Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thị Hòa - Bác sĩ Nội tim mạch - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Siêu âm tim là phương pháp chẩn đoán hình ảnh quan trọng trong khám, kiểm tra, tầm soát và điều trị các bệnh về tim. Tùy theo nguyên lý hoạt động hoặc vị trí thực hiện trên cơ thể sẽ có phương pháp siêu âm tim khác nhau như: Siêu âm tim qua thành ngực, siêu âm qua thực quản, siêu âm tim thai...
1. Vì sao cần siêu âm tim?
Việc thực hiện siêu âm tim sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác và khách quan bệnh trạng của người được siêu âm. Khi sử dụng máy siêu âm tim, các bác sĩ có thể thực hiện việc siêu âm tim để quan sát hình ảnh tim của bệnh nhân. Sóng siêu âm từ máy siêu âm cho phép các bác sĩ nhìn thấy tim bệnh nhân đang đập và bơm máu như thế nào. Thông qua những hình ảnh này, bác sĩ có thể tìm ra nhiều điểm bất thường trong cơ tim và van tim.
Bên cạnh đó, việc siêu âm tim có ý nghĩa quan trọng, giúp bác sĩ kiểm tra các bất thường của tim bao gồm:
- Các vấn đề về van tim như hở van tim có thể được phát hiện vì kỹ thuật này giúp hình dung sự chuyển động của van tim của bạn.
- Đo vận tốc của dòng máu trong các khu vực khác nhau trong tim. Điều này rất hữu ích trong việc đo lưu lượng máu bị suy yếu trong các tình trạng như hẹp động mạch chủ.
- Siêu âm tim đánh giá bệnh tim bẩm sinh trong giai đoạn mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Siêu âm tim thường được sử dụng để đo phân suất tống máu thất trái để đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị tim khác nhau trong các tình trạng như suy tim.
- Nếu bạn bị rối loạn nhịp tim thì siêu âm có thể đánh giá chuyển động của tim, điều này có thể giúp xác định nguyên nhân chính xác và điều trị tốt nhất.
- Đánh giá hướng máu chảy qua tim; hoạt động bơm máu của tim; thay đổi dòng điện trong tim; xác định vị trí huyết khối hoặc khối u.
2. 6 phương pháp siêu âm tim thường dùng
Siêu âm tim qua thành ngực: Đây là loại siêu âm tim phổ biến nhất. Hình thức này không gây đau và không xâm lấn. Phương pháp Siêu âm tim qua thành ngực được tiến hành bằng cách bác sĩ sử dụng một thiết bị được gọi là đầu dò và đặt trên ngực trái- vị trí trái tim của bạn. Sau đó, bác sĩ sẽ bôi gel lên ngực giúp sóng âm truyền đi tốt hơn. Đầu dò sẽ dùng sóng siêu âm qua ngực và tạo ra hình ảnh trực tiếp của tim hiển thị trên màn hình máy tính kết nối.
Siêu âm tim qua thực quản: Nếu siêu âm tim không tạo ra hình ảnh rõ ràng, bác sĩ có thể đề nghị siêu âm tim qua thực quản. Với phương pháp siêu âm tim qua thực quản, bác sĩ sẽ sử dụng một đầu dò nhỏ hơn xuống cổ họng của bạn thông qua một ống thông mỏng. Ống này được dẫn qua thực quản của bạn và với đầu dò ghi lại sóng siêu âm và tái tạo hình ảnh trái tim chi tiết hơn lên màn hình máy tính.
Siêu âm tim thai: Siêu âm tim thai được sử dụng với các phụ nữ mang thai tuần 18 đến 22 của thai kỳ. Thiết bị siêu âm được đặt trên bụng của thai phụ để kiểm tra các vấn đề về tim ở thai nhi. siêu âm tim thai được coi là an toàn cho thai nhi vì nó không sử dụng phóng xạ, không giống như chụp X-quang.
Siêu âm Doppler: Phương pháp siêu âm Doppler giúp kiểm tra lưu lượng máu; đo áp lực động mạch phổi; lập bản đồ hướng và tốc độ của dòng máu trong tim; kiểm tra, phát hiện một số bệnh tim, mạch máu và đánh giá cung lượng tim.
Siêu âm tim ba chiều: Phương pháp siêu âm tim ba chiều hay còn gọi là siêu âm tim 3D giúp bác sĩ đánh giá chức năng van tim ở những người bị suy tim; các vấn đề về tim ở trẻ sơ sinh và trẻ em; tái dựng hình ảnh cấu trúc trong tim; đánh giá chức năng tim; đánh giá trước phẫu thuật can thiệp
Siêu âm tim gắng sức: Siêu âm tim gắng sức nghĩa là người bệnh phải tập thể dục (như chạy hoặc đi bộ trên máy. Sau đó, bác sĩ sẽ theo dõi nhịp tim, hoạt động xung điện của tim để xác định xem có bị các bệnh lý như: thiếu máu cục bộ cơ tim, suy tim, vấn đề về van tim.
3. Quy trình siêu âm tim
3.1. Trước khi thực hiện siêu âm tim
Nếu siêu âm tim gắng sức hay siêu âm tim qua thực quản thì bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh không ăn trong vài giờ và trong khi thực hiện siêu âm tim gắng sức, người bệnh phải chạy hoặc đi trên máy chạy bộ nên hãy mang giày thoải mái.
Đối với các phương pháp siêu âm tim còn lại, người bệnh không cần chuẩn bị gì và có thể sinh hoạt, ăn uống như bình thường.
3.2. Quy trình thực hiện siêu âm tim
Các phương pháp siêu âm tim thông thường diễn ra ít hơn một giờ đồng hồ, tuy nhiên thời gian có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh.
- Bước 1: Người bệnh sẽ nằm trên giường để siêu âm, bác sĩ sẽ đính các miếng dán (điện cực) vào cơ thể để giúp phát hiện và theo dõi các dòng điện của tim.
- Bước 2: Bác sĩ sẽ bôi một loại gel đặc biệt trên ngực của người bệnh để tăng khả năng dẫn truyền sóng âm thanh và loại bỏ không khí giữa da và bộ chuyển đổi.
- Bước 3: Bác sĩ sẽ di chuyển đầu dò qua lại trên ngực và sóng âm thanh tạo ra hình ảnh của tim được ghi lại trên một màn hình quan sát. Người bệnh Bạn có thể nghe thấy tiếng máu chảy trong tim được máy siêu âm ghi lại. Nếu thực hiện siêu âm tim qua thực quản thì bạn sẽ được gây tê với một vòi phun nước hoặc gel giúp cho đầu dò đưa vào thực quản dễ dàng hơn.
- Bước 4: Trong khi siêu âm qua ngực, người bệnh có thể được yêu cầu hít thở theo một cách nhất định hoặc nằm nghiêng qua bên trái.
3.3. Sau khi thực hiện siêu âm tim
Thông thường, người bệnh có thể tiếp tục các hoạt động bình thường hàng ngày ngay sau khi siêu âm tim.
Nếu kết quả siêu âm tim là bình thường, người bệnh không cần làm thêm các xét nghiệm khác. Nếu kết quả đáng lo ngại, bạn có thể được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa tim để kiểm tra thêm.
Điều trị tùy thuộc vào những gì bác sĩ tìm thấy qua khám thực thể, các dấu hiệu và triệu chứng cụ thể. Người bệnh có thể cần siêu âm tim lại trong vài tháng hoặc các xét nghiệm chẩn đoán khác như chụp cắt lớp vi tính tim mạch hoặc chụp mạch vành.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.