thuốc nào tốt nhất cho bạn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.