Viêm xung huyết hang vị dạ dày là một vấn đề phổ biến trong hệ tiêu hóa, xảy ra do nhiều nguyên nhân như chế độ ăn uống, trải qua căng thẳnghoặc vệ sinh kém dẫn đến nhiễm khuẩn vi khuẩn Helicobacter pylori,... Tuy nhiên, khi được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh không gây ra các nguy hiểm đáng lo ngại.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Huy Bình - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Tìm hiểu về hang vị dạ dày
Hang vị dạ dày nằm ở phần gần cuối của dạ dày, giữa thân và môn vị. Dạ dày gồm 5 phần chính, bao gồm: tâm vị, phình vị, thân vị, hang vị và môn vị.
Đây được coi là một vị trí quan trọng bên trong dạ dày, là nơi nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Do đó, các trường hợp bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày đang có xu hướng gia tăng.
2. Bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì?
Viêm xung huyết hang vị dạ dày là tình trạng viêm niêm mạc vùng hang vị dạ dày, dẫn đến tình trạng giãn nở và chảy máu của các mạch máu ở vùng niêm mạc, từ đó trở nên đỏ hơn so với các vùng khác.
Niêm mạc dạ dày là một lớp màng mỏng có nhiệm vụ bảo vệ thành dạ dày khỏi các nguyên nhân gây hại và axit. Khi bị kích thích hoặc tổn thương, lớp niêm mạc có thể bị viêm.
Viêm xung huyết hang vị dạ dày có nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất là do nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (HP). Khi đó, vi khuẩn HP xâm nhập vào dạ dày sẽ cư trú và gây tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm và xuất hiện các triệu chứng bệnh.
Viêm xung huyết dạ dày có thể điều trị đơn giản thông qua việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu không chăm sóc sức khỏe tổng thể lẫn tiêu hóa, bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần.
Bên cạnh đó, nếu viêm xung huyết dạ dày tái phát hoặc kéo dài mà không được điều trị, bệnh cũng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như loét, xuất huyết, thậm chí là thủng hoặc ung thư. Vì vậy, người bệnh cần chú ý đến sức khỏe tiêu hóa và hạn chế bệnh tái phát để ngăn ngừa các biến chứng tiềm ẩn.
3. Nguyên nhân dẫn đến viêm xung huyết hang vị dạ dày
- Bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày thường do vi khuẩn HP gây ra.
- Dùng kéo dài các loại thuốc chống viêm như corticoid (ví dụ: prednisolon, dexamethason) hoặc các thuốc nhóm NSAID như aspirin, mobic cũng là nguyên nhân.
- Căng thẳng lâu dài có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh thực vật, gây rối loạn chức năng cân bằng yếu tố tấn công và bảo vệ trong dạ dày, dẫn đến viêm.
- Ăn uống không đều, bỏ bữa, ăn quá no hoặc để bụng quá đói cũng làm tăng nguy cơ viêm.
- Thường xuyên sử dụng các chất kích thích niêm mạc dạ dày như rượu, bia, cà phê, thuốc lá và gia vị cay nóng, cùng với tình trạng mất ngủ thường xuyên, cũng góp phần gây bệnh.
- Một số ít trường hợp bệnh xuất phát từ các nguyên nhân tự miễn.
4. Triệu chứng xung huyết hang vị dạ dày
20% bệnh nhân viêm xung huyết dạ dày có biểu hiện triệu chứng rất mờ nhạt, không rõ ràng tùy vào mức độ viêm. Các trường hợp khác thường có biểu hiện như:
- Đau, rát vùng thượng vị (trên rốn) có thể đau âm ỉ hay thành cơn, đau tăng về đêm khi thay đổi thời tiết, đau khi ăn no.
- Đau có thể lan lên ngực, vai và sau lưng.
- Đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua
- Có thể có cảm giác buồn nôn.
Nếu triệu chứng được liệt kê trên kéo dài trong thời gian dài, người bệnh nên đến bệnh viện để được kiểm tra và chẩn đoán sớm bởi bác sĩ chuyên môn. Viêm loét dạ dày nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
5. Cách chẩn đoán bệnh
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ thường sử dụng phương pháp nội soi dạ dày. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chẩn đoán phù hợp tùy thuộc vào nhu cầu và triệu chứng của từng bệnh nhân.
Dưới đây là một số phương pháp chẩn đoán viêm xung huyết dạ dày:
- Nội soi dạ dày: Giúp xác định chính xác vị trí và mức độ tổn thương ở hang vị.
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra sự hiện diện của kháng thể chống lại khuẩn Hp trong máu bệnh nhân.
- Test hơi thở: Đây là phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu tương tự như nội soi.
6. Viêm xung huyết hang vị dạ dày có nguy hiểm không?
Bệnh không đáng lo ngại nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau, không thoải mái, gây ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống.
Nếu nặng hơn, bệnh còn có thể gây ra các vấn đề như loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa hoặc thủng dạ dày. Đặc biệt, viêm dạ dày do vi khuẩn H. pylori có thể tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Do đó, người bệnh cần chủ động đi khám khi có dấu hiệu bất thường và tuân thủ chế độ điều trị đúng cách. Đối với trường hợp mắc bệnh do nhiễm khuẩn HP, bệnh nhân cần được điều trị kịp thời bằng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Người bệnh cũng nên duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh để hỗ trợ quá trình điều trị và phục hồi.
7. Phương pháp điều trị viêm xung huyết dạ dày
7.1 Sử dụng thuốc điều trị bệnh
Đối với những người mắc bệnh do vi khuẩn HP, phương pháp sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh luôn được bác sĩ ưu tiên. Phác đồ điều trị thường kéo dài trong 14 ngày và kết hợp ít nhất 2 loại kháng sinh uống cùng thuốc ức chế axit dạ dày. Các loại kháng sinh thường được sử dụng bao gồm:
- Amoxicillin
- Tetracycline
- Metronidazole
- Tinidazole
- Fluoroquinolone
- Bismuth
Ngoài ra, để giảm tác động của axit và tăng cường bảo vệ niêm mạc hang vị dạ dày, người bệnh thường sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc như:
- Thuốc ức chế thụ thể histamin H2
- Thuốc ức chế bơm proton
- Thuốc trung hòa axit dịch vị
7.2 Thay đổi thói quen ăn uống cho người bệnh
Bác sĩ khuyến khích người bệnh nên thay đổi thói quen ăn uống và tạo một lối sống lành mạnh để hỗ trợ quá trình điều trị viêm xung huyết hang vị dạ dày.
Mặc dù không phải là phương pháp điều trị trực tiếp nhưng thói quen ăn uống và lối sống lành mạnh có thể giúp người bệnh cải thiện sức khỏe tiêu hóa, đồng thời giảm thời gian hồi phục, hạn chế khả năng tái phát bệnh.
Rau củ có màu sẫm là lựa chọn ưu tiên cho người mắc bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh nên hạn chế uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích, điều này giúp duy trì chức năng hang vị ở mức ổn định.
8. Phòng ngừa bệnh viêm xung huyết dạ dày như thế nào?
- Người bệnh nên tuân thủ hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ khi sử dụng các loại thuốc chống viêm, tránh việc tự ý sử dụng kéo dài.
- Đối với chế độ ăn uống, người bệnh cần ăn chậm và nhai kỹ, tránh ăn quá nhanh hoặc khi xem TV.
- Hạn chế thức ăn có chất béo và gia vị chua cay, không sử dụng đồ uống gây kích thích như rượu, bia, cà phê, chè, nước có gas.
- Người bệnh không nên vận động ngay sau khi ăn và không nên ăn quá no.
- Người bệnh có thể thực hiện các bài tập như dưỡng sinh, yoga để giảm căng thẳng và lo âu.
- Khi phát hiện có dấu hiệu bệnh, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị ngay, không nên để bệnh kéo dài.
- Mặc dù viêm xung huyết dạ dày không phải là bệnh nguy hiểm, nhưng khi được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể tránh được các biến chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
9. Viêm xung huyết hang vị dạ dày ăn gì và kiêng ăn gì?
Để hỗ trợ quá trình phục hồi, người bệnh cần bổ sung nhiều nước, vitamin và các chất dinh dưỡng cần thiết để cải thiện chức năng của hang vị.
Thêm vào đó, thực đơn cho người bị viêm hang xung huyết vị dạ dày cần tập trung vào những loại thực phẩm có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn HP.
Các loại thực phẩm có thể hỗ trợ trong quá trình phục hồi bao gồm:
- Rau củ chứa nhiều flavonoid như táo, trà xanh và gừng.
- Thực phẩm giàu lợi khuẩn như sữa chua.
- Rau xanh đậm màu.
- Thực phẩm chứa nhiều vitamin A và C như khoai lang, ổi, cam,...
Ngoài ra, người bệnh nên hạn chế những loại thực phẩm có thể kích thích niêm mạc và tăng acid trong dạ dày. Các loại thực phẩm này bao gồm:
- Rượu bia hoặc đồ uống có cồn.
- Thực phẩm cay, nóng.
- Thực phẩm giàu dầu mỡ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.