Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ. BSCK II Phan Thị Minh Hương - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Sỏi túi mật là bệnh lý phát hiện tình cờ khi đi siêu âm bụng hoặc khi đau quặn bụng bên phải từng cơn phải nhập viện. Dù trong tình huống nào, chẩn đoán cũng khiến bệnh nhân hoang mang, lo lắng. Vì vậy, những hiểu biết về bệnh lý này là cần thiết để có cách phòng ngừa hay điều trị kịp thời, hạn chế đưa đến biến chứng nguy hiểm.
1. Sỏi túi mật là gì?
Túi mật là một thành phần của hệ thống dẫn mật bên ngoài gan. Nhiệm vụ chủ yếu của túi mật là nơi dự trữ và cô đặc dịch mật trước khi bài tiết vào ruột non, tham gia trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Chính vì thế, túi mật cũng là nơi rất dễ hình thành sỏi, gây nên bệnh lý sỏi túi mật.
Tùy vào kích thước, số lượng sỏi và vị trí của chúng, bệnh nhân sẽ có những bệnh cảnh khác nhau. Tuy nhiên, một khi đã có cơ địa tạo lập sỏi, người bệnh có thể vừa có sỏi mật trên hệ thống đường mật nói chung, vừa có sỏi túi mật nói riêng, thậm chí vừa có sỏi trong lòng túi mật, vừa có sỏi kẹt cổ túi mật, ống túi mật.
Trên đối tượng nữ giới, tuổi trung niên, nhất là có thể trạng mập phì, sinh nhiều con, sỏi túi mật là bệnh lý khá phổ biến. Đôi khi bệnh chỉ phát hiện tình cờ trên siêu âm bụng nhưng cũng có khi gây đau bụng dữ dội do bị kẹt lại ở chỗ hẹp, dễ nguy hiểm tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời.
2. Sỏi túi mật hình thành thế nào?
Dịch mật là sản phẩm của nhiều chất được chuyển hóa và sản xuất bởi nhu mô gan. Theo đó, có nhiều nguyên nhân gây nên sỏi mật mà nổi bật là sự mất cân bằng giữa các thành phần của dịch mật. Tuy nhiên, sỏi túi mật được phân thành 3 loại chính dựa theo thành phần chủ yếu của sỏi, bao gồm: sỏi cholesterol, sỏi sắc tố và sỏi hỗn hợp. Trong đó, sỏi sắc tố lại gồm 2 loại là sỏi đen và sỏi nâu. Mỗi loại sỏi có cơ chế hình thành khác nhau.
2.1. Sỏi cholesterol
Cholesterol là thành phần không tan được trong nước. Để có thể hòa tan được, cholesterol kết hợp thêm với muối mật và lecithin. Chính vì vậy, khi có sự mất cân bằng về nồng độ giữa ba thành phần này, nồng độ cholesterol sẽ cao hơn hẳn nên dễ kết tinh tạo thành tinh thể cholesterol và sau đó là hình thành sỏi cholesterol.
Sự mất thăng bằng thường gặp nhất là do nồng độ cholesterol tăng cao. Đây là hệ quả của chế độ ăn quá nhiều cholesterol, bệnh lý gan thiếu các men, không chuyển hóa được lipid nên gây ứ đọng, do rối loạn lipid máu hay các yếu tố nguy cơ của rối loạn lipid máu nói chung. Vì thế, sỏi túi mật cholesterol gặp nhiều ở các nước phát triển, các nước phương Tây khi chế độ ăn giàu mỡ béo. Ở Việt Nam hay các nước Á châu, tỷ lệ loại sỏi này ít hơn.
Trong trường hợp số lượng cholesterol bình thường, số lượng muối mật và lecithin bị giảm sút do tăng hấp thu hoặc do viêm nhiễm đường mật, không kết hợp được toàn bộ cholesterol gây ứ đọng lại cũng tạo thành sỏi.
2.2. Sỏi sắc tố đen
Dịch mật bình thường có màu vàng là do thành phần bilirubin. Khi đường mật bị nhiễm trùng, bilirubin chuyển từ dạng hòa tan thành dạng không hòa tan trong nước. Bên cạnh đó, khi có sự tiết quá mức của bilirubin vào mật ở các bệnh nhân bị tán huyết hoặc hoặc tình trạng xơ gan làm giảm khả năng kết hợp tạo bilirubin dạng hòa tan, lượng bilirubin không hòa tan tăng cao, kết hợp với các tinh thể canxi và phosphat sẽ tạo thành sỏi.
Ngoài ra, khả năng hòa tan của canxi trong mật cũng giảm, lớp biểu mô túi mật tăng tạo acid mật và từ đó tăng lượng canxi carbonat. Chức năng lớp biểu mô túi mật giảm sẽ làm túi mật giảm co bóp càng tăng cao nguy cơ kết tủa tạo sỏi.
2.3. Sỏi sắc tố nâu
Cơ chế hình thành sỏi nâu dựa trên sự tắc nghẽn đường mật kết hợp với sự có mặt của vi khuẩn thường là E.coli, Enterococcus, ký sinh trùng như giun đũa hay sán lá gan tạo ra men chuyển hóa bilirubin từ dạng kết hợp thành dạng tự do, kết hợp cùng với calcium trong túi mật tạo thành canxi bilirubinat kết tủa thành sỏi nâu.
Đây là loại sỏi thường gặp nhiều ở các nước châu Á cũng như Việt Nam.
2.4. Sỏi hỗn hợp
Sỏi hỗn hợp không đặc trưng thành phần nào cấu tạo nên sỏi mà có cơ chế hình thành do các nguyên nhân làm ứ trệ lưu thông dịch mật, lắng đọng và tạo sỏi, cụ thể là các đối tượng có lối sống ít hoạt động, ngồi nhiều,...
Mặt khác, chế độ kiêng tuyệt đối chất béo khiến nhu cầu bài tiết dịch mật giảm thiểu, túi mật giảm vận động, ít co bóp để tống xuất dịch mật nên dễ tạo sỏi. Bên cạnh đó, các trường hợp dùng thuốc chống co thắt cơ trơn cũng làm ảnh hưởng trên túi mật, thúc đẩy hình thành sỏi...
3. Sỏi túi mật có nguy hiểm không?
Sỏi túi mật vốn dĩ hoàn toàn lành tính nếu bản thân nó không gây biểu hiện gì. Một số trường hợp lại gây ra biểu hiện với triệu chứng điển hình là cơn đau quặn mật. Cơn đau có tính chất lặp đi lặp lại, giống nhau về đặc điểm, vị trí, hướng lan và thời điểm, thời gian xảy ra cơn khiến người bệnh có “kinh nghiệm”. Đồng thời, người bệnh có thể có cảm giác buồn nôn và nôn, đầy bụng, khó tiêu, nhất là với thức ăn nhiều dầu mỡ.
Cơ chế của các cơn đau quặn mật là do túi mật co thắt để bài tiết mật vào mỗi bữa ăn; sau đó; túi mật giảm co bóp nên cơn đau sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên, nếu sỏi kẹt lại tại cổ túi mật hay rơi vào ống túi mật sẽ xảy ra biến chứng viêm túi mật cấp. Lúc này, chỉ định phẫu thuật cấp cứu cần phải nhanh chóng đặt ra; nếu trì hoãn dễ gây nhiễm trùng đường mật, sốc nhiễm trùng tiêu hóa và nhiễm khuẩn huyết, ảnh hưởng tính mạng.
Trong trường hợp sỏi túi mật rơi ra khỏi túi mật và kẹt vào đoạn cuối ống mật chủ sẽ làm tắc nghẽn cả ống tụy. Men tụy được sản xuất nhưng không bài tiết được sẽ gây viêm tụy cấp. Khi đó, người bệnh sẽ đau quặn bụng dữ dội và nôn ói, dễ tụt huyết áp, suy hô hấp, suy thận và nguy kịch trên nhiều cơ quan.
Một số ít sẽ dẫn đến ung thư túi mật do tình trạng kích thích viêm mạn tính. Nguy cơ tăng cao nếu có sỏi túi mật to, số lượng nhiều, sỏi kèm theo polyp túi mật, túi mật sứ. Bệnh cảnh thường diễn tiến âm thầm, triệu chứng nghèo nàn nên thường phát hiện ra ở giai đoạn quá muộn.
4. Cách điều trị sỏi túi mật như thế nào?
Ngày nay, khi siêu âm bụng đã trở nên quá phổ quát, sỏi túi mật được phát hiện khá sớm và không ít các trường hợp được can thiệp ngay từ khi chưa có triệu chứng gì. Tuy nhiên, chỉ định phù hợp nhất là chỉ can thiệp khi có triệu chứng hoặc trong các tình huống sỏi to, nhiều sỏi hay bệnh nhân có nguy cơ cao diễn tiến đến ung thư.
Để điều trị sỏi túi mật từ lúc chưa có triệu chứng có thể dùng các loại thuốc làm tan sỏi. Tuy nhiên, hiệu quả của các loại thuốc này chưa được thống nhất hoàn toàn. Song song đó, sỏi túi mật có thể lấy ra bằng các thủ thuật gắp sỏi qua nội soi tiêu hóa trên, qua đường hầm xuyên da hay tán sỏi ngoài cơ thể. Vì các phương pháp này chỉ can thiệp tối thiểu, vì vẫn còn để lại túi mật nên cũng không đảm bảo sỏi sẽ không hình thành tái phát trở lại.
Phương pháp loại trừ sỏi túi mật triệt để hiện nay là phẫu thuật cắt bỏ túi mật nội soi. Do mổ nội soi có nhiều ưu điểm rõ rệt hơn mổ hở nên có khuynh hướng được ưa chuộng hơn với đường mổ nhỏ, thẩm mỹ cao, bệnh nhân hồi phục nhanh, thời gian nằm viện ngắn. Sau đó, vì gan mới là cơ quan sản xuất ra mật nên việc cung cấp dịch mật cho nhu cầu tiêu hóa vẫn được bảo đảm mà không sợ thiếu hụt gì.
Mặc dù vậy, do không được lưu trữ trong túi mật mà lại bài tiết ra liên tục, dịch mật không còn được cô đặc nên khi ăn chất béo, bệnh nhân sẽ có cảm giác chậm tiêu, đầy bụng và tiêu phân mỡ. Đây là hiện tượng thường gặp và sẽ biến mất nếu bệnh nhân chỉ ăn chất đạm, đường bột và kiêng hoàn toàn chất béo. Chính vì vậy, sau phẫu thuật cắt túi mật, người bệnh nên hạn chế ăn nhiều chất béo, lòng đỏ trứng để giúp hệ tiêu hóa thích nghi lại từ từ.
Để giúp bảo vệ sức khỏe khách hàng một cách toàn diện, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã đưa vào triển khai các Gói Sàng lọc Gan mật với nhiều mức độ sàng lọc chuyên sâu khác nhau, tùy vào nhu cầu cụ thể của người bệnh, giúp khách hàng đánh giá chức năng gan, mật toàn diện, thực hiện các xét nghiệm giúp phát hiện sớm nhất các vấn đề về gan, mật, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra các tư vấn điều trị phù hợp.
Kết quả sàng lọc được đảm bảo độ chính xác cao nhất khi được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm; trang thiết bị công nghệ hiện đại, tiên tiến; chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, bài bản.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.