Sỏi túi mật: Chỉ cần mổ khi có biến chứng?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Sỏi túi mật là tinh thể rắn do các thành phần có trong dịch mật kết tinh thành. Nếu không điều trị sớm, sỏi túi mật sẽ tiếp tục phát triển về kích thước và số lượng. Khi đó sỏi túi mật sẽ trở thành nguồn gốc tình trạng bệnh lý khi chúng làm tắc ống túi mật, gây cản trở quá trình bài xuất dịch mật, từ đó có thể tác động ngược trở lại gây ảnh hưởng đến chức năng gan và tụy.

1. Thế nào là sỏi túi mật?

“Khởi nguồn” của sỏi túi mật là dịch mật - hợp chất do gan sản xuất giúp cơ thể tiêu hóa chất béo và nhiều loại vitamin. Dịch mật hỗ trợ quá trình tiêu hóa bằng cách phá vỡ chất béo, đồng thời cũng là dung môi để hòa tan các chất thải độc hại do gan thải ra.

Dịch mật do gan tiết ra và được vận chuyển đến túi mật, cơ quan thực hiện vai trò bảo quản và làm cô đọng mật. Khi cơ thể nhận biết có sự hiện diện chất béo trong thành phần thức ăn ở trong ống tiêu hóa sẽ khởi động phản ứng hormone, chỉ huy cho túi mật co bóp bài xuất dịch mật vào trong lòng ruột (tá tràng) tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn.

Sỏi túi mật là tinh thể rắn do các thành phần có trong dịch mật kết tinh thành. Nếu không điều trị sớm, sỏi túi mật sẽ tiếp tục phát triển về kích thước và số lượng. Khi đó sỏi túi mật sẽ trở thành nguồn gốc tình trạng bệnh lý khi chúng làm tắc ống túi mật, gây cản trở quá trình bài xuất dịch mật, từ đó có thể tác động ngược trở lại gây ảnh hưởng đến chức năng gan và tụy. Trong 1 số trường, sỏi túi mật còn là nguyên nhân trực tiếp gây nên 1 số bệnh khác như viêm túi mật, viêm tụy cấp ....

Sỏi túi mật ban đầu có thể bé như một hạt cát nhưng có thể phát triển đến to bằng hạt đậu, có trường hợp sỏi túi mật to bằng một quả bóng golf. Người bệnh có thể có một hoặc nhiều viên sỏi cùng một lúc. Ở phương Tây, đa số sỏi túi mật là có bản chất là tinh thể hình thành chủ yếu từ cholesterol muối mật và canxi. Còn ở Việt Nam đa số là sỏi sắc tố, có nguồn gốc (hạt nhân của sỏi) là trứng và/hoặc xác ký sinh trùng đường ruột. Nói chung yếu tố giun chui đường mật và nhiễm trùng đóng vai trò quan trọng trong cơ chế hình thành sỏi.

2. Những ai dễ mắc sỏi túi mật?


Đái tháo đường hoặc những bệnh khác hạn chế chức năng của túi mật làm gia tăng nguy cơ hình thành sỏi túi mật
Đái tháo đường hoặc những bệnh khác hạn chế chức năng của túi mật làm gia tăng nguy cơ hình thành sỏi túi mật

Sỏi túi mật thường gặp ở nữ giới hơn nam giới. Các yếu tố hormone sinh dục nữ như progesterone làm giảm vận động túi mật, dẫn đến làm chậm tốc độ giải phóng túi mật; còn estrogen làm tăng cholesterol và làm giảm acid mật hòa tan cholesterol dẫn đến làm gia tăng nồng độ cholesterol trong dịch mật.

Theo tuổi tác tăng dần, lượng hormon sinh dục nữ cũng giảm dần, do đó tỷ lệ mắc bệnh của phụ nữ giảm dần cùng tuổi tác. Trước 40 tuổi, tỷ lệ sỏi mật ở phụ nữ cao gần gấp ba lần nam giới; đặc biệt, nguy cơ mắc bệnh tăng rõ rệt khi mang thai. Sau tuổi 60 tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ tăng không đáng kể.

Liệu pháp hormon thay thế (estrogen) cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt trong trường hợp hormon được bổ sung bằng đường uống thay vì gián tiếp qua da (qua miếng dán). Viên ngừa thai cũng làm gia tăng nguy cơ xuất hiện sỏi túi mật, nhất là trong 10 năm đầu sử dụng.

Người béo phì cũng có nguy cơ bị sỏi túi mật cao hơn người có cân nặng bình thường do nguy cơ lắng đọng tinh thể cholesterol cao hơn, nhất là ở nữ giới (những mô trong cơ thể chứa mỡ nhiều hơn cũng sản xuất nhiều estrogen hơn). Tuy nhiên có 1 nghịch lý là những trường hợp sụt cân đột ngột do giảm béo hoặc do áp dụng thực đơn nghèo năng lượng làm ức chế cơ chế sản xuất mật lại khiến cho quá trình kết tủa cholesterol diễn ra nhanh hơn. Tình trạng xuất hiện sỏi túi mật sau những ca hút mỡ hoặc phẫu thuật làm nhỏ dạ dày nhằm hạn chế thèm ăn cũng thường xảy ra, nhiều bệnh nhân đã phải cắt bỏ túi mật ngay khi thực hiện những kỹ thuật trên.

Đái tháo đường hoặc những bệnh khác hạn chế chức năng của túi mật hoặc làm chậm nhu động ruột (Ví dụ tình trạng tổn thương tủy sống) làm gia tăng nguy cơ hình thành sỏi túi mật.

3. Dấu hiệu cảnh báo sỏi túi mật?

Sỏi túi mật có thể không có dấu hiệu hay triệu chứng. Tuy nhiên nếu sỏi di chuyển và mắc lại ở ống mật chủ, trở thành nguyên nhân gây tắc nghẽn thì khi đó sẽ xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng rất rầm rộ:

  • Cơn đau quặn gan hay còn gọi là cơn đau quặn mật có biểu hiện là đau dữ dội hoặc tức nặng ở vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải với hướng lan lên giữa hai vai hoặc vai phải, trong cơn đau bệnh nhân thường lăn lộn hoặc chổng mông để tìm tư thế giảm đau. Cơn đau thường khởi phát khá đột ngột, kéo dài từ 30 phút đến 5 giờ, sau đó dịu dần hoặc biến mất rất nhanh. Một đợt đau quặn mật như thế thường kéo theo cảm giác ê ẩm, căng tức vùng hạ sườn cả ngày hoặc hơn.
  • Buồn nôn, nôn mửa thường xảy ra trong cơn đau.
  • Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như sợ thức ăn nhiều dầu mỡ. Ngoài ta, người bệnh có thể kèm theo ợ chua, ợ hơi hoặc đầy bụng.
  • Các dấu hiệu, triệu chứng khi sỏi túi mật có biến chứng.
    • Nếu có sốt hoặc ớn lạnh trong cơn đau thì cần nghĩ đến các biến chứng của sỏi túi mật như viêm túi mật, viêm đường mật trong gan, viêm tụy cấp ...
    • Vàng da: khi sỏi túi mật gây tắc mật.
    • Bụng trướng kèm theo đau bụng liên tục kéo dài ? nghĩ nhiều đến biến chứng viêm tụy cấp.

Hiện tượng vàng da có thể gặp khi sỏi gây tắc mật
Hiện tượng vàng da có thể gặp khi sỏi gây tắc mật

4. Khi nào cần điều trị sỏi túi mật?

Đối với những trường hợp sỏi túi mật không có triệu chứng thì có thể không điều trị gì cả và người bệnh có thể chung sống hòa bình với bệnh. Trong thực tế sỏi túi mật dạng này thường được phát hiện ngẫu nhiên và người mang sỏi đó đã chung sống với sỏi nhiều năm không triệu chứng.

Tuy nhiên khi sỏi túi mật đã có triệu chứng, gây đau đớn thường xuyên, biến chứng viêm túi mật tái diễn nhiều lần hoặc có những biến chứng có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh (ví dụ Viêm tụy cấp) thì cần phải tiến hành phẫu thuật sớm, bất kể kích thước hay số lượng sỏi túi mật. Ngoài ra, trường hợp sỏi túi mật không có triệu chứng nhưng bệnh nhân có sỏi lớn hơn 25mm, túi mật có nhiều sỏi, sỏi túi mật đi kèm với polyp túi mật có kích thước lớn hơn 10mm hoặc có nguy cơ ung thư túi mật cũng cần phải phẫu thuật sớm (phẫu thuật cắt bỏ túi mật).

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có sỏi túi mật được khuyên là nên chủ động phẫu thuật sỏi túi mật trước khi mang thai vì nếu để có biến chứng viêm túi mật do sỏi vào thời kỳ mang thai thì việc điều trị sẽ trở nên rất phức tạp, đặc biệt nếu phải can thiệp phẫu thuật cắt túi mật ở giai đoạn này thì sẽ có rất nhiều nguy cơ với thai nhi ở bất kể giai đoạn nào của thai kỳ.

5. Các phương pháp điều trị sỏi túi mật?

Người bệnh có thể lựa chọn để điều trị sỏi túi mật như: Phẫu thuật (mổ mở hoặc nội soi); sử dụng các loại thuốc tan sỏi; tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng chấn động; làm tan sỏi và lấy sỏi qua da; lấy sỏi túi mật qua nội soi.

Phương pháp sử dụng thuốc làm tan sỏi:

  • Dùng thuốc uống là phương pháp điều trị nội khoa chủ yếu ở Việt Nam. Tuy nhiên phương pháp này có nhược điểm là thời gian điều trị kéo dài, có thể lên 12 tháng. Thời gian điều trị kéo dài làm giảm khả năng tuân thủ điều trị của người bệnh.
  • Hơn nữa thuốc chỉ có hiệu quả với người có sỏi Cholesterol trong khi các bệnh nhân bị sỏi túi mật ở nước ta lại chủ yếu là sỏi sắc tố mật nên hiệu quả của việc điều trị thuốc thường không cao.
  • Chủ yếu có tác dụng phòng ngừa sự tạo sỏi ở những đối tượng nguy cơ cao (Ví dụ: người cắt dạ dày để giảm béo)

Các phương pháp tán sỏi túi mật hoặc lấy sỏi túi mật qua nội soi tiêu hóa hiện chưa được áp dụng rộng rãi vì chọn lọc người bệnh khó khăn, liệu trình kéo dài và kỹ thuật phức tạp.

Các phương thức điều trị trên có chung 1 đặc điểm là để lại túi mật, tạo điều kiện thuận lợi cho sỏi túi mật tái phát trong tương lai tốn nhiều thời gian và chi phí cho điều trị mà hiệu quả không cao.

Phẫu thuật là cách điều trị được áp dụng nhiều nhất cho những người bệnh sỏi túi mật, nhất là khi đã có biến chứng. Hiện tại, trên thế giới, phẫu thuật cắt túi mật nội soi được xem như là phương pháp duy nhất được chọn trong điều trị ngoại khoa sỏi túi mật. Cắt túi mật bằng phẫu thuật nội soi để loại bỏ hoàn toàn toàn nguyên nhân gây bệnh. Chỉ có một số rất ít trường hợp bất khả kháng thì mổ mở hoặc chỉ lấy sỏi mà để lại túi mật.


Dùng thuốc uống là phương pháp điều trị nội khoa chủ yếu ở Việt Nam
Dùng thuốc uống là phương pháp điều trị nội khoa chủ yếu ở Việt Nam

6. Khi nào cần mổ sỏi túi mật?

Phương pháp điều trị này được chỉ định cho các trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng hoặc biến chứng. Người ta còn bàn cãi về chỉ định mổ cho trường hợp sỏi túi mật chưa gây triệu chứng, chưa gây tổn thương cho túi mật. Nếu chỉ định mổ thì phương pháp được chọn ở đa số các bác sĩ vẫn là cắt túi mật.

Sau mổ bệnh nhân vẫn ăn uống bình thường vì vẫn đầy đủ mật từ gan qua ống mật đi xuống ruột giúp tiêu hóa, sinh hoạt làm việc bình thường, “quan hệ vợ chồng” không bị ảnh hưởng, không làm giảm tuổi thọ, không cần dùng thuốc hỗ trợ tiêu hóa khác.

7. Phòng ngừa sỏi túi mật?

  • Thực hiện chế độ ăn hạn chế chất béo.
  • Ăn một chế độ ăn uống giàu chất xơ trong đó bao gồm các chất béo lành mạnh. Chọn một chế độ ăn uống đó đầy đủ nhiều loại trái cây và rau quả. Những thực phẩm giàu chất xơ giúp ngăn chặn quá trình tái hấp thu Cholesterol theo “chu trình gan – ruột” trong ruột non, có thể giúp ngăn ngừa sỏi mật bổ sung hình thành. Các chất béo lành mạnh bao gồm chất béo không bão hòa trong chế độ ăn. Thực phẩm chứa chất béo không bão hòa bao gồm cá và các loại hạt.
  • Hàng ngày cần ăn ba bữa cân bằng, không bỏ bữa. Bỏ ăn hoặc ăn chay có thể làm tăng nguy cơ sỏi mật.
  • Duy trì cân nặng không vượt quá chuẩn mực dành cho lứa tuổi. Nếu đang thừa cần, béo phì thì nên có biện pháp giảm cân.
  • Nếu cần phải giảm cân, hãy giảm từ từ. Nhanh chóng giảm cân có thể làm tăng nguy cơ sỏi mật. Mục tiêu là giảm 0,5 đến khoảng 1 kg một tuần.
  • Thường xuyên tập luyện thể thao (ví dụ: đi bộ, đạp xe ...) thời gian tối thiểu 30 phút hầu hết các ngày trong tuần.
  • Người bệnh có bệnh về máu cần được theo dõi phát hiện sỏi túi mật bằng siêu âm (do nguy cơ lắng đọng sắc tố mật).
  • Khi đã bị sỏi túi mật nên ăn giảm chất béo để giảm co thắt túi mật và làm chậm phát triển sỏi túi mật.

Để giúp bảo vệ sức khỏe khách hàng một cách toàn diện, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã đưa vào triển khai các Gói Sàng lọc Gan mật với nhiều mức độ sàng lọc chuyên sâu khác nhau, tùy vào nhu cầu cụ thể của người bệnh, giúp khách hàng đánh giá chức năng gan, mật toàn diện, thực hiện các xét nghiệm giúp phát hiện sớm nhất các vấn đề về gan, mật, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra các tư vấn điều trị phù hợp.

Kết quả sàng lọc được đảm bảo độ chính xác cao nhất khi được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm; trang thiết bị công nghệ hiện đại, tiên tiến; chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, bài bản.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Lân có kinh nghiệm và thế mạnh trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa, từng làm việc tại khoa Nội soi tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Gia Đình đến năm 2016. Hiện là Bác sĩ Nội soi tiêu hóa Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe