Bài viết được viết bởi ThS.BS Cao Thanh Tâm - Bác sĩ Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Các chất điện giải là những chất có thể hòa tan trong dịch cơ thể, tạo ra các ion mang điện tích âm và dương. Các khoáng chất này có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể vì chúng giúp thực hiện các chức năng thần kinh, cơ bắp, giúp giữ cân bằng lượng dịch trong cơ thể, huyết áp và pH máu.
1. Vai trò của chất điện giải trong cơ thể con người
Bình thường khi cơ thể khỏe mạnh, không có rối loạn về bệnh lý, thì phía trong và ngoài màng tế bào luôn luôn có sự cân bằng về điện tích. Nhưng chỉ cần có những rối loạn nhỏ của các bệnh lý, đặc biệt là bệnh lý tim mạch - chuyển hóa, stress hay sau khi phẫu thuật...thì sự cân bằng này sẽ bị phá vỡ làm cho nồng độ các ion tự do trong máu như Ca++, K+, Na+, Cl-, Mg++... có thể tăng hay giảm đột ngột.
Natri là cation chính của dịch ngoại bào, đóng vai trò cơ bản trong duy trì sự phân bố nước và áp lực thẩm thấu ở các mô của cơ thể. Natri có nhiều trong muối ăn. Việc cân bằng Natri trong khẩu phần ăn là điều cực kỳ quan trọng để giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Nồng độ Natri trong máu bình thường là 135-145 mmol/l.
Kali là cation chính của dịch nội bào, có chức năng duy trì sự đáp ứng với kích thích của tế bào thần kinh cơ. Kali trong cơ thể đóng một vai trò rất quan trọng, đặc biệt là với hệ tim mạch, nồng độ Kali có sự liên quan mật thiết đến tính hưng phấn của cơ tim, sự dẫn truyền, nhịp tim.
Kali có nhiều trong các thực phẩm như chuối, khoai lang, củ cải, ....
Kali có nồng độ bình thường trong máu là 3,5 – 5 mmol/l.
Canxi có vai trò quan trọng trong nhiều chức năng sinh học của cơ thể, đặc biệt là chức năng đông máu.
Rối loạn điện giải thường gặp ở những người có chế độ ăn uống mất cân bằng (ăn quá nhạt, ăn quá mặn, lạm dụng các loại nước giải khát, nước tăng lực,...) và ở những người đang trong tình trạng đau ốm hay mắc các bệnh lý toàn thân. Trong đó, có thể kể đến sự rối loạn hai khoáng chất quan trọng nhất trong nhóm các chất điện giải là Natri và Kali.
2. Điện giải và chức năng tim
Các chất điện giải kali, natri, magie và canxi đóng một vai trò rất quan trọng trong các chức năng của cơ tim và mô cơ tim.Sự di chuyển của các ion này qua màng tế bào cơ tim sẽ gây ra điện áp qua màng để vượt quá ngưỡng và phát ra một điện thế hoạt động, dẫn đến sự co cơ. Các điện giải mang điện tích và được duy trì với nồng độ sinh lý chặt chẽ thông qua những cơ chế khác nhau để duy trì chức năng tim thích hợp.
Mất cân bằng điện giải: Sự mất cân bằng của các chất điện giải này có thể có những ảnh hưởng bất lợi đến tim, gây ra hoặc góp phần gây ra những rối loạn nhịp tim và đột tử do tim.
Sự mất cân bằng kali là nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim liên quan đến điện giải thường gặp nhất. Kali đóng một vai trò quan trọng trong sự dẫn truyền thần kinh. Mức kali thấp có thể gây loạn nhịp tương đối ổn định, trong khi mức kali cao có thể nhanh chóng dẫn đến các rối loạn nhịp tim gây chết người. Sự mất cân bằng natri, magie và canxi cũng đặt trái tim vào nguy cơ rối loạn nhịp tim.
3. Triệu chứng của rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim có thể khiến cho hoạt động bơm máu của tim trở nên kém hiệu quả và gây ra các triệu chứng:
- Hồi hộp, trống ngực: Đây là biểu hiện thường gặp nhất của rối loạn nhịp tim. Bạn có thể có cảm giác “hẫng hụt”, hay cảm giác tim bị ngưng lại trong một vài giây và theo sau đó thường sẽ là một nhịp đập mạnh như “đánh trống” trong ngực. Đi kèm theo triệu chứng hồi hộp đánh trống ngực, bệnh nhân có thể có ngất hay choáng váng, xây xẩm. Đây thường là các dấu hiệu dẫn người bệnh đến với thầy thuốc.
- Cảm giác thấy nhịp tim đập nhanh hơn hoặc chậm hơn so với bình thường.
- Cảm giác mệt mỏi, khó thở: Tình trạng rối loạn nhịp tim kéo dài sẽ làm giảm hiệu suất bơm và hút máu của tim, khiến bạn có các biểu hiện khó thở và mệt mỏi.
- Đau ngực: Là một trong những dấu hiệu nguy hiểm của rối loạn nhịp tim, đặc biệt khi xuất hiện trên nền các bệnh lý tim mạch sẵn có như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim...
4. Chẩn đoán rối loạn điện giải
Xét nghiệm máu có thể đo chính xác nồng độ của các chất điện giải trong máu. Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện kiểm tra sức khỏe tổng thể và chỉ định những xét nghiệm khác để xác định chẩn đoán.
5. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Khi xuất hiện triệu chứng trên bạn nên sớm đến gặp bác sĩ để phòng tránh những biến cố nguy hiểm cho sức khỏe. Trong một số các trường hợp, rối loạn nhịp tim có thể là vô hại, nhưng đa phần nó là biểu hiện của một tình trạng bệnh lý nặng, đe dọa đến cuộc sống của bạn dù bất cứ nguyên nhân gì, kể cả do rối loạn điện giải. Vì vậy, nếu cảm thấy bất kỳ sự khác thường nào của trái tim, tốt nhất bạn nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và phát hiện sớm những vấn đề về tim mạch. Đặc biệt là trong những trường hợp dưới đây:
- Tim đập nhanh hoặc chậm kèm theo cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, chóng mặt hoặc choáng ngất.
- Loạn nhịp tim kèm theo khó thở, đau ở ngực, cổ, vai, cánh tay hoặc ở lưng.
- Loạn nhịp tim xuất hiện khi bạn mới sử dụng một loại thuốc nào đó.
- Loạn nhịp xuất hiện đồng thời với các triệu chứng khác như sút cân, mệt mỏi kéo dài và đánh trống ngực kèm theo đau đầu và vã mồ hôi...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.