Thoát vị bẹn (Hernia): Những câu hỏi hay gặp

Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Hùng Cường, Bác sĩ ngoại Tiêu hóa, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Thoát vị bẹn là tình trạng các tạng đi ra khỏi vị trí thông thường của nó qua các điểm yếu tự nhiên của cơ thể. Thoát vị có thể là bệnh lý bẩm sinh (sinh ra đã có) hoặc mắc phải (gặp phải trong suốt phần đời của mình). Các điểm yếu tự nhiên thường nằm ở vị trí vùng bẹn, đường trắng giữa bụng, vùng rốn nên tương tự ta có các thoát vị bẹn, thoát vị đường trắng giữa, thoát vị rốn.

1. Dấu hiệu của thoát vị bẹn là gì?

Đây là những dấu hiệu mà người bệnh có thể tự cảm nhận được, thuật ngữ chuyên ngành vẫn gọi là triệu chứng cơ năng.

  • Thấy đau tức kèm theo có khối phồng vùng bẹn, ban đầu khối chỉ xuất hiện khi có các hoạt động làm tăng áp lực ổ bụng như: ho, rặn khi đi ngoài, chạy nhảy,... Về sau khối xuất hiện thường xuyên hơn, ngay cả khi đứng, đi lại.
  • Khi nằm nghỉ khối có thể ấn xẹp đi hoặc biến mất do lúc đó các tạng quay ngược trở về ổ bụng, không còn nằm ở vùng bẹn nữa.
  • Ở trẻ nhỏ có thể quấy khóc, bứt rứt khó chịu, đối với trẻ lớn hoặc khi tắm cho trẻ sẽ thấy khối phồng vùng bìu, bẹn ở trẻ nam hoặc vùng gần âm môi của trẻ gái, khối xuất hiện khi trẻ khóc, chạy nhảy, khi nằm nghỉ không còn thấy xuất hiện nữa.

Thoát vị bẹn ở trẻ gái- khối phồng kín đáo vùng môi lớn bên phải
Thoát vị bẹn ở trẻ gái- khối phồng kín đáo vùng môi lớn bên phải

2. Thăm khám chẩn đoán thực thể

Là hành động thăm khám của bác sĩ được ghi nhận lại:

  • Nhìn: Thấy khối phồng nằm ở vùng bẹn, có thể thay đổi kích thước khi làm nghiệm pháp gắng sức: ho, rặn. Đôi khi bác sĩ sẽ bảo bạn nhảy tại chỗ khoảng 10 lần để khối thoát vị sa xuống rõ hơn.
  • Sờ: Bác sĩ sẽ đeo găng tay để thăm khám khối thoát vị để xem tính chất mật độ khối thoát vị như thế nào, có căng hay không. Bác sĩ sẽ dùng ngón tay đẩy dọc theo đường đi của ống bẹn để cảm nhận đường kính của lỗ thoát vị, khi đó bạn sẽ cảm thấy căng tức khó chịu vùng bẹn và tinh hoàn cùng bên.

Thoát vị bẹn 2 bên
Thoát vị bẹn 2 bên

Trong quá trình thăm khám bác sĩ sẽ sử dụng một số biện pháp để đánh giá bản chất khối thoát vị là trực tiếp hay gián tiếp.

  • Soi đèn pin: Ở một số trẻ nhỏ, có thể soi đèn pin trong phòng tối để xem bản chất bên trong khối phồng đó là dịch hay là tổ chức khác như ruột hay mỡ mạc nối trong ổ bụng tụt xuống bao thoát vị. Hãy tưởng tượng như khi chúng ta soi quả trứng bằng đèn pin, công việc đó không gây đau đớn gì cho bạn. Ngày nay những thao tác đó thường hay được bỏ qua mà thay bằng siêu âm vùng bẹn bìu.

Soi đèn pin trong thăm khám bệnh lý vùng bẹn bìu ở trẻ nhỏ
Soi đèn pin trong thăm khám bệnh lý vùng bẹn bìu ở trẻ nhỏ

  • Siêu âm

Siêu âm là thăm khám cận lâm sàng không xâm lấn cho phép chẩn đoán được bệnh lý thoát vị bẹn. bằng cách đưa đầu dò siêu âm vào vùng bẹn có thể thấy hình ảnh khối thoát vị được mô tả chi tiết như: đường kính cổ túi, tính chất dịch ở trong túi, nội dung thành phần bên trong túi là gì, mỡ mạc nối hay quai ruột.

  • Chẩn đoán

Để chẩn đoán xác định thoát vị bẹn cần có thăm khám lâm sàng và siêu âm ổ bụng, đây là hai thành phần không thể thiếu để đưa ra kết luận bạn có bị thoát vị bẹn không.

Trong một số trường hợp, hai thăm khám trên không đủ kết luận, các bác sĩ có thể chỉ định thêm chụp cắt lớp vi tính ổ bụng để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác.

3. Phân biệt thoát vị bẹn với các bệnh lý khác

  • Nang thừng tinh: là một cấu trúc túi kín, trong chứa dịch nằm ngay cạnh thừng tinh ở vùng bìu bẹn, siêu âm giúp chẩn đoán xác định bệnh lý này.
  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Sờ cảm giác khối phồng mềm như nhung, kích thước thay đổi không đáng kể ngay cả khi tăng áp lực ổ bụng (chạy nhảy, ho, rặn). Siêu âm Doppler mạch đánh giá dòng chảy và làm nghiệm pháp Valsalva để xác định tình trạng tĩnh mạch thừng tinh.
  • Tràn dịch màng tinh hoàn: Khối thường xuất hiện vùng thấp của bìu, da bìu căng nhưng không sưng, sờ không nóng đỏ. Soi đèn pin và siêu âm để xác định chẩn đoán phân biệt.

Soi đèn tinh hoàn thấy ánh sáng xuyên qua vùng bìu
Soi đèn tinh hoàn thấy ánh sáng xuyên qua vùng bìu

Một tình trạng cấp cứu khác cần phân biệt giữa xoắn tinh hoàn và thoát vị bẹn nghẹt, đó là:

  • Trước đó thường chưa từng thấy khối sa xuống vùng bìu.
  • Tinh hoàn bên bị xoắn đau hơn, vị trí tinh hoàn bên bị xoắn thường cao hơn bên đối diện.
  • Da bìu bên bị xoắn nề đỏ.
  • Làm nghiệm pháp Prehn: nâng tinh hoàn bên tổn thương lên thì thấy đau hơn bên còn lại (nghiệm pháp Prehn dương tính).
  • Siêu âm Doppler đánh giá mạch máu thừng tinh giúp chẩn đoán xác định.

Hình ảnh bệnh nhân bị thoát vị bẹn khổng lồ
Hình ảnh bệnh nhân bị thoát vị bẹn khổng lồ

4. Tiến triển đối với thoát vị bẹn

Khi gặp tình trạng trên cần đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay để có biện pháp xử lý kịp thời, phòng tránh các biến chứng có thể gặp phải do thoát vị bẹn gây ra.

  • Tiến triển: Nếu không được điều trị kịp thời, khối thoát vị ngày càng to ra, thành bụng ngày càng yếu, khả năng sửa chữa, phục hồi điểm yếu của thành bụng ngày càng khó, nguy cơ tái phát sau mổ sẽ cao hơn.
  • Nghẹt: Đây là một biến chứng nặng của thoát vị bẹn do thành phần trong ổ bụng (ruột, mỡ mạc nối) chui qua cổ túi thoát vị mà không trở về được trong ổ bụng. Mạch máu nuôi dưỡng bị cản trở làm cho tổ chức thiếu máu, nhanh chóng hoại tử, thối ruột, viêm phúc mạc.

Tình trạng nghẹt được thể hiện: Khối thoát vị vùng bẹn căng cứng, không thể ấn xẹp, không đẩy trở lại ổ bụng được, khối không thay đổi kích thước ngay cả khi nằm nghỉ.

5. Điều trị thoát vị bẹn

Việc điều trị thoát vị bẹn tùy thuộc vào điều kiện y tế của mỗi khu vực địa phương, nhưng trên nguyên tắc phẫu thuật để giải quyết bệnh triệt để, phòng ngừa biến chứng hoặc các bất tiện mà bệnh lý này đem lại.

Với trẻ em

  • Trẻ dưới 1 tuổi: Nên theo dõi cho đến khi trẻ đủ 1 tuổi, nếu lỗ thoát vị không tự đóng lại được thì sẽ phẫu thuật. Trong thời gian theo dõi, nếu có biến chứng nghẹt thì phải đến cơ sở y tế ngay để phẫu thuật kịp thời.
  • Một câu hỏi hay gặp là có nên băng treo bìu hay băng ép vùng bẹn không: câu trả lời là Không. Lý do là việc băng ép đó kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự trưởng thành cũng như chức năng tinh hoàn của trẻ về sau.
  • Khi trẻ lớn hơn 1 tuổi mà không thấy lỗ thoát vị tự đóng lại được, khối thoát vị vẫn tồn tại, vấn đề phẫu thuật cần đặt ra với điều kiện cơ sở y tế có phẫu thuật viên chuyên ngành nhi hoặc có kinh nghiệm phẫu thuật thoát vị bẹn ở trẻ em.
  • Việc phẫu thuật thoát vị bẹn ở trẻ em chỉ cần khâu đóng túi thoát vị là đủ, vì khuyết hổng thành bụng không lớn, nên việc phục hồi thành bụng là không cần thiết. Tuy nhiên, việc đánh giá khuyết hổng thành bụng này để quyết định có phục hồi điểm yếu thành bụng hay không phụ thuộc vào phẫu thuật viên thăm khám.

5.1 Phẫu thuật mở

Một đường rạch nhỏ vùng gốc bìu để tiếp cận túi thoát vị, cổ túi được thắt lại để không cho các tạng trong ổ bụng sa xuống nữa.

5.2 Phẫu thuật nội soi

Ổ bụng được bơm hơi căng lên, dưới quan sát của camera bác sĩ phẫu thuật có thể nhìn thấy lỗ thoát vị, cổ túi thoát vị được khâu buộc lại.

Tùy thuộc vào trình độ phẫu thuật viên mà kỹ thuật mổ nội soi được thực hiện bởi 1 lỗ rạch ở ổ bụng hoặc 3 lỗ rạch.


Hình ảnh lỗ thoát vị nhìn qua camera nội soi ổ bụng có thành phần là mỡ mạc nối
Hình ảnh lỗ thoát vị nhìn qua camera nội soi ổ bụng có thành phần là mỡ mạc nối

Ưu điểm của phẫu thuật nội soi là đường mổ nhỏ, trẻ ít đau, đặc biệt có thể quan sát được có hay không có lỗ thoát vị tiềm tàng ở bên đối diện (đôi khi có tồn tại lỗ thoát vị mà chưa biểu hiện ra bên ngoài, không thể phát hiện được bằng các thăm khám lâm sàng cũng như bằng siêu âm), phẫu thuật viên có thể chủ động đóng túi thoát vị cả 2 bên trong 1 lần mổ.

Với người lớn trưởng thành

Treo băng bìu chỉ nên áp dụng đối với các trường hợp:

  • Người bệnh già yếu hoặc có các bệnh lý kèm theo mà không đủ điều kiện phẫu thuật
  • Điều kiện cơ sở y tế không có khả năng thực hiện phẫu thuật
  • Chờ đợi để sắp xếp kế hoạch phẫu thuật phù hợp (về thời gian)

Đai hỗ trợ thoát vị bẹn 2 bên và 1 bên (phải)
Đai hỗ trợ thoát vị bẹn 2 bên và 1 bên (phải)

Phẫu thuật thoát vị bẹn ở người lớn dù tiếp cận bằng cách nào (mổ mở hay mổ nội soi) đều phải đảm bảo hai mục đích:

  • Thứ nhất: Khâu thắt cổ túi thoát vị
  • Thứ hai: Phục hồi thành bụng bẹn

Có nhiều cách để phân chia phẫu thuật trong điều trị thoát vị bẹn, đối với chuyên ngành ngoại khoa, thường phân chia:

  • Phẫu thuật căng – Phục hồi thành bụng bẹn bằng các tổ chức cân cơ tự thân, tiêu biểu của các kỹ thuật này đó là phẫu thuật của các tác giả Bassini, Shouldice, Marcy, Desarda, McVay. Điểm yếu thành bụng sẽ được phục hồi bằng cách khâu khép các cân cơ xung quanh, do đó tạo sự căng kéo.
  • Phẫu thuật không căng – Các điểm yếu của thành bẹn được phục hồi bằng lưới- đây là vật liệu nhân tạo được đặt vào vị trí lỗ thoát vị để cho các tạng trong ổ bụng không có cơ hội chui ra ngoài.

Tuy nhiên, thuật ngữ căng hay không căng đôi khi gây khó hiểu đối với người bệnh, nên chúng ta có thể tiếp cận theo cách khác dễ hình dung hơn: Phẫu thuật nội soiphẫu thuật mổ mở trong điều trị thoát vị bẹn.

  • Phẫu thuật mở (Mổ hở)

Một đường rạch chéo vùng bẹn giúp phẫu thuật viên tiếp cận túi thoát vị, cổ túi được đóng kín lại sau đó thành bụng được phục hồi theo 2 cách:

  • Dùng vật liệu tự thân là các cân cơ để phục hồi thành bụng (phương pháp Basini, MacVay, Shouldice...).

Điểm yếu thành bụng được phục hồi bằng cách khâu cân cơ nhiều lớp – phương pháp Shouldice
Điểm yếu thành bụng được phục hồi bằng cách khâu cân cơ nhiều lớp – phương pháp Shouldice

Ưu điểm của phương pháp này là không phải sử dụng vật liệu nhân tạo nên không gặp phải nguy cơ nhiễm khuẩn, phản ứng đào thải vật liệu nhân tạo đem lại. Tuy nhiên các phương pháp này làm cho tổ chức vùng bẹn căng tức, khó chịu, sẹo mổ lớn nên không có tính thẩm mỹ.

  • Dùng vật liệu nhân tạo (phương pháp Lichtenstein)

Điểm yếu thành bụng sẽ được phục hồi bằng cách đặt tấm lưới nhân tạo. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là giảm thiểu nguy cơ căng kéo vùng thành bụng bẹn- đây là cảm giác rất khó chịu có thể gặp phải sau phẫu thuật, tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là nguy cơ nhiễm khuẩn hoặc đào thải của lưới nhân tạo, vì bản chất đây là dị vật được đưa vào cơ thể.

  • Phẫu thuật nội soi

Thay vì tấm lưới nhân tạo được đặt từ phía ngoài, tấm lưới được đặt từ phía trong ổ bụng. Có 2 kỹ thuật đặt tấm lưới bằng phẫu thuật nội soi

Phẫu thuật đặt lưới từ phía trong thành bụng có đi xuyên qua phúc mạc – Chúng ta vẫn thường thấy tên là phẫu thuật TAPP, được viết tắt của từ transabdominal preperitoneal và phẫu thuật đặt tấm lưới từ phía trong thành bụng nhưng không đi qua phúc mạc- chúng ta vẫn thường nghe tên là phẫu thuật TEP- Total extra peritoneal.

Về cơ bản hai phẫu thuật này đều tiếp cận điểm yếu của cân cơ thành bụng từ phía trong, lỗ thoát vị được “đậy” một tấm lưới lên đó, theo thời gian tấm lưới đó sẽ dai và chắc như việc chúng ta đổ bê tông vậy.

Sự khác biệt giữa 2 kỹ thuật này chính là việc có làm thủng phúc mạc hay không. Như chúng ta đã biết, phúc mạc hay còn gọi là màng bụng- đây là 1 màng mỏng chứa đựng các tạng trong ổ bụng và lót phía trong các cân cơ thành bụng. phúc mạc luôn luôn trơn láng giúp cho ruột và các tạng trong ổ bụng trượt lên một cách dễ dàng.

Với kỹ thuật nội soi xuyên qua màng bụng (kỹ thuật TAPP), phúc mạc được rạch thủng lật lên, tấm lưới đặt vào đúng vị trí lỗ thoát vị, sau đó phúc mạc lại được hạ xuống và khâu kín như ban đầu. Đối với kỹ thuật TEP thì tấm lưới đặt ngoài màng bụng hoàn toàn.

Mô tả phẫu thuật nội soi phẫu thuật đặt lưới trong ổ bụng xuyên qua phúc mạc- Kỹ thuật TAPP.

Người bệnh được nằm ngửa, một vài đường rạch nhỏ được thực hiện (số đường rạch thường là 1 đến tùy thuộc vào thói quen và trình độ bác sĩ phẫu thuật).


Phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn
Phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn

Ở bụng được bơm hơi căng lên, dưới quan sát của camera, bác sĩ sẽ thấy được lỗ thoát vị.


Lỗ thoát vị phần mũi tên màu đỏ, nơi ruột và các tạng trong ổ bụng có thể chui xuống
Lỗ thoát vị phần mũi tên màu đỏ, nơi ruột và các tạng trong ổ bụng có thể chui xuống

Phúc mạc – màng bụng mỏng xung quanh lỗ thoát vị được bóc ra
Phúc mạc – màng bụng mỏng xung quanh lỗ thoát vị được bóc ra

Tấm lưới nhân tạo được đặt vào che kín lỗ thoát vị
Tấm lưới nhân tạo được đặt vào che kín lỗ thoát vị

Đối với các tấm lưới phẳng, để tránh tình trạng di lệch, bác sĩ phẫu thuật có thể khâu, dùng ghim kim loại để cố định chặt lưới vào thành bụng. Ngày nay các nhà sản xuất đã chế tạo ra tấm lưới 3D, có cấu trúc không gian vừa khít với vị trí lỗ thoát vị, do đó sử dụng lưới này có thể rút ngắn thời gian phẫu thuật và những nguy cơ mà ghim cố định kim loại gây ra trong và sau mổ.


Tấm lưới nhân tạo phẳng và tấm lưới nhân tạo 3D
Tấm lưới nhân tạo phẳng và tấm lưới nhân tạo 3D

Sau đó màng phúc mạc được khâu kín lại để tránh tình trạng tấm lưới rơi trở lại vào trong ổ bụng và đảm bảo tính trơn trượt vốn có của màng này đối với các tạng trong ổ bụng.


Màng phúc mạc được khâu kín lại
Màng phúc mạc được khâu kín lại

Sau đó màng phúc mạc được khâu kín lại để tránh tình trạng tấm lưới rơi trở lại vào trong ổ bụng và đảm bảo tính trơn trượt vốn có của màng này đối với các tạng trong ổ bụng

6. Nên chọn phẫu thuật nào để điều trị bệnh lý thoát vị bẹn ở người lớn?

Để điều trị thoát vị bẹn ở người lớn, phẫu thuật nội soi đặt lưới là ưu tiên bởi các lý do sau:

  • Sau mổ người bệnh không có (hoặc rất ít) cảm giác căng tức, đau ở vùng bụng bẹn.
  • Hồi phục sau mổ sớm, thời gian nằm viện ngắn
  • Khả năng tái phát thấp
  • Có thể thực hiện được ngay cả khi đã có tiền sử phẫu thuật thoát vị bẹn (mổ mở) hoặc các phẫu thuật ổ bụng trước đó.
  • Ít gây sang chấn, tổn thương các cơ quan xung quanh
  • Tính thẩm mỹ cao

Những ai có thể thực hiện được phẫu thuật nội soi?

Nếu bạn bị thoát vị bẹn hoàn toàn có thể thực hiện được phẫu thuật nội soi, ngoại trừ:

  • Mắc các bệnh lý tim mạch, hô hấp nặng
  • Đã từng phẫu thuật trong ổ bụng quá nhiều lần

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec quy tụ đội ngũ bác sĩ , tay nghề chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm, tâm huyết với nghề đặc biệt thành thạo từng bước phẫu thuật phức tạp của phương pháp mổ nội soi điều trị thoát vị bẹn.

Hệ thống Y tế Vinmec được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, tiên tiến, các phương tiện kỹ thuật đạt chuẩn quốc tế, ngoài ra luôn đảm bảo sự giám sát chặt chẽ của các nhà quản lý y tế, sẽ giúp ca mổ nội soi điều trị thoát vị bẹn trẻ em được diễn ra thuận lợi và đảm bảo an toàn.

Hơn nữa trong lĩnh vực phẫu thuật mổ, Vinmec sở hữu trình độ gây tê, gây mê và giảm đau sau mổ rất tốt, hữu ích cho các đối tượng tham gia mổ như trẻ em.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe